Singapore và giá trị của truyền thống

Chủ Nhật, 26/05/2024, 19:52

Tối 15/5, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành thủ tướng thứ tư của Singapore. Một ngày sau, trên bảng xếp hạng Chỉ số chính phủ hiệu quả của Viện Quản trị Chandler (CGGI), Singapore tiếp tục đứng đầu, năm thứ hai liên tiếp.

Liên tục và ổn định

Khép lại 20 năm cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cầm quyền, có thể nói, việc cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (51 tuổi) tiếp nhiệm, để trở thành người dẫn đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư trong lịch sử “đảo quốc Sư tử” là một bước ngoặt, một cột mốc đổi thay đúng nghĩa.

Trong diễn văn nhậm chức, ông cũng nhấn mạnh việc ông là thủ tướng đầu tiên của Singapore sinh ra sau khi đất nước độc lập, đồng thời khẳng định: Dù đội ngũ mới được định hình bởi những người sáng lập Singapore, "phong cách lãnh đạo của chúng tôi sẽ khác với các thế hệ trước". Tân Thủ tướng Singapore cho biết, ông và đội ngũ của mình sẽ "lãnh đạo theo cách riêng". "Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ táo bạo và vươn xa", ông nói và dẫn lại lời Tổng thống Tharman Shanmugaratnam: “Những năm tháng huy hoàng nhất của Singapore vẫn còn ở phía trước”.

Singapore và giá trị của truyền thống -0
Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Singapore đã hoàn tất một cách êm ả.

Dù vậy, trước mắt, phương châm mà nhà lãnh đạo mới đó lựa chọn cho chính phủ của mình vẫn là “tính liên tục và sự ổn định”, như những gì đã được công bố trong cuộc họp báo về cải tổ nội các, ngày 13/5. Theo đó, các vị trí then chốt trong Chính phủ Singapore vẫn được tin tưởng trao gửi cho những cái tên “lão thành trì trọng” trên chính trường.

Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong (65 tuổi) sẽ giữ thêm trọng trách phó thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền thủ tướng khi thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng. Theo đánh giá của tân thủ tướng, mặc dù không hoàn toàn thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư, nhưng kinh nghiệm của ông Gan Kim Yong về kinh tế quốc tế vẫn sẽ góp phần quan trọng vào khả năng định hướng cho Singapore, trong môi trường toàn cầu mỗi lúc một giàu tính cạnh tranh.

Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, cũng sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Thông báo của ông Lawrence Wong nêu rõ: Sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí bộ trưởng và ông vẫn giữ quyền kiêm nhiệm lãnh đạo Bộ Tài chính. Ông lý giải: Do các bộ trưởng đều đang thực hiện trọng trách được giao nên ông muốn giữ nguyên vị trí lãnh đạo các bộ cho đến đến hết nhiệm kỳ. Trong tương lai gần, những cải tổ mạnh mẽ hơn nữa sẽ chỉ xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến trước tháng 11/2025).

Không chỉ vậy, sau khi từ nhiệm theo quy trình, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn sẽ ở lại nội các với tư cách là Bộ trưởng cấp cao, như đã thông báo từ trước. Ông cũng sẽ vẫn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp.

Như thế, bất cứ ai cũng có thể thấy, lộ trình chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo của Singapore đã và đang được tiến hành theo cách cẩn trọng, ít gây xáo trộn nhất, nhằm tránh mọi tác động tiêu cực đến kết cấu kinh tế - xã hội. Cho dù, nhu cầu thay đổi để bắt kịp đà phát triển chóng mặt của thế giới hiện đại là vô cùng bức thiết.

Chân dung “Người được chọn”

Thực tế, việc ông Lawrence Wong trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore đã được hoạch định từ lâu và được đích thân cựu Thủ tướng Lý Hiển Long công bố từ ngày 5/11/2023, tại hội nghị thường niên của đảng cầm quyền tại Singapore - đảng Nhân dân Hành động (PAP). Trước đó nữa, khi ông Lawrence Wong được cất nhắc từ vị trí Bộ trưởng Tài chính lên Phó Thủ tướng, giới quan sát quốc tế đều hiểu: Đây chính là nhân vật được Thủ tướng Lý Hiển Long bồi dưỡng và lựa chọn, để trở thành người kế nhiệm cho mình, sau khi kỷ nguyên lãnh đạo dài tới 20 năm của ông khép lại.

Singapore và giá trị của truyền thống -0
Tân Thủ tướng Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của tính ổn định và sự liên tục.

Xuất thân từ một gia đình thuộc giới bình dân, sau khi du học tại Mỹ bằng học bổng của Chính phủ Singapore, ông Lawrence Wong về nước làm việc cho chính phủ từ năm 1997. Trên “đường hoạn lộ”, ông từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long.

Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Giáo dục và Quốc phòng. Ông tái đắc cử nghị sĩ quốc hội trong 2 kỳ tổng tuyển cử năm 2015, 2020 và từng đảm nhận những vị trí bộ trưởng khác nhau. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, ông được chọn làm đồng Chủ nhiệm Ủy ban ứng phó COVID-19 và ngày càng nhận được sự tín nhiệm rộng rãi của người dân Singapore. Vượt qua quãng thời gian đầy thách thức đó, ông Lawrence Wong được Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá là đã sẵn sàng để lãnh đạo Singapore.

Trong diễn văn nhậm chức, tân Thủ tướng Singapore vạch rõ hai mục tiêu mà chính phủ mới hướng tới. Thứ nhất, quyết định và triển khai các chính sách cần thiết và quan trọng, sau khi đã thăm dò ý kiến của các bộ phận khác nhau trong xã hội. Thứ hai, mở rộng tương tác với công chúng, “giống như một người hỗ trợ, một người lắng nghe, một nhà môi giới trung thực”, tức là tìm cách gắn kết các nhóm khác nhau, lắng nghe quan điểm của nhau và đi đến thỏa hiệp để Singapore tiến lên.

Ông Wong cũng thể hiện khát vọng đưa Singapore trở thành “một nơi có nhiều con đường dẫn đến thành công khác nhau, trong đó, người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội được đảm bảo những nhu cầu cơ bản”. Về đối ngoại, ông nhận định: Cuộc chuyển giao quyền lực ở Singapore diễn ra vào thời điểm thế giới đầy biến động khó lường. Do đó, “cách tiếp cận của Singapore là bám sát lợi ích quốc gia, để hành động một cách nhất quán và có nguyên tắc”.

Những thách thức đợi chờ

Cho đến hiện tại, sau lễ nhậm chức, mọi chuyện vẫn đang diễn ra xuôi chèo mát mái đối với tân Thủ tướng Singapore. Việc tiếp tục được đánh giá rất cao thông qua bảng xếp hạng Chỉ số chính phủ hiệu quả, từ một cơ quan nghiên cứu quốc tế uy tín như Viện Chandler, hiển nhiên, là sự cổ vũ rất tích cực và cần thiết. Nó củng cố thêm niềm tin, rằng cứ tiếp tục con đường đã được hoạch định, chính phủ mới của Singapore hoàn toàn có thể đứng vững, cũng như khuếch trương các thành tựu sẵn có.

Cần phải nhấn mạnh: Việc Singapore trở thành một trong “những con rồng kinh tế châu Á” vào thế kỷ trước, cũng như chuyện đất nước ấy vẫn đang phát huy vị thế trong thời điểm hiện tại, bắt nguồn từ nền tảng vững chắc được xây dựng bằng nền móng là tính ổn định chính trị gần như tuyệt đối, với vai trò lãnh đạo không thể phủ định của PAP, kể từ kỷ nguyên lãnh đạo của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Do đó, là một thành viên được nhận “truyền thừa” từ các giá trị cốt lõi của PAP, tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đang sở hữu một “vốn liếng chính trị” dày dạn.

Tuy nhiên, cũng không có con đường nào trải toàn cánh hoa hồng. Ngay trước lễ nhậm chức, như hãng tin Bloomberg dự đoán, nhà lãnh đạo mới của Singapore vẫn sẽ phải đối diện với một số thách thức, thậm chí là “những  thách thức chưa từng có tiền lệ, như: Phải ứng phó với một bối cảnh không ngừng biến động, cử tri đa dạng hơn và kỳ vọng lớn hơn về minh bạch và uy tín". Bloomberg dẫn lời ông Nydia Ngiow - Giám đốc Công ty tư vấn kinh doanh BowerGroupAsia ở Singapore: “Các động lực liên tục thay đổi có thể làm gián đoạn ngay cả những kế hoạch được chuyển bị kỹ lưỡng nhất".

Nhìn rộng hơn, bối cảnh địa chính trị có thể tác động mạnh mẽ đến quỹ đạo phát triển của bất cứ quốc gia nào, mà Singapore là một thí dụ. Đơn cử, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia mà Singapore đều có mức độ phụ thuộc cao - đang có chiều hướng gia tăng. Xung đột ở Trung Đông và ở Ukraine cũng đã gây ra những tác động bất lợi đối với nền kinh tế tập trung vào thương mại của Singapore, đồng thời làm gia tăng cảm giác bất an, trong một xã hội Singapore đa dạng về sắc tộc và tôn giáo.

Không chỉ vậy, ngay sau lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Singapore đã phải bắt tay vào xử lý các vấn đề thiết thực, như tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao - điều có thể làm suy yếu niềm tin của cử tri và sẽ ảnh hưởng đến vị thế quyền lực của PAP trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Trước tất cả những thách thức đó, cũng như những nhu cầu cách tân đã hình thành rõ rệt, rõ ràng, người đứng đầu chính phủ mới không thể mãi duy trì các phương thức hành động cũ. Song, đầu tiên, ông vẫn sẽ phải tựa vào chỗ dựa không gì thay thế được: Những giá trị truyền thống, trên chính trường Singapore.

Đông Phong
.
.