Sau "chính biến" tại Hàn Quốc
Ngày 4/4/2025, Tòa Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol, khép lại 4 tháng đầy biến động sau quyết định thiết quân luật ngắn ngủi nhưng gây chấn động mà ông ban hành đêm 3/12/2024. Với phán quyết nhất trí tuyệt đối của 8 thẩm phán, ông Yoon Suk-yeol trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị phế truất và là người có thời gian tại nhiệm ngắn nhất kể từ khi đất nước này chuyển sang chế độ dân chủ hiện đại.
Cuộc chuyển dịch chính trị
Tuyên bố thiết quân luật với cáo buộc về "các thế lực phản quốc" âm mưu lật đổ nhà nước của ông Yoon Suk-yeol vào thượng tuần tháng 12 năm ngoái đã gây sốc cho không chỉ người dân Hàn Quốc mà còn công chúng bên ngoài. Trong bài phát biểu ngay trong đêm, ông khẳng định nền dân chủ Hàn Quốc đang bị đe dọa bởi những phần tử phản động trong bộ máy nhà nước và cáo buộc trực tiếp các thành viên Quốc hội thuộc phe đối lập là "có âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến", song không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Ông triệu tập một phiên họp nội các khẩn cấp, được cho là diễn ra chỉ với một số thành viên thân cận, để thông qua sắc lệnh thiết quân luật, và sau đó, quân đội nhanh chóng được điều động bao vây tòa nhà Quốc hội, với mệnh lệnh "phá cửa, lôi các nghị sĩ ra ngoài" để ngăn cản việc bỏ phiếu phản đối.

Mọi chuyện kết thúc chóng vánh dưới áp lực từ cả cộng đồng quốc tế và sự phản đối của công chúng trong nước. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường trong đêm, trong khi một số nghị sĩ thuộc phe đối lập vượt rào vào tòa nhà Quốc hội để tiến hành phiên họp khẩn. Chỉ trong vòng 6 giờ sau khi tuyên bố thiết quân luật, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bác bỏ sắc lệnh này với số phiếu tuyệt đối.
Đến sáng 4/12, Tổng thống Yoon phải tuyên bố hủy bỏ thiết quân luật, viện dẫn lý do "đã đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia", song không đưa ra thêm giải thích nào. Đây được xem là một trong những lần thiết quân luật ngắn ngủi và hỗn loạn nhất, không chỉ tại Hàn Quốc, mà còn có thể là trong lịch sử các nền dân chủ phát triển. Hành động này đã kích hoạt chuỗi phản ứng dữ dội trong hệ thống chính trị và pháp lý của Hàn Quốc - từ kiến nghị luận tội, cho tới các cuộc điều tra hình sự dẫn đến việc ông Yoon Suk-yeol bị bắt giữ và sau đó là phán quyết phế truất đầy đủ hiệu lực pháp lý.
Sau khi bị Quốc hội đình chỉ chức vụ thông qua kiến nghị luận tội vào ngày 14/12/2024, ông Yoon Suk-yeol đối mặt với hàng loạt hệ lụy pháp lý. Ông từ chối trình diện cơ quan điều tra, bị cáo buộc chống lệnh triệu tập và âm mưu nổi loạn - một trong những tội danh nghiêm trọng nhất trong hệ thống pháp luật Hàn Quốc.
Ngày 15/1/2025, ông bị bắt tạm giam - trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị giam giữ. Dù được trả tự do vào ngày 8/3 do lỗi tố tụng của bên công tố, ông Yoon Suk-yeol vẫn phải đối diện với phiên tòa hình sự về tội phản loạn - một tội danh có thể dẫn đến tù chung thân hoặc thậm chí án tử hình, dù án tử hầu như không còn được thi hành tại Hàn Quốc. Trong phát ngôn thông qua luật sư sau phán quyết phế truất ngày 4/4/2025, ông Yoon Suk-yeol đã bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc" và "xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của người dân", đồng thời cho biết "vinh dự được phục vụ đất nước là điều lớn lao nhất" trong cuộc đời.
Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền cũng chính thức chấp nhận phán quyết, kèm lời xin lỗi công chúng. Tổng thống lâm thời Han Duck-soo nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 4/4 về cam kết bảo đảm không để xảy ra khoảng trống quyền lực, duy trì ổn định đối nội và đối ngoại, đảm bảo an ninh và trật tự cho người dân.
Đảng Dân chủ (DP) đối lập ca ngợi quyết định của tòa là chiến thắng cho nền pháp trị. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ và phản đối ông Yoon Suk-yeol tiếp tục xuống đường biểu tình, một diễn biến phản ánh mức độ phân cực sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc, có thể là những chia rẽ hệ tư tưởng kéo dài từ nhiều thập niên qua giữa hai khối cử tri bảo thủ và tiến bộ.
Theo quy định, Hàn Quốc buộc phải tổ chức bầu cử tổng thống bất thường trong vòng 60 ngày. Trong bối cảnh tranh cãi và rạn nứt đảng phái, danh sách các ứng viên tiềm năng đã bắt đầu lộ diện. Một số cái tên tiềm năng có thể kể đến như Lee Jae-myung, 61 tuổi, (lãnh đạo đảng DP), từng chỉ thua ông Yoon Suk-yeol với cách biệt sát sao trong cuộc bầu cử năm 2022 và đang dẫn đầu các khảo sát. Ông cũng chính là một trong những nhà lập pháp đã vội vã đến Quốc hội vào đêm 3/12/2024 khi tổng thống ban bố thiết quân luật. Dù bị cảnh sát và binh sĩ ngăn cản nhưng lãnh đạo DP vẫn vào được bên trong và nhanh chóng điều hành Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết đảo ngược lệnh thiết quân luật.
Ông Lee Jae-myung đã lãnh đạo DP giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri theo chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên, ông Lee Jae-myung đang vướng vào một số cáo buộc pháp lý từ hối lộ đến bê bối bất động sản.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp và cựu Chủ tịch PPP Han Dong-hoon cũng là ứng cử viên nổi bật nhờ lập trường phản đối thiết quân luật. Dù được lòng cử tri bảo thủ ôn hòa, ông lại bị xem là "kẻ phản bội" bởi một bộ phận cử tri trung thành với ông Yoon Suk-yeol.
Những cái tên từ cả hai phía bảo thủ và đối lập cũng đã bắt đầu vận động tranh cử là Oh Se-hoon, Kim Moon-soo, Hong Joon Pyo, Kim Dong-yeon. Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon gây chú ý với khẩu hiệu kinh tế "KOGA" lấy cảm hứng từ "Đưa nước Mỹ trước tiên trở lại" (MAGA) của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lo ngại về chiếc hộp Pandora
Hàn Quốc vốn là một nền dân chủ có sự vận động sôi nổi, nhưng cũng vì thế, dễ bị tổn thương trước các phong trào dân túy, nơi các chính trị gia có thể khai thác nỗi sợ hãi, sự bất mãn và cảm xúc của công chúng để làm suy yếu các thiết chế trung gian như tòa án, báo chí, hay Quốc hội. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol - từng là công tố viên và không có nền tảng chính trị truyền thống - chính là một sản phẩm tiêu biểu của làn sóng dân túy bảo thủ này. Ông thắng cử năm 2022 bằng khẩu hiệu "chống đặc quyền của tầng lớp tinh hoa", cam kết trừng trị tham nhũng và đẩy lùi các "thế lực ngầm". Tuy nhiên, đã không ít lần người ta cảnh báo rằng chính kiểu lãnh đạo "chống hệ thống" này, nếu thiếu kiểm soát, dễ trượt sang xu hướng "chống dân chủ" khi đối mặt với sự phản kháng thể chế.
Thực tế, cựu lãnh đạo Hàn Quốc từng nhiều lần công khai chỉ trích Quốc hội, phớt lờ các cơ chế giám sát, và đặc biệt trong vụ thiết quân luật, ông thậm chí đã hành động đơn phương mà không thông qua bất kỳ quy trình hiến định nào. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu rõ rệt của dân túy cực đoan, đặc biệt khi lãnh đạo tuyên bố mình là người duy nhất đại diện cho "ý chí nhân dân" và thậm chí qua mặt luật pháp.
Không phải đến khi quyết định phế truất được công bố và các cuộc biểu tình đối lập nổ ra, xã hội Hàn Quốc đã phân tách thành hai phía. Một thực tế không thể phủ nhận về xã hội và cử tri Hàn Quốc là sự trỗi dậy của xu hướng công chúng ngày càng hoài nghi mọi thiết chế chính trị và chỉ tin vào các cộng đồng "bong bóng" cùng quan điểm trên mạng xã hội. Điều này khiến đối thoại chính trị trở nên bất khả thi, trong khi các chính sách công dễ bị bóp méo bởi áp lực từ các phong trào đường phố và cả truyền thông phân cực. Nguy cơ chính là ở chỗ các chính sách dù hợp lý, hợp tình, cũng dễ có nguy cơ bị từ chối chỉ vì chúng đến từ "phe bên kia".

Khi cuộc khủng hoảng thiết quân luật nổ ra, một trong những lo ngại lớn nhất chính là việc quân đội Hàn Quốc nhận lệnh bao vây Quốc hội và can thiệp vào cơ quan bầu cử, dù thực tế không tiến hành g bạo lực. Tuy nhiên, chỉ riêng việc quân đội tuân lệnh điều động trong một quyết định có dấu hiệu vi hiến cũng đã đủ xói mòn phần nào niềm tin vào vai trò "phi chính trị" của lực lượng vũ trang. Ký ức về sự can dự của quân đội vào chính trị vẫn là một vết sẹo lịch sử chưa lành tại Hàn Quốc.
Tuyên bố thiết quân luật đầy bất ngờ của Tổng thống Yook Suk-yeol vào tối 3/12 đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật sau 45 năm và là lần thứ 17 kể từ khi chính phủ nước này được thành lập vào năm 1948. Lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của ông, dù không dẫn tới đảo chính, cũng đã khơi lại những lo ngại và hoài nghi nghiêm trọng.
Sóng gió trên chính trường Hàn Quốc rõ ràng gây ra nhiều lo ngại về tính ổn định, song đây cũng có thể là bài kiểm tra về mặt thể chế của nền dân chủ. Bình luận về những diễn biến mới tại quốc gia Đông Bắc Á, tờ New York Times cho rằng "vụ phế truất lần này là minh chứng cho thấy một nền dân chủ trưởng thành có thể tự điều chỉnh, ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa từ chính người đứng đầu".
Khủng hoảng là điều khó tránh, song cũng có thể là cơ hội để Hàn Quốc tái thiết lòng tin vào thiết chế công quyền. Lựa chọn thế nào, có lẽ đang nằm trong tay chính cử tri Hàn Quốc, những người sẽ bước vào các cuộc bỏ phiếu trong khoảng 2 tháng tới đây.