Sáng kiến Biển Đen: Quá quan trọng để có thể từ bỏ

Thứ Sáu, 11/11/2022, 09:13

Thỏa thuận về hành lang xuất khẩu ngũ cốc Ukraine - còn được biết tới với tên gọi Sáng kiến Biển Đen - từng được ca ngợi là bước tiến ngoại giao quan trọng nhất cho đến hiện tại, trong cuộc xung đột Ukraine. Nhưng, những khó khăn của việc thực hiện thỏa thuận trong thời gian qua cho thấy vấn đề giữa các bên vẫn không dễ dàng giải quyết khi thiếu đi điều quan trọng nhất: Niềm tin.

Một thỏa thuận "quan trọng"

Hơn 3 tháng trước, vào ngày 22/7/2022, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, ông Oleksandr Kubrakov cùng có mặt tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để ký vào những văn bản khác nhau dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhiều người vẫn chưa định hình được tầm quan trọng của những văn bản đó.

Thực tế, trong cuộc gặp gỡ tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm ấy, có 2 bản thỏa thuận riêng rẽ của đại diện nước Nga và Ukraine đã được ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc. Theo đó, Nga và Ukraine đồng thời "cho phép" những con tàu chở ngũ cốc, thực phẩm liên quan và phân bón đi qua 3 cảng của Ukraine tới eo biển Bosphorus, để rời khỏi Biển Đen. Thỏa thuận cho phép giải phóng một lượng lương thực lớn đang tồn đọng tại Ukraine vào thời điểm đó, nhưng không chấp nhận những chuyến tàu đi qua tuyến đường này được sử dụng với mục đích khác.

Sáng kiến biển Đen: Quá quan trọng để có thể từ bỏ -0
Sáng kiến Biển Đen được coi là thành công ngoại giao quan trọng nhất kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ.

Ngoài ra, trong thỏa thuận còn có quy định: Một lượng ngũ cốc nhất định cần được chuyên chở đến những nước nghèo đang cần giúp đỡ nhất. Cho dù cả Nga và Ukraine đều khẳng định các thỏa thuận họ ký là với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc chứ không phải kí với nhau thì ở vào thời điểm đó, thỏa thuận này vẫn được ông Antonio Guterres đánh giá là "ngọn hải đăng của hy vọng, triển vọng và sự cứu trợ, trong một thế giới cần nó hơn bao giờ hết".

Không chỉ giúp ngăn chặn nạn đói đang leo thang, thỏa thuận ngũ cốc còn mang đến một cơ hội để thế giới giải bài toán lạm phát lương thực toàn cầu đang trỗi dậy, như một cơn sóng thần quật vào các nền kinh tế. Kết quả thực tế đã được ghi nhận bởi chính Cơ quan Thương mại Liên hợp quốc (UNCTAD) khi tới giữa tháng 9/2022, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã giảm gần 14% so với mức đỉnh vào tháng 3 (thời điểm cuộc xung đột Ukraine mới bùng phát). Đây là một thành quả mà cả thế giới đều được hưởng lợi, dù đến thời điểm đó mới chỉ có 3 triệu tấn lương thực trên tổng số gần 50 triệu tấn của Ukraine được rời cảng theo thỏa thuận. Rõ ràng, những thỏa thuận riêng rẽ ở Istanbul có tầm quan trọng hơn nhiều so với những tuyên bố rời rạc của các bên.

Và... "nguy hiểm"

Thỏa thuận ngũ cốc không chỉ giúp giải cứu nền kinh tế Ukraine mà còn mang đến một cơ hội để "cứu thế giới". Nhưng, ngay khi thỏa thuận này phát huy hiệu quả, nó cũng đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ. Việc thị trường lương thực thế giới phụ thuộc quá nhiều vào một thỏa thuận không "chính thức" giữa hai bên đang có xung đột với nhau thực sự là một tình thế quá chênh vênh.

Từ giữa tháng 9/2022, những tín hiệu đã được phát đi từ phía Nga khi họ cho rằng thỏa thuận đã không được thực hiện đầy đủ. Thậm chí, trong một cuộc đối thoại với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ (cũng là một bên tham gia thỏa thuận), Tổng thống Nga Vladimir Putin còn cho rằng thỏa thuận này là "một sự lừa dối trắng trợn khác".

Lý do nhà lãnh đạo nước Nga đưa ra nhận định này là bởi chỉ có từ 3 đến 5% lượng ngũ cốc rời khỏi Ukraine đến với những nước nghèo, bất chấp theo thông báo của Liên hợp quốc khi bắt đầu tiến hành thỏa thuận, sẽ có khoảng 25% lượng hàng được chuyển đến các nước có thu nhập trung bình và thấp như Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Bangladesh, Kenya, Sudan, Lebanon, Yemen, Somalia hay Tunisia. Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng Nga sẽ không tiếp tục thỏa thuận khi thời hạn 120 ngày kết thúc.

Tuy nhiên, những lo ngại đó thậm chí đã trở thành hiện thực sớm hơn, sau những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là của Ukraine nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea trong tháng 10 vừa qua. Với lý do, Ukraine và các nước phương Tây đã "lợi dụng thỏa thuận để thực hiện những cuộc tấn công vào quân đội và tàu buôn của Nga tham gia Sáng kiến Biển Đen", Moscow chính thức thông báo rút khỏi thỏa thuận, trước thời hạn gần 1 tháng. Lập tức, hơn 100 chuyến tàu với khoảng 2,6 triệu tấn hàng bị dừng tại cảng.

Hệ quả là ngay trong phiên giao dịch hôm 31/10, giá các mặt hàng lương thực thế giới đã tăng mạnh trở lại. Theo thống kê của Reuters, giá lúa mì có lúc tăng gần 6%, trong khi giá ngô tăng 2,2%. Cộng đồng quốc tế rúng động. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cho biết hậu quả của việc thỏa thuận ngũ cốc bị ngừng lại có thể là "thảm họa đối với các nước nghèo, bởi nhiều nước đang phải trải qua nạn đói trong nhiều tháng".

Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đều đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, cũng có ý kiến chỉ trích quyết định của chính quyền Moscow, nhưng trước ảnh hưởng quá lớn của sự việc, cả Mỹ và EU đều kêu gọi Nga sớm quay trở lại với thỏa thuận này. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh: Đây là một "sáng kiến quan trọng sống còn" và "lấy làm tiếc về việc Nga ngừng tham gia".

Sáng kiến biển Đen: Quá quan trọng để có thể từ bỏ -0
Giám sát các tàu ngũ cốc trên Biển Đen là một phần của công việc trong sáng kiến.

Kỳ vọng khó khăn

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận vì lý do an ninh còn gây nhiều tranh cãi, dù sự thật là kể từ khi thực hiện thỏa thuận, nhiều cuộc tấn công của Ukraine đã được tiến hành từ phía biển. Nhưng, vấn đề chính quyền Nga gay gắt nhất vẫn là việc phân phối nguồn ngũ cốc rời đi từ Ukraine. Phía Nga tuyên bố: Họ chấp nhận thỏa thuận theo Sáng kiến Biển Đen ban đầu hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, với mong muốn giúp đỡ các nước nghèo đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lương thực. Hiệu quả của thỏa thuận sau đó đã được thừa nhận rộng rãi.

Nhưng, trong khi nhấn mạnh vào việc giá lương thực thế giới đã giảm mạnh kể từ khi thỏa thuận ngũ được triển khai thì một thực tế là có tới hơn 50% các chuyến hàng đã đến các quốc gia có thu nhập cao. Mọi hành trình di chuyển của các chuyến tàu đều có thể được tìm thấy trên trang web chính thức về Sáng kiến Biển Đen do Trung tâm Điều phối chung (JCC) chia sẻ. Giải thích cho hiện tượng này, Liên hợp quốc cho rằng "tất cả ngũ cốc được đưa ra khỏi các cảng của Ukraine nhờ sáng kiến mang lại lợi ích cho những người có nhu cầu, vì nó giúp trấn an thị trường và hạn chế lạm phát giá lương thực".

Vì mục đích nhân đạo, nên dù rút khỏi thỏa thuận, chính quyền Nga vẫn tiếp tục kế hoạch của mình trong việc hỗ trợ các nước nghèo trên thế giới. Hôm 29/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga, ông Dmitry Patrushev cho biết: "Nước Nga vẫn sẵn sàng cung ứng toàn bộ nhu cầu mà các nước trước đây định mua từ Ukraine". Còn Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ triển khai chương trình tặng 500.000 tấn lương thực cho các nước nghèo châu Phi trong thời gian tới, bắt đầu bằng việc gửi 60.000 tấn sản phẩm dầu mỏ, 30.000 tấn phân bón và 25.000 tấn lúa mỳ tới Mali ngay trong tháng 11 này. Thông tin đã được xác nhận bởi Bộ trưởng Kinh tế Mali Alousseini Sanou hôm 2/11.

Dẫu vậy, chính quyền ở Moscow vẫn để ngỏ cánh cửa, nếu như "nhận được những đảm bảo đáng tin cậy của Ukraine, rằng Kiev sẽ không sử dụng hành lang ngũ cốc cho mục đích quân sự", trích thông báo của Chính phủ Nga hôm 29/10 vừa qua.

Những nỗ lực ngoại giao sau đó của các bên, đặc biệt là từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phát huy hiệu quả. Sau những cuộc đối thoại liên tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 1 và 2/11, bầu không khí căng thẳng đã được hạ nhiệt.

Theo đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hai bên xung đột tách rời thỏa thuận khỏi cuộc xung đột đang diễn ra, cũng như tăng cường hoạt động điều phối, giám sát những chuyến tàu rời khỏi Ukraine. Ukraine đồng thời cũng đã bảo đảm bằng văn bản rằng sẽ không sử dụng các hành lang nhân đạo và các cảng biển của nước này cho mục đích quân sự.

Theo thông báo từ Ban thư ký Liên hợp quốc tại JCC, phái đoàn Nga ngày 3/11 đã trở lại công việc tại trung tâm này để tham gia công tác kiểm tra tàu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh: "Moscow có quyền rút khỏi thỏa thuận nếu Kiev vi phạm cam kết".

Việc Nga quay trở lại với thỏa thuận là một điều đáng mừng, nhưng bản thân thỏa thuận ban đầu cũng chỉ có giá trị trong 120 ngày và thời hạn cũng không còn nhiều nữa. Chính vì thế, ngay từ lúc này, các bên có lẽ đã phải tính tới việc bắt tay vào ký kết một thỏa thuận mới, với hy vọng nó sẽ vững vàng, đáng tin cậy hơn, trong bối cảnh mà giá trị của nó đã được xác nhận ở một tầm cao mới.

Tử Uyên
.
.