Người Việt hôm nay cần gì?

Sân khấu của kẻ nói còn chưa sõi

Thứ Bảy, 14/08/2021, 09:58

Các kỹ năng tài chính có thể là nền tảng giúp nhiều người tránh khỏi những cú sụp hố, khi đại dịch và một thị trường đầy rủi ro có thể “hóa vàng” số tiền tích cóp cả đời của bất kỳ ai. Kẻ lôi kéo được họ thậm chí còn nói chưa sõi.

Chuyện của Trung Quốc

Vào đầu tháng 4-2019, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) công bố một chương trình đầy tham vọng: cho tất cả các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc dạy các khóa hiểu biết tài chính cho học sinh. Họ đưa chương trình giảng dạy phù hợp vào sách giáo khoa tiêu chuẩn và sử dụng các công cụ sáng tạo khác để cải thiện một cộng đồng từng chứng kiến nhiều người về hưu và các nhà đầu tư kém hiểu biết đánh mất tiền tiết kiệm vào các kế hoạch rủi ro và gian lận tài chính.

Vấn đề này nảy sinh khi Trung Quốc mở cửa thị trường chứng khoán để tìm kiếm nguồn vốn mới cho các tập đoàn, công ty của họ và đã chứng kiến những bong bóng tài sản hình thành. Việc những mỏ đào Bitcoin lớn bậc nhất thế giới tồn tại ở đất nước này cũng là một quả bom nổ chậm khác: thị trường tài chính đang trở nên vô cùng rủi ro và có thể cuốn bay những tài sản tích lũy cả đời chỉ với vài cú click chuột.

Sân khấu của kẻ nói còn chưa sõi -0
Giờ đây, một giang hồ mạng nói ngọng cũng có thể lên sân khấu và huy động được hàng chục tỷ. Nguồn ảnh: Zing.vn 

Trước đó vài năm, ý niệm về phổ cập tài chính ở Trung Quốc đã manh nha tại một dự án thử nghiệm trong các trường học ở Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Các lớp học ban đầu này đem lại sự hào hứng đến mức nhiều trường học trên khắp đất nước đã muốn áp dụng mô-đun giáo dục tương tự. Tại Thành Đô, một trường tiểu học thậm chí đã đi xa hơn, khi cho phép học sinh tham gia một khóa học đầu tư thực sự, bao gồm các chuyến thăm những tổ chức tài chính, chứng khoán và mời chuyên gia đến nói chuyện. Sau một số cuộc thảo luận, Bộ giáo dục Trung Quốc và CSRC đã đồng ý triển khai chương trình dạy về tài chính với quy mô toàn quốc.

Trong một thời gian dài, các gia đình Trung Quốc chỉ hiểu về đầu tư dưới dạng sơ khai: ném tiền tiết kiệm vào bất động sản. Lập luận ở đây rất đơn giản, rằng giá bất động sản sẽ ngày càng tăng khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, quỹ đất khan hiếm và vì thế có rất ít rủi ro xuống giá. Nhưng, những lo ngại đã xuất hiện khi tin tức về các căn hộ trống trơn chiếm lấy bìa các tờ báo. Trong khi nhà chức trách muốn giữ giá nhà đất ở mức cao để thúc đẩy nền kinh tế, khi tình trạng nợ nần ngày càng tăng và quyền sở hữu nhà trở nên phổ biến, họ không thể bỏ qua thực tế rằng sự sôi động của thị trường có thể thúc đẩy nhanh hơn các chu kỳ bùng nổ lẫn phá sản.

Tuy nhiên, ngoài việc cho vay “chậm” lại để quản lý những bong bóng, giới chức Trung Quốc cũng nhận ra một vấn đề lớn hơn nhiều: rất nhiều người dân đã bị cám dỗ quá lớn với nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong nhiều năm ở đất nước này, không ngần ngại ném rất nhiều tài sản của họ vào hòng nắm bắt cơ hội gia tăng lợi nhuận, mà không ý thức về những rủi ro liên quan, cũng như chi phí đi vay có thể thay đổi nhanh như thế nào.

Khi chương trình giáo dục tài chính được đưa ra, các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng nhập cuộc, phát triển các ứng dụng và thậm chí là trò chơi điện tử để tham gia vào quá trình này. Có nhiều ứng dụng cho phép trẻ em được thực hiện nhiều vai trò như nhà đầu tư chứng khoán, người quản lý quỹ từ thiện, hoặc quỹ tài chính. Ngoài ra còn có các ứng dụng giúp các em theo dõi thị trường bỏ túi và làm quen với những khoản chi tiêu trong cuộc sống.

Vào năm 2014, trong nghiên cứu quy mô quốc tế đầu tiên về hiểu biết tài chính của học sinh 15 tuổi, với 29 ngàn học sinh trên toàn cầu tham gia bài thi, thanh thiếu niên Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng với 603 điểm. Những học sinh giỏi nhất là những người có thể giải thích được các tài liệu tài chính phức tạp và quan trọng hơn, dự đoán được hậu quả của mỗi quyết định tài chính. Cuối năm ngoái, Trung Quốc vừa kết án một nhóm tội phạm lừa đảo dùng dự án có tên gọi PlusToken để huy động gần 15 tỷ nhân dân tệ (2,25 tỷ USD) vào 8 loại tiền điện tử khác nhau. Đây là một trong những kế hoạch đa cấp biến tướng lớn nhất từng có ở quốc gia hơn 1,4 tỷ người này. Khi kế hoạch giáo dục tài chính “phủ sóng” đủ một thế hệ, Trung Quốc có thể tạo “miễn dịch” trước những nguy cơ kiểu này.

“Điểm mù” của Việt Nam

Cuối tháng 7, một dự án tiền số ở Việt Nam bỗng dưng bốc hơi, để lại nhiều nhà đầu tư hoảng hốt. Một trong những người được coi như “thủ lĩnh” của hệ thống tiền ảo đa cấp này là Phạm Tuấn, “em xã hội” của Khá “Bảnh”, một nhân vật giang hồ trước đó khá nổi trên mạng xã hội. Nếu xem các clip huy động người chơi của Phạm Tuấn, bạn sẽ không hiểu vì sao có người chấp nhận đưa hàng trăm triệu cho anh ta: chúng đơn giản đến thô thiển, bài đăng trên mạng sai chính tả và người gọi vốn thậm chí còn... nói ngọng.

Sân khấu của kẻ nói còn chưa sõi -0
Tiền đang trở nên “rẻ” hơn và người ta có xu hướng ném chúng vào thị trường tài chính mà không cần kiến thức ngày một nhiều hơn. Nguồn ảnh: Getty.

Tất nhiên là lời giải thích quen thuộc lại là lòng tham. Nhiều người chấp nhận ném tiền vào những dự án kiểu này vì lời hứa hẹn trả lãi từ 15-30%/tháng. Nhưng, về cơ bản, chúng ta không thể ngăn lại lòng tham. Những doanh nhân khởi nghiệp ban đầu cũng từ lòng tham. Các nhà đầu tư cũng thế. Và nền kinh tế lành mạnh vận động chính xác từ lòng tham kiểu vậy, từ một nhân viên văn phòng, cho đến bà bán phở ngoài phố, hay một sinh viên mới chân ướt chân ráo vào đời: ai cũng muốn làm giàu và cần có cơ hội làm giàu. Đặt nó vào một bối cảnh lành mạnh, chúng ta có động lực của thị trường.

Nhưng, lòng tham cần được điều tiết, bằng pháp luật từ phía nhà nước và kiến thức từ những người tham gia thị trường. Năm 2016, trong cuộc khảo sát Chỉ số Am hiểu tài chính gần nhất của MasterCard, thị trường Việt Nam chỉ đạt 58 điểm, giảm 7 điểm, đứng thứ 16 trong số 17 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các ý niệm về tiền bạc thường bị lảng tránh trong những tương tác xã hội và rất thiếu vắng trong các thảo luận giáo dục. Các kỹ năng tài chính, vốn đang phổ biến ở nhiều quốc gia, trở thành khoảng trống của Việt Nam.

Khoảng trống này được khai thác triệt để, khi đại dịch COVID-19 khiến bong bóng tài chính được bơm căng hơn bao giờ hết. Tháng 6 vừa qua, hàng chục ngàn người bị lừa hàng trăm tỷ đã phải cầu cứu Cơ quan công an, sau khi một sàn tiền ảo sập. 4 sàn giao dịch bất hợp pháp khác đã lừa được 12 ngàn tài khoản nạp 4,3 triệu USD rồi chiếm đoạt. Một ứng dụng có tên Coolcat huy động được 500 tỷ đồng và bốc hơi không một dấu vết. Chúng ta còn chưa tính đến những người đã ném tiền vào chứng khoán, Forex, hay Bitcoin và mất trắng, trong vai những “con gà” mới của thị trường.

Ý niệm về đầu tư của người Việt có điểm rất giống với trường hợp của Trung Quốc: tập trung rất nhiều tài sản vào bất động sản và tỏ ra dễ dãi với các hoạt động tài chính số, như chứng khoán hay tiền ảo. Một phần của sự dễ dãi này đến từ khoảng trống kiến thức: tất cả những người bị lôi kéo đầu tư thường thừa nhận những kẻ lôi kéo mình như là các chuyên gia trong một lĩnh vực quá chuyên biệt và tiền ném vào đó là sự lựa chọn đáng tin cậy. Họ có thể giao phó toàn bộ tài sản cho một kẻ ất ơ, chỉ vì hắn “trông có vẻ hiểu biết về đầu tư”.

Thế giới tài chính ngày nay thì lại có hình dáng của một sân khấu. Cả hai đều yêu cầu tập thể khán giả tự nguyện đình chỉ sự hoài nghi. Khi chúng ta mua cổ phiếu, Bitcoin hoặc thậm chí là nhận biên lai gửi tiền ngân hàng, ta tự đưa mình vào một niềm tin rằng vài tờ giấy hoặc một vài dòng mã máy tính có thể hoán đổi được giạ lúa, mảnh đất. Cũng như chẳng ai cảm thấy có vấn đề khi Hoàng tử Đan Mạch nói tiếng Anh trên sân khấu cả.

Khi đại dịch khiến thế giới rơi vào trạng thái thiếu vắng tương tác vật lý như hiện tại, điều này càng trở nên trầm trọng. Bất chấp việc kinh tế tổn hại vì dịch bệnh, thị trường chứng khoán lẫn tiền ảo ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, thậm chí còn bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng, khi người dân buộc phải ngồi nhà và không còn cách nào “ứng xử” tốt hơn với số tiền tiết kiệm hòng gia tăng thu nhập.

Việc thiếu một nền móng về giáo dục các kỹ năng tài chính có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt, và việc đánh giá chúng có độ trễ: có thể nhiều năm sau đại dịch, ta mới biết những bong bóng tài chính mới đã để lại những hậu quả như thế nào. Rất nhiều cuộc đời đã xuống hố, chỉ bởi những lời hứa hẹn không tưởng của những kẻ nói còn ngọng. Đấy là thực tế cay đắng của một “điểm mù” đã tồn tại quá lâu ở Việt Nam.

Ban Cầm
.
.