Quan tham và án tử

Thứ Năm, 10/08/2023, 10:15

Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định rõ các điều khoản phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình, trong đó có tội tham ô và nhận hối lộ. Tuy nhiên, chỉ đến khi quan chức bị truy tố, bị tuyên hoặc đề nghị tuyên án tử hình thì lúc đó họ mới thực sự bừng tỉnh, mới sợ hãi sự trừng phạt của pháp luật, sợ hãi khi đối mặt cái chết vì "ăn tham".

Trong phiên toà "chuyến bay giải cứu", chỉ duy nhất bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị tuyên phạt tử hình. Đối mặt án tử, cựu thư ký từng nhận hối lộ ròng rã suốt 9 tháng mới thấy cái giá phải trả như thế nào, điều mà khi còn đương nhiệm hẳn anh ta chưa bao giờ nghĩ đến. Ám ảnh về án tử thực ra đã đến với Kiên từ khi bị tạm giam, khi hiểu rằng không còn "cửa thoát hiểm" nào dành cho mình. Bị cáo Phạm Trung Kiên khai vì bị suy sụp tinh thần, sức khoẻ suy giảm nên phải nhập viện nhiều lần. Quá trình đó, Kiên thường xuyên phải làm việc với điều tra viên, tìm hiểu các quy định về pháp luật liên quan đến tội nhận hối lộ, thấy rõ khung rất nặng, từ 20 năm, chung thân tới tử hình.

"Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình nên rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Do vậy, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai" - bị cáo Kiên giãi bày và khóc trước toà.

Được nói lời sau cùng, Phạm Trung Kiên cho rằng bản thân đã rất ăn năn hối cải về hành vi phạm tội và bày tỏ: "Bị đề nghị tử hình là bản án rất nghiệt ngã với bản thân bị cáo cũng như gia đình. Bị cáo không nghĩ là mình vi phạm đến mức phải loại trừ khỏi cuộc sống, rời khỏi thế giới này ở độ tuổi ngoài 40 tuổi".

Quan tham và án tử -0
Bị cáo Phạm Trung Kiên (đứng giữa) bị VKS đề nghị tử hình. Sau khi nộp tiền khắc phục hậu quả, toà đã tuyên phạt tù chung thân.

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", Kiên được xác định giữ vai trò "trùm" nhận hối lộ. Ròng rã 9 tháng, từ tháng 2 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền lên đến hơn 42,6 tỉ đồng. Toà đã dùng từ "nhận hối lộ một cách trắng trợn, số lượng rất lớn" để nói về tính chất hành vi của Phạm Trung Kiên. Tuy nhiên, do kịp thời nộp lại số tiền đã nhận hối lộ tính đến trước thời điểm tuyên án, HĐXX chỉ tuyên tù chung thân thay cho tử hình như đề nghị của VKS.

Lại nhớ phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son, ông cũng thoát hiểm án tử nhờ sự hối cải và nộp lại tiền nhận hối lộ trước giờ toà tuyên án. Quá trình xét xử, cựu Bộ trưởng TT&TT nhiều lần thay đổi lời khai, có lúc lại một mực cho rằng mình không hề nhận hối lộ như cáo buộc của VKS. Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son tử hình về tội "Nhận hối lộ", 16-18 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt chung là tử hình. Nghe đến hình phạt tử hình, ông cựu Bộ trưởng đứng gần như bất động, hai tay khúm núm đan vào nhau, mắt cúi xuống sàn nhà…

Cơ quan công tố cho rằng, các bị cáo trong vụ án đều giữ cương vị lãnh đạo trong cơ quan nhà nước song vì hám lợi đã gây thiệt hại đặc biệt lớn, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Đây là biểu hiện suy thoái đạo đức công vụ, tham nhũng. Việc đưa vụ án ra xét xử đã thể hiện "không có vùng cấm", bất kỳ ai, giữ chức vụ gì khi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Bị cáo Nguyễn Bắc Son đứng đầu một bộ quan trọng nhưng tha hoá đạo đức mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Do tư lợi, bị cáo đã định hướng chỉ đạo cấp dưới ở MobiFone thực hiện sai phạm việc mua cổ phần của AVG, do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất.

Nói về khoản tiền nhận hối lộ 3 triệu USD, chủ toạ phiên toà đã phải dùng từ "xưa nay chưa từng có". Đó thực sự là số tiền kỷ lục mà lịch sử xét xử ở Việt Nam chưa từng ghi nhận về tội danh nhận hối lộ (trong vụ án "chuyến bay giải cứu", tổng số tiền bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ quy đổi tương đương gần 2 triệu USD, kém ông Son hơn 1 triệu USD). Cũng cần nói thêm rằng, chưa từng có là ở góc độ tố tụng, về số tiền nhận hối lộ được phát hiện, điều tra và xét xử trước toà chứ không phải chưa từng có trên thực tế đời sống. Đáng chú ý, ông Bắc Son tỏ ra bất nhất trong khai báo, dù trong quá trình điều tra, ông đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng khi ra tòa lại tự mình phủ nhận, đến khi bị đề nghị tuyên tử hình lại… khai nhận và gia đình mới gấp gáp nộp lại số tiền. Chính động thái nộp lại tiền, khắc phục hậu quả này đã giúp ông thoát án tử hình.

BLHS năm 2015 đã dành một chương (chương XXIII) quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều (từ điều 352 đến điều 366). Trong đó 2 điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354). Điều luật quy định việc áp dụng hình phạt chung thân, tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Cần nói thêm rằng, quy định về hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ đã có từ BLHS năm 1986 và BLHS năm 1999. Tuy nhiên trên thực tế, chưa ai bị tuyên tử hình về hành vi nhận hối lộ cho đến phiên toà xử ông Nguyễn Bắc Son. Vì thế năm 2015, khi sửa đổi BLHS, đã có ý kiến đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ. Lý do ngoài việc cần giảm số điều luật có hình phạt tử hình thì luồng ý kiến này cho rằng, quy định tử hình mà không áp dụng trên thực tế là không khả thi, nên loại bỏ. Tuy nhiên, đa số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên để đảm bảo tính răn đe và nhận định, đến thời điểm nào đó, hình phạt tử hình sẽ được toà áp dụng với bị cáo nhận hối lộ số tiền lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Và ông Nguyễn Bắc Son chính là bị cáo đầu tiên được VKS đề nghị mức án tử hình, phá bỏ tiền lệ trước đó.

Điểm nữa, dù BLHS quy định tham ô, nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên là bị cáo có thể bị tuyên tử hình, tuy nhiên diễn biến thực tế cho thấy tính chất, số tiền phạm tội đã vượt xa khung của điều luật. Như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son, số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD, tức đã vượt khung gần 70 lần; trường hợp Phạm Trung Kiên với 42,6 tỷ đồng cũng đã vượt khung hơn 42 lần. Những bị cáo nhận hối lộ số tiền 1 tỷ đồng trở lên trong vụ "chuyến bay giải cứu" là rất nhiều và nếu áp dụng theo điều luật thì tất cả những người này đều có thể bị tuyên chung thân, tử hình. Tuy nhiên, chỉ trường hợp của bị cáo Kiên do đứng đầu vụ, với số tiền quá lớn mới bị đề nghị tử hình, còn lại việc nhận hối lộ vài tỷ đồng đến hơn 20 tỷ đồng thì cũng chỉ là án tù có thời hạn.

BLHS cũng quy định việc không áp dụng tử hình (giảm xuống chung thân) trong trường hợp người phạm tội khắc phục được hậu quả. Điểm c, khoản 3, Điều 40, BLHS 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp sau đây: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Có ý kiến cho rằng, quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo lỗ hổng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, quan điểm của nhà làm luật khi đưa ra quy định này là nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Trường hợp như ông Son, ông Kiên thì thực tế, tử hình mới chỉ là đề nghị của VKS chứ chưa phải bản án của toà.

Việc khắc phục hậu quả đã diễn ra trước khi toà tuyên án nên HĐXX không áp dụng án tử hình mà chỉ tuyên chung thân. Việc khắc phục hậu quả, nộp ít nhất ¾ số tiền, tài sản do tham ô, nhận hối lộ được xem như bảo bối để giúp bị cáo thoát án tử hình. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể làm được điều đó, dù đã bị tuyên án tử rất lâu. Điển hình là trường hợp cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Vinalines, ngày 7/5/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên các bị cáo liên quan trong vụ án phải bồi thường toàn bộ số tiền đã gây thiệt là hơn 366 tỷ đồng. Dương Chí Dũng bị tuyên tử hình và bị buộc phải nộp 110 tỷ đồng. Sau phiên toà, tổng số tiền đã thi hành án đối với Dương Chí Dũng thông qua xử lý tài sản, vận động người thân giao nộp là hơn 21 tỷ đồng, còn lại 88,5 tỷ đồng chưa được thi hành.

Đáng nói, ngoài những tài sản đã được cơ quan tiến hành tố tụng kê biên thì Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác. Căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự 2014, cơ quan thi hành án đã ra quyết định không có điều kiện thi hành với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng còn lại của Dương Chí Dũng. Chỉ khi nào xác định Dương Chí Dũng có điều kiện thi hành án, còn tài sản thì cơ quan thi hành án mới tiếp tục thực hiện. Điều đó cũng có nghĩa, tử tù Dương Chí Dũng không đủ điều kiện để áp dụng quy định giảm hình phạt xuống chung thân khi số tiền khắc phục còn quá thấp.

Đăng Trường
.
.