Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ đi tới đâu?

Thứ Tư, 12/04/2023, 09:40

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc tươi cười cụng ly bên bàn ăn ở Tokyo vừa qua dường như đã quét sạch những căng thẳng giữa hai bên kéo dài hơn một thập kỷ. Nhưng, những bước đi tiếp theo của mối quan hệ này mới thực sự là điều mà người ta chờ đợi.

"Chương mới"

Khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bước ra từ máy bay của mình tại Tokyo, Nhật Bản ngày 16/3, đó là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, người đứng đầu Hàn Quốc đến Nhật Bản trong một chuyến thăm song phương. Tiếp nối thông báo trước đó từ phía Hàn Quốc về việc sẽ từ bỏ yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II, dấu hiệu này cho thấy mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á đang có chuyển biến.

Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ đi tới đâu? -0
Hình ảnh thân thiện của hai nhà lãnh đạo Nhật - Hàn xóa tan những căng thẳng kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ trong quan hệ song phương.

Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông muốn mở ra một “chương mới” trong quan hệ giữa hai nước. Người đứng đầu nội các Nhật Bản khẳng định "có một nhu cầu cấp thiết để tăng cường quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc trong môi trường chiến lược hiện nay".

Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết ông hy vọng sẽ đến thăm Hàn Quốc và nối lại “ngoại giao con thoi”, tức các nhà lãnh đạo cấp cao thăm viếng nhau thường xuyên. Về các biện pháp tiếp theo để cải thiện quan hệ, ông Kishida không nói cụ thể, nhưng gợi mở rằng khi hai nước xích lại gần nhau hơn, thay đổi sẽ đến “từng bước một”.

Chuyến thăm của ông Yoon Suk Yeol được lên kế hoạch từ lâu nhưng vẫn gây nghi ngờ, cho tới tận lúc nhà lãnh đạo Hàn Quốc có mặt tại Tokyo. Bởi người ta còn nhớ, 12 năm trước, trong một chuyến thăm song phương tương tự, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung-bak đã ép nước chủ nhà bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II. Khi Nhật Bản không đáp lại, công chúng Hàn Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, thúc đẩy ông Lee theo đuổi lập trường chống lại Tokyo bằng cách đến thăm một nhóm đảo nhỏ đang tranh chấp ở vùng biển giữa hai nước vào năm 2012, khiến cho quan hệ song phương xấu đi từ đó. Những tranh cãi tiếp theo khiến cho hai nước láng giềng vốn đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ từ năm 1965 lại liên tục trở nên căng thẳng. Đỉnh điểm là các biện pháp thương mại ăn miếng trả miếng, được cả hai nước áp dụng kể từ năm 2019. Còn lần này, ngay khi Tổng thống Yoon đặt chân đến Tokyo, Bộ Thương mại Nhật Bản thông báo rằng họ đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ sang Hàn Quốc. Một quyết định đã mở đường cho hai nhà lãnh đạo có thể thoải mái tươi cười bên nhau trên bàn tiệc chung vào cuối ngày.

“Chiếc ghế 3 chân”

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực. Những cuộc gặp 3 bên vẫn thường xuyên diễn ra trong các khuôn khổ khác nhau. Nhưng, để nói về mối quan hệ 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn, cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã từng dùng đến hình ảnh "chiếc ghế 3 chân" nổi tiếng qua câu nói: “Chúng ta không thể ngồi lên chiếc ghế chỉ có 1 hoặc 2 chân, hoặc nếu là 3 chân nhưng một chân dài hơn hoặc ngắn hơn 2 chân còn lại”.

Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ đi tới đâu? -0
Những cuộc biểu tình phản đối chính sách của chính phủ vẫn diễn ra ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Sự căng thẳng kéo dài giữa hai đồng minh Đông Bắc Á, vì thế, cũng khiến nhiều đời Tổng thống Mỹ phải đau đầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ lúc lên nắm quyền năm 2021, đã rất coi trọng về tăng cường không chỉ quan hệ hợp tác 3 bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn cả quan hệ song phương giữa hai nước này. Ngay sau khi ổn định chính quyền, liên tục các nhà lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến thăm cả hai nước. Đỉnh điểm là tháng 5/2022, ông Biden lần lượt đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, để hối thúc những nhà lãnh đạo của hai nước tạo đột phá trong quan hệ.

Theo tiết lộ của ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản thì trong năm 2022, Mỹ đã triệu tập các cuộc gặp giữa quan chức 3 nước hơn 40 lần. “Điều đó giúp bình thường hóa tình bạn, kết nối các mối quan hệ và sự tin tưởng vốn không tồn tại trước đây”, ông nói. Có thể thấy một nỗ lực rất lớn của chính quyền Washington nhằm thúc đẩy Seoul và Tokyo xoa dịu căng thẳng giữa hai bên. Tất cả, thực ra, đều vì lợi ích của chính nước Mỹ tại khu vực. Và lần này, người Mỹ có thể vui mừng khi nó đã đem lại kết quả. Những tín hiệu tích cực từ chuyến thăm của ông Yoon tới Nhật Bản vừa qua sẽ trở thành một món quà mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc mang tới Washington ngay trong tháng 4 này, khi ông tới Mỹ gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Joe Biden trong một chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước.

Còn nhiều dấu hỏi

Nhưng, Mỹ không phải là động lực duy nhất để hai nước láng giềng bắt tay nhau vào thời điểm này. Từ đầu năm 2023 tới nay, tình hình ở Bán đảo Triều Tiên bỗng nhiên trở nên căng thẳng khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện những vụ thử tên lửa làm rúng động dư luận Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Những biến động kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang khiến những nhà lãnh đạo hai nước phải đau đầu tìm lời giải.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đẩy cả hai nước vào những lựa chọn khó khăn. Chính vì thế, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn tìm đến nhau để có thể chung tay giải quyết những vấn đề của mình. Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm 16/3, Thủ tướng Kishida đã nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ tìm cách nối lại các cuộc gặp 3 bên với Trung Quốc. Rõ ràng, những liên hệ trực tiếp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp hai bên có thể giải quyết được những vấn đề sát sườn của mình một cách chính xác và hiệu quả hơn. Dẫu vậy, mọi chuyện không phải đều dễ dàng.

Ông Kunihiko Miyake, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan nhận xét: “90% quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc là chính trị trong nước. Vì vậy, không ai biết điều gì sẽ xảy ra". Thực vậy, trong khi truyền thông thế giới liên tục đưa tin về cuộc gặp với những cái bắt tay hay cái cụng ly đầy thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo trong một quán ăn ở Tokyo thì giữa thủ đô Seoul, một nhóm những nhà hoạt động xã hội biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Yoon. Khi ông Yoon tuyên bố sẽ thành lập một quỹ do chính phủ điều hành để trả lương cho những người lao động bị cưỡng bức trong thời chiến - như một giải pháp thay thế cho lệnh của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường, các nạn nhân và nhà hoạt động đã lên án thỏa thuận này. Các nhà lập pháp đối lập mô tả đây là “một trong những thảm họa ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản”.

Các cuộc thăm dò cho thấy dư luận không ủng hộ những đề xuất của ông Yoon khi gần 56% công chúng coi giải pháp của ông là “ngoại giao nhục nhã”. Một vấn đề cực lớn đối với chính quyền của ông Yoon Suk Yeol là những tranh chấp pháp lý ở Hàn Quốc vẫn còn tồn tại. Một số nạn nhân đang cố gắng thuyết phục tòa án địa phương cho phép họ tịch thu tài sản do các công ty Nhật Bản nắm giữ tại Hàn Quốc để thực hiện đền bù cưỡng ép.

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Kishida cũng hứng chịu phản ứng từ lực lượng đối lập. Theo đó phe cánh hữu cho rằng bằng cách không công khai phản đối quan điểm các công ty Nhật Bản nợ người lao động Hàn Quốc khoản bồi thường (bất chấp một thỏa thuận năm 1965 mà Nhật Bản đã thực hiện), ông Kishida đã ngầm chấp nhận lập luận của tòa án Hàn Quốc. Những quan điểm này vốn đã trở thành lực cản cố hữu trong mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian dài. Cho đến lúc này, những hành động của hai chính phủ cho thấy họ đã chọn gác lại lịch sử và tập trung vào nhu cầu hợp tác hiện tại.

Ông Tsuneo Watanabe, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Hòa bình Tokyo cho biết: “Nếu phía Hàn Quốc đi trước và không đòi hỏi quá nhiều từ phía Nhật Bản thì phía Nhật Bản sẽ đáp ứng”. Chính nhu cầu cấp thiết của mỗi bên đã thúc đẩy họ tiến lên, đó chính là lý do mà những nhà nghiên cứu như giáo sư Miyake nói rằng, ông “vẫn lạc quan một cách thận trọng, nhưng lạc quan hơn là thận trọng”.

Tử Uyên
.
.