Quan hệ Âu - Mỹ: Vẫn tìm hướng đi mới
Một năm trước, khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, người ta kỳ vọng vị tân tổng thống sẽ giúp "hồi sinh" mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nhưng, cho đến lúc này, mối quan hệ đó dường như đang đi theo hướng khác.
Mối "lương duyên" khó bỏ
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bắt đầu định hình thế giới từ sau Thế chiến II, với việc hình thành khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trải qua hơn 7 thập kỷ hình thành và phát triển, NATO đã trở thành một hình mẫu thành công trong lịch sử quan hệ quốc tế, suốt những biến động lớn như Chiến tranh Lạnh (1947-1991), sự sụp đổ của Liên Xô (1991), cuộc chiến Nam Tư (1998), chiến tranh Vùng Vịnh cũng như cuộc khủng hoảng tại Syria (2011)... Chưa từng có một liên minh hay một hiệp ước quân sự nào tồn tại lâu đến thế trong lịch sử và nó đã góp phần mở ra một giai đoạn hòa bình dài nhất cho châu Âu.
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận hòa bình, ổn định và phát triển của châu Âu cũng đem đến cho nước Mỹ những lợi ích to lớn. Địa vị của nước Mỹ ngày nay được bảo đảm từ sự lớn mạnh của những người bạn, đồng minh cựu lục địa luôn sát cánh. Mối lương duyên giữa Mỹ và châu Âu đã được kết nối dựa trên những giá trị mang tính nền tảng. Sự gần gũi trong văn hóa và tư tưởng phương Tây đã giúp họ dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. NATO trở thành một bức tường thành vững chắc cho "hệ giá trị dân chủ phương Tây" mà cả hai bên cùng theo đuổi, đồng thời giúp cho nước Mỹ nắm vị trí độc tôn của mình trong một giai đoạn lịch sử biến động. Đó cũng là mối quan hệ tương hỗ mà hai bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, mối lương duyên này đã bị thách thức trong thiên niên kỷ mới, với sự trỗi dậy của những cường quốc ở phía Đông. Mối quan hệ giữa Mỹ và EU đã có những rạn nứt nhất định, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 mà Mỹ gần như đã "bỏ rơi" châu Âu. Đó chính là thời điểm mà NATO lần đầu tiên bị đặt dấu hỏi cho mục tiêu tồn tại của mình. Theo thời gian, mối quan hệ này ngày càng có thêm những rạn nứt mới, khiến cho cả hai bên phải cảm thấy lo lắng.
Vì thế, ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 6-2021, Tổng thống Joe Biden đã chọn châu Âu là điểm đến. Cùng với lời khẳng định đưa nước Mỹ "trở lại", chính quyền của ông Biden đã có nhiều nỗ lực để hàn gắn lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nơi họ có những đồng minh quan trọng nhất.
Những thách thức của hiện tại
Thách thức lớn nhất đến từ chính trong lòng nước Mỹ. Khi mà trọng tâm chú ý của nước Mỹ đã không còn nằm ở châu Âu nữa, sẽ thật khó để thuyết phục giới lãnh đạo nước Mỹ xây dựng mối quan hệ hữu hảo với khu vực này. Những nhà lãnh đạo cánh tả như ông Biden có thể chia sẻ nhiều giá trị chung với châu Âu hơn so với những nhà lãnh đạo đề cao chủ nghĩa dân tộc như ông Donald Trump. Nhưng, ngay trong chính đảng Dân chủ, những tiếng nói gay gắt với châu Âu cũng ngày một nhiều hơn, khi không ít đòi hỏi được đưa ra trong những năm gần đây.
Theo thời gian, những giá trị văn hóa nền tảng mà Mỹ và châu Âu cùng theo đuổi đã dần phai nhạt. Giới trẻ Mỹ và châu Âu không còn giữ sự liên kết chặt chẽ như trong quá khứ khi mà thế giới đã mở rộng hơn rất nhiều. Với không ít người Mỹ hiện tại, những gì họ đang phải làm ở châu Âu dường như trở thành gánh nặng. Lợi ích sát sườn của nước Mỹ cũng đang rời khỏi cựu lục địa, chuyển sang những khu vực địa chính trị khác. Điều gì còn đủ để giữ người Mỹ ở lại và chiến đấu bảo vệ châu Âu một lần nữa ?
Ở chiều ngược lại, châu Âu cũng đứng trước thách thức lịch sử của mình. Một EU ngày càng rộng lớn cũng là một EU ngày càng chia rẽ hơn. Sự thống nhất vẹn toàn của EU đã kết thúc khi nước Anh rời đi 2 năm trước. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy cũng khiến cho chính liên minh này điêu đứng. Quan trọng hơn, EU cảm nhận rõ vị trí của mình trong mắt người bạn Mỹ không còn như trước nữa.
Việc bị Mỹ "bỏ rơi" trong cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng nhập cư những năm 2014, 2015 là bước đầu tiên của sự rạn nứt. Sau đó là giai đoạn "bão táp" dưới nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Donald Trump, khi EU bị gạt ra ngoài những tính toán ưu tiên của Nhà Trắng. Ngay cả khi một vị tổng thống Dân chủ là ông Joe Biden trở lại vào tháng 1-2021, sự nghi ngờ cũng không hề giảm xuống, khi Mỹ tiếp tục những động thái đơn phương như rút quân khỏi Afghanistan hay thiết lập liên minh quân sự mới AUKUS hướng tới những đối tác bên ngoài EU.
Mới đây nhất, việc Mỹ gia tăng áp lực với Nga, đẩy biên giới phía Đông của khối đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh đã càng làm các nhà lãnh đạo EU hiện tại thêm nghi ngờ vào chính sách của nước Mỹ. Chính đại diện EU về đối ngoại, ông Josep Borell mới đây đã bày tỏ sự khó chịu khi "cảm thấy mình bị loại trừ", đồng thời khẳng định khối "không muốn trở thành khán giả" đứng sau quyết định của Mỹ và Nga.
NATO do Mỹ đứng đầu có còn thực sự bảo vệ châu Âu như trước nữa? Đó là câu hỏi mà không ít nhà lãnh đạo EU đặt ra vào lúc này. Mặc dù họ biết rõ tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhưng những thách thức đó đã đè nặng lên những nhà lãnh đạo của cả hai bên bởi một lý do quan trọng nhất: bản đồ chính trị thế giới đã thay đổi quá nhiều so với 70 năm trước.
Những lối đi riêng?
Cựu Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower từng nhấn mạnh vai trò của NATO là đảm bảo "sự tồn tại của nền văn minh phương Tây". NATO từng là cột trụ trong chính sách đối ngoại của các nước phương Tây nhưng đang mất dần tầm ảnh hưởng. Hiện tại, các quốc gia trong NATO không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở ngay rìa phía Đông của mình. Chính Tổng thống Mỹ cũng phủ nhận khả năng đưa quân đến Ukraine trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Đó là lúc châu Âu hiểu: Họ phải tự tìm lối đi riêng.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trước đây, cơ chế "Bộ tứ Normandy" đã đem lại hiệu quả và lần này dường như nó vẫn sẽ là niềm hy vọng lớn nhất. Những ngày đầu năm 2022 này, các lãnh đạo EU đã liên tục thiết lập đối thoại với cả Ukraine và Nga để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Những sự kiện đang diễn ra tại Ukraine sẽ càng thúc đẩy một EU độc lập và quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại - đồng nghĩa với việc xa dần chính sách của nước Mỹ. Một quân đội riêng của châu Âu, một chính sách đối ngoại riêng của châu Âu như họ từng công bố chiến lược riêng về Đại Tây Dương - Thái Bình Dương mới đây là điều đang dần định hình.
Ở chiều ngược lại, những vấn đề đối nội khó khăn có lẽ sẽ chiếm hết sự chú ý của các chính trị gia nước Mỹ. Kinh tế Mỹ đã và đang bị vượt qua bởi đối thủ mới là Trung Quốc, làm giảm đi ưu thế của Mỹ trong những cuộc đàm phán. Trọng tâm cạnh tranh chiến lược của nước Mỹ giờ đã chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây có lẽ cũng là lúc thích hợp để những nhà lãnh đạo Mỹ vạch ra một hướng đi mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Cả Mỹ và châu Âu đều hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai bên. Cả hai phía vẫn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng và môi trường nhưng khác biệt trong các vấn đề chiến lược là không thể tránh khỏi.
Mối liên kết giữa Mỹ và châu Âu là không thể từ bỏ nhưng chưa ai hình dung được, mối quan hệ đồng minh truyền thống ấy sẽ được duy trì và mang diện mạo đích thực như thế nào, trong bối cảnh mới.