Phương trình hóc búa của Stockholm

Thứ Ba, 11/07/2023, 19:50

“Mọi người cần phải hiểu rằng họ không thể làm bạn với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu họ vẫn cho phép những phần tử khủng bố tụ tập ở các quảng trường ngay giữa trung tâm thành phố”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phát biểu như vậy vào ngày 3/7, sau một cuộc họp nội các.

Cũng không cần rào đón ý tứ gì, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ địa chỉ mà ông muốn gửi đến thông điệp này là Thụy Điển, quốc gia đang nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho họ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

1. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hoàn toàn không nhắc đến sự vụ vốn đang gây bão tố dư luận thế giới gần đây, đặc biệt là trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo: Vào ngày 28/6, một người nhập cư Iraq 37 tuổi, tên là Salwan Momika, đã giẫm lên Thánh kinh Koran, sau đó châm lửa, công khai đốt cuốn sách thiêng liêng đối với các tín đồ Hồi giáo, ngay cạnh một thánh đường Hồi giáo ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển ngay trong ngày khởi đầu dịp thánh lễ Eid al-Adha quan trọng của đạo Hồi.

Phương trình hóc búa của Stockholm -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn giữ lập trường vô cùng cứng rắn về việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đến một câu chuyện khác. Tuy vậy, cũng không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi hành động mang tính “báng bổ” kia lan truyền trên các phương tiện truyền thông cũng như các mạng xã hội, hãng tin Reuters đã lập tức dự đoán: Sự vụ này sẽ khiến tiến trình gia nhập NATO của đất nước Bắc Âu thêm khó khăn. Đơn giản, bởi nó có thể được sử dụng như một công cụ hoàn hảo để Ankara vừa “hòa nhịp” cùng tâm trạng công phẫn của thế giới Hồi giáo, vừa gia tăng áp lực về phía Stockholm.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng chỉ trích gay gắt hành vi ấy. Trên trang Twitter cá nhân, ngay hôm 28/6, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan giận dữ: “Tôi lên án các hành động ở Thụy Điển nhằm chống lại cuốn sách thánh của chúng tôi, Kinh Koran, vào ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha. Việc cho phép những hành động chống Hồi giáo này dưới chiêu bài tự do ngôn luận là không thể chấp nhận được”. Dĩ nhiên, theo ông, việc làm ngơ trước hành vi báng bổ ấy cũng chính là sự “đồng lõa với tội ác”.

Và, chẳng biết vô tình hay cố ý, đến ngày 2/7, khi tổ chức họp báo về sự vụ này, bên cạnh việc tuyên bố: “Chính phủ Thụy Điển hoàn toàn hiểu rằng các hành vi bài Hồi giáo do các cá nhân thực hiện tại Thụy Điển có thể gây phản cảm đối với các tín đồ Hồi giáo. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động này, vốn không phản ánh quan điểm của Chính phủ Thụy Điển” thì Bộ Ngoại giao Thụy Điển lại nhấn mạnh rằng Hiến pháp Thụy Điển bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Đương nhiên, sự “kiên định” ấy chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Thổ Nhĩ Kỳ thêm “trúc trắc”. Chưa ai quên, mới chỉ tháng 1/2023, nhà chức trách tại quốc gia Bắc Âu đó đã cho phép một cuộc biểu tình phản đối Ankara được diễn ra ở Stockholm. Và, rất đáng chú ý, trong cuộc biểu tình đó, cũng có một bản sao cuốn Kinh Koran đã bị đốt.

Phương trình hóc búa của Stockholm -0
Thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ là bài toán khó cho Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Hệ quả, ngay từ thời điểm ấy, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để chỉ trích, còn Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hủy lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển sang thăm. Stockholm, sau đó, đã phải mất rất nhiều công sức để nối lại những mối dây liên hệ. Bởi lẽ, nếu Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết không “nguôi giận”, Thụy Điển sẽ không thể trở thành thành viên của NATO, theo quy định của tổ chức này.

2. Một tin có thể xem là vui dành cho giấc mơ gia nhập NATO của Thụy Điển, vào ngày 4/7, đương kim Tổng Thư ký NATO, cựu thủ tướng nước láng giềng Bắc Âu thân thiết của Thụy Điển là Na Uy - ông Jens Stoltenberg - đã được gia hạn nhiệm kỳ thêm một năm, đến ngày 1/10/2024.

Ở cương vị của mình, suốt hơn một năm qua, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kết nạp Phần Lan (đã trở thành thành viên NATO) và Thụy Điển, sau khi hai “người hàng xóm” này từ bỏ truyền thống trung lập của mình, song song với những diễn tiến của chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga thực hiện ở Ukraine.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có thêm một năm tại nhiệm, ông sẽ tiếp tục cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể để Thụy Điển theo bước Phần Lan, trở thành thành viên chính thức. Bởi lẽ, ông được NATO đánh giá là nhà lãnh đạo kiên định và kiên nhẫn trong việc xây dựng sự đồng thuận trong liên minh.

Đơn cử, ngày 26/6 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới, nhằm cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí để Thụy Điển gia nhập tổ chức này.

Tuy nhiên, kể cả với điều đó và kể cả với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, mục tiêu chính thức trở thành thành viên NATO ngay trong tháng 7/2023 này mà Thụy Điển đang nỗ lực thực hiện vẫn bị đặt trước những chướng ngại vật không dễ vượt qua.

Đầu tiên, không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng là một thành viên NATO không “mặn mà” gì với việc sớm kết nạp Thụy Điển. Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần trì hoãn quá trình phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO, dù luôn khẳng định ủng hộ quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên thứ 32. Thượng tuần tháng 7 này, Quốc hội Hungary tổ chức họp bất thường nhưng vấn đề kết nạp Thụy Điển vào NATO không có trong chương trình nghị sự. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng, Stockholm sẽ phải tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi đến tận kỳ họp tiếp theo của Quốc hội Hungary, vào mùa thu.

Sau đó, dĩ nhiên, là thái độ gay gắt từ Ankara. Mới ngày 28/6, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết: Stockholm đã đáp ứng tất cả những điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Ông khẳng định: “Luật mới đã được đưa vào thực thi và có hiệu lực ở Thụy Điển, trong đó quy định việc tham gia tổ chức khủng bố ở bất cứ hình thức nào đều là phạm pháp. Có thể thấy, chúng tôi đang thực hiện phần cuối cùng của thỏa thuận”.

Song, đến ngày 3/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, người cũng vừa tái đắc cử, vẫn kiên quyết nhấn mạnh: “Từ góc độ của chúng tôi, các kỳ vọng và cam kết đều đã được đưa ra rõ ràng. Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn bảo vệ những giá trị giống như năm ngoái. Chúng tôi muốn họ (Thụy Điển) trung thành với những gì họ đã ký".

Phương trình hóc búa của Stockholm -0
Vụ việc Salwan Momika đốt Kinh Koran làm hằn sâu thêm những mâu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển.

Điều ông nói đến ở đây không phải là câu chuyện đốt Kinh Koran, cũng không chỉ là tâm lý bài Hồi giáo nói chung (mà ông cảm nhận). Vấn đề khúc mắc lớn nhất mang một hình dạng cụ thể và vẫn luôn được gọi tên một cách rõ ràng: Stockholm phải ngừng chứa chấp các nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố, trong đó tiêu biểu nhất là đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thời gian qua, đã có nhiều cuộc tuần hành ủng hộ PKK được tổ chức tại Stockholm, dưới sự cho phép của Chính phủ Thụy Điển.

Đương nhiên, điều này vẫn được đặt trên nền tảng là nguyên tắc tự do ngôn luận mà Thụy Điển xác nhận trong hiến pháp. Có điều, nguyên tắc ấy lại xung khắc mạnh mẽ với những yêu cầu và đòi hỏi từ phía Ankara, về việc Thụy Điển phải áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm vào những người ủng hộ PKK hay các tổ chức khác, trong mạng lưới bị Tổng thống Erdogan quy trách nhiệm thực hiện vụ đảo chính bất thành, chống lại ông năm 2016.

3. Theo Ankara, việc Stockholm đưa ra luật mới vẫn chưa phát huy tác dụng, vì những người ủng hộ PKK vẫn có thể xuống đường tuần hành ở quốc gia Bắc Âu này. Do đó, rất nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không dỡ bỏ các rào cản đang ngáng đường Thụy Điển trở thành thành viên NATO.

Trong khi nút thắt này còn chưa có cách nào tháo gỡ thì những sự vụ mang tính báng bổ niềm tin Hồi giáo, như vụ đốt Kinh Koran, lại tiếp tục xảy ra để trở thành phương thức “đổ dầu vào lửa”. Đương nhiên, khi cả thế giới Hồi giáo sôi sục vì giận dữ, Thổ Nhĩ Kỳ lại càng không thể đứng ngoài.

Hiện trạng này, thực tế, đặt nỗ lực của các nhà ngoại giao Thụy Điển vào một vũng lầy. Hay nói cách khác, việc bảo vệ quyền tự do cá nhân - cho dù thứ “tự do” ấy làm phương hại đến những quyết sách mang tính chiến lược quốc gia - của Stockholm đã trở thành một thứ cạm bẫy đầy hệ lụy. Cánh cửa vào NATO vẫn chưa hoàn toàn được mở, mà bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, còn cả cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tới tấp triệu Đại sứ Thụy Điển để phản đối. Đó thực sự là những phương trình hóc búa dành cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại ở Stockholm...

Thiên Thư
.
.