Phiên tòa xử Internet “hạ sát” ngôn ngữ

Thứ Ba, 21/12/2021, 10:46

“Nhớ lấy! Quả táo nhãn lồng. Luật hoa quả không chừa một ai!” Đây là một trong những bình luận trên Facebook mà gần đây tôi có dịp đọc được. Khoan đã, nhưng đây là thứ ngôn ngữ gì vậy? Vì không hiểu, theo thói quen, tôi Google ngay, và được “giải ngố” rằng đây là ngôn ngữ mạng đời mới nhất.

“Quả táo nhãn lồng” là “quả báo nhãn tiền”. Còn “luật hoa quả” thì là... luật nhân quả. Trang tin tức mà tôi tra cứu có cả một chuyên mục từ điển ngôn ngữ mạng cho những ai chưa theo kịp. “Khum” nghĩa là “không”, “u là trời” nghĩa là “ôi giời ơi”. Rồi một dạo lại còn có cả những phong trào viết lại thành ngữ như “ăn quả nhớ kẻ lông mày”.

Như một phản ứng vô điều kiện, nhiều người cảm thấy lo. Lo cho sự suy thoái của ngôn ngữ. Chỉ vừa trước đó, tôi mới đọc lại một tùy bút của Nguyễn Tuân: “Đêm nay, tôi ngồi tễu trong một tiệm nhẩy. Chung quanh những bàn ghế xinh xắn, có đến linh trăm con người ngọc ngồi tản ra từng tốp vây lấy sàn nhẩy.

Phiên tòa xử Internet “hạ sát” ngôn ngữ -0
Bạn hiểu bao nhiêu từ trong những từ này?

Gian buồng khiêu vũ China Emporium là một thế giới mê hồn thu nhỏ lại.” Khi thoắt qua thoắt lại giữa hai thế giới ngôn ngữ - một bên kính cẩn với ngôn ngữ đến nhường nào, một bên thì suồng sã với ngôn ngữ đến ra sao, thật khó để không có cái suy luận tức thời rằng: ngôn ngữ đã hỏng bét, internet đang đầu độc ngôn ngữ viết, dần dần.

Cái cáo buộc rằng internet là thủ phạm hạ thủ ngôn ngữ đã có lâu rồi. Nay nhân đây làm một phiên sơ thẩm đối với internet. Gọi là sơ thẩm thôi, bởi có lẽ cần một chuyên gia ngôn ngữ làm thẩm phán may ra mới có phán quyết cuối cùng. Và sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra cáo buộc này không chỉ là một cáo buộc đơn thuần, mà bên trong nó có ít nhất ba cáo buộc “hình sự” khác nhau.

Cáo buộc đầu tiên là với ngôn ngữ chat. Không viết hoa, không chấm hết, những lần ngắt câu vụn vặt, những từ viết tắt vô tội vạ, những ký tự mặt cười nhả nhớt, chính tả bị dập vùi, ngữ pháp luộm thuộm. Đây chính là đặc điểm nhận dạng của ngôn ngữ chat. Mở một ô chat bất kỳ với một người bạn, và thử đếm xem bạn phạm bao nhiêu lỗi trong đây. Tôi nhận ra rằng ngay cả khi đang chat với bạn thân về một chủ đề nghiêm túc như “Con người có thể hiểu hết về vũ trụ được không?”, tôi vẫn viết tắt vô tội vạ và tôi thậm chí ngờ rằng ngày mà con người tuyên bố đã hiểu hết về vũ trụ, thì tôi cũng vẫn sẽ chat sai quy phạm ngôn ngữ chuẩn.

Hằng ngày, phần lớn chúng ta chat nhiều hơn là đọc sách (nếu bạn không thuộc về “phần lớn” thì tuyệt vời, mừng cho bạn!). Sự dễ dãi của chat và thời gian tiếp xúc với thứ ngôn ngữ có vẻ suy thoái này khiến ta nghĩ đây chính là toàn bộ mọi khía cạnh ngôn ngữ, và thời đại cáo chung của ngôn ngữ đang sắp điểm rồi đây. Nhưng theo nhà ngôn ngữ học John McWhorter của trường đại học Columbia, tác giả cuốn Ngôn ngữ là gì? (Cùng Những Gì Nó Không Phải Là và Những Gì Nó Có Thể Là), nếu lịch sử của nhân loại kéo dài trong 24 giờ, thì ngôn ngữ viết chỉ mới xuất hiện từ lúc 23 giờ 07 phút. Trong khi đó con người đã học trò chuyện từ rất lâu trước đó. Điều đó có nghĩa là, ngôn ngữ viết dù có vẻ chính thống hơn, nhưng nó không phải lý do đầu tiên con người cần tới ngôn ngữ. Ngôn ngữ trước hết là để nói ra.

Nhưng chức năng nói và viết của ngôn ngữ đôi khi lẫn lộn. Hẳn ai cũng từng có lần ngồi trong một buổi hội nghị và nghe chủ tọa đọc một bài diễn văn dài thượt. Rõ ràng vị chủ tọa đang nói, nhưng vị đó đang nói bằng thứ ngôn ngữ viết. Vậy thì, chat, ngược lại, thật ra thứ ngôn ngữ nói trong hình thức viết. Trước khi có chiếc điện thoại và internet, việc nói trong hình thức viết là bất khả. Chiếc máy gõ chữ chậm rề rề không thể chạy đua với độ tức thời trong suy nghĩ của bạn. Chỉ có những ứng dụng chat ngày nay mới cho phép “tay nhanh hơn não” được thôi.

Ngôn ngữ chat thật ra khá kỳ diệu. Chẳng hạn, từ “achtung” trong tiếng Đức nghĩa là chú ý. Từ “acht” nghĩa là số 8, nên khi chat, người Đức hay viết “achtung” thành “8tung”. Còn tiếng Việt thì tám vừa có nghĩa là số 8 mà lại vừa có nghĩa là “tám chuyện”. Và bạn sẽ thấy có khá nhiều người viết, tôi đang “888”, nghĩa là tôi đang buôn dưa lê. Những kiểu cách điệu ngôn ngữ này cũng không phải đến thời chat người ta mới nghĩ ra. Bạn nghĩ cái tên ban nhạc “The Beatles” nghĩa là gì? Chúng vốn là “Beetles”, những con bọ, nhưng để gây ấn tượng nên chữ “e” được thay thành “a”.

Trong cuốn “Câu chuyện ngôn ngữ” của tác giả David Crystal, ông còn khẳng định rằng, ít nhất trong tiếng Anh thì chỉ 10-20% những từ viết cách điệu thật sự là do ngôn ngữ chat tạo ra, còn đâu thì có nhiều cách viết tắt có tuổi đời ... 200 năm rồi. Và chính những người thuộc cách viết tắt có khi lại là những người biết cách viết đúng chính tả nhất. Thậm chí, theo John McWhorter thì thành thạo cả ngôn ngữ chat và ngôn ngữ chuẩn còn giúp bộ não có cơ hội hoạt động như đang nói hai phương ngữ (như người Nghệ An nói cả giọng Nghệ và giọng Hà Nội), Tóm lại, với cáo buộc đầu tiên, tạm coi internet trắng án.

Phiên tòa xử Internet “hạ sát” ngôn ngữ -0
Dịch thuật ngôn ngữ mạng (Ảnh của The Influencer)

Cáo buộc thứ hai là với bành trướng của một vài ngôn ngữ chính khiến nhiều ngôn ngữ thiểu số mất đi. Thế giới có khoảng 6.000 ngôn ngữ, và ước tính một nửa số đó sẽ mất đi trong vòng 100 năm tới. 54,4% nội dung trên internet là bằng tiếng Anh. Năm 2013, nhà ngôn ngữ toán học András Kornai xây dựng một chương trình để tính số ngôn ngữ được sử dụng trên internet, và ông phát hiện ra chỉ có 5% ngôn ngữ ngoài đời có mặt trên mạng. Sự thiếu đa dạng ấy khiến những người trẻ của một cộng đồng sử dụng những ngôn ngữ “nguy cấp” không còn hứng thú với ngôn ngữ tổ tiên, và một lẽ tất nhiên, họ dần từ bỏ thứ ngôn ngữ ấy.

Kornai lấy ví dụ về hai ngôn ngữ chính thức của Na Uy là tiếng Bokmal và tiếng Nynorsk. Tiếng Bokmal được 80-90% dân số Na Uy sử dụng, trong khi chỉ 10-15% người dân dùng tiếng Nynorsk. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng ấy, nhưng theo nghiên cứu của  Kornai, bản thân cộng đồng dùng tiếng Nynorsk cũng hiếm khi dùng ngôn ngữ này trên internet, và Nynorsk đã thiểu số lại càng thiểu số. Tuy nhiên, cũng không thể không xét đến nỗ lực của nhiều tổ chức trên internet như Wikipedia đang cố gắng lưu trữ nhiều ngôn ngữ đang trên bờ vực tuyệt chủng. Vả chăng, sự bành trướng của một vài ngôn ngữ chính như Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã có từ thời thực dân, chứ đâu thể đổ hết cho internet. Cho nên, với cáo buộc này, tội trạng của internet cũng còn chưa rõ ràng.

Cáo buộc thứ ba là cáo buộc mập mờ nhất, bởi nó cho rằng internet khiến ngôn ngữ ngày càng mất đi sự duyên dáng. Rất khó để định nghĩa sự duyên dáng. Ta chỉ có thể cảm nhận. Như loạt từ ngữ mới mà cư dân mạng nghĩ ra ở phần đầu bài nếu so với những cổ ngữ mà Nguyễn Tuân sử dụng, ta liền thấy ngay sự duyên dáng nghĩa là gì. Và nếu đi ngược thời gian hơn nữa, khi đọc những bài thơ cổ văn, ta lại càng phải trầm trồ trước sự duyên dáng và dụng công của ngôn ngữ xưa kia. Sự suy đồi như thế không chỉ xuất hiện trong tiếng Việt. Đọc một câu văn của Jane Austen và đọc một câu văn của Hemingway, ta cứ ngỡ như ngôn ngữ đã bị cắt tỉa hết mọi hoa lá hẹ, còn trơ trụi thân cây. Và nếu so Hemingway với thứ ngôn ngữ facebook hiện này thì không còn gì để nói.

Nhưng những so sánh như thế là không cân xứng. Thay vì đem Hemingway, người chủ trương tiêu giảm ngôn ngữ, sao không đem ra những tay chơi ngôn ngữ điệu đàng của nửa sau thế kỷ 20 như Virginia Woolf, dù là một kiểu điệu đàng khác với Jane Austen, nhưng còn vượt trội hơn nhiều? Và tại sao lại so Hemingway với những tài khoản Facebook của những người thậm chí không theo nghiệp văn chương? Mà kể cả là theo nghiệp văn chương, nếu đọc những status cập nhật đời sống thường ngày rất gần gũi của Nguyễn Thiên Ngân, đâu ai nghĩ cũng chính cô là người đã dịch bản Sonnet 93 của Shakespeare thật duyên dáng biết bao:

Em có lẽ giống như là táo độc

Của Eva trong Kinh thánh thuở nào.

Ôi những thứ làm đời ta đau đớn

Luôn ẩn thân trong dáng vẻ ngọt ngào.

Đời sống Facebook và đời sống văn chương là hai đời sống khác nhau. Và sự suồng sã của ngôn ngữ Facebook chẳng nói lên trực tiếp điều gì về sự suy thoái của ngôn ngữ. Chưa kể, việc cộng đồng mạng sản sinh ra những từ ngữ mới cũng chẳng khác chi người xưa tạo ra từ mới. Có người nói, từ "Bủh” mà cư dư mạng Việt nghĩ ra từ một lỗi sai chính tả thật là nhảm nhí. Nhưng liệu họ có biết từ “chú rể” trong tiếng Anh vốn dĩ là một từ viết nhầm từ “người nuôi ngựa”, và lỗi ấy đã có từ thời Trung Cổ? Viết nhầm rồi tạo thành từ mới, đây có vẻ như là truyền thống tạo ngôn ngữ của con người nhiều hơn là lỗi của internet, dù không phải từ nào cũng sẽ có đời sống lâu dài. Cho nên, cáo buộc này, internet cũng vô tội.

*

Thực ra thì, nếu ai đó đang lo lắng cho sự suy vi ngôn ngữ thì cũng hợp lẽ thôi, vì thời nào người ta cũng lo như thế. Trong cuốn Từ điển Anh ngữ mà Samuel Johnson đã biên soạn và phát hành vào năm 1755, một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất tới lịch sử ngôn ngữ Anh, ngay ở lời đề tựa, soạn giả đã tỏ ý chê trách như sau: “Những cách dùng ngôn ngữ, giống như những các chính phủ, một cách tự nhiên có xu hướng thoái hóa”.

Trước đó, Jonathan Swift, tác giả của Gulliver du ký cho rằng tài liệu viết thời mình có quá nhiều “những sự phá hoại và viết tắt”, và “ví dụ cho sự lạm dụng ấy thì vô số” (Ông mà sống ở thời này, khéo sẽ vỡ tim mà chết mất!). Từ thời kỳ đó, tiếng Anh đã có vẻ rất lỏng lẻo nếu so với sự chặt chẽ của tiếng Latin. Thế nhưng, chẳng phải chính sự mềm dẻo, tính “đàn hồi”, linh hoạt của tiếng Anh đã đưa nó phát triển thành thứ ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, trong khi tiếng Latin dù còn để lại một di sản to lớn cho hậu thế, nhưng tự thân nó vì quá đỗi phức tạp nên cuối cùng đã thành một ngôn ngữ chết.

Có lẽ ngay cả những nhà ngôn ngữ học cũng không mong muốn đến hôm nay chúng ta vẫn nói năng hay viết lách bằng thứ ngôn ngữ giống hệt như Nguyễn Du cách đây 200 năm trước, bất kể thứ ngôn ngữ ấy đẹp và tinh luyện tới mức nào, bất kể “Truyện Kiều còn, nước ta còn...”. Ngôn ngữ cũng như một sinh vật, ngày nào còn cử động, còn thay đổi, thì còn sống, ngày nào nằm bẹp im lìm không dịch chuyển, thì nó đã chìm vào cơn hôn mê, hoặc có khi đã lìa đời rồi. Và mỗi khi ta nhìn thấy một cụm từ quái lạ nào đó mà ta không biết, “u là trời” chẳng hạn, thì hãy mừng vì ngôn ngữ vẫn còn đang sống.

Hiền Trang
.
.