Phía sau tham vọng của "thủ đô" đường sắt cao tốc châu Âu

Thứ Tư, 21/12/2022, 14:08

Nhắc tới "thủ đô" đường sắt cao tốc châu Âu, nhiều người thường nghĩ tới Trains a Grande Vitesse (TGV) của Pháp, hay những đoàn tàu có mũi tên đỏ Trenitalia's Frecciarossa của Italia. Nhưng mạng lưới đường sắt cao tốc quy mô nhất lục địa già lại không nằm ở hai điểm đến này, mà thuộc về Tây Ban Nha, với tham vọng trở thành "gã khổng lồ cao tốc" bền bỉ suốt ba thập kỷ.

Nơi tham vọng bắt đầu

Ngày 21/4/1992, một ngày sau khi Triển lãm toàn cầu diễn ra tại thành phố Seville của Tây Ban Nha, ngành đường sắt thế giới nói chung và châu Âu nói riêng chứng kiến cột mốc lớn, khi xứ sở bò tót khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối liền thủ đô Madrid với chính Seville. Từ thời điểm này, Tây Ban Nha trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, sau Nhật Bản, Pháp và Đức.

Với việc lựa chọn Seville, Tây Ban Nha cũng trở thành nước duy nhất không tiến hành xây dựng đường sắt cao tốc ở những tuyến hành lang giao thông trọng điểm hoặc nối những thành phố đông đúc. Seville - điểm đến của tuyến tàu cao tốc đầu tiên - được biết đến như thủ đô nghệ thuật, văn hóa và tài chính của miền Nam Tây Ban Nha và là thành phố lớn thứ tư nước này. Việc lựa chọn Seville thể hiện tham vọng của Tây Ban Nha nhằm hồi sinh nền kinh tế phía Nam, khi chỉ mất tới chưa đầy 5 năm, tuyến đường sắt cao tốc mang tính cột mốc đã ra đời.

ảnh 1.jpg -0
Kinh nghiệm và kiến thức công nghệ thu được sau 3 thập kỷ đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các công ty công nghiệp đường sắt Tây Ban Nha. Ảnh: Renfe

Quay trở lại năm 1986, khi chính phủ Tây Ban Nha quyết định xây dựng đường sắt cao tốc nối Madrid và Seville, quốc gia này đã vạch rõ tham vọng xây dựng mạng lưới đường sắt mới hiện đại để tích hợp với mạng lưới đường cao tốc châu Âu trong tương lai. Vào tháng 12/1986, một nhóm chuyên gia đã được chính phủ Tây Ban Nha tập hợp để hiện thực hóa tham vọng ấy, gồm các kỹ sư đến từ Tập đoàn điều hành đường sắt quốc gia Renfe, Bộ Công trình Công cộng và Giao thông vận tải và Công ty tư vấn thiết kế Ineco.

Suốt một năm sau đó, nhóm các kỹ sư, kiến trúc sư và kỹ thuật viên đã bắt đầu cuộc chạy đua không một giây ngơi nghỉ để thực hiện các thiết kế sơ bộ và chi tiết cho tuyến tàu đầu tiên trong dự án có tên NAFA - tuyến tàu nối với vùng Andalusia - mà Seville chính là thủ phủ. Cột mốc khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Madrid - Seville, theo CNN, là minh chứng cho nỗ lực đổi mới, đầu tư và làm việc cật lực của Tây Ban Nha, khép lại thế kỷ 20 với dự án kỹ thuật giao thông vĩ đại nhất, bước những bước đầu tiên trong sự thay đổi căn bản nhằm đưa mạng lưới đường sắt châu Âu đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất.

Vào tháng 1/1993, tuyến tàu cao tốc Talgo 200 Madrid-Málaga mở cửa, sử dụng hệ thống tàu AVE đến tận Córdoba. Chỉ 3 tháng sau, tàu AVE đã đặt tốc độ tối đa mới là 356,8 km/h trong một lần chạy thử, đưa ngành tàu cao tốc Tây Ban Nha lên đỉnh cao. Thành công về mặt kỹ thuật và thương mại của tuyến cao tốc Madrid-Seville - dự án kỹ thuật đường sắt lớn nhất được thực hiện ở Tây Ban Nha cho đến lúc đó - đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều tuyến tàu cao tốc hơn, hướng tới mạng lưới giao thông bền vững, an toàn, tích hợp và thông minh.

"Gã khổng lồ" không cô đơn

Kể từ năm 1992 với hành trình đầu tiên về với Seville, sau 30 năm, mạng lưới đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đã phát triển từ 470 km đường ray lên hơn 3.400 km và xuất hiện tại 47 thành phố. 67,4% dân số Tây Ban Nha đã có thể sử dụng tàu cao tốc từ chính thành phố của họ. Thành công về đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha, theo Reuters, được toàn thế giới công nhận. Trong thế giới kết nối kỹ thuật số ngày nay, không thể đánh giá thấp giá trị của thời gian và điều này đặc biệt đúng khi nói đến cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao mà Tây Ban Nha sở hữu.

Phía sau tham vọng của
Các dự án tàu cao tốc tại Tây Ban Nha đều hướng tới mạng lưới giao thông bền vững, an toàn, tích hợp và thông minh. Ảnh: CNN

Tốc độ thương mại trung bình của mạng lưới tàu cao tốc Tây Ban Nha là 222km/h, cao hơn so với các quốc gia tiên phong bao gồm Nhật Bản và Pháp. Kể từ cuối những năm 80, tốc độ của các con tàu đã tăng lên 160%, nổi bật là tuyến đường cao tốc giữa Barcelona và Madrid, nơi tốc độ thương mại trung bình trên hành trình không có điểm dừng là 248 km/h. Nhờ vậy, thời gian di chuyển giữa hai thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha rút ngắn xuống còn 2h30 phút, một điều được coi là không tưởng trước đây.

The Railway Network nhận định, mạng lưới đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha là mạng lưới dài nhất đang hoạt động ở châu Âu và đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, giúp Tây Ban Nha dẫn đầu trong hoạt động vận tải này dù "sinh sau đẻ muộn" so với một số quốc gia châu Âu khác. Đứng trên đỉnh cao của thị trường tàu cao tốc, nhưng gã khổng lồ ấy không muốn cô đơn. Năm 2013, chuyến tàu cao tốc đầu tiên đi thẳng từ Paris, Pháp đến Barcelona, Tây Ban Nha đã khởi hành, đánh dấu thành công lớn trong kết nối giao thông giữa hai quốc gia. Hành khách chỉ mất 6 giờ 20 phút để di chuyển qua lại giữa hai thành phố trên.

Cũng trong một nỗ lực hiện thực tham vọng kết nối với cả châu Âu, Tây Ban Nha đã quyết định triển khai hệ thống quản lý vận tải đường sắt của châu Âu (ERTMS) khi xây dựng mạng lưới đường sắt của mình, với những đường ray tuân thủ tuyệt đối yêu cầu mà ERTMS đưa ra. Do đó, sau 30 năm, Tây Ban Nha hiện tự hào có nhiều km đường tàu đang hoạt động theo hệ thống ERTMS nhất trên thế giới. Các khoản đầu tư lớn vào đường sắt tốc độ cao trong những năm gần đây đã cho phép ERTMS được phát triển tại địa phương, điều đó có nghĩa là hơn 3.000 km đường sắt đã được trang bị công nghệ tiêu chuẩn châu Âu cấp độ 2 và sẽ tiếp tục bổ sung xây dựng.

Cũng nhờ đó, Tây Ban Nha trở thành quốc gia dẫn đầu quốc tế về vận hành hiệu quả hệ thống ERTMS. The Guardian khẳng định, kinh nghiệm và kiến thức công nghệ thu được đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh và quốc tế hóa của các công ty công nghiệp đường sắt Tây Ban Nha trên toàn thế giới. Cũng nhờ đó, trong những năm gần đây, đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đã nhận được nhiều khoản đầu tư, phần lớn đến từ Liên minh châu Âu.

"Dân chủ hóa" những cung đường

Kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên, giữa ga cuối Atocha của Madrid và Seville, được khai trương vào năm 1992, mạng lưới đầy tham vọng này đã vươn tới Malaga và Granada ở phía Nam, Valencia, Alicante và Barcelona ở bờ biển phía Đông và Santiago de Compostela, Vigo và A Coruna ở bang Galicia Tây Bắc.

Sau ba thập kỷ, thị trường đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha những ngày cuối năm 2022 đang nóng lên với sự xuất hiện một nhà điều hành mới bắt đầu phục vụ hành khách từ đầu tháng 12, đưa quốc gia này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu có ba công ty trong lĩnh vực này. Nhà điều hành tư nhân Iryo, được sở hữu 45% bởi Trenitalia của Italia, đã thực hiện chuyến đi đầu tiên hôm 25/11 từ Madrid đến Valencia trên bờ biển Địa Trung Hải. Iryo sẽ cạnh tranh với công ty đường sắt SNCF của Pháp tại quốc gia này, Ouigo, đã hoạt động từ tháng 5 năm 2021 và nhà điều hành đường sắt nhà nước Tây Ban Nha Renfe.

Carlos Lerida, chuyên gia vận tải đường sắt tại Đại học Autonomous của Madrid, tin rằng sự xuất hiện của nhà điều hành thứ ba trong ngành đường sắt cao tốc Tây Ban Nha là một "bước đi lịch sử" và "mới lạ" ở châu Âu. "Cho đến nay, chưa có mạng lưới đường sắt cao tốc nào hoạt động với ba đối thủ cạnh tranh. Tây Ban Nha có thể là hình mẫu", ông nói. Bộ trưởng Giao thông vận tải Tây Ban Nha Raquel Sanchez hôm 5/12 cũng bày tỏ tham vọng mở rộng sự cạnh tranh giữa các hãng tàu cao tốc sang các tuyến đường cao tốc khác như từ Madrid đến khu vực Tây Bắc Galicia cũng như khu vực phía Bắc Asturias. Bộ trưởng Giao thông vận tải Tây Ban Nha tin rằng, sự cạnh tranh lớn hơn sẽ giúp "dân chủ hóa" du lịch đường sắt cao tốc và gọi mô hình của Tây Ban Nha trong lĩnh vực này là "một cuộc cách mạng".

Trước đó, ông lớn cao tốc Renfe đã đáp trả sự xuất hiện của các chuyến tàu mới nổi mang tên Ouigo vào tháng 5/2021 bằng việc ra mắt dịch vụ tàu cao tốc giá rẻ có tên Avlo. Sự xuất hiện của nhiều sản phẩm giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn với mức giá được kỳ vọng sẽ giảm do sự cạnh tranh gắt gao trong thị trường.

Nick Brooks, Tổng thư ký ALLRAIL (Liên minh các công ty đường sắt độc lập mới nổi tại châu Âu) bày tỏ: "Thật tuyệt khi thấy các dịch vụ tàu cao tốc được định hướng thương mại như thế nào - chẳng hạn như sự xuất hiện của Iryo đang làm cho thị trường đường sắt cao tốc trở nên hấp dẫn hơn và thu hút du khách khỏi các phương thức vận tải kém bền vững hơn, cụ thể là hàng không và ô tô".

Bên cạnh đó, sự vươn mình của ngành đường sắt cao tốc Tây Ban Nha cũng mang đến triển vọng xanh cho du lịch và giao thông. Theo CNN, tích hợp môi trường là một phần quan trọng trong triết lý truyền cảm hứng cho tất cả các mạng lưới đường sắt cao tốc. Thực tế, đường sắt là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhất; lượng khí thải CO2 thấp hơn nhiều so với lượng phát thải từ các phương thức vận tải khác, đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng.

Thêm vào đó, 100% năng lượng tiêu thụ của tàu cao tốc ở Tây Ban Nha được tạo ra từ các nguồn tái tạo, không có carbon. Đây là lúc, sự chú ý sẽ dồn vào ba đơn vị cung cấp dịch vụ tàu cao tốc tại Tây Ban Nha, với những dò xét về nỗ lực cạnh tranh và sự phát triển xanh bền vững mà cả ba bên cùng cam kết.

Sau khi tất cả các dịch vụ được đưa vào hoạt động, Renfe, Ouigo và Iryo cuối cùng sẽ hoàn tất quá trình tự do hóa đường sắt cao tốc của Tây Ban Nha. Sự kết hợp giữa cấu trúc mạng lưới đường sắt cao tốc và các đặc điểm cạnh tranh đầy tốc độ đang và sẽ khiến Tây Ban Nha trở thành một trường hợp độc nhất vô nhị trong thế giới đường sắt, theo Rail Tech. Việc cùng chung sống và phát triển của ba nhà khai thác khác nhau trên đường đua tàu cao tốc Tây Ban Nha có lẽ sẽ để lại những bài học quan trọng cho nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

An Nhiên
.
.