PGS.TS. Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc của Chính phủ:

Phát triển hài hòa “văn minh nông nghiệp” và “văn minh công nghiệp”

Thứ Sáu, 10/03/2023, 14:05

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc của Chính phủ. Ông là nhà sử học, nhà nghiên cứu về Dân tộc học và Nhân học với rất nhiều các công trình khoa học có giá trị trong nhiều thập niên qua. Những nghiên cứu của ông như “Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam” (1990), “Nghệ thuật trang phục Thái” (1990), “Nhà sàn Thái” (1984) hay “Văn hóa lễ hội các dân tộc ở Đông Nam Á” (1992)… đã trở thành nền tảng và là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu về Dân tộc học và Nhân học hiện nay.

Trong số này, báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng xin giới thiệu bài đối thoại giữa nhà báo Huyền Thanh với PGS.TS. Lê Ngọc Thắng.

- Thưa PGS. TS. Lê Ngọc Thắng, chúng tôi rất hân hạnh khi được trò chuyện cùng với ông hôm nay! Các vấn đề về Dân tộc thiểu số và miền núi dường như chưa bao giờ là những vấn đề thiếu sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam. Là một chuyên gia nghiên cứu về Dân tộc thiểu số và miền núi trong nhiều thập niên qua, ông có thể chia sẻ cho chúng tôi biết các vấn đề về an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục, kinh tế - xã hội ở khu vực này hiện nay như thế nào không?

+ Đây quả thật là một câu hỏi rộng và các vấn đề khá là phức tạp. Dân tộc chúng ta là một dân tộc đa thành phần tộc người, bao gồm 54 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, tuy nhiên họ cũng phân bố rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam như miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long vì nhiều lí do khác nhau như chiến tranh hay nhập cư. Ví dụ như vùng đồng bằng sông Cửu Long có bốn tộc người sinh sống là Việt, Khơmer, Hoa và Chăm, trong đó người Việt chiếm đa số. Các thành phần tộc người hay là thành phần dân tộc ở Việt Nam là một kết quả của lịch sử hàng nghìn năm để lại. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định có một vị trí rất đặc biệt về chính trị, an ninh - quốc phòng cũng như là các vấn đề về môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, để nói hết được tất cả các vấn đề về Dân tộc thiểu số và miền núi, tôi e rằng, cần khá nhiều thời gian.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc của Chính phủ: Phát triển hài hòa “văn minh nông nghiệp” và “văn minh công nghiệp” -0

- Vậy chúng ta sẽ bắt đầu bằng các chia sẻ của ông về vấn đề an ninh - quốc phòng ở khu vực này. Chúng ta đều biết, khái niệm an ninh bây giờ không còn là khái niệm an ninh truyền thống như trước nữa, mà an ninh còn bao gồm cả an ninh phi truyền thống (ANPTT). Đây là một khái niệm được bàn đến vào khoảng cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Có khá nhiều các quan điểm và các nghiên cứu về ANPTT. Một trong những nội dung được đề cập đến đó là các mối đe dọa ANPTT, trong đó tập trung vào hai nhóm, một là nhóm các quá trình, hiện tượng tự nhiên và xã hội ảnh hưởng bất lợi đến xã hội như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm, di cư bất hợp pháp… Và nhóm thứ hai là nhóm về các hành vi tiêu cực do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện ảnh hưởng bất lợi đến xã hội như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… Vậy ông có thể chia sẻ về các mối đe dọa ANPTT ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được không?

- Qua các kì Đại hội, Đảng và Nhà nước luôn xác định các vấn đề về Dân tộc thiểu số và miền núi là những vấn đề có tính chất chiến lược, công tác dân tộc có vị trí chiến lược trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Cho nên sự phát triển của quốc gia không chỉ là đô thị hay đồng bằng phát triển mà vùng dân tộc thiểu số cũng được phát triển, tuy nhiên lại có những đặc thù riêng. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có một số đặc điểm mà những đặc điểm đó liên quan đến an ninh - quốc phòng, đến phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Thứ nhất, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa bàn tiếp giáp với các biên giới với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Và đồng bào các dân tộc có mối quan hệ lâu đời ở hai bên biên giới như biên giới Việt - Trung, Việt – Lào hay Việt - Campuchia. Ví dụ như dân tộc Khơmer Việt Nam, Khơmer Campuchia; người Tày, người Nùng, người Choang ở Trung Quốc, người Khơ mú, người Mông, người Dao không chỉ ở bên này biên giới mà còn ở bên kia biên giới Việt - Lào, Việt - Trung. Vậy thì các mối quan hệ dân tộc ấy cũng đặt ra rất nhiều vấn đề, vừa có những lợi thế, vừa có những vấn đề đáng chú ý trong quá trình giải quyết các mối quan hệ liên quan đến an ninh – quốc phòng, liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội.                                                                                                                   

Thứ hai, đây là vùng chiếm ba phần tư diện tích đất đai của quốc gia Việt Nam từ núi đồi, biên giới đến đồng bằng, … và là vùng có nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Đồng bào ở đây lại thuộc nhiều ngữ hệ, nhóm văn hóa, trình độ phát triển rất khác nhau, cho nên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, có rất nhiều đặc thù. Ở các vùng miền núi, có địa hình chia cắt mạnh, vấn đề về rừng, nguồn nước, về biến đổi khí hậu có thể nói có tác động mạnh và là mối đe dọa của cái mà chúng ta gọi là “an ninh phi truyền thống”, tức là nó không phải liên quan đến các vấn an ninh truyền thống như quân sự hay vũ trang, chiến tranh. ANPTT là khái niệm mới mang tính xuyên quốc gia hay như các vấn đề về biến đổi khí hậu thì mang tính chất toàn cầu, đói nghèo hay dịch bệnh cũng thế. Đối với các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, về biến đổi khí hậu, vùng này bị ảnh hưởng mạnh như sạt lở, lũ quét, cháy rừng. Như chúng ta đã thấy các vùng ở miền Trung như Quảng Nam, Tây Bắc, Đông Bắc… đồng bào ở đây chịu thách thức rất lớn. Đến mùa lũ lụt, mùa mưa, mùa đông giá rét, người dân vùng dân tộc thiểu số phải nói rằng rất cơ cực, gian khổ, khó khăn vô cùng để chống chọi với giá rét, lũ lụt. Tiếp nữa là đói nghèo, tỉ lệ nghèo ở dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ khá cao, điều này Đảng và Nhà nước đã chú tâm rất nhiều cùng với các chính sách thoát nghèo suốt nhiều năm qua. Đây là những chính sách mà chúng ta phải làm trường kì, thường xuyên và luôn luôn đổi mới. Xóa đói giảm nghèo ở khu vực này có thể nói đó là vấn đề lớn của quốc gia. Và biến đổi khí hậu hay đói nghèo đang là những mối đe dọa ANPTT mà chúng ta thấy rõ nhất, trực tiếp và hàng ngày.

Bên cạnh đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng là vùng được các thế lực thù địch bên ngoài rất quan tâm về dân tộc, tôn giáo và nhân quyền. Các thế lực luôn luôn tìm cách tác động như vụ Tây Nguyên năm 2000 - 2004, lợi dụng vào dân trí thấp, năng lực quản lý vùng dân tộc còn hạn chế, các thế lực thù địch đã tạo những nhận định sai lệch, những quan điểm sai trái với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước để tạo ra những xung đột rất nguy hiểm. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ, các mối đe dọa ANPTT đối với các vùng các dân tộc thiểu số là rất mạnh. Một số các đại biểu quốc hội đã lên tiếng, đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi về vấn đề ANPTT. Đối với các vùng khác của quốc gia chúng ta, vấn đề ANPTT cũng chịu tác động lớn nhưng những vùng dân tộc thiểu số và miền núi chịu tác động một cách trực tiếp, kinh khủng hơn, mang tính đặc thù như biến đổi khí hậu gây lũ quét, sạt lở, mưa đá, mưa tuyết, đói nghèo, dịch bệnh… liên quan đến dân trí, trình độ phát triển, hay các đầu tư, các dịch vụ công ở các vùng này chưa được như ở các đô thị hay các thành phố lớn. Chúng ta phải hiểu được các đặc điểm đó để có được cái nhìn khách quan hơn về vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc của Chính phủ: Phát triển hài hòa “văn minh nông nghiệp” và “văn minh công nghiệp” -0

- Bên cạnh những yếu tố ông vừa nói, thì ANPTT còn bị đe dọa bởi những hành vi tiêu cực đến từ các cá nhân hay tổ chức như khủng bố, tội phạm công nghệ… Vậy theo ông, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi liệu có bị ảnh hưởng bởi những hành vi đó không? ANPTT có liên quan đến môi trường sinh sống hiện tại người dân vùng thiểu số và miền núi không? Ý của tôi ở đây là một xã hội công bằng, ổn định?

- Có chứ. An ninh ở vùng dân tộc thiểu số bao gồm các vấn đề, làm thế nào để đồng bào của các dân tộc thiểu số có thể thực hiện được cái quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp đã quy định trong quá trình sinh tồn và phát triển dưới sự lãnh đạo của một chính đảng, một Nhà nước. Tức là người dân phải được sống trong một điều kiện hòa bình, không chiến tranh, không xung đột. Họ được yên ổn làm ăn, được sống trong quyền của con người trong cuộc sống, trong các mối quan hệ xã hội của họ.

Đồng bào dân tộc thiểu số được sống trong điều kiện môi trường tự nhiên bình thường, tức là nó không bị tác động, bị xâm hại về khí hậu, đất đai, nguồn nước, liên quan đến sức khỏe, đến làm ăn. Mặt khác, họ phải được được thực hiện quyền của mình trong một môi trường xã hội ổn định để họ có thể phát triển một cách bình thường. Trên thực tế, hai chữ “bình thường” này đang chịu tác động của rất nhiều các yếu tố. Và để đảm bảo được sự bình thường đó là điều không hề đơn giản.

Đây là các vấn đề cần sự nhận thức của các ngành, các cấp thấy được những đặc thù của nó để có sự quan tâm hơn nữa, để làm thế nào các dân tộc vùng thiểu số phát triển trong một điều kiện môi trường tự nhiên - xã hội như đất đai, rừng, nguồn nước, học hành, khám chữa bệnh, công tác cán bộ… phải được đảm bảo. Và để thực hiện được những vấn đề đấy, nó hoàn toàn liên quan đến nhận thức của chính quyền các cấp, các bộ ngành quan tâm đến vùng này. Cũng những vấn đề như vậy, vùng đồng bằng, đô thị, thành phố khác, miền núi khác. Các vấn đề như đất đai, điều kiện canh tác, các khu tái định cư, thủy điện, các khu công nghiệp mọc lên, thì người dân tộc thiểu số và miền núi chịu những áp lực rất lớn mà chúng tôi gọi là xung đột thời đại, giữa văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp. Không đơn giản để nói về điều này. Ví dụ như nhà máy thủy điện Sơn La không chỉ là nhà máy thủy điện thông thường mà nó là sự xung đột thời đại, giữa văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp. Thủy điện Sơn La đã làm biến đổi toàn bộ cảnh quan sinh thái nhân văn, hàng trăm hàng nghìn bản dân tộc ngập trong lòng nước, những bản làng phải mất hàng trăm năm mới được tạo lập nên, những cánh đồng lúa, những con suối, những con nước, những mái nhà sàn, đấy được gọi là sinh thái nhân văn, bây giờ bị ngập hết trong nước. Các khu tái định cư, không thể nào tạo ra được những cảnh quan như vậy. Vừa rồi Quốc hội có bàn về vấn đề sạt lở đất đai, các khu tái định cư - những khu đền bù đất đai cho người dân khi phát triển đất nước, làm sao để bằng hoặc hơn cái cũ; thực ra, điều đó không dễ tí nào cả vì nguồn đất đai càng ngày càng hiếm, tạo được một nơi sống mà sinh thái gắn với tự nhiên là người ta phải chắt lọc hàng trăm năm chứ không phải một ngày, một tháng, một năm. Không phải chỗ nào người dân cũng ở. Họ phải gần nơi có nguồn nước, gần nơi sản xuất, nơi có cộng đồng làng bản. Còn bây giờ thì bỗng nhiên, cộng đồng làng bản của họ bị ngập hết trong nước bởi các tác động của cái mà ta gọi là “văn minh công nghiệp”. Và các khu tái định cư là do các nhà quản lý đưa họ đến, nhiều người dân không muốn ở đó nhưng người ta vẫn phải ở. Cho nên chúng ta phải nhận thức hết sức sâu sắc, phải hết sức thận trọng thì mới có thể thực hiện được mục đích rằng các khu tái định cư phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được thì nó không đơn giản tí nào.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc của Chính phủ: Phát triển hài hòa “văn minh nông nghiệp” và “văn minh công nghiệp” -0
Nhà báo Huyền Thanh và PGS -TS Lê Ngọc Thắng.

- Như vậy, vấn đề an ninh nói chung ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang chịu tác động của cái mà ta gọi là “văn minh công nghiệp”?

- Đúng như vậy. Có thể tóm gọn vấn đề an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở đây, thứ nhất là về mặt xã hội, thứ hai là về điều kiện tự nhiên và môi trường. An ninh của dân tộc thiểu số đang chịu tác động trực tiếp của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình này rất ghê gớm, thay đổi toàn bộ cảnh quan sinh thái, môi trường sống của người dân thiểu số và miền núi, nó đã góp phần tăng thêm các mối đe dọa tới an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Rất tiếc là chúng ta nhận thức chưa được sâu sắc, toàn diện và phổ cập trong chính quyền các cấp, trong hệ thống các ban ngành. Cái này nó rất quan trọng khi thiết kế các chính sách, cần phải lưu ý, phải thấy được các vấn đề ấy trong các nội dung của chính sách. Đó cũng là điều không đơn giản! An ninh vùng dân tộc thiểu số là phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, là phải được sống trong môi trường xã hội an lành, phát triển, bình thường. Điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai thời tiết, người ta cư trú ở đấy người ta yên tâm làm ăn, đóng góp vào sự phát triển chung của một quốc gia. Do vậy, khi vận dụng vào trong vấn đề thiết kế các chính sách, thông tư, nghị quyết, nghị định chúng ta cần phải được nghiên cứu kỹ hơn, lưu ý thêm về các vấn đề như chúng ta đã thảo luận.

- Chúng ta đã thấy, có sự xung đột rất lớn giữa “văn minh nông nghiệp” và “văn minh công nghiệp” rồi. Vậy để hài hòa được hai nền văn minh này, ít nhất là ở góc độ dành riêng cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì vấn đề an ninh cần phải như thế nào? Nếu để cho chúng ta đảm bảo được nền “văn minh nông nghiệp” thì chúng ta có thể phải thụt lùi so với thời đại? Vì thời đại bây giờ là công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà, nó phải theo xu thế chung của thế giới, của tiến bộ xã hội loài người. Nếu chúng ta không đi theo cái gọi là “văn minh công nghiệp” thì chúng ta sẽ không thể phát triển các nhà máy thủy điện hay các khu công nghiệp chẳng hạn, thì nó lại không thể tuân theo được định hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào? Vai trò của an ninh ở đây là gì?

- Nếu hiểu văn minh nông nghiệp lạc hậu là chưa đúng. Văn minh nông nghiệp hiện nay đang được hiện đại hóa. Trong nghị quyết của Trung ương vừa rồi có liên quan đến nông thôn mới có nói rằng, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp đổi mới, tức là câu chuyện muốn nói đến nông nghiệp hiện nay, chúng ta phải hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới chính là chúng ta đang hiện đại hóa nền văn minh nông nghiệp. Còn để nó hài hòa ở tầm quốc gia cũng như ở các vùng dân tộc thiểu số đó lại là một câu chuyện không thể một sớm một chiều được. Tức là chúng ta phải thấy được chúng ta đưa công nghiệp vào phát triển đất nước như thế nào trong khi mình là đất nước nông nghiệp, làm thế nào để không mất đi bản sắc nền văn minh nông nghiệp của Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm. Là nơi xuất khẩu lúa gạo cho thế giới, công nghiệp có phần hiện đại hóa chứ không nên đánh mất đi nền văn minh nông nghiệp. Cho nên hài hòa là do tầm nhìn của các lãnh đạo, quản lý, người phải biết thiết kế các chương trình, dự án tầm quốc gia.

Có nhiều địa phương được đề nghị làm các nhà máy thủy điện nhưng người ta không làm, vì nếu làm nhà máy thủy điện sẽ tàn phá môi trường rất nhiều, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường rất lớn. Nhiều địa phương, không phải nói đến công nghiệp hóa hay hiện đại hóa mà người ta sẽ làm đâu. Người ta cố gắng giữ môi trường mà việc giữ môi trường mới là nền tảng của phát triển bền vững. Môi trường, văn hóa xã hội là tài nguyên mềm. Chúng ta hay nói, văn hóa là sức mạnh mềm, nhưng mà tài nguyên mềm, cũng là một loại tài nguyên con người, tài nguyên nhân văn. Vậy thì muốn hài hòa hay không thì do chính nhà lãnh đạo, quản lý thiết kế phải có lộ trình, có các bước đi phù hợp. Và hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn đây là một xu thế. Hai nền văn minh đây là xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Nhân loại đã phát triển văn minh nông nghiệp, còn chúng ta hiện nay đang giao thoa. Bởi thế chúng ta cần hiểu công nghiệp hóa như thế nào chứ không phải cứ cắm đầu cắm cổ, thích làm là làm để rồi phải trả giá đắt trong quá trình công nghiệp hóa này.

Công nghiệp hóa phải có lộ trình, hài hòa, phải giữ được môi trường. Chúng ta thấy có rất nhiều làng nghề, đặc biệt ở khu vực Bắc Bộ đang ô nhiễm rất nặng, xả thải ra môi trường rất nhiều, cho thấy sự phát triển như vậy trở nên vô nghĩa, được về mặt kinh tế nhưng sức khỏe của cộng đồng giảm sút, đây là sự đánh đổi quá lớn.

Vậy sự hài hòa ở đây có hay không là do tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, tầm nhìn chiến lược trong thiết kế các chương trình, dự án đầu tư theo định hướng “công nghiệp hóa - hiện đại hóa”. Đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số, vấn đề công nghiệp hóa ở đây nó còn liên quan đến an ninh - quốc phòng, đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ được sống trong điều kiện tự nhiên hài hòa, yên bình, trong một môi trường xã hội - chính trị ổn định.

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.