Phải chăng đã đến lúc thôi suy tư?
Nhờ vào khả năng suy tư và niềm yêu thích suy tư, phương Tây trong nhiều thế kỷ đã vượt lên trước. Nhưng, họ đã quên mất rằng, ngay cả khả năng suy tư sâu sắc cũng không phải là lời biện minh để họ bỏ ngoài tai tất cả những tiếng nói và giữ rịt lấy sự im lặng làm nên lịch sử vĩ đại của mình...
Một vị khách tham quan yêu nghệ thuật khi bước vào sân chính của Bảo tàng Legion of Honor, một tòa nhà với kiến trúc Tân cổ điển nhìn ra vịnh San Francisco xanh ngăn ngắt, sẽ được đón chào bởi một người đàn ông đang ngồi cúi mình, chống một tay lên cằm và chìm đắm trong những chiêm nghiệm của mình. Ông đã ngồi như vậy trong gần trăm năm qua, một người đàn ông không tên nhưng bởi vậy mà ông là mẫu số chung cho con người và ta chỉ gọi ông bằng 3 âm tiết Le Pensée - Người suy tư. Bức điêu khắc của Auguste Rodin có một phiên bản gốc đặt tại Paris và nhiều bản sao do những người thợ học việc làm ra với sự giám sát của chính tác giả của nó. Đây là một trong số đó.
Nhưng, điều đặc biệt nhất ở đây, khiến cho nó khác với những Người suy tư khác, đó là xung quanh “Người suy tư” nay có 4 bức tượng điêu khắc: một người cưỡi cá sấu, một sinh vật nửa người nửa thằn lằn, thêm hai sinh vật không rõ mặt đang nằm trong tư thế Shavasana, hay còn gọi là tư thế xác chết, một trong những tư thế tưởng dễ mà lại khó nhất trong Yoga, với tấm chiếu đắp kín chỉ thò ra 4 chi. Bộ tác phẩm ấy mang tên “I am speaking. Are you listening?” (Tôi đang nói. Người có đang nghe không?), một tác phẩm nghệ thuật công cộng ấn tượng bậc nhất của năm 2021 do nữ nghệ sĩ người Mỹ gốc Kenya, Wangechi Mutu sáng tác.
“Người suy tư” ra đời vào năm 1904, với mục đích ban đầu là một phần của bức điêu khắc “Những cánh cổng Địa ngục” lấy cảm hứng từ “Thần khúc” của Alighieri Dante. Những năm 1900, 90% châu Phi nằm trong quyền kiểm soát của các đế quốc châu Âu, Ấn Độ khi ấy còn là thuộc địa của Anh đã trải qua một nạn đói ước tính lấy đi mạng sống của từ 1,25 đến 10 triệu người. Ngày nay, châu Phi đã thuộc về người châu Phi, cả châu Á hay châu Úc cũng đã độc lập nhưng chủ nghĩa thực dân vẫn hiện diện khắp nơi trong những hình thái tinh vi hơn. Và, bằng cách đặt tác phẩm của mình đứng ngay phía dưới bức tượng của một nghệ sĩ đã khai mở phong trào hiện đại trong ngành điêu khắc, Wangechi Mutu muốn lôi người đàn ông Âu châu da trắng đang miệt mài suy tư kia từ sự im lặng bất tận, sự mê man trong những ý nghĩ khôn cùng, bất kể đó là ý nghĩ gì, để đối thoại, để nói, nói với những sinh vật nửa người nửa thú, những kẻ mà suốt bao năm trời trong lịch sử, không được đặt vị trí ngang hàng với người đàn ông kia.
Ta thường dùng những cụm từ “tiếng nói của phụ nữ”, “tiếng nói của người nghèo”, “những người công nhân lên tiếng” mà ít khi để ý rằng “tiếng nói” ở đây không được dùng theo nghĩa đen mà được dùng theo nghĩa ẩn dụ. “Tiếng nói là ẩn dụ mấu chốt cho một truyền thống đã, một cách có hệ thống, ưu đãi những gì là Tây phương, những ai là da trắng, những ai là đàn ông”. Theo “Mythology of Voice” (Thần thoại của tiếng nói), tác giả Darsie Bowden: Hành động lên tiếng là hành động thể hiện sự có mặt, sự chú ý, nó đòi hỏi được nghe thấy, được thẩm thấu. Không có âm thanh đồng nghĩa với việc đã bị tước đoạt sự hiện diện. Vậy sẽ ra sao khi con người ta không thể lên tiếng hoặc tệ hơn, lên tiếng rồi nhưng không được lắng nghe?
Khi nhìn lại một năm đầy biến động vừa qua, tôi thấy rất nhiều khoảng không của những tiếng nói bị tắt, bị tắt một cách phũ phàng như người ta cầm chiếc điều khiển tivi lên và nhấn “mute”. Đó là những người Afghanistan bị bỏ lại trong một đất nước hỗn loạn và trong tay họ chỉ còn là một tương lai vô định, bất an, không ai đếm xỉa họ thực sự muốn điều gì.
Đó là câu chuyện về hơn 6.500 công nhân nhập cư từ Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka tới Qatar đã qua đời trong 10 năm qua kể từ khi đất nước này giành quyền đăng cai World Cup, phần nhiều vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại những công trường xây dựng phục vụ cho sự kiện hoành tráng này, theo báo cáo của một tổ chức độc lập. Có lẽ họ cũng sẽ bị vùi quên ngay lập tức trong niềm vui của mùa hè tới khi trái bóng lăn bánh, khi ngày hội lớn nhất hành tinh diễn ra, khi những du khách rủng rỉnh tiền đổ về đây xem những trận cầu đẳng cấp và khóc cười theo từng đường banh, từng bàn thắng.
Đó là câu chuyện về những người dân Nam Phi, nơi phát tác biến chủng Omicron đầu tiên, nhưng chỉ vài tháng trước, hơn 10 triệu liều vaccine Johnson & Johnson được sản xuất trong một nhà máy ở nước này sau khi xuất xưởng đã được chuyển lại về châu Âu ngay lập tức. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown gọi đó là “một cách tiếp cận tân thực dân đối với y tế toàn cầu”, còn cách gọi nào đúng đắn hơn?
Đó là câu chuyện về cuộc khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu, khi Nauy, một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, đồng ý tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên trong khi giá khí đốt đang tăng mạnh để giúp xoa dịu tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu. Dầu thô và khí đốt tự nhiên chiếm 41% kim ngạch xuất khẩu và 14% GDP của Nauy, mang lại từ 6 đến 7% việc làm ở quốc gia này. Nauy có trữ lượng hydrocacbon lớn nhất ở châu Âu và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới. Nhưng, đồng thời, tại COP26, 20 quốc gia lại cam kết không tài trợ cho những dự án năng lượng hóa thạch ở châu Phi - điều có lợi với khí hậu nhưng lại thiếu công bằng đối với hơn 1 tỷ người châu Phi ở 48 quốc gia vùng Hạ Sahara còn đang thiếu điện để sinh hoạt hằng ngày và chỉ chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng khí thải carbon tích lũy toàn cầu. Trung bình một người Tanzania chỉ tiêu thụ lượng điện bằng 1/6 một chiếc tủ lạnh thông thường ở Mỹ... Trong một bài chia sẻ quan điểm đăng trên tờ Wall Street Journal tháng 10-2021, Tổng thống Uganda, ông Yoweri K. Museveni chia sẻ rằng việc buộc châu Phi sử dụng nguồn năng lượng gió và mặt trời để đạt được “những mục tiêu khí hậu của châu Âu” sẽ “ngăn cản nỗ lực vượt lên thoát nghèo của châu Phi”. Nhưng, chủ nghĩa thực dân khí hậu sẽ thực sự quan tâm tới điều đó ư?
Và rồi, những người bản địa ở Hawaii sẽ ra sao khi Mark Zuckerberg tiếp tục mua thêm gần 500 ngàn m2 đất ở Hawaii trong khi đã làm chủ tới gần 6 triệu m2 từ trước đấy, đẩy những người dân bản địa mất mảnh đất tổ tiên lâm vào cảnh khó khăn. Thậm chí, vài năm trước, vị tỉ phú giàu có còn đệ đơn kiện hàng trăm cư dân địa phương kiếm lợi nhuận nhỏ nhoi trong lãnh địa mênh mông mà anh ta sở hữu.
Trong tất cả những câu chuyện ấy, ta đều thấy có bản chất của chủ nghĩa tân thực dân và mối quan hệ thực dân - thuộc địa thì luôn luôn chỉ là mối quan hệ một chiều. Một bên có quyền lực, một bên thì không. Một bên có tiếng nói, một bên thì không. Nhưng, không chỉ là chủ nghĩa thực dân, mà dường như rất nhiều vấn đề của thế giới này đều đến từ nguyên nhân đó: sự đổ vỡ trong giao tiếp, sự đàn áp khiến cho tiếng nói bị tắt, sự bịt tai loại bỏ mọi tiếng động mà những kẻ nắm quyền coi là tạp âm. Từ câu chuyện mang tính vi mô về đứa trẻ 8 tuổi bị bạo hành tới chết cũng bắt đầu từ việc đứa trẻ yếu thế không được trao cho vị thế để lên tiếng, không được trao cho quyền được có quyền, tiếng gào thét van xin của đứa trẻ trong mắt kẻ cầm roi đã bị giảm âm lượng xuống còn vô thanh; đến những câu chuyện mang tầm vĩ mô như đã kể trên.
Nhưng, chi tiết thấm thía hơn cả khi nghĩ về tác phẩm nghệ thuật của Mutu trong thế đối thoại với “Người suy tư” của Rodin có lẽ không nằm ở sự im lặng của “Người suy tư”, mà nằm ở sự suy tư của “Người suy tư”. Suy tư, ta thường coi đó là điều phân biệt giữa nhân và phi nhân. Ít ra cho đến lúc này, ta chưa có bằng chứng cụ thể nào về bất cứ một loài sinh vật nào biết suy tư triết học, biết đặt ra những câu hỏi siêu hình về công bằng, về đạo đức, về luật pháp. Chỉ có con người mà thôi!
Và, nếu nhìn lại tất cả những câu chuyện trên, ta sẽ thấy những đối tượng có quyền lên tiếng, như văn hóa châu Âu, như vị tỉ phú giàu nhất nhì thế giới, như chính phủ các quốc gia hưng thịnh, hay nhỏ hơn - họ thường được cho là có khả năng suy tư cao hơn trong tương quan với đối tượng không được lên tiếng. Vậy họ đã làm gì với khả năng suy tư của mình? Tại sao ngay cả khả năng suy tư cao quý cũng không đưa họ đến những hành động đúng đắn hơn? Nếu nhìn theo góc độ ấy, hình ảnh “Người suy tư” vốn đại diện cho vẻ đẹp trí tuệ và niềm hân thưởng của con người khi được chìm đắm trong thế giới tâm trí mình bỗng chốc trở thành một hình ảnh về sự thờ ơ và hờ hững khi con người hoàn toàn mất khả năng kết nối với thế giới xung quanh. Nhờ vào khả năng suy tư và niềm yêu thích suy tư, phương Tây trong nhiều thế kỷ đã vượt lên trước. Nhưng, họ đã quên mất rằng, ngay cả khả năng suy tư sâu sắc cũng không phải là lời biện minh để họ bỏ ngoài tai tất cả những tiếng nói và giữ rịt lấy sự im lặng làm nên lịch sử vĩ đại của mình.
Hỡi “Người suy tư”, hãy ngưng suy tư trong một chốc. Bởi có người đang nói và đã đến lúc để lắng nghe.