Phải chăng báo giấy đang chết?

Thứ Tư, 09/08/2023, 10:16

Năm 1969, trong sứ mệnh lịch sử chinh phục Mặt Trăng, phi hành gia Neil Armstrong đã dùng một chiếc máy ảnh tiêu cự 70mm hiệu Hasselblad chụp chân dung người đồng hành Edwin "Buzz" Aldrin khi hai người đang đi dạo trên vùng đất mang tên Biển Bình Yên của bề mặt vệ tinh này.

Một trong số những bức ảnh ấy đã đăng trên trang bìa của tạp chí National Geographic, trở thành một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất của thế kỷ 20; National Geographic cũng ghi một cột mốc trong lịch sử báo chí…

1. Nhưng tạp chí với 135 năm lịch sử ấy vừa ra thông cáo về việc chấm dứt phát hành phiên bản giấy cũng như sa thải toàn bộ các cây bút trong biên chế của mình vào tháng 7 này.

ecc53295da20097e50314.jpg -0
Một trong số những bìa tạp chí huyền thoại của National Geographic

Với những tâm hồn ưa khám phá các miền đất xa xôi, vậy là từ nay, họ sẽ không còn được ngóng chờ mỗi số báo của National Geographic để được xem cú chớp sáng đỉnh cao nào sẽ được đưa lên bìa: như khoảnh khắc một con vượn gorilla đang bắt chước con người chụp ảnh, khoảnh khắc một chiếc túi nylon trôi dạt trên biển khi chụp cận cảnh như một tảng băng trôi giữa biển khơi, khoảnh khắc dòng dung nham nóng chảy phun ra từ một đỉnh núi lửa ở Hawaii, một người đàn ông leo lên cái cây cao nhất thế giới hay gương mặt được tái tạo lại bằng các phương pháp pháp y từ xác ướp vị pharaoh Tutankhamun của Ai Cập cổ đại. Từ nay, những số tạp chí giấy với lớp viền vàng huyền thoại sẽ được đưa vào viện bảo tàng ký ức.

"Cái chết" của tờ tạp chí giấy từng đặt định ra biết bao tiêu chuẩn mới của ngành báo ảnh khiến người ta không khỏi cảm thán cho sự kết thúc của một kỷ nguyên. Lại thêm một ấn phẩm nữa phải bước vào "nghĩa trang" ngày càng rộng lớn của những ấn phẩm giấy không thể trụ vững trong thời đại truyền thông số - những tờ báo và tạp chí giấy giống như những người già trong thế giới hiện đại được xây dựng trên internet vậy.

Cũng trong năm nay, một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới với hơn 300 năm lịch sử - Wiener Zeitung, trụ sở tại Vienna, Áo đã phải ngưng phát hành. Còn năm ngoái, ngay cả một đế chế như tờ Bưu điện Washington cũng ngưng in số báo chủ nhật và sa thải các nhân viên trong công cuộc "chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn cầu". Nhiều tạp chí giải trí đình đám như InStyle hay Entertainment Weekly cũng phát hành số cuối cùng.

Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, người chủ sở hữu của hàng loạt tờ báo giấy đình đám, người từng hãnh diện mô tả về doanh thu quảng cáo từ báo chí như "một dòng sông vàng", giờ cũng buồn bã thêm vào rằng "nhưng đôi khi con sông ấy cũng cạn khô".

2.Phải chăng, đã thực sự đến hồi cáo chung của những đế chế báo giấy một thời? Điều tưởng chừng hai năm rõ mười ấy hóa ra chưa chắc đã chính xác.

Thông tin National Geographic ngưng in báo giấy có thể khiến chúng ta ngay lập tức nghĩ rằng, có lẽ chẳng còn ai theo dõi tờ tạp chí già cỗi này nữa. Nhưng kỳ thực, nếu bạn tìm cái tên "natgeo" trên mạng xã hội Instagram, bạn sẽ thấy tài khoản này có đến gần 300 triệu lượt theo dõi, là một trong hai kênh duy nhất không phải của người nổi tiếng nằm trong danh sách 20 tài khoản có lượt người theo dõi lớn nhất thế giới, và mỗi bài đăng của National Geographic đều đạt hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt thả tim và hàng triệu lượt xem. Không ai cần khóc thương đưa tiễn sự ra đi của tờ tạp chí phiên bản giấy.

Người đọc ngày nay có thể không cần những tờ báo vật lý để sưu tầm hay lưu trữ trong nhà, nhưng không có nghĩa họ không còn ham thích những tấm ảnh ngoạn mục về thế giới. Con người thời nào cũng luôn thích ngắm những bức ảnh đẹp của muôn loài, vẫn thích xem những thước phim về cá mập săn mồi hay những chuyến thám hiểm vào tận cùng hoang dã. Mạng xã hội thay đổi hành vi và cách thức tiêu thụ của con người, nhưng không thay đổi các nhu cầu có tính bản chất của con người. Giấy hay điện thoại chỉ là những công cụ, là phần bao bì đựng thông tin mà thôi. Báo giấy không chết, mà chỉ "luân hồi" sang một hình hài khác.

Phải chăng báo giấy đang chết? -0
“Tử thần cũng đọc báo giấy” - Tranh biếm họa

Gần như tất cả những tờ báo, tạp chí hay hãng thông tấn lớn nhất ngày nay, thay vì cố thủ để bảo vệ thành lũy của mình trước sự bành trướng của Tiktok và Instagram, họ cũng hoạt động tích cực trên những nền tảng này. Một mặt, tờ Thời báo New York vẫn ra rả về các mối đe dọa nguy hiểm từ Tiktok, một mặt khác, họ vẫn lập ra một kênh Tiktok nơi đăng tải đủ các video thời sự ngắn, từ cảnh một cuộc tấn công trong đêm của quân đội Ukraine vào thành phố nơi quân Nga đóng, đến diễn giải ngắn gọn về vụ mất tích của tàu ngầm Titan.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng độc giả thế hệ Z chẳng còn mối quan tâm nghiêm túc nào tới thế giới xung quanh. Chỉ là họ có cách quan tâm khác mà thôi. Trong ba tuần đầu tiên của cuộc xung đột tại Ukraine, kênh Tiktok của Vice - một tạp chí giấy từ năm 1994 ở Canada - đã tăng từ 100.000 lên 1 triệu người theo dõi. Chiến lược tiếp cận khán giả trẻ của Bưu điện Washington còn thành công hơn nữa. Hiểu rằng ta đang sống trong thời đại của "meme", của "troll", của giễu nhại, tờ báo này đã tạo nên những video siêu "viral" (lan tỏa) bằng cách hài kịch hóa các thông tin thời sự. Chẳng hạn, để đưa tin về sự ra đời của Threads, một mạng xã hội mới do Mark Zuckerberg xây dựng gần giống mô hình của Twitter, họ cho một anh chàng đóng vai Mark đi photocopy logo của Twitter và cố sống cố chết giải thích rằng anh ta không hề bắt chước. Video hài hước này đạt những 2 triệu lượt xem.

Xét cho cùng, không có gì mất đi. Tiktok, Instagram hay bất cứ một mạng xã hội nào không hề là kẻ thù của báo chí, mà chỉ là sự tiến hóa tự nhiên của báo chí. Các xu hướng truyền thông gây sốt ngày nay chẳng qua là một phiên bản khác của những kênh truyền thống mà ta đã từng có: thói quen nghe podcast khi đi đường của người trẻ chỉ là sự lặp lại thói quen nghe radio của các bậc lão niên; Youtube hay Tiktok là một kiểu siêu truyền hình cáp với hàng triệu kênh thay vì hàng trăm kênh; còn Instagram là phiên bản thân thiện hơn của những tạp chí ảnh in công phu nhưng giá thành cũng vô cùng đắt đỏ.

Cũng có người cho rằng sự ra đi của báo giấy đồng nghĩa với sự ra đi những nội dung dài. Các bài báo dài đã chết? Ai còn thiết đọc những bài báo hai ngàn từ đổ lên, chứ đừng nói những phóng sự, những bình luận cả chục ngàn từ trong thời đại của những cú tweet dài 140 ký tự hay những video dài vài chục giây, hay ai có thể đọc một bài viết dài năm ngàn từ li ti trên iPhone? Thế nhưng cả điều đó cũng là suy luận võ đoán. Trên Twitter, nơi vốn cổ vũ cho việc đọc ngắn, lại có một hashtag mang tên #longreads, nghĩa là đọc dài. Người đầu tiên sử dụng hashtag này là nhà sáng lập của một trang web giám tuyển các bài báo dài chất lượng từ nhiều tạp chí trên thế giới, và đến nay kênh Twitter của Longreads có hàng trăm ngàn lượt theo dõi. Hoặc theo chia sẻ của một biên tập viên tạp chí Forbes, những bài phân tích hay phóng sự chuyên sâu của tạp chí này lại là những bài báo được chia sẻ nhiều nhất và đạt lượt đọc khủng khiếp nhất.

Không có gì mâu thuẫn ở đây cả, đối tượng đọc các thông tin dài và đối tượng đọc các thông tin ngắn chưa chắc đã trùng khớp, ngay cả nếu như không có mạng xã hội thì có rất nhiều người cũng sẽ không chọn đọc các phóng sự chuyên sâu, và truyền thông không phát triển theo kiểu bớt nội dung này để thêm dung kia, mà là sản xuất ngày càng nhiều kiểu nội dung, nhồi nhét nội dung vào những khoảng trống trước đây từng là hoang mạc, để thông tin bủa vây con người theo bốn phương tám hướng. Chỉ vì trước kia không có nền tảng cho những nội dung siêu ngắn, nên khi chúng đột ngột bùng phát, ta có cảm giác như chúng đang chiếm đoạt không gian của những nội dung dài và nghiêm túc, trong khi thực tế cả hai kiểu nội dung đều đang song song phát triển tạo nên một hệ sinh thái thông tin.

Quay lại với câu chuyện về tạp chí National Geographic, một điều ít người biết, đó là không phải lúc nào cũng đầy những bức ảnh đẹp choáng ngợp đến vậy. Thậm chí đã từng có thời, tờ tạp chí này không có đến một bức ảnh nào, và trong vài chục năm, chúng được in một cách vô cùng kém bắt mắt khi tất cả các số đều có phần bìa giống hệt nhau, chỉ đánh số khác. Năm 1959, khi lần đầu tiên tạp chí đưa một tấm ảnh lên trang bìa, cũng có những người tiếc nuối rằng ấn phẩm này đã đánh mất mình để chạy theo những xu hướng sặc sỡ mới. Thế nhưng, thứ tưởng như chỉ là một xu hướng nhất thời ấy lại trở thành cuộc cách mạng trong trình bày báo chí.

Ta có quyền hoài niệm khi những điều thân thuộc đột ngột biến mất, nhưng có thể sự biến mất ấy chẳng có gì đáng buồn cả, nó chỉ là sự biến mất cần thiết cho những bước ngoặt phát triển mới. Sau cùng thì mọi thứ đều thay đổi.

Hiền Trang
.
.