Phá băng

Thứ Tư, 10/05/2023, 17:43

Ngày 24/4, Chính phủ Hàn Quốc chính thức đưa Nhật Bản trở lại "Danh sách trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy sau hơn 3 năm gián đoạn, một động thái mới nhất nhằm cải thiện quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương.

Ăn miếng trả miếng

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã công bố bản sửa đổi danh mục xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng chiến lược, theo đó, Hàn Quốc khôi phục vùng xuất khẩu đối với các hạng mục liên quan đến Nhật Bản, cho phép các công ty xuất khẩu những mặt hàng chiến lược sang Nhật Bản được hưởng quy tắc ưu tiên trong thời gian xét duyệt và làm thủ tục giấy tờ đơn giản hơn...

Động thái này của Hàn Quốc đưa Nhật Bản trở lại danh sách 29 quốc gia được đối xử ưu đãi trong thương mại, gồm cả Mỹ, Anh, Pháp...

Phá băng -0
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, ngày 16/3. Ảnh: Nikkei Asia

4 ngày sau, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này coi Hàn Quốc là đối tượng thương mại ưu tiên.

4 năm trước đây, vị thế hưởng ưu đãi thương mại của Hàn Quốc đã bị phía Nhật Bản thu hồi nhằm đáp trả phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu 2 công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi vị thế ưu đãi thương mại của Hàn Quốc bị thu hồi, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) được phép ra lệnh kiểm tra gần như tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, động thái được đánh giá có thể sẽ khiến hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc bị trì hoãn và tác động nghiêm trọng tới các ngành công nghệ Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào vật liệu của Nhật Bản...

Đáp trả lại quyết định của Tokyo ở thời điểm đó, Seoul cũng lập tức đưa Nhật Bản ra khỏi "Danh sách trắng" các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu...

Những động thái “ăn miếng trả miếng” về thương mại khi đó của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa quan hệ hai nước tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Không chỉ khiến quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng “đóng băng” trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul còn làm làm tổn hại chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác của kinh tế thế giới.

Tân tổng thống, tân chính sách

Mong muốn ban đầu khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bắt đầu từ 2017) là đưa quan hệ Nhật - Hàn tốt đẹp hơn đã không thể thành hiện thực bởi hai nước bị mắc kẹt trong những vấn đề của lịch sử. Chính xác hơn, phía Hàn Quốc muốn giải quyết vấn đề lịch sử theo hướng của đa số người dân nước này là Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc thời chiến tranh. Trong khi đó, Tokyo lại luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD.

Phá băng -0
Quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự cuộc họp tại dinh thự của Thủ tướng Nhật ở Tokyo, ngày 16/3. Ảnh: Reuters

Chỉ đến khi Hàn Quốc có một tổng thống mới, ông Yoon Suk_yeol, quan hệ Nhật - Hàn mới có những bước cải thiện đáng khích lệ.

Trong gần 1 năm kể từ khi lên nắm quyền, ông Yoon Suk-yeol đã đưa ra “quyết định đại cục” để chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Bước đột phá của ông Yoon Suk-yeol nhằm “phá băng” quan hệ bang giao căng thẳng giữa hai nước nằm ở một câu thần chú: “nhượng bộ đơn phương”.

Bởi ông Yoon Suk-yeol hiểu rằng nếu còn tiếp tục đi theo chiều hướng của những chính phủ tiền nhiệm xung quanh những khúc mắc với Nhật Bản trong lịch sử thời Chiến tranh thế giới thứ hai thì sẽ chỉ đi vào một ngõ cụt không lối thoát.

Muốn vậy, phải giải quyết vấn đề bồi thường cho các nạn nhân thời chiến người Hàn Quốc. Theo đó, thay vì đòi các đối tác Nhật Bản phải trực tiếp bồi thường, một yêu cầu mà Tokyo đã luôn bác bỏ, Hàn Quốc phải có cơ chế để tự bồi thường cho người dân của mình.

Tháng 3/2023, Chính phủ Hàn Quốc liên tục có các động thái nhằm đánh tín hiệu nhượng bộ cho Tokyo. Ngày 6/3, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố Phương án giải quyết bồi thường cho lao động cưỡng bức Nhật Bản (còn gọi là “Kế hoạch bồi thường cho bên thứ ba”).

Ngày 9/3, Hàn Quốc công bố kế hoạch đi thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol, bắt đầu vào ngày 16/3. Một ngày trước chuyến thăm, trả lời phỏng vấn tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố từ bỏ yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân người Hàn Quốc thời Chiến tranh thế giới thứ hai, một động thái đơn phương nhượng bộ Tokyo.

Cụ thể hơn, khởi đầu Chính phủ Hàn Quốc chính thức công bố kế hoạch bồi thường cho hơn 10 nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ công do Seoul hậu thuẫn, thay vì nhận thanh toán trực tiếp từ các công ty Nhật Bản có trách nhiệm.

Tiếp đó, chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 2 ngày 1 đêm của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã từ một “chuyến thăm làm việc” được Tokyo nâng cấp lên thành “chuyến thăm cấp nhà nước không chính thức”. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dành những nghi thức hết sức trọng thị đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc, cung cấp các tiêu chuẩn an ninh cao nhất, cùng duyệt đội danh dự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tổ chức “bữa tối dành cho cặp đôi” (vợ chồng Thủ tướng Nhật Bản và vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc) ở nhà hàng Rengatei, quận Ginza với món omurice (cơm trứng Nhật Bản)...

Tất cả những hình thức biểu lộ sự “tương tác thân mật” giữa Thủ tướng Nhật Bản với Tổng thống Hàn Quốc cho thấy cả hai bên thấy thật sự cần thiết phải cải thiện quan hệ, không để bị níu chân lại trong các vấn đề lịch sử. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng việc Chính phủ Hàn Quốc công bố “Kế hoạch bồi thường cho bên thứ ba” rõ ràng đã giải quyết được nút thắt trong quan hệ hai nước, là bước đi có lợi cho việc thúc đẩy, cải thiện quan hệ lành mạnh giữa Tokyo và Seoul...

Phía Nhật Bản khéo léo nhắc nhở Seoul tuân thủ Thỏa thuận Hàn Quốc - Nhật Bản năm 1965, ngừng khuấy động các vấn đề như “lao động cưỡng bức”, “phụ nữ mua vui”; chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cần thuyết phục đảng đối lập Hàn Quốc thực hiện “Kế hoạch bồi thường cho bên thứ ba”, ngầm chấp nhận việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima...

Charles de Gaulle phiên bản Hàn Quốc

Vì sao ông Yoon Suk-yeol quyết tâm “phá băng” quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản ở thời điểm hiện nay?

Lý giải duy nhất hợp lý là Hàn Quốc phải hành động nhanh chóng để bảo vệ các lợi ích của mình trước những biến động trong khu vực cũng như trên thế giới. Báo cáo công tác năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhận định cuộc đọ sức Trung - Mỹ kéo dài trong suốt mấy năm qua, cuộc chiến Ukraine đã bước sang năm thứ hai, việc Triều Tiên tăng tốc nghiên cứu, phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa... là những mối đe dọa an ninh chưa từng có đối với Hàn Quốc.

Với sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á, quan hệ hợp tác an ninh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn bị tổn hại do quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Seoul, vai trò ngày càng tăng của cơ chế đối thoại Bộ Tứ kim cương (Mỹ - Nhật - Ấn - Australia) cũng đòi hỏi Seoul phải có những bước điều chỉnh chiến lược nhằm ứng phó với các mối đe dọa về an ninh, chủ động tham gia vào việc hoạch định trật tự quốc tế, nắm giữ vai trò chủ đạo trong cục diện an ninh ở Đông Bắc Á cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Nhật Bản là đối tác kinh tế thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại với Nhật Bản chiếm từ 6-7% tổng kim ngạch ngoại thương của Hàn Quốc, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản chiếm 22% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc. Cải thiện quan hệ với Nhật Bản giúp nền kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại, giúp cả hai bên ứng phó với sự cạnh tranh công nghệ cao giữa Mỹ với Trung Quốc. Liên kết với Nhật Bản sẽ giúp Hàn Quốc đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi như lithi_um và đất hiếm trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế kỹ thuật số Hàn - Nhật...

Những lợi ích đó buộc chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phải tìm cách vượt khỏi các khúc mắc truyền thống trong lịch sử Hàn - Nhật để tái lập quan hệ thân thiện với Tokyo.

Dù vậy, chính sách “nhượng bộ đơn phương” trước Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk_yeol không hề suôn sẻ. Các lực lượng đối lập Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình và ký tên phản đối trên toàn quốc, chỉ trích chính sách “chủ động đầu hàng” và “ngoại giao sỉ nhục quốc thể” trước Nhật Bản của ông Yoon Suk-yeol.

Chiều hướng tăng cường quan hệ hợp tác Hàn - Nhật, bên cạnh đó là mối quan hệ tam giác Mỹ - Nhật - Hàn được củng cố sau những bước đi “phá băng” của ông Yoon Suk_yeol chắc chắn cũng sẽ đẩy quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên lên những nấc thang căng thẳng mới. Vòng xoáy tập trận chung Mỹ - Hàn hoặc tập trận 3 bên Mỹ - Hàn - Nhật sẽ kéo theo các vụ thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên tiếp tục trong tình trạng nguy hiểm...

Đó là những thách thức mà ông Yoon Suk-yeol, người muốn đóng vai trò “Charles de Gaulle phiên bản Hàn Quốc” cho sự hòa giải lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản phải đối mặt khi thực thi những bước đột phá nhằm “phá băng” quan hệ Hàn - Nhật.

Yên Ba
.
.