Panama 1989: Dưới những lớp vỏ mỹ từ
Ngày 20/12/1989, đất nước nhỏ bé Panama rung chuyển trong tiếng súng. Chiến dịch Just Cause – một cuộc can thiệp quân sự - đã được tổng thống Mỹ khi đó là George H.W.Bush (cha) chính thức cho phép tiến hành từ ba hôm trước. Manuel Antonio Noriega Moreno – nhà độc tài quân sự đang nắm quyền ở Panama, bị lật đổ và truy đuổi bởi rất nhiều cáo buộc từ phía Washington.
Vấn đề là, mới chỉ đầu thập niên 1980 thôi, Noriega vẫn còn nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ Nhà Trắng…
Cuộc chiến không cân sức
9.000 lính Mỹ nhập cuộc, cùng hơn 12.000 nhân viên quân sự đã có mặt sẵn tại Panama (số liệu của history.com). Đơn giản là Lực lượng phòng vệ Panama (PDF) chỉ có thể kháng cự lẻ tẻ, và không có cơ hội chiến thắng nào.
Cả hải, lục, không quân Mỹ cùng xuất trận, ngay khi Bức tường Berlin đã sụp đổ, và “thế giới dường như chưa bao giờ yên bình đến vậy”. Panama đã bị nhấn chìm trong biển lửa, mọi tuyến đường đều bị đánh bom, cảng biển cũng bị tấn công.
Đến đúng đêm Giáng sinh 24/12/1989, PDF hoàn toàn bị khống chế, và phần lớn lãnh thổ Panama đã nằm dưới quyền kiểm soát của lính Mỹ. Phần còn lại, có lẽ được “để yên” vì cũng không quá cần thiết.
Trong thời gian diễn ra giao tranh, nhà độc tài Noriega trốn vào Đại sứ quán Vatican ở Panama. Không thể công khai tập kích địa điểm này, quân đội Mỹ dựng hàng chục dàn loa công suất lớn bên ngoài Đại sứ quán Vantican và bật hết công suất, 24/24. Cuối cùng, Noriega đã phải ra đầu hàng trong trạng thái thiếu ngủ và suy giảm thể lực trầm trọng, ngày 3/1/1990, và bị bắt giữ bởi Cơ quan Thi hành án Ma túy Mỹ (DEA). Thay thế ông ta lên nắm quyền ở Panama là Guillermo Endara - người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 1989, nhưng kết quả này bị Noriega tuyên bố vô hiệu.
23 lính Mỹ và 3 thường dân Mỹ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Đổi lại, khoảng 150 binh sĩ PDF chết, cùng – số liệu ước đoán mới nhất – là khoảng 500 dân thường. Trong cả quá trình chiến dịch can thiệp quân sự, lính Mỹ còn dùng súng máy bắn vào đám đông dân chúng trên các đường phố, hay dùng súng phun lửa đốt cháy nhiều nhà ở của dân địa phương.
Chính vì vậy, Tổ chức các Nước Châu Mỹ (OAS) và thậm chí cả Nghị viện Châu Âu (EP) đã chính thức phản đối hành động quân sự này, điều mà họ xem là một “cuộc xâm lược”, “một sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, mọi sự phản đối đó đều vô nghĩa. Đến tận ngày 21-12-1999, tức là tròn 10 năm sau, phía Mỹ mới trả lại toàn bộ kênh đào và những vùng đất liên quan cho Panama, theo các hiệp ước Torrijos-Carter. Tuy vậy, Mỹ vẫn giữ quyền can thiệp quân sự, nhằm bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia của mình. Panama cũng giành được quyền kiểm soát những tòa nhà và cơ sở hạ tầng liên quan, cũng như quyền quản lý hành chính đầy đủ với Kênh đào Panama.
Thực ra, đây là một kết cục không làm mấy ai ngạc nhiên. Vị thế “yết hầu” – nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương – của 80km chiều dài kênh đào Panama vừa mang lại những lợi ích vô giá về kinh tế, vừa tạo nên những hiểm họa tiềm tàng. Vốn coi Mỹ Latin là “sân sau” của mình trong một thời gian rất dài, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ khó có thể cưỡng lại tham vọng “độc chiếm” nguồn lợi đó, nhằm phục vụ “chiến lược toàn cầu” của mình.
Song, sự thể cũng có lẽ sẽ không tồi tệ đến vậy, nếu Manuel Moriega vẫn “là chính mình”, như khi mới lên nắm quyền, trong mắt Washington.
Noriega là ai?
Theo những cáo buộc được đưa ra vào năm 1986, chỉ vài tháng trước khi vụ bê bối Iran-Contragate bị tiết lộ và làm rung chuyển chính trường Mỹ, Manuel Noriega có quá khứ liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền và cả làm gián điệp cho CIA. Song song, điều cực kỳ gây sốc là những báo cáo cho thấy Noriega còn làm… điệp viên hai mang, cho cả tình báo Cuba lẫn lực lượng Sandinista ở Nicaragua – “những cái gai trong mắt” Mỹ.
Rất nhanh chóng, chính quyền Mỹ chối bỏ mọi liên hệ với Noriega. Đến năm 1988, ông ta bị bồi thẩm đoàn liên bang ở Dallas và Miami khởi tố, về các tội danh buôn lậu ma túy và rửa tiền.
Song, thật khó để tẩy xóa ký ức của các nhà quan sát quốc tế. Vào thập niên 1970, khi Noriega mới xuất hiện, ông ta được CIA tuyển dụng, rồi bị thải hồi do thực sự có buôn bán ma túy, rồi lại được tái thu dụng, để đứng trên đỉnh trung tâm quyền lực Panama vào năm 1983. Thời điểm đó, không mấy ai quên, Noriega đã ủng hộ các sáng kiến của Mỹ ở Trung Mỹ. Đổi lại, ông ta được Nhà Trắng ca ngợi, bất chấp việc một ủy ban của Thượng viện đã kết luận rằng Panama là một trung tâm buôn lậu ma túy lớn.
Năm 1984, Noriega gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống của Panama nhằm ủng hộ ông Nicolás Ardito Barletta, người sau đó trở thành tổng thống bù nhìn. Tuy nhiên, Noriega vẫn tiếp tục được chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan ủng hộ, vì đánh giá cao sự trợ giúp của ông trong nỗ lực lật đổ chính phủ Sandinista của Nicaragua.
Nhưng, những sóng gió chính trường nước Mỹ, những cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, rút cục lại biến Noriega thành một “quân tốt thí”, và đẩy ông ta đến những hành động thiếu cân nhắc.
Sau những cáo buộc hình sự năm 1988, căng thẳng giữa phía Mỹ với PDF quanh kênh đào Panama ngày một gia tăng. Trong khi đó, Noriega không cam tâm bị truất phế bởi ứng viên tổng thống Guilermo Endara, cũng không chấp nhận lặng lẽ “xuống đài”. Ông ta để mình rơi vào tình cảnh chỉ bớt bi thảm hơn dòng họ Ngô Đình ở miền Nam Việt Nam năm 1963 một chút. Dường như, ông ta tin rằng có thể lấy quyền kiểm soát kênh đào Panama ra để gây sức ép và đặt điều kiện “mặc cả” với Washington.
Ngày 15/12/1989, Noriega tuyên bố "tình trạng chiến tranh". Có lẽ chỉ đợi có vậy, tổng thống Mỹ George H.W.Bush yêu cầu bổ sung quân đội Mỹ đến khu vực kênh đào Panama. Chỉ một ngày sau, một lính Hải quân Mỹ bị bắn chết tại khu vực rào chắn của PDF, khi đang không làm nhiệm vụ. Ngày 17/12, đơn vị tác chiến đặc nhiệm đầu tiên của Mỹ được lệnh hành quân đến Panama.
Và như thế, Noriega trở thành “kẻ gây hấn”, thành một cái cớ hoàn hảo để nước Mỹ phát động tấn công, đè bẹp sức kháng cự của PDF nhỏ bé, qua đó tái thâu tóm quyền kiểm soát kênh đào Panama, theo Hiệp ước Hay-Bunau Varilla năm 1914. Hiệp ước này sau đó đã được thay thế bằng Hiệp ước Torrijos (nhà độc tài quân sự tiền nhiệm của Noriega, vốn “dễ bảo” và hoàn toàn dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ) năm 1977.
Kết cục của Noriega cũng như hoàn cảnh của Panama đã, đang và vẫn sẽ luôn là một bài học xứng đáng để chiêm nghiệm, trong lịch sử quan hệ ngoại giao quốc tế. Hiện tại, cuộc chiến đã lùi xa hơn 30 năm, và Panama vẫn luôn là tuyến đường hàng hải huyết mạch quan trọng hàng đầu thế giới. Song, thi thể những thường dân xấu số vẫn chưa tìm được đủ. Ở đây, rõ ràng, dưới một cái tên bóng bẩy – Just Cause (Vì công lý!) cũng như những lý do đẹp đẽ, sự áp đặt thô bạo ý chí của các cường quốc vẫn là điều không thể phủ nhận. Nhưng, để chống lại bạo quyền, đâu thể chỉ đơn giản tuyên bố tình trạng chiến tranh…
* Đầu tháng 10/2021, giới chức Panama cho biết họ vừa khai quật thêm được bốn túi đựng hài cốt người trong một ngôi mộ tập thể, khi mở chiến dịch tìm kiếm nạn nhân từ cuộc can thiệp quân sự năm 1989, theo yêu cầu của các gia đình nạn nhân. Trước đó, năm 2020,các quan chức Panama đã tiến hành khai quật tại nghĩa trang Jardin de Paz và tìm thấy hài cốt của khoảng 30 người vô danh. Công tác tìm kiếm đã buộc phải tạm dừng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lâu nay, các tổ chức nhân quyền ước tính số người Panama thiệt mạng thực sự có thể cao hơn con số chính thức là 300 người, thúc đẩy cựu Tổng thống Juan Carlos Varela mở ủy ban điều tra sự thật.
* Năm 1992, Noriega bị kết án về tội buôn lậu ma túy, gian lận và rửa tiền. Đó chính là lần đầu tiên trong lịch sử một nhà lãnh đạo nước ngoài bị buộc tội bởi một bồi thẩm đoàn Mỹ, về tội danh hình sự. Ông ta bị kết án 40 năm tù trong nhà tù liên bang, nhưng sau khi được dẫn độ và giam giữ tại Panama, đã chết tại bệnh viện Thành phố Panama vào ngày 29/05/2017.