Nước Pháp và “bài học Afghanistan”

Thứ Hai, 28/02/2022, 11:34

Một khoảng trống tất yếu sẽ xảy ra tại Mali, với việc nước Pháp đã chính thức tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này, sau gần 10 năm tham chiến.

Tuy vậy, điều được quan tâm nhất lúc này không chỉ là những vận động nội bộ tương lai của đất nước ấy, mà còn là những câu hỏi: Binh sĩ Pháp sẽ triệt thoái như thế nào? Có vướng phải “vết xe đổ” như cách binh sĩ Mỹ và phương Tây đã thể hiện khi rời khỏi Afghanistan trong hỗn loạn vào tháng 8 năm ngoái không?

Đề nghị thẳng thừng

Ngày 18-2, gần như ngay lập tức sau khi đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Mali - tại bối cảnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-châu Phi diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-2, quân đội Chính phủ Mali thông báo: 57 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ tại một căn cứ của phiến quân ở miền Bắc Mali, nơi các nhóm thánh chiến, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đang hoạt động. Đổi lại, có 8 quân nhân Mali tử trận.

Nước Pháp và “bài học Afghanistan”  -0
Một đơn vị lính Pháp rút khỏi Mali mùa hè 2021.

Quân đội Mali cũng cho biết thêm: Họ đã tiến hành cuộc tiến công nhằm vào căn cứ của phiến quân sau khi bị những phần tử vũ trang không xác định đột kích ở khu vực Archam, phía Bắc Mali, gần biên giới với Burkina Faso và Niger.

Đây có thể coi là những tín hiệu nhằm cố gắng tạo nên niềm tin tưởng, rằng cho dù các đơn vị quân đội của phương Tây - mà dẫn đầu là Pháp - có rút đi, thì sức mạnh của các lực lượng vũ trang thuộc Chính phủ Mali vẫn đủ khả năng kiểm soát tình hình.

Cũng không nên quên, trước đó, chính quyền quân sự đang nắm quyền kiểm soát Mali đã thẳng thừng đề nghị các lực lượng Pháp rời khỏi quốc gia của họ.Một cách chính xác, nước Pháp được yêu cầu không trì hoãn" việc rút quân, đồng thời phía Mali cũng đặt ra những câu hỏi về kế hoạch rút quân của Paris trong thời gian vài tháng.

Ta có thể hiểu vì sao, trong tuyên bố của mình, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể tiếp tục can dự quân sự cùng với chính quyền mà trên thực tế vốn không có cùng chiến lược và mục tiêu với mình”. Do đó, Pháp và các đồng minh trong chiến dịch chống thánh chiến Barkhane ở Mali thông báo sẽ "phối hợp rút" lực lượng khỏi quốc gia này do vấp phải "nhiều cản trở" từ chính quyền quân sự nước sở tại. Đây cũng là cách gián tiếp bác bỏ các suy luận cho rằng, việc triển khai lực lượng kéo dài gần một thập kỷ này đã kết thúc trong thất bại.

Thật vậy, những binh sĩ Pháp cùng đồng minh đã có mặt ở Mali suốt từ năm 2013, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các lực lượng Hồi giáo cực đoan hoành hành tại đây. Vào thời điểm đó, Mali - đất nước Tây Phi với 21 triệu dân đã phải vật lộn để trấn áp cuộc nổi dậy bùng nổ năm 2012, trước khi ngọn lửa xung đột lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger. Xung đột đã khiến hàng nghìn binh sĩ cũng như dân thường thiệt mạng và 2 triệu người trên toàn khu vực Sahel châu Phi phải di dời, trong đó Mali là tâm điểm. Xung đột cũng đã khiến nước Pháp - Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc - cảm thấy phải trực tiếp hành động, nhằm duy trì an ninh cũng như bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình.

Hiện có khoảng 25.000 binh lính nước ngoài được triển khai tới vùng Sahel ở Tây Phi này, trong đó có 4.300 binh lính Pháp (mà theo kế hoạch công bố năm 2021, sẽ giảm xuống còn 2.500 người vào năm 2023). Thời kỳ đỉnh điểm, Pháp triển khai 5.400 quân tới khu vực.

Nhưng, bây giờ, vì “thời thế đã thay đổi”, do “nhiều trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động”, tiến trình rút quân của Pháp và các đồng minh khỏi Mali sẽ diễn ra trong khoảng từ 4-6 tháng.

Nước Pháp và “bài học Afghanistan”  -0
Nước Pháp hiện diện quân sự ở Mali đã gần 10 năm.

Trăm mối hoài nghi

Đó là một quỹ thời gian thực sự không hề dư dả nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi người đứng đầu nước Pháp phải “khua chiêng gióng trống”, bảo đảm rằng việc rút dần 2.400 binh lính Pháp đang tham chiến tại Mali và khoảng vài trăm quân thuộc lực lượng châu Âu triển khai đến Mali từ năm 2020 sẽ không dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Ai cũng hiểu, khi hình ảnh về cuộc triệt thoái của binh sĩ Mỹ và NATO khỏi Afghanistan năm ngoái vẫn còn nóng hổi thì những mối nghi ngại cũng vì thế mà vẫn còn hằn sâu đến thế nào.

Bên cạnh đó, cũng không nên bỏ qua những đánh giá của chính nước Pháp và đồng minh, rằng:  các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và IS đang coi vùng Sahel cũng như các nước Vùng Vịnh Guinea là ưu tiên trong chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động. Tổng thống Pháp Macron cho rằng những tổ chức này đang đầu tư và khai thác những lỗ hổng chính trị tại các địa bàn trên, để đẩy mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực và trên toàn cầu.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp, Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết các nước châu Phi và các đối tác châu Âu đều nhất trí rằng cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel không thể chỉ do các nước châu Phi gánh vác. Thành ra, lần rút quân vội vã này mang dáng dấp của một hành động “chẳng đặng đừng”, trong tình cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”.

Có lẽ, vì ý thức được rõ những hiểm họa đó, dù tuyên bố rút quân khỏi Mali, Pháp và các nước đồng minh vẫn  kêu gọi tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại khu vực Sahel, trong đó có Niger và Vùng Vịnh Guinea. Các bên đã bắt đầu tham vấn chính trị và quân sự để xây dựng và thống nhất các điều khoản hợp tác trước tháng 6.

Ở chiều ngược lại, chính quyền quân sự Mali ở Bamako cũng đề nghị tiếp tục hợp tác song phương với 11 quốc gia châu Âu tham gia lực lượng đặc nhiệm Takuba, gồm: Đức, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech, Anh và Thụy Điển. Theo Ngoại trưởng Abdoulaye Diop và Bộ trưởng Quốc phòng Sadio Camara của Mali, tất cả các đối tác muốn hợp tác với Mali trong hoạt động bảo đảm an ninh đều được hoan nghênh.

Tuy vậy, từ bên kia Đại Tây Dương, giới ngoại giao Mỹ vẫn công khai bày tỏ sự lo ngại. Theo họ, quyết định rút 2.400 binh sĩ Pháp khỏi Mali - tâm điểm của bạo lực ở khu vực Sahel, thành trì của cả nhóm khủng bố al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức khủng bố IS - có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực, gây bất ổn cho các nước láng giềng và thúc đẩy làn sóng di cư.

Không chỉ vậy, một số quan chức quốc phòng cấp cao yêu cầu giấu tên của Mỹ hé lộ: Trên khắp châu Phi, có khoảng 3.000-5.000 lính đánh thuê tư nhân trong đó, khoảng 800-1.000 người đang hiện diện ở Mali. Những lính đánh thuê này được cho là thuộc Tập đoàn Wagner của Nga và phía Mỹ tin chắc rằng số lính đánh thuê này sẽ còn tăng lên.

Rõ ràng, cho dù những thông tin mang tính cáo buộc này có được xác nhận hay không, tiến trình triệt thoái binh lính khỏi Mali của nước Pháp cũng đã gây ra những mối quan ngại không nhỏ về cân bằng chiến lược địa chính trị, với chính những đồng minh truyền thống hàng đầu.

Trong bối cảnh ấy, những dự cảm bất trắc lại càng có lý do để trỗi dậy. Quá nhiều xung đột lợi ích, quá nhiều toan tính chính trị chồng chéo trên những mâu thuẫn và khác biệt, điều đó dường như sẽ tạo thêm điều kiện dễ dàng cho các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện những đòn giáng trả, nhằm nhanh chóng trở lại lấp vào các khoảng trống quyền lực.

Thế giới từng chứng kiến lực lượng Taliban phản kích quân Chính phủ Kabul của Afghanistan mạnh mẽ đến như thế nào, ngay sau khi ký được thỏa thuận song phương với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường đưa các đơn vị lính Mỹ về nước. Còn ở đây, Tây Phi nói chung và Mali nói riêng, câu chuyện liên quan đến những đối tượng “hung hãn” gấp bội. Những cuộc tập kích và cả những cuộc tiến công khủng bố liều chết nhằm trả đũa cho 57 tay súng bị tiêu diệt vẫn luôn chực chờ, như một bóng ma ám ảnh, nhằm vào cả lính Pháp lẫn chính phủ quân sự.

Nhưng, nếu đã rời đi thì trở lại sẽ không bao giờ là câu chuyện dễ dàng...

Đông Phong
.
.