Nước Mỹ áp đặt mức thuế đối ứng: "Nơi trú ẩn" nào trong cơn địa chấn toàn cầu?

Thứ Năm, 10/04/2025, 08:39

Tính đến ngày 6/4, theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, đã có hơn 50 quốc gia liên hệ đàm phán thương mại với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới áp lên 180 đối tác thương mại, gây nên cơn chấn động có phạm vi ảnh hưởng khắp thế giới (thậm chí, còn được một số chuyên gia ví von là "Cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu").

Trong khi đó, cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer cảnh báo: Sự ủng hộ rộng rãi dành cho chính sách thuế quan khắc nghiệt này báo hiệu sự kết thúc của tiến trình toàn cầu hóa và mở ra một kỷ nguyên mới.

Lập trường xuyên suốt

Thực tế, nhìn lại cả chặng đường quyền lực bị ngắt quãng - bao gồm cả nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên - của ông Donald Trump, bên cạnh việc ông luôn ưa thích sử dụng các công cụ kinh tế để tạo sức ép lên cả đồng minh lẫn "địch thủ", thì mức độ thâm hụt thương mại (hay nói ngắn gọn là "phần thiệt thòi") mà nước Mỹ phải chịu đựng trong các mối quan hệ ngoại giao (theo cách nhìn nhận của ông) là điểm luôn luôn được chú trọng. 

Đơn cử, đầu năm 2016, ông từng tuyên bố: "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cuộc tấn công vào giới doanh nghiệp Mỹ", bởi nó có thể khiến công dân Mỹ mất việc làm và các sản phẩm ngoại nhập sẽ lấn át sản phẩm nội địa, do giá thành rẻ hơn. Cuối năm đó, khi đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông vẫn cho rằng: "Chúng ta cần phải tránh những mối quan hệ thương mại mất cân bằng" và đánh giá: Những trung tâm sản xuất hàng đầu châu Á (điển hình là Trung Quốc) đã "cướp đoạt" việc làm của công dân Mỹ.

Cũng chính trong nhiệm kỳ này, ông gia tăng áp lực đến mức cực đại với Canada và Mexico, nhằm ép hai người hàng xóm này phải đồng ý tái đàm phán và ký lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), khi cho rằng các điều khoản cũ chứa đựng quá nhiều điều khoản bất công với nền kinh tế Mỹ. 

Thâm hụt thương mại là vấn đề Tổng thống Mỹ Donald Trump hết sức chú ý.

Đến năm 2020, lời hiệu triệu các cử tri của ông vẫn nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ xây dựng lại nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử, nhanh chóng khôi phục việc làm, tăng thu nhập và đạt được tăng trưởng kỷ lục. Chúng ta sẽ bảo vệ nước Mỹ chống lại mọi mối đe dọa và các nguy cơ". Rõ ràng, đối với một Tổng thống Mỹ hiếm hoi không khai mào cuộc chiến tranh nào trong suốt nhiệm kỳ 4 năm như ông, những "đe dọa" và "nguy cơ" từ bên ngoài chính là các vấn đề kinh tế - xã hội. Ông cực kỳ cứng rắn, để quyết liệt "cự tuyệt" việc tiếp nhận những đoàn người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí sẵn sàng xây bức tường chắn dọc biên giới Mỹ - Mexico, bởi với ông, họ chính là gánh nặng tài chính đè lên nước Mỹ.

Sau khi thất cử, ông phải đợi tới 4 năm để tiếp tục con đường dở dang, với một kế hoạch hành động được "nâng cấp" lên một mức độ quyết liệt chưa từng thấy, cụ thể hóa bằng sự kiện công bố biểu thuế hôm 2/4. Theo đó, một cách ngắn gọn, tất cả những đối tác kinh tế được hưởng lợi lớn từ mức thâm hụt thặng dư trong trao đổi thương mại với nước Mỹ, từ những "bạn bè cũ" như các quốc gia châu Âu đến các nền kinh tế đang phát triển, đều phải chịu những mức thuế đối ứng riêng, nhằm vãn hồi trạng thái cân bằng (vẫn theo cách đánh giá của Nhà Trắng đương nhiệm). Đây cũng chính là một cam kết mà ông từng đưa ra trên chặng đường trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47, khi ông hứa hẹn áp các biện pháp mạnh tay với Trung Quốc và "những bên lạm dụng thương mại khác". Đầu tháng 3/2024, ông Donald Trump từng tuyên bố: Nếu các quốc gia khác áp đặt thuế quan với Mỹ, Washington sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng ngay lập tức.

Cuối cùng, điều gì phải đến cũng đã đến. Ông Trump đã và đang thực hiện những hành động mà ông cho là cần thiết, để bảo đảm lợi ích cho các công dân Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, vị thế của nền kinh tế Mỹ cũng như của nước Mỹ... Cho dù, động thái này khiến thị trường chứng khoán Mỹ "bốc hơi" khoảng 5.000 tỷ USD trong vòng 2 ngày (sau khi biểu thuế mới được công bố). Và, cho dù, đến cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng cảnh báo: Các biện pháp mới của Mỹ về thuế quan sẽ "có tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu" (bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO). 

Cửa thoát hiểm trong mịt mù 

Một điểm rất đáng chú ý, chỉ 2 ngày sau khi làm cả thế giới "quay cuồng" vì cách tính thuế đối ứng gây tranh cãi của mình, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột cho biết: Ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các nước khác nếu nhận được đề nghị phù hợp và "sẽ xem xét nếu bên đàm phán đưa ra điều gì đó thực sự có lợi". Đến ngày 6/4, trả lời phỏng vấn chương trình "This Week" của hãng ABC News, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hasset cho biết: Hơn 50 quốc gia đã liên hệ, để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại mới với nước Mỹ. 
Kể cả khi phản đối chính sách thuế quan mới này quyết liệt đến đâu, có lẽ, các nhà hoạch định chính sách của mọi quốc gia cũng đã chiêm nghiệm quá trình cũng như cách thức hành động của chính quyền ông Donald Trump, đặc biệt là những "bài học kinh nghiệm" mới nhất từ Canada cùng Mexico.

Hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ ấy, cũng mới trong quý I/2025, đã bị áp mức thuế 25% lên một số sản phẩm xuất khẩu quan trọng vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi chấp nhận nhượng bộ ở một số điểm mà ông chủ Nhà Trắng đòi hỏi (về quản lý an ninh xuyên biên giới), họ đều được Mỹ đồng ý hoãn áp thuế (cho đến ngày 2/4). 

Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của nước Mỹ.

Câu chuyện điển hình này một lần nữa chỉ ra: Trong khi tương đối lạnh nhạt với các cơ chế đa phương và "giương cao ngọn cờ bảo hộ thương mại", ông Donald Trump lại không từ chối những cuộc thương thảo song phương, nơi ông có nhiều đòn bẩy hơn để đạt được các mục tiêu mong muốn. Đó là cách mà ông đã lựa chọn tương đối nhất quán từ nhiệm kỳ trước, khi từ chối TPP, đưa nước Mỹ rời khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu toàn cầu, từ bỏ Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran (mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện/JCPOA) và thậm chí, dàn xếp các vấn đề của cuộc xung đột Nga - Ukraine mà không cần sự tham dự của các cường quốc châu Âu. 

Chính vì vậy, từ nhiều góc nhìn, chính sách thuế quan mới của ông bị đánh giá là "phá vỡ các quy chuẩn thương mại quốc tế" (tờ The Guardian, Anh); không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế và các nguyên tắc thị trường, đồng thời bỏ qua sự cân bằng lợi ích đã đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế (Bộ Ngoại giao Trung Quốc); hay: "Doanh nghiệp tự do và cạnh tranh đã đặt nền tảng cho thành công của phương Tây. Đây là lý do vì sao người Mỹ có thể nghe nhạc trên Spotify của Thụy Điển và chúng tôi, những người Thụy Điển, có thể nghe cùng một bản nhạc trên iPhone của Mỹ... Tôi vô cùng tiếc nuối về cách thức mà Mỹ đã lựa chọn khi tìm cách hạn chế thương mại thông qua việc áp thuế quan cao hơn" - Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. 

Song, đối diện thực tế không thể phủ nhận: Nước Mỹ vẫn đang là nền kinh tế số 1 thế giới, với khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ cách guồng máy kinh tế toàn cầu vận hành - chuyện tìm kiếm điểm thỏa hiệp và chấp nhận những nhượng bộ cần thiết thông qua đàm phán, để tránh bị thương tổn quá mức là lựa chọn tất yếu của không ít nền kinh tế đang cần không gian cũng như thời gian để tiếp tục phát triển. 

Ở đây, theo lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, Việt Nam đã có phản ứng nhanh, tích cực và thấu hiểu về thuế đối ứng của Mỹ. Đánh giá này được đưa ra trong buổi gặp gỡ giữa Đại sứ Mỹ với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ngày 6/4, bao gồm cả cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump ngày 4/4 (mà ông Knapper cho biết là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ với một nhà lãnh đạo quốc gia, sau khi chính sách thuế quan mới được công bố), cùng chuyến công tác của Đặc phái viên Tổng Bí thư, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Mỹ. Đại sứ Marc Knapper tin tưởng rằng, các cuộc trao đổi sắp tới là cơ hội để hai bên cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp đưa quan hệ thương mại vào quỹ đạo phát triển lành mạnh, cùng có lợi.

Trong nền thương mại toàn cầu đang tái định hình mạnh mẽ này, vẫn luôn có những cánh cửa mở ra... 

Đông Phong
.
.