Nước Đức đối mặt với thách thức già hóa dân số

Thứ Năm, 29/08/2024, 07:54

Trong quan hệ quốc tế hiện đại, những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia gồm: địa lý, dân số, kinh tế, khoa học - công nghệ, quân sự, văn hóa, tư tưởng, năng lực điều hành của Chính phủ, uy tín quốc tế…. Trong đó, yếu tố về dân số có vai trò hết sức quan trọng.

Nhưng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng đang phải đối mặt với thách thức này.

Già hóa dân số ngày càng trầm trọng

Theo Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatic), năm 2023, dân số Đức ước tính khoảng 84,7 triệu người. Trong đó, số người dưới 20 tuổi là khoảng 15,9 triệu (chiếm 18,8%); số người từ 60-80 tuổi là khoảng 19,1 triệu người (chiếm 22,6%); số người trên 80 tuổi là khoảng 6,1 triệu người (chiếm 7,2%).

Nước Đức đối mặt với thách thức già hóa dân số -0
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Zwickau, Đức. Ảnh: TTXVN

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một nước sẽ bước vào giai đoạn "bắt đầu già" khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn "già" khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân. Như vậy, Đức đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số tương đối nghiêm trọng, đồng thời dự báo con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới, đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống an sinh xã hội và nền kinh tế nước Đức.

Nguyên nhân đầu tiên là hiện Đức có tỷ lệ sinh đang ở mức thấp nhất châu Âu. Thực tế cho đến nay, Liên hợp quốc không có một quy định cụ thể nào về mức sinh/ tỷ lệ sinh tiêu chuẩn (mức sinh thay thế) cho tất cả các quốc gia, nhưng đa số các nước thường sử dụng mức sinh thay thế là 2,1 con/ phụ nữ. Đây là mức sinh cần thiết để duy trì dân số ổn định mà không cần nhập cư. Tỷ lệ sinh thấp được định nghĩa là mức sinh 2,1 con/ phụ nữ.

Năm 2023, Đức ghi nhận khoảng 693.000 trẻ sinh ra, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013, giảm 6,2% so với năm 2022. Tỷ lệ sinh trung bình giảm từ 1,57 con/ phụ nữ vào năm 2021 xuống còn khoảng 1,36 vào năm 2023. Tình trạng tỷ lệ sinh liên tục giảm đã diễn ra trong nhiều năm gần đây tại Đức, xuất phát từ những nguyên nhân chính như khó khăn về kinh tế, chi phí nuôi dạy con cái tương đối tốn kém và những thay đổi về quan niệm, lối sống, giá trị và văn hóa gia đình của những người trẻ.

Kinh tế nước Đức ngày càng khó khăn, đặc biệt là kể từ sau Đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. Tình trạng này tạo ra thách thức lớn đối với người dân Đức trong việc duy trì mức sống và an toàn tài chính cá nhân. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao do lạm phát và áp lực về kinh tế, phát triển sự nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay đã khiến nhiều người trẻ trì hoãn hoặc quyết định không có con; thậm chí không muốn kết hôn.

Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Đức đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội như chính sách việc làm linh hoạt dành riêng cho bà bầu, tăng ngày nghỉ phép sau sinh cho cả cha và mẹ trẻ nhỏ, trợ cấp nuôi trẻ cho đến 18 tuổi, miễn học phí từ cấp bậc tiểu học trở lên. Nhưng những động thái trên vẫn chưa đủ để khuyến khích việc sinh con nhiều hơn của các cặp vợ chồng, đặc biệt đối với những người sống ở các thành phố lớn với chi phí sinh hoạt cao.

Nguyên nhân thứ hai là tuổi thọ trung bình của người Đức cả nam giới và nữ giới tiếp tục tăng, hiện tại là khoảng 81 tuổi đối với nam và 84 tuổi đối với nữ (con số này vào năm 2020 lần lượt là 78,8 và 83,6). Một lối sống lành mạnh, khoa học với chế độ dinh dưỡng đảm bảo, môi trường và điều kiện sống tốt, được hỗ trợ bởi hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại là những yếu tố giúp tuổi thọ của người Đức ngày càng tăng cao

Những thách thức, tác động to lớn

Thứ nhất, về kinh tế, già hóa dân số đã và đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng ở nhiều ngành công nghiệp tại Đức, đặc biệt là lao động phổ thông có tay nghề, tạo sức ép, thách thức cho Chính phủ Đức về điều chỉnh thị trường lao động, việc làm. Ngày 21/2/2024, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động. Với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn đang bị bỏ trống thì tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980; gây thiệt hại gần 99 tỷ USD cho kinh tế Đức năm vừa qua và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu đất nước không giải quyết được vấn đề này.

Thứ hai, già hóa dân số làm gia tăng sức ép lên ngân sách quốc gia dành cho các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính phủ Đức cũng phải giải quyết những xung đột, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong thời kỳ dân số già; giữa quan điểm về lối sống, văn hóa, xã hội, công việc,…  của những người sinh ra trong giai đoạn giữa thế kỷ 20 với những người trẻ sinh ra trong những năm đầu của thế kỷ 21. Tuổi cao khiến sức khỏe thể chất, tinh thần của người cao tuổi suy giảm, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển và có thể bị rơi vào tình cảnh cô đơn, sống tách biệt về mặt xã hội; khó tiếp cận các dịch vụ an sinh...

Thứ ba, già hóa dân số gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khiến Chính phủ Đức những nhiệm kỳ gần đây phải điều chỉnh chính sách nhập cư, thuê lao động nước ngoài. Tình trạng nhập cư ồ ạt tại Đức cũng không loại trừ khả năng dẫn tới việc hình thành các nhóm lao động có sự khác biệt về văn hóa; nguy cơ xảy ra tình trạng văn hóa ngoại lai xâm nhập. Tổng số người cao tuổi tăng, tỷ suất sinh giảm gây khó khăn trong việc truyền tiếp, kế thừa, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tiềm ẩn vấn đề đứt gãy về mặt văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bản sắc và sự phát triển bền vững của nước Đức.

Thứ tư, quá trình tuyển quân và tuyển dụng nhân lực vào quân đội, lực lượng vũ trang của Đức bị giảm sút, hao hụt đáng kể. Trong một báo cáo thường niên vào tháng 3/2024, Ủy viên Nghị viện Đức về Các lực lượng vũ trang Eva Hoegl cho biết Đức vẫn đang chật vật giải quyết các vấn đề trong quân đội trong nhiều thập kỷ qua. Bà Hoegl thừa nhận dù đã thực hiện nhiều nỗ lực để tăng cường lực lượng, tình trạng thiếu binh sĩ đã thực sự trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, quân số của Đức chỉ xấp xỉ 182.000 quân, giảm nhẹ so với 183.000 binh sĩ vào cùng kỳ năm 2022; đồng thời khoảng 20.000 vị trí trong lực lượng vũ trang Đức vẫn còn đang bỏ trống do không thể tuyển thêm nhân lực. Báo cáo cũng chỉ ra rằng quân đội Đức sẽ rất khó đạt được mục tiêu của chính phủ là 203.000 quân vào năm 2031.

Giải pháp nào cho nước Đức?

Để giải quyết tình trạng trên và đối phó với những tác động, thách thức từ già hóa dân số mang lại, Chính phủ Đức cần triển khai những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài.

Chính phủ Đức cần tiếp tục khuyến khích gia tăng tỷ lệ sinh, triển khai chính sách hỗ trợ gia đình và các biện pháp tài chính nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con; gia tăng số lượng và chất lượng cho các hệ thống y tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em thay vì quá chú trọng cho người cao tuổi. Kể từ tháng 1/2023, mỗi gia đình có con nhỏ tại Đức sẽ được hưởng mức trợ cấp 250 euro/ tháng cho mỗi bé (trước 2023 là 204 euro), không giới hạn số lượng trẻ... Ngoài ra, Đức vẫn áp dụng Chương trình Elterngeld (hay Tiền cho bố mẹ) cho phép những người nghỉ việc sau khi con sinh được tiếp tục nhận 2/3 số lương của mình, tăng tối đa tới 2,375 USD/tháng. Những người thu nhập thấp còn có thể đòi hỏi để nhận được 100% số lương. Đối với những gia đình có cả hai bố mẹ cùng ở nhà thì tổng thời gian được nghỉ phép có lương lên tới 14 tháng, đây là bước ngoặt trong chương trình, được thiết kế nhằm khuyến khích các ông bố chia sẻ công việc chăm con.

Gia tăng người nhập cư để tái cơ cấu nhân khẩu học cũng là cách mà đầu tàu kinh tế của EU áp dụng. Theo thống kê của Destatis vào năm 2022, có 20,2 triệu người dân đang sống ở Đức có nguồn gốc nhập cư, chiếm tỷ lệ 24,3% trong tổng dân số nước Đức. Và số lượng người nhập cư vào Đức trong năm 2022 là khoảng 1,46 triệu người, tăng 10,6% so với con số 1,32 triệu người trong năm 2021.

Ðức cũng đẩy mạnh hợp tác lao động với các nước khác, nới lỏng các chính sách cư trú để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động người nước ngoài, nhất là lao động phổ thông có tay nghề đến làm việc lâu dài tại Đức nhằm gia tăng lực lượng lao động, đóng góp cho nền kinh tế Đức. Từ ngày 18/11/2023, những thay đổi đầu tiên trong "Luật nhập cư sửa đổi" bắt đầu có hiệu lực trong nỗ lực thu hút 400.000 lao động có tay nghề cao mỗi năm từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Chính phủ Đức khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Quốc hội Đức đã thông qua cải cách về luật lao động, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, bắt đầu từ năm 2020 đến 2030; dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 69 tuổi trong những năm tiếp theo. Đức cũng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo để thay thế mạnh mẽ sức lao động của con người để bù đắp cho những thiếu hụt về lực lượng lao động trong bối cảnh hiện nay.

Minh Hà
.
.