Những vụ án tình dục trong điện ảnh: Lẽ nào sự thật đã cuốn theo chiều gió?

Thứ Ba, 03/05/2022, 10:22

Nhiều năm trước, trong một cuộc chuyện trò dài 6 tiếng đồng hồ giữa Gabriel García Márquez và Akira Kurosawa mà trong đó, nhà văn người Colombia đóng vai trò là người phỏng vấn, ông đã không ngần ngại thừa nhận rằng: "Tôi nợ những bộ phim của Kurosawa rất nhiều niềm tin vào con người"...

Khi ấy, tôi chỉ đơn giản diễn dịch câu này theo cách hiểu: phim của Kurosawa luôn có những kẻ trên bờ vực mục ruỗng về tư cách làm người nhưng ông luôn tìm thấy một tia sáng giác ngộ cuối cùng nào đó. Tuy vậy, có lẽ câu này còn mang nghĩa nhiều hơn thế, đặc biệt là khi xem lại “Lã Sanh Môn” (Rashomon) của ông, bộ phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn của Akutagawa.

Truyện phim kể về một samurai cùng người vợ xinh đẹp bị tay tướng cướp chặn đường tấn công. Sau đó, người ta tìm được xác vị samurai ấy.Tay tướng cướp, người vợ, nhân chứng và cả một thầy đồng gọi hồn samurai được đưa lên công đường xét xử. Tại đây, mỗi người lại kể một câu chuyện của riêng mình.

Với bản mặt không sợ trời, không sợ đất, tay cướp kể lại khoảnh khắc khi một cơn gió làm tung bay mạng che mặt của người phụ nữ kia, khiến gã khao khát có được nàng và tự hứa lòng mình là dù có phải giết chết chồng nàng thì cũng sẽ thực hiện. Thế là gã giao đấu với vị samurai và bắt trói được anh ta. Rồi gã lao đến người vợ nhưng nàng lôi con dao nhỏ phòng thân ra chống trả. "Ta chưa từng thấy người phụ nữ nào hung hãn đến thế", gã thốt lên. Nhưng, bỗng nhiên, người phụ nữ ngồi xuống khóc nức nở và cuối cùng, kẻ giang hồ có được điều gã muốn.

Lẽ nào sự thật đã cuốn theo chiều gió? -0
Cảnh người vợ và tay tướng cướp trong phim “Lã Sanh Môn” của Akira Kurosawa.

Sự vĩ đại của bộ phim này nằm ở cảnh đó, khi gã đã ghìm chặt được nàng. Trong ký ức của gã, nàng đã từ từ nhắm mắt buông xuôi, dường như vui thú. Khi chuyện đã xong xuôi, nàng cầu xin gã giết chồng mình, vì nàng chỉ có thể đi theo một người mà thôi.

Phiên bản ký ức của hồn ma người chồng cũng nhớ chi tiết ấy, rằng anh đã thấy vợ mình ngước gương mặt "chưa bao giờ xinh đẹp hơn thế" lên, nói rằng tay cướp hãy đưa nàng đi bất cứ đâu gã tới. Nàng thậm chí đã nói những lời mà chỉ nghe thôi cũng đủ thổi phăng người samurai vào cõi chết tối tăm: nàng muốn tay cướp giết chồng. Ngay cả tay cướp cũng thấy nàng đê tiện. Còn vị samurai đau đớn tự sát.

Trong 3 con người ấy, chỉ duy có người phụ nữ nói về nỗi sợ nhục nhã của mình, đến mức phải ra tay giết người chồng đã khinh bỉ nàng khi nhìn thấy cảnh nàng bị cưỡng hiếp.

Nhiều người vẫn cho rằng ý nghĩa của câu chuyện này là không có sự thật duy nhất, mỗi người có một phiên bản sự thật của riêng mình.Nhưng, có khi nào điều đó không hoàn toàn đúng.Có khi nào đây không hẳn là câu chuyện về sự thật, đây là câu chuyện về "nhãn quan nam giới" (male gaze) và "nhãn quan nữ giới" (female gaze). Trong nhãn quan nam giới, người vợ để lộ nhan sắc diễm áp làm khơi dậy dục vọng nơi đàn ông, gã tấn công nàng chỉ vì gã trót yêu nàng và không thể có sự chiếm đoạt nếu không có sự buông xuôi, sự đồng thuận, sự đón nhận ngấm ngầm của người phụ nữ.

Tại sao bỗng nhiên đang chống trả thì nàng ngồi xuống? Tại sao con dao lỏng khỏi tay nàng khi gã áp môi mình lên môi nàng? Hẳn là nàng cũng thích điều đó. Đến hôm nay, "nhãn quan nam giới" vẫn là cột đỡ cho nền công nghiệp JAV thịnh vượng của Nhật Bản, với vô số bộ phim tình dục giả tưởng mà nạn nhân tuy luôn mở miệng kêu "dừng lại đi", "không được đâu" nhưng thâm tâm lại muốn được an bài làm nô lệ cho kẻ cưỡng ép mình. Trong khi đó, đàn ông chẳng qua hành động vì tình. Ngay cả người thợ đốn củi, nhân chứng tiếp theo trong “Lã Sanh Môn”, cũng kể ra chi tiết tay cướp ngỏ ý cưới người phụ nữ.

Chúng ta đã sống với "nhãn quan nam giới" lâu đến mức chúng trở thành một bộ phận trong não bộ, như với người cận thị, cặp kính đeo lâu cũng thành đôi mắt. Có cả những bộ phim tôi đã mê say biết bao nhiêu nhưng nay nhìn lại thì nhận ra chính chúng cũng bình thường hóa hành vi chiếm đoạt của đàn ông đối với phụ nữ. Vâng, tôi chẳng nói bộ phim nào khác hơn là “Cuốn theo chiều gió”.

Nếu ai cũng xem bộ phim ấy cả chục lần như tôi, thì chắc không quên được cảnh Rhett Butler say xỉn bế thốc Scarlett trong chiếc váy đỏ, bất chấp sự vùng vẫy của nàng, rồi đi lên cầu thang. Cảnh phim tiếp theo, Scarlett vươn vai tỉnh dậy vào sáng hôm sau, vẻ sung sướng hiển hiện trên ánh mắt và nụ cười. Trong tiểu thuyết, Margaret Mitchell viết: "Hắn đã nhục mạ, đã hành hạ nàng, đã đối xử với nàng một cách tàn bạo trong đêm điên rồ hoang dại vừa qua nhưng nàng thấy tự đắc về điều đó". Scarlett tự đắc vì bị (hay được?) một người đàn ông, kể cả lúc ấy đã là chồng nàng đi chăng nữa, cưỡng hiếp!

Nhiều năm trước, khi xem và đọc cảnh này, tôi run lên vì mừng. Cuối cùng thì Scarlett đã cảm thấy một điều gì ở Rhett.Làm sao mãi đến giờ nàng mới yêu Rhett? Hắn xỏ lá, đểu giả, thô bỉ nhưng hắn quyến rũ không thể cưỡng lại. Sức mạnh của hắn, sự áp chế của hắn, sự lấn lướt của hắn tạo nên một gã đàn ông sành đời, gan góc - một chỗ dựa vững chắc. Nhưng, ta quên mất, ngay cả sự thẳng thắn, sự thấu suốt thói đạo đức giả, sự quyết đoán, táo bạo, ngạo nghễ của Rhett cũng không thể là tình tiết giảm nhẹ cho việc hắn tấn công tình dục vợ mình.

Tất nhiên, ta không làm ở đây cái chuyện vô ích là xét xử một nhân vật hư cấu.Bởi, sau rốt, ta vẫn sẽ mơ tưởng về một hình mẫu đàn ông như Rhett Butler mà thôi. Nhưng, sự mơ tưởng ấy dễ tung ra lớp hỏa mù vào hiện thực, trong khi, phần lớn những tội phạm tình dục chỉ giống Rhett ở thói bạo dâm chứ không có được những phẩm chất đáng yêu của hắn.

Về phần Scarlett, hẳn nàng đã sung sướng thật. Cố gắng phủ nhận niềm sung sướng của nàng cũng không khiến cho ta trở nên tỉnh táo hơn hay thông minh hơn nàng nhưng nàng không đại diện cho mọi người phụ nữ. Nếu như ta không thể lấy trải nghiệm đau đớn của những phụ nữ khác để phủ nhận niềm hạnh phúc khi bị cưỡng hiếp của Scarlett, thì điều ngược lại cũng đúng.Scarlett chỉ là Scarlett mà thôi. Nhưng, thế giới thực này rộng lớn hơn nhiều và còn hàng tỉ người phụ nữ...

Chuyện chưa dừng ở đó.Không phải bộ phim nào cũng nói đàn bà muốn bị đàn ông chiếm đoạt nhưng giả sử nếu họ không thích, thì rất có thể họ cũng sẽ trả thù một cách tanh tưởi và phi nhân nhất.

Tôi phải nói rằng, bộ phim tôi sắp kể ra đây là một bộ phim hay hoàn hảo và không thể đòi hỏi điều gì hơn ở nó trên tư cách một tác phẩm điện ảnh.Nhưng, sự hoàn hảo trong điện ảnh không đồng nghĩa với công lý xã hội. Đó là “Kuroneko”, một bộ phim Nhật Bản năm 1968 của Kaneto Shindo kể về hai mẹ con sau khi bị những tay samurai cưỡng hiếp đến chết, đã hóa thành miêu nữ với lời thề lấy mạng đến người samurai cuối cùng, cho đến khi họ gặp lại đúng chồng/con trai mình cũng đã thành samurai.

Vẫn biết nước Nhật từ thời Genji đã không coi tình dục là chủ đề cấm kị nhưng dẫu sao, xem một bộ phim từ thập niên 60 mà đã quay cảnh làm tình vừa thần tiên, vừa khêu gợi như vậy thì thực đáng nể. Dù thế, bộ phim dẫu đẹp đến đâu, tinh xảo tới thế nào, thì vẫn có gì tàn bạo trong cách người phụ nữ đẹp ma mị cắn đứt cổ một người đàn ông chung chăn gối, hay một người mẹ dù còn thương xót con trai nhưng vẫn quyết không rút lại lời thề lấy mạng anh chỉ vì hận thù với những gã samurai. Ngọn lửa hận thù dường như là động lực duy nhất kéo lê con người.

Đến những năm gần đây, motif này vẫn được ưa chuộng. Trong “Bedevilled”, một bộ phim của Jang Cheol-soo, học trò của cố đạo diễn Kim Ki-duk, người phụ nữ nông thôn vì bị cưỡng ép, hành hung quá lâu nên một ngày nọ, sau khi thu dọn đống khoai tây xong xuôi, cô đứng như trời trồng nhìn vầng dương một lúc, rồi đi ra uống nước, vung rìu băm vằm và chém giết tất cả: mẹ chồng cô, chồng cô, tay chân của y, hàng xóm, cảnh sát và suýt chút nữa là cả người bạn thân nhất của cô. Đặt trong bối cảnh phim, ta thậm chí còn thấy hả dạ biết bao khi người phụ nữ đáng thương này lên cơn tàn sát những kẻ ác nghiệt với mình. Nhưng, phim chỉ là phim. Cũng như trong phim, ta luôn cần một trường đoạn cao trào khi nhân vật chính lao vào trận chiến của mình. Nhưng, trong đời thực, trận chiến ấy có thể âm thầm hơn nhiều và cũng không nhất thiết con người phải hành động từ lòng căm hận.

Những motif trên phim dễ khiến ta quen với nếp nghĩ rằng, khi một người phụ nữ tố cáo chuyện cô bị cưỡng bức, hay làm bất cứ hành động nào không có lợi cho kẻ đó, thì chẳng qua là cô muốn trả thù hắn, nhất định cô phải có dụng tâm hay mưu chước gì chứ chẳng ngây thơ. Không nói về triết lý sống tha thứ hay không tha thứ, người ta chỉ đơn giản là không thể tin rằng, cái cô muốn là sự thật.

Thật nhói lòng khi xem phân cảnh người vợ trong “Lã Sanh Môn” quỳ trước công đường với áo quần xộc xệch, tóc tai rũ rượi, nước mắt đầm đìa, đôi mắt van lơn, kể lại ký ức của mình, một ký ức quá khác với ký ức của tay cướp hay người chồng kể lại. Nhưng, họ bình phẩm nàng chẳng khác những gã đàn ông kia, trong mắt họ, tất cả đều là một giuộc người yếu đuối với bản chất là dối trá, không thể tự đối diện với sự bỉ ổi của mình. Thậm chí, cả chúng ta, những khán giả suốt hơn 70 năm nay từ khi bộ phim ấy ra đời, cũng không mảy may nghĩ về việc, liệu nàng có là nạn nhân hay không. Cả chúng ta nữa cũng bằng lòng về cách bộ phim khép lại và cùng đi đến kết luận rằng, trên đời này không thể biết một sự thật khách quan nào hết, nàng dù có là nạn nhân thì nàng cũng có trò điếm đàng của riêng mình.

Nhưng, đó có chắc là điều Kurosawa muốn truyền tải? Có một chi tiết rất nhỏ trong phim mà ta dễ bỏ qua từ một nhân vật hoàn toàn phụ, khi anh ta nghe kể lại câu chuyện về vụ án này và anh bình phẩm: "Họ dối trá sao cũng được, miễn lời dối trá ấy mua vui cho tôi". Biết đâu, Kurosawa đã thấy trước hết và đã cười thật buồn với chúng ta qua câu ấy. 

Hiền Trang
.
.