Những phận bên lề

Chủ Nhật, 13/11/2022, 11:22

LTS: Biên chế và những người không nằm trong biên chế, họ tồn tại cùng nhau ra sao trong một bộ máy, một đơn vị? Nghịch lý nằm ở chỗ: Rất nhiều biên chế thiếu nhiệt tâm, méo mó lý tưởng trong khi có những kẻ bên lề lại giàu năng lực, giàu khát vọng cống hiến nhưng cứ phải nép mình ở ngoài cuộc.

Lao động bên lề

Hơn mười năm trước, tôi may mắn được vào diện hợp đồng của một cơ quan nhà nước, nhờ một sự ngẫu nhiên: cơ quan có thêm một phòng ban đa phương tiện, nên trống thêm một suất “dành cho người làm việc”, nói theo ngôn ngữ của lãnh đạo đứng đầu cơ quan bấy giờ.

tu_y_nghi_viec_khong_bao_truoc_1-1668065108580.jpg
Ảnh: S.t

Gọi là may mắn, vì dù không phải nhiệm vụ của mình, tôi tham gia hỗ trợ phòng từ rất sớm, và một cách ngẫu nhiên, phòng lúc đó còn trống một suất được vào diện hợp đồng. Trước đó, tôi đã có gần hai năm ở cương vị cộng tác viên nhưng hoạt động như là một thành viên chính thức của cơ quan, xét trên khối lượng công việc.

Lãnh đạo cơ quan và nhân viên thừa nhận tôi như một thành viên chính thức, nhưng cơ chế không cho phép tôi ký với cơ quan hợp đồng dài hạn. Biên chế của cơ quan đã phình to từ lâu, và trên danh nghĩa, nó không thể tiếp nhận thêm ai vào nếu không có kế hoạch về các phòng ban mới. Trong một thập kỷ qua, tôi biết ít nhất vài người đã sống và làm việc "bên lề" như thế ở cơ quan cũ, và tất cả, kể cả... lãnh đạo, cũng buộc phải chấp nhận điều đó.

Không cần phải đọc một thống kê xã hội học về tỉ lệ lao động trong các cơ quan nhà nước, bạn biết rằng chuyện này không hiếm. Ở một không gian song song, trong cùng một trụ sở, những người đã vào biên chế lại dường như không thể đụng đến: họ có thâm niên, và thậm chí quan hệ đủ tốt để giữ chắc suất của mình. Họ ở ngay bên cạnh những người đang làm phần lớn các công việc mà không có một "danh phận" rõ ràng, nhưng cứ như đang ở một vũ trụ nào khác, ổn định và an toàn hơn hẳn.

Tháng Tám vừa rồi, khi làn sóng người lao động trong các cơ quan nhà nước nghỉ việc dâng cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có chia sẻ trên tờ Tuổi Trẻ rằng có những người rời khối nhà nước sang làm tư nhân không chỉ vì lương thấp, mà còn vì nhiều yếu tố khác, liên quan đến nhu cầu, mong muốn, và chế độ tuyển dụng. Những người xin nghỉ thường là người làm được việc, còn "người "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", hạn chế và yếu về năng lực thì lại chẳng bao giờ xin nghỉ việc" - nguyên văn lời ông Tuấn Anh. Họ chỉ sợ các đợt tinh giản biên chế, vốn chỉ như "muỗi đốt inox".

Từ những năm 1950, khi nói về vốn, các lý thuyết kinh tế đều tập trung vào nhà máy, công xưởng, bất động sản... tóm lại là tài sản vật chất, thì Gary Becker, một kinh tế gia giành giải Nobel, đã nghĩ về con người. Ông cho rằng trong quá trình sản xuất, thì chính những điều vô hình như kiến thức, kỹ năng của người lao động mới định đoạt chất lượng. Ông gọi chúng là vốn con người (human capital), một loại vốn cần được đầu tư nghiêm túc không kém gì nhà máy, đất đai. Thậm chí là hơn.

Trong một thị trường cạnh tranh, thì vốn con người là thứ có thể được điều chỉnh linh hoạt và tối ưu dễ dàng. Becker viện dẫn trường hợp của những cường quốc châu Á vốn có rất ít tài nguyên như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc: họ đã dùng giáo dục để thay đổi nền kinh tế của mình.

Các công ty tư nhân nhận thức chuyện này rất rõ ràng: số phận của chúng phụ thuộc vào việc đối xử như thế nào với vấn đề vốn con người. Họ sẽ trả lương cao và cam kết dài hạn hơn với các cá nhân có kiến thức và kỹ năng tốt, để tiết kiệm thời gian đào tạo. Và đơn giản là thị trường luôn vận động như thế. Những người có thể đảm bảo chất lượng công việc tốt hơn sẽ được đãi ngộ tốt hơn.

Các cơ quan nhà nước đang vận hành kiểu khác. Lý do là họ cắt nghĩa vốn con người theo một cách khác. Những người làm việc thật sự thường không thể thắng nổi bức tường biên chế, thứ được tích lũy không chỉ bằng kỹ năng và chất lượng lao động, mà còn là thâm niên và quan hệ.

Thị trường sẽ từ chối kiểu cơ chế này, vì đấy là cách hoạt động tự tạo lực cản cho chính nó. Những người làm việc nhưng không nhận được đãi ngộ (cả về lương và cơ chế) xứng đáng sẽ ngày càng nản lòng, còn ai đã ở trong biên chế hiểu rằng với quan niệm về vốn con người đặt nặng vào thâm niên và quan hệ, những thứ chỉ có gia tăng theo thời gian, họ chẳng việc gì phải quan tâm đến cải thiện kỹ năng hay chất lượng công việc làm gì.

Tất nhiên, kiểu hai thế giới song song tồn tại thế này trong cơ quan nhà nước đã tồn tại đủ lâu để ta không coi nó là vấn đề thực sự nữa. Nhưng nghĩ về điều này trong thế giới đầy rẫy sự lựa chọn tốt ngoài kia, thì việc duy trì nó, rốt cục, chỉ có hại với tổ chức phải chịu đựng nó: những người giỏi sẽ đi hết, và để rất nhiều người ngồi chơi sót lại.

Phạm An

Số phận những cái phao

Năm 2020, tờ Giáo dục Việt Nam có một bài viết mang tên: “Giáo viên hợp đồng, một nghề vô thừa nhận?”. Đó là cao điểm của những ngày tháng mà hàng nghìn giáo viên hợp đồng trong cả nước đang đội nắng đi đòi công lý.

hop-dong-lao-dong.jpg -0
Ảnh: S.t

Năm 2000, có một văn bản kỳ lạ đã quyết định số phận của rất nhiều nhà giáo trên khắp đất nước trong suốt hai thập kỷ sau đó. “Kỳ lạ” không nói đến cách nó được soạn thảo, mà là cách nó được ứng dụng. Đó là Nghị định 68/2000.

Nghị định này cho phép thực hiện chế độ hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Các loại công việc bao gồm: 1. Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; 2. Lái xe; 3. Bảo vệ; 4. Vệ sinh; 5. Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; 6. Công việc khác.

Trong hai mươi năm sau đó, Nghị định 68 đã được ứng dụng để ký hợp đồng với nhiều giáo viên trong cả nước. Tất nhiên, là theo khoản 6, “Công việc khác”.

Ai đọc 5 loại công việc được liệt kê trước đó cũng hiểu được Nghị định 68 ra đời với mục đích gì. Nó tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng với những lao động ít trình độ chuyên môn, như là bảo vệ, trông xe, tạp vụ... Nhưng rồi để giải quyết vấn đề thiếu biên chế, các nhà giáo cũng được xếp vào cùng nhóm đó luôn.

Hai mươi năm, họ mòn mỏi chờ đợi ngày thực sự trở thành viên chức. Nhiều người sau hai thập kỷ đứng trên bục giảng theo đuổi sự nghiệp trồng người, có mức lương không đến ba triệu đồng mỗi tháng. Họ vẫn làm việc như bao nhà giáo: giảng dạy, làm công tác đoàn, quản lý và dìu dắt học sinh cả trong và ngoài nhà trường… Bạn có thể tự liệt kê những vất vả của người làm nghề giáo. Nhưng họ có một thân phận tương đương với một lao động giản đơn. Những thợ dạy được thuê tạm.

Năm 2020, Bộ Nội vụ quyết định sẽ đặc cách cho những giáo viên hợp đồng đã đứng lớp lâu năm. Có địa phương làm nhanh, có địa phương làm chậm – như Hà Nội. Những con người đã mười mấy hai mươi năm đứng trên bục giảng, được xã hội vinh danh đều đặn khi đến ngày đến tháng, rồng rắn đội nắng đi khiếu nại. Nhiều người trong số họ lương chỉ bằng một nửa công nhân khu công nghiệp. Nhiều người trong số họ vẫn đi làm thợ hồ, bán hàng, ai gọi đâu làm đó để mưu sinh qua bữa.

Thân phận của những giáo viên hợp đồng vẫn chưa được giải quyết hết trong năm 2022 này. Nhiều địa phương vẫn buồn bã trả lời, rằng họ chưa có biên chế. Họ thông cảm với nỗi khổ của các thầy cô, thông cảm với thân phận những người sáng đứng bục giảng chiều đi trát vữa, nhưng không có cách nào giúp được. Ngân sách chỉ có vậy, số lượng hợp đồng họ được ký chỉ có vậy.

Và câu hỏi cần đặt ra là: Ngay từ đầu nếu các trường, các địa phương không có cái quyền “thuê tạm” giáo viên, được tạo ra những nhà giáo không có thân phận nhà giáo, thì câu chuyện có đi đến nông nỗi này?

Nó giống như một thủy thủ ra biển mà cứ mỗi lần anh ta xuống nước lại có một chiếc phao được ném xuống. Thuyền trưởng ra chỉ thị đặc biệt cho phép anh này cứ hễ gặp nước là được cấp phao. Cả đời người thủy thủ chưa từng phải nghĩ đến việc học bơi. Và con tàu vẫn chạy, thuyền trưởng cũng vì lịch tàu chạy mà không ép anh thủy thủ phải dành thời gian đi học bơi. Ông ta tiết kiệm được khối tiền.

Nghị định 68, hay là “Hợp đồng 68” chỉ là một trong số những hệ phao được cung cấp cho các thủy thủ đoàn yếu. Bạn sẽ còn bắt gặp “Hợp đồng 09”, “Hợp đồng 06” – những giải pháp tình huống để tuyển dụng giáo viên hợp đồng.

“Cái phao” vốn chỉ được dùng cho tình huống khẩn cấp thì được dùng một cách đại trà và suốt hai mươi năm che giấu đi một thực tế khủng khiếp, về việc con tàu không đủ năng lực để ra khơi.

Và trong câu chuyện của những giáo viên hợp đồng, cái phao ấy lại hình thành bằng số phận những con người, vốn được đào tạo để nuôi dưỡng những con người.

Khi luật pháp cho phép sự tạm bợ ra đời, nó cũng đồng thời cho phép các nhà quản lý từ chối nhìn vào vấn đề - và qua đó là từ chối tìm cách giải quyết vấn đề trong bao nhiêu năm. Hai năm trở lại đây, vấn đề thiếu cán bộ viên chức thực sự làm việc nổi lên. Nhưng thực ra, nếu nhìn vào thực tế là cái sự “thiếu” ấy trong nhiều thập kỷ qua được lấp bởi những cái phao mang tên “giáo viên hợp đồng”, thì ta đã thiếu từ rất lâu rồi.

Nếu không có cái phao thuận tiện được trả bằng những nhà giáo lương hơn 2 triệu, liệu các kế hoạch ngân sách, kế hoạch tuyển dụng bao nhiêu năm qua có thay đổi không. Nếu hễ cứ tuyển giáo viên là phải cho họ hợp đồng theo Luật lao động, có lộ trình ký dài hạn, thì bao nhiêu địa phương, trước sức ép phải có giáo viên đứng lớp, trước sức ép của nhân dân, phải bớt chi tiêu đi mà đưa hạng mục ấy thành ưu tiên?

Nếu không có cái phao tạm bợ hàng thập niên, chắc chàng thủy thủ đã biết bơi và giỏi bơi từ lâu rồi, cách này hay cách khác.

Nghĩ đến việc trong hai thập niên ấy, chàng thủy thủ không phải học bơi, mà thỉnh thoảng còn có thời gian rảnh để đi xây tượng đài và làm cổng chào, bây giờ lại kêu thiếu nguồn lực cho cái việc sống còn của cả con tàu, thấy xót xa cho… những cái phao.

Đức Hoàng

Từ “Trái tim bên lề” tới “Không làm gì”

22 tuổi, tốt nghiệp đại học, câu dặn dò đầu tiên mà cha tôi dành cho tôi chính là “kiếm lấy chỗ nào ổn định mà làm việc”. Cùng với dặn dò đó là một trường thiên tâm sự chia sẻ mà gói gọn lại vẫn chỉ có hai chữ: biên chế.

1600562742685_2.jpg -0
Ảnh: S.t

Tôi trả lời người bằng sự xốc nổi của tuổi trẻ và tinh thần chống lại mọi thứ “biên chế không phải là tất cả”.

24 tuổi, vào Nam lập nghiệp, bỏ lại sau lưng một công việc “biên chế” rất thơm, tôi cũng làm được một số thứ gọi là, và cơ bản nhất là tôi cảm thấy thích thú. Mỗi bận về Hà Nội thăm nhà, ăn Tết, cha tôi vẫn dặn dò: “cố gắng kiếm chỗ nào ổn định”. Tôi ngạc nhiên nghĩ “ơ kìa, thế nào là ổn định nhỉ? Không lẽ chỉ có biên chế mới là ổn định?”.

Tôi trả lời người bằng sự “trầm ngâm” vớ vẩn của bọn chưa trưởng thành chín chắn: “Cuộc đời này vốn dĩ vô thường thì có gì ổn định đâu cha. Bản chất của đời sống là bấp bênh mà”.

Bây giờ, 46 tuổi, tuổi vẫn chẳng cần cái gọi là “ổn định theo biên chế” của thế hệ cha tôi, một thế hệ cũ lớn lên trong nó, lấy nó làm sinh quyển, nhưng tôi lại thấm lời dặn dò của cha nhất khi nhìn vào guồng quay của xã hội và những thân phận quanh mình. Nhìn và so sánh cách làm việc, chế độ đãi ngộ của những người trong biên chế với những người ngoài biên chế, tôi tạm đặt tên nhóm những lao động ngoài biên chế là những thân phận bên lề, hay sến súa hơn là những “trái tim bên lề”. Điểm khác nhau lớn nhất giữa hai nhóm lao động này mà chúng ta có thể nhận ra chính là nhiều người trong biên chế đơn thuần góp mặt trong bộ máy chỉ vì họ cần một vị thế, một chỗ đứng (cái gọi là ổn định) còn những người ngoài biên chế góp mặt vì họ thực sự mưu sinh nhờ vào công việc ở đó, với đánh đổi là trí và lực của chính mình.

Rất tình cờ, tôi mới được ngồi hầu chuyện một người anh lớn, có cương vị ở một cơ quan nhà nước. Trong buổi trà dư tửu hậu thân thiết ấy, anh dặn dò một người cháu của mình, cũng mới được vào biên chế, đại ý rằng “trong cơ quan nhà nước, trong sinh hoạt Đảng, mày cần thận trọng đừng tỏ ra nhiệt tình quá mà thành cái gai trong mắt người khác”.

Lời dặn dò của người “kinh nghiệm” kể trên có thể là hơi thái quá và phiến diện, nhưng nó đúng ở một khía cạnh. Những người trong biên chế có một vị thế mà những người ngoài biên chế không bao giờ có được. Nó là cơ hội thăng tiến trong bộ máy, với những cương vị và trọng trách có thể giúp họ “làm giàu” hoặc nói như cha ông ta là “cả họ được nhờ”. Nhiệt tình quá, sẽ dễ thành cái gai trong mắt những đối thủ cạnh tranh thăng tiến khác. Nhưng để họ tồn tại vững vàng trong một cơ chế khó hiểu như vậy, công sức đóng góp của những kẻ làm việc thực sự, tức những kẻ bên lề, là cực lớn. Và nếu những kẻ bên lề mà nhiệt tình quá thì sao nhỉ? Sẽ có những nghi ngờ về động cơ của họ, bất chấp nhiều khi họ chỉ nhiệt tình vì trách nhiệm công việc của mình.

2006, tôi hăm hở chuyển việc, rời bỏ tư cách “làm ngoài” để đến với một cơ quan nhà nước. Ở đó, tôi làm việc tận tụy với một tuần 4 buổi trực tới tận 2-3 giờ sáng cho tới lúc sản phẩm mẫu được đưa xuống tận xưởng. Nhưng 3 năm trời trong cái guồng máy mà mỗi khi bước ra xã hội tôi đều được giới thiệu như thể là nhân viên biên chế của nó, tôi không có một bản hợp đồng nào cả. Nó không khác gì cách lao động chui, cho dù tôi vẫn có lương tháng, một khoản lương không thỏa thuận, đúng theo kiểu trả bao nhiêu biết bấy nhiêu. Ở năm cuối cùng tại cơ quan ấy, tôi được nhận một hợp đồng thử việc một năm, một loại hợp đồng thử việc hoàn toàn trái với luật lao động hiện hành. Và đó là một cơ quan ngang bộ. Ở bộ phận tôi làm việc, đa số những lao động như tôi đều “được hưởng phúc lợi” giống y chang tôi. Phần còn lại, những người biên chế, đều đến cơ quan đúng theo kiểu một bài hát nổi tiếng của ban nhạc “Ngọt” có tên “Không làm gì”.

Thực tế này tưởng như chỉ tồn tại ở thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng hóa ra nó vẫn còn dai dẳng tới hôm nay, và tinh vi hơn. Hãy thử nhìn vào công tác Đảng chúng ta sẽ càng hiểu hơn. Đã và vẫn tồn tại một bộ phận Đảng viên không mang lý tưởng cộng sản. Thậm chí, ở ngoài xã hội, nhất là trên Facebook, họ còn tuyên ngôn những điều đi ngược lại lợi ích của Đảng và nhà nước, vuốt đuôi những nhóm dân chủ giả hiệu chống đối. Nhưng ở trong bộ máy, họ không bỏ sót bất kỳ một lợi ích nào mà một người trong biên chế, trong nội bộ Đảng được hưởng. Đối lập với họ, có những người thực sự mang lý tưởng cộng sản thấm đẫm nhưng bị vô tình gạt ra ngoài lề chỉ vì không đủ một tiêu chuẩn nào đó hoặc đơn giản “không còn suất”.

Trong trao đổi với lãnh đạo cao nhất của một cơ quan ngang bộ khác gần đây, một lãnh đạo trẻ, năng động, sáng tạo, tôi được anh cho biết: “Anh đang không biết làm cách nào để giảm bớt nhân sự bên anh mà tuyển dụng người tài đây em ạ. Đơn vị anh cồng kềnh với 800 nhân sự. Bộ phận A (tạm xin giấu tên) lên tới 300 người mà thực chất anh chỉ cần 2 phần 3. Bộ phận B và C lên tới 500 người, thực sự quá dư thừa. Cái gánh tồn đọng từ các đời trước để lại làm anh đau đầu quá”.

Tôi tin chắc, đến hết nhiệm kỳ của anh, vấn đề của đơn vị ấy cũng không thể được giải quyết rốt ráo. Tôi nhớ, cách đây hơn 10 năm, ở một đơn vị khác, chỉ vì lãnh đạo mạnh tay đuổi một nhân sự “không làm gì” mà sau đó đã phải nhận nhân sự ấy quay lại tiếp tục “không làm gì” sau khi cá nhân kia khởi kiện ra tòa và thắng kiện.

Đưa những người bên lề vào cuộc có được hay không? Câu hỏi này không chỉ nằm ở ý chí và năng lực của lãnh đạo một cơ quan nhà nước cụ thể. Nó nằm cốt lõi ở cơ chế. Cơ chế đang vận hành theo định hướng tinh giản biên chế sao cho hiệu quả nhất nhưng lại không tìm ra được biện pháp hữu hiệu để thẳng thừng sa thải một lực lượng đông đảo đang “ăn hại” bộ máy dưới màu áo viên chức. Đó là còn chưa nói đến chuyện nhiều biên chế được gửi gắm bởi các thế lực trong bộ máy chính quyền mà buộc người đứng đầu phải ngậm bồ hòn làm ngọt theo kiểu vuốt mặt cần nể mũi.

Và khi không dọn sạch sẽ cỏ dại trong khu vườn để đưa những cây quý, có năng suất vào khu vườn ấy, hệ quả lâu dài sẽ là sự bất mãn của những kẻ bên lề. Cái bất mãn được tích lũy ấy không chỉ là rào cản cho phát triển mà còn có khả năng tạo ra những địa chấn khủng khiếp sau này.

Hà Quang Minh

.
.