Những gương mặt Vàng của thể thao Công an nhân dân
Tại SEA Games 32, thể thao CAND đã có nhiều gương mặt thi đấu ấn tượng. Sau thành tích ở giải vô địch quốc gia, họ chính là những người góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…
Cô gái nhỏ, ước mơ lớn
Tính đến thời điểm hiện tại, nhà vô địch Karate SEA Games 32 Nguyễn Ngọc Trâm đã có gần 10 năm theo đuổi thể thao thành tích cao. Duyên số đưa Trâm đến với Karate, cũng như đội thể thao CAND thật tình cờ. Từ một cô bé đứng trên hành lang lớp học, nhìn các bạn tập Karate dưới sân trường rồi bắt chước từng động tác, Ngọc Trâm đã đi một chặng đường dài để có được như ngày hôm nay.
Ngôi trường nơi Ngọc Trâm học thuở nhỏ có mở những lớp Karate phong trào cho học sinh, nhưng cô bé Trâm ngày ấy không dám đăng ký học vì nghĩ gia đình mình không có tiền. Những ngày tập "lén" trên hành lang lớp học của Ngọc Trâm dần được một thầy giáo thể dục để ý đến. Cảm mến tinh thần học hỏi của cô gái nhỏ, các thầy cô đã nhận dạy Ngọc Trâm mà không thu học phí.
Từ một học viên Karate phong trào, Ngọc Trâm được nhận vào đội thể thao của CAND. Tại một giải vô địch trẻ toàn quốc, màn trình diễn của cô gái sinh năm 2002 lọt vào mắt xanh của "Nữ hoàng Kata" Nguyễn Hoàng Ngân. Đó là thời điểm Hoàng Ngân vừa về nước đảm nhiệm công tác huấn luyện, và cô đã tìm được một viên ngọc quý cho đội tuyển Kata nữ Việt Nam.
Cụm từ "quyền biểu diễn" của Kata có thể khiến nhiều người hiểu nhầm những võ sĩ chỉ biết múa quyền. Trên thực tế, tiêu chí chấm điểm một bài quyền trong Kata dựa trên một số nhân tố như độ khó bài thi, tốc độ, và sức mạnh của đòn đánh. Trong đó, độ khó bài thi phụ thuộc vào sức mạnh của vận động viên. Nhưng để tăng cường tốc độ và sức mạnh khi ra đòn, võ sĩ buộc phải tăng cường thể chất.
Ngọc Trâm cho biết: "Kata yêu cầu chúng tôi phải sử dụng đến từng thớ cơ trong cơ thể với mỗi bài quyền. Võ sĩ không khỏe thì không thể ra đòn nhanh và mạnh để đạt điểm cao từ ban giám khảo. Thể lực cũng là một điểm quan trọng với võ sĩ Kata, bởi chúng tôi sẽ tốn khá nhiều sức sau khi thực hiện một bài thi, nhưng lịch thi đấu Kata thường diễn ra liên tục mà không có thời gian nghỉ".
Ít ai biết, Ngọc Trâm và đồng đội ở đội tuyển Kata nữ Việt Nam đã quá quen với những bài tập cử tạ. Với họ, việc nâng tạ theo giáo án được huấn luyện viên đưa ra cũng giống như ăn cơm, uống nước hàng ngày. "Chúng tôi tập tạ để tăng cường sức mạnh thể chất. Ngoài ra, tập tạ cũng giúp VĐV Kata dày mình hơn, giúp đường quyền nhanh và mạnh hơn", Ngọc Trâm bộc bạch.
Già dặn và khiêm tốn
Thời khắc quyết định ăn tập, theo đuổi thể thao đỉnh cao của Ngọc Trâm cũng đánh dấu bắt đầu mốc thời gian ăn "cơm đội tuyển" nhiều hơn ăn cơm nhà. Kết thúc chiến dịch SEA Games 32, Ngọc Trâm chỉ về nhà chưa đầy 1 ngày rồi trở lại tập trung cùng đội tuyển Karate quốc gia. Trước đó, cô gái 21 tuổi gần như chưa có thời gian về với gia đình kể từ sau Tết Nguyên đán.
Trong buổi trò chuyện, Ngọc Trâm tự nhận xét mình không có nhiều điểm khác biệt, cũng không già dặn hơn bạn bè đồng trang lứa. Dường như bản thân cô cũng không tự nhận thức được về những điểm mạnh của bản thân. Bởi, gần 10 năm sinh hoạt giữa những người chị, người bạn cùng là vận động viên đã giúp cho Ngọc Trâm rèn luyện tinh thần cầu tiến, thay vì thỏa mãn với những gì đã đạt được.
"Ngọc Trâm là một người khiêm tốn giống như nhiều vận động viên khác. Ở tuổi đó nhiều thanh niên vẫn sống cùng gia đình, còn chúng tôi đã sinh hoạt cùng tập thể, phải biết tự lo cho bản thân rồi", một VĐV khác tâm sự.
Thành tích ở các giải đấu trong nước và quốc tế giúp Ngọc Trâm được bình chọn là 1 trong 20 gương mặt trẻ xuất sắc, thanh niên tiêu biểu của lực lượng CAND. Đây chính là nguồn động lực lớn giúp cô quyết tâm hơn trong việc bảo vệ tấm HCV SEA Games, và Trâm đã làm được điều đó cùng với những đàn chị ở đội tuyển quốc gia.
Ít người có thể sống dưới áp lực và nỗi nhớ nhà. Nhưng với Ngọc Trâm, đó là tinh thần cầu tiến cần thiết để hướng đến những mục tiêu lớn trong năm nay. Sau SEA Games 32, cô và các đồng đội sẽ tranh tài ở giải vô địch Karate châu Á, cũng như ASIAD 2023.
"Để có được như ngày hôm nay, tôi may mắn được tạo điều kiện tập luyện, thi đấu từ Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, cũng như Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể thao CAND. Điều đó giúp tôi tự nhận thức được về sự cống hiến, nỗ lực để mang vinh quang về cho Tổ quốc, với tư cách một vận động viên của đơn vị CAND", Ngọc Trâm nói.
Ngay trong thời khắc bảo vệ thành công HCV SEA Games nội dung Kata nữ, Ngọc Trâm đã được Thượng tá Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao CAND, Bộ Công an động viên, chúc mừng thành tích tại nhà thi đấu. Điều đó cho thấy sự quan tâm, khích lệ lớn đến những VĐV đã không ngại vất vả để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Môn võ mới, thành công mới
Tại SEA Games 32, Campuchia đưa vào chương trình thi đấu 2 môn võ cổ truyền của nước này là Kun Khmer và Kun Bokator. Nếu như Kun Khmer có hình thức và cách chấm điểm gần giống với Muay Thái, thì Kun Bokator lại mang nhiều điểm tương đồng với võ cổ truyền Việt Nam. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã thành lập đội tuyển Kun Bokator từ những võ sĩ võ cổ truyền vừa đạt thành tích tốt ở các giải quốc gia.
Một trong 15 gương mặt của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tham dự SEA Games 32 là Ngô Đức Mạnh, võ sĩ của đoàn CAND. Anh được tập trung lên đội tuyển với tư cách đương kim vô địch Võ cổ truyền Đại hội Thể thao toàn quốc ở hạng cân 70kg nam. Dù mới làm quen với Kun Bokator, nhưng Đức Mạnh và các đồng đội cho thấy họ đã nhanh chóng bắt kịp với thể thức thi đấu của môn võ mới.
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng - Tổng cục Thể dục Thể thao, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam) từng nhận xét: "Kun Bokator là môn mới, có thể thức đấu và cách tính điểm khác với Võ cổ truyền. Điều này bước đầu có thể gây khó khăn cho các võ sĩ Việt Nam, nhưng rồi mọi người sẽ sớm làm quen". Những lời ấy đã thành sự thật.
Tại giải đấu Kun Bokator tiền SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia, Ngô Đức Mạnh là một trong 3 võ sĩ giành HCV. Đến SEA Games 32, anh tiếp tục cho thấy phong độ cao khi liên tiếp giành chiến thắng ở vòng ngoài. Bước vào trận chung kết gặp đối thủ Damxoumphone Khieosavath (Lào), Đức Mạnh giành chiến thắng knock-out bằng đòn đá ở cuối hiệp 3, bảo vệ thành công ngôi vô địch.
Chiến thắng của Ngô Đức Mạnh cũng khép lại một kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam, khi các võ sĩ giành chiến thắng cả 6 trận chung kết. Đó là minh chứng cho thấy trong nghịch cảnh, các võ sĩ Việt Nam vẫn tìm được cách để vươn lên. Những tấm huy chương chính là minh chứng rõ rệt nhất khẳng định nỗ lực của họ được đền đáp xứng đáng.
Những tấm huy chương của Ngọc Trâm và Đức Mạnh cho thấy những vận động viên chính là người quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Họ luôn thầm lặng nỗ lực, cống hiến khi nhận thức được mình đang là một đại diện của đoàn thể thao Công an nhân dân.
Bàn chân dị tật của nhà vô địch
Tại SEA Games 32, Ngần Ngọc Nghĩa tiếp tục bảo vệ thành công tấm HCB môn Điền kinh, nội dung chạy 200m nam. Nếu nhanh hơn một chút nữa, Ngọc Nghĩa có thể đã giành thêm 1 tấm HCĐ ở nội dung chạy 100m. Trên thực tế, tấm HCB của Ngần Ngọc Nghĩa ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp được đánh giá là những tấm huy chương quý như vàng, bởi VĐV Thái Lan vô địch cả 2 nội dung này tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại.
Với cá nhân Ngần Ngọc Nghĩa, ý chí và nghị lực phi thường là những điểm mạnh giúp anh vượt qua những khiếm khuyết về mặt thể chất. Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La, Ngọc Nghĩa vốn chỉ quen trèo đèo, lội suối thay vì chạy cự li ngắn trên những đoạn đường bằng phẳng. Thói quen đó, cộng thêm thể chất bẩm sinh khiến Ngọc Nghĩa có một bàn chân bẹt khác thường.
Ở góc độ chơi thể thao, những người có bàn chân bẹt như Ngần Ngọc Nghĩa là điểm yếu. Người bình thường có bàn chân cong, giúp họ tăng độ đàn hồi khi tiếp xúc với mặt đất, qua đó di chuyển nhanh hơn và dễ hơn. Nhưng trong trường hợp của Ngọc Nghĩa, bàn chân bẹt khiến anh phải vận lực nhiều hơn khi chạy, dễ đau chân.
Thể thao thế giới từng ghi nhận một VĐV có bàn chân bẹt nhưng vẫn vươn tầm quốc tế là Park Ji-sung, cựu cầu thủ Man Utd và đội tuyển Hàn Quốc. Với những gì Ngọc Nghĩa đã làm được, anh xứng đáng được ví như một Park Ji-sung của thể thao Việt Nam vì đã vượt qua nghịch cảnh để vươn ra đấu trường khu vực.