Những dấu hỏi

Thứ Tư, 13/04/2022, 11:09

Nếu không có những sự thỏa hiệp nhất định ở cả hai phía thì sẽ không có bất kỳ một thỏa thuận ngừng bắn nào được đưa ra và máu của binh lính cả hai bên cũng như thường dân vô tội sẽ tiếp tục đổ xuống trên mảnh đất Ukraine...

Nghệ thuật của những sự thỏa hiệp

Ông V.Putin muốn gì khi quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine?

Các quan chức Nga tham gia những cuộc đàm phán với Ukraine đã nhiều lần nói rõ: trung lập hóa, phi quân sự hóa Ukraine; nước láng giềng phía Tây này của Nga phải cam kết không bao giờ gia nhập NATO; Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea cũng như hai nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbass...

Đại loại thế.Trong số những điều kiện này, có những điều Ukraine có thể chấp nhận sau khi đã phải chịu tổn thất vô cùng to lớn trong cuộc đụng độ quân sự với Nga. Nhưng, cũng có những vấn đề, chẳng hạn như sự toàn vẹn lãnh thổ, mà Ukraine sẽ rất khó chấp nhận, bởi nếu nhượng bộ trong những vấn đề như vậy thì bất kỳ một chính quyền nào tồn tại ở Kiev cũng sẽ mất đi tính chính danh và không thể có tiếng nói quyết định trong các cuộc đàm phán, thảo luận với Moscow.

Đấy là chưa kể những khó khăn về mặt kỹ thuật, khi các điều kiện do phía Nga đưa ra, cũng là những điều khoản có thể có của thỏa thuận, có thể phải được quyết định thông qua những cuộc trưng cầu dân ý ở phía Ukraine. Ngay cả trong trường hợp khả quan là những cuộc trưng cầu dân ý như vậy được tổ chức đi chăng nữa thì với tình cảm chống Nga hiện nay ở khu vực phía Tây Ukraine, đặc biệt là khi xung đột đã nổ ra, nhiều thành phố, làng mạc bị phá hủy, hàng triệu người Ukraine phải từ bỏ gia đình, nhà cửa đi di tản hay tị nạn, chắc gì những cuộc trưng cầu dân ý sẽ mang lại kết quả mong muốn là thiết lập một nền hòa bình ở Ukraine? 

Những dấu hỏi -0
Phái đoàn Nga và Ukraine trong một vòng đàm phán. Ảnh: S.t

Là một chính khách lão luyện, hẳn là ông V.Putin biết rất rõ những điều này. Nhưng, khi đưa ra những điều kiện khó khăn cho việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, chắc hẳn ông hiểu rằng chính trị là nghệ thuật của những sự thỏa hiệp. Để đạt tới một kết quả chung cuộc cho việc lập lại hòa bình ở Ukraine thì không những phía Kiev phải chấp nhận thỏa hiệp trên một số điều kiện nào đó mà cả phía Nga cũng phải thỏa hiệp.

Nếu không có những sự thỏa hiệp nhất định ở cả hai phía thì sẽ không có bất kỳ một thỏa thuận ngừng bắn nào được đưa ra và máu của binh lính cả hai bên cũng như thường dân vô tội sẽ tiếp tục đổ xuống trên mảnh đất Ukraine.

Vấn đề nằm ở chỗ không một ai biết được là Nga sẵn sàng thỏa hiệp đến mức nào. Cũng bởi vì không một ai biết được ý định thực sự của ông V.Putin ở Ukraine ra sao.

Nuốt cả con nhím vào bụng

Sau vài tuần xung đột vũ trang với hầu hết các thành phố lớn của Ukraine đều bị lực lượng Nga tấn công theo cách này hay cách khác, phương Tây vội vã đi tới kết luận là Nga thất bại trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột với Ukraine bởi chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Nga đã phá sản.

Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ trong nhận định này: không một ai biết Nga có hoạch định chiến lược đánh nhanh thắng nhanh ở Ukraine hay không. Cũng chưa có bất cứ một tuyên bố chính thức nào của Nga về thời hạn cụ thể thực hiện các mục tiêu ở Ukraine.1 tuần, 10 ngày, 1 tháng hay 3 tháng? Liệu một cuộc chiến kéo dài hơn một tháng trời đã có thể xem là sa lầy, hay thực chất, nó nằm trong một toan tính chiến lược nào đó?

Đằng sau những tuyên bố công khai về mục tiêu phải đạt được khi quyết định đưa quân vào Ukraine, liệu ông V.Putin còn đặt ra những mục tiêu nào khác?

Phải chăng ông V.Putin muốn quân đội Nga đánh rốc lên, chiếm thủ đô Kiev của Ukraine để kết thúc chiến tranh? Sự kháng cự mãnh liệt của phía Ukraine nhằm bảo vệ thủ đô, một thành phố mang tính biểu tượng, khiến mục tiêu này rất khó để đạt được nếu không nói là phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng binh sĩ Nga, bởi trong bối cảnh giao tranh đô thị, sự vượt trội về công nghệ và không quân Nga so với Ukraine sẽ bị giảm xuống đáng kể.

Nhưng, ngay cả trong trường hợp các lực lượng Nga đánh chiếm được Kiev, một câu hỏi tự nhiên được đặt ra (với người Nga, mà ở đây là ông V.Putin): Rồi sao nữa?

Một cuộc xung đột quân sự chỉ có thể mang lại lợi ích nếu nó mang đến những giải pháp chính trị. Nếu như Nga có làm chủ được Kiev thì khả năng kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ của Ukraine, quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu, với đa số người dân thù địch và phương Tây liên tục hỗ trợ vũ khí, khí tài quân sự cho Ukraine là một viễn cảnh xa vời, nếu không nói là bất khả thi. Nó chẳng khác nào nuốt chửng nguyên một con nhím vào bụng.

Bài học nhãn tiền về sự sa lầy cả thập niên của Liên Xô ở Afghanistan trước đây, một trong nhiều nguyên nhân khiến Liên bang Xôviết sụp đổ sau đó, chắc hẳn ông V.Putin không thể không biết.

Trong trường hợp xung đột ở Ukraine, nếu có đánh chiếm được Kiev thì cũng không thể “bàn giao” lại cho các chính quyền hai khu vực tuyên bố độc lập ở Donbass bởi vì ngay từ đầu, mục tiêu mà ông V.Putin công khai tuyên bố với thế giới chiến dịch quân sự đặc biệt là nhằm để “bảo vệ” hai khu vực này chứ không phải “mở rộng” lãnh thổ vùng ly khai ra đến mức vào tới tận trung tâm Ukraine.

Mục tiêu: “Hành lang” phía Nam Ukraine?

Hay chiến thuật của ông V.Putin là tấn công cùng lúc nhiều thành phố lớn của Ukraine: Kiev, Kharkiv, Lviv... để kéo dãn lực lượng của Kiev ra trên nhiều hướng, che giấu một mục tiêu thực sự, trong trường hợp này là làm chủ toàn bộ “hành lang” phía Nam, ngăn chặn mọi con đường ra biển của Ukraine?

Có vẻ như ý đồ này ngày càng lộ rõ! Kết nối khu vực Donbass ly khai phía Đông Nam của Ukraine với khu vực Crimea ở phía Nam mà Nga đã làm chủ từ năm 2014, kéo dài sang phía Tây tới tận Odessa, thông sang khu vực lực lượng ly khai Transnistria thân Nga ở Moldova, nếu làm được, quả thật mang lại lợi ích chiến lược cực lớn cho Nga.

Điều này giải thích vì sao có những bức ảnh về đoàn xe quân sự của Nga dài 64 km đầy hù dọa cứ lừ lừ áp sát Kiev, thế nhưng chưa có bất cứ một cuộc tấn công tổng lực vào thủ đô Ukraine, ngoại trừ những trận đánh nhỏ lẻ, dằng dai ở ngoại ô Kiev. Các cuộc tấn công Kharkiv hay phóng tên lửa hành trình tầm xa vào Lviv cũng tạo ra trạng thái răn đe, buộc Ukraine phải căng mình đối phó hoặc ngăn chặn nguồn tiếp tế vũ khí cho các lực lượng Ukraine đến từ phía Tây.

Cũng đi tới lý giải tương tự khi các trận đánh ở Kherson, ở Mariupol, những thành phố “cổ họng” trấn giữ đường ra biển của Ukraine, diễn ra đặc biệt ác liệt. Một tuần sau khi phát động chiến dịch quân sự, quân đội Nga đã đánh chiếm thành phố Kherson và thêm một tuần sau đó nữa, đã làm chủ hoàn toàn vùng Kherson rộng lớn ở miền Nam Ukraine. Việc làm chủ vùng Kherson có một ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Nga bởi nó giúp kiểm soát đường ra Biển Đen, đồng thời tạo bàn đạp để tiến công Odessa nếu cần.

Nga cũng dồn lực lượng đánh chiếm bằng được Mariupol, thành phố cảng nằm ngay trên bờ biển Azov trong khi quân Ukraine tại đây, có sự tham gia của các đơn vị Lữ đoàn Azov cực hữu khét tiếng, chống trả quyết liệt. Đánh chiếm được Mariupol, về cơ bản Nga đã nối được khu vực Donbass với Crimea, “khóa” đường ra biển Azov của Ukraine.

Phải chăng, chính vì vậy mà khi nhìn thấy chiều hướng làm chủ hoàn toàn Mariupol, phía Nga đã công bố hoàn thành giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự để chuyển sang giai đoạn tiếp theo là “giải phóng” Donbass?

Ai thắng?

Nếu hy vọng về một cuộc ngừng bắn và tái lập hòa bình ở Ukraine thì lẽ tự nhiên, lại có một câu hỏi nữa đặt ra: liệu có ai chiến thắng trong cuộc xung đột này không?

Để trả lời câu hỏi này, lại phải trả lời một câu hỏi khác: Thế nào là “chiến thắng”? Việc Ukraine có thể phản công để buộc quân Nga phải rút quân là nhận định quá lạc quan nhưng việc Nga hoàn toàn kiểm soát tình hình và buộc Ukraine phải tuyệt đối tuân theo những điều kiện của mình cũng là điều khó có thể xảy ra.

Nên chăng, phải căn cứ vào những mục tiêu của cả hai bên. Nếu như Nga, theo cái cách mà ông V.Putin tuyên bố, muốn đánh sập tiềm lực quân sự của Ukraine để tiến tới trung lập hóa, buộc nước này chỉ có lực lượng quân sự hạn chế, thì có vẻ như đã đạt được mục đích. Trong một bài phát biểu video, ông Alexei Arestovich, Cố vấn của Tổng thống Ukraine khẳng định rằng “Nga đã phá hủy trên thực tế gần như toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine”.Để có thể triệt phá được về cơ bản ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, trên thực tế Nga cần một cuộc chiến dài ngày, dằng dai. Chỉ trong cuộc chiến dài ngày như vậy, năng lực tác chiến, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật của Ukraine bộc lộ dần dần và Nga, với ưu thế vượt trội của mình, mới có thể hướng tới mục tiêu là xóa sổ ngành công nghiệp quốc phòng của Kiev mà muốn phục hồi sẽ phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Đã không có bất cứ một mẩu tin nào về tác chiến của hải quân và không quân Ukraine cũng như các hệ thống phòng không của Ukraine phản ứng khá hạn chế trước ưu thế vượt trội về không quân của Nga.

Còn đối với ông Zelensky, nếu chỉ đặt ra mục tiêu trung lập, không gia nhập NATO, quay về hiện trạng như trước ngày 24-2-2022 mà chấm dứt được xung đột, giảm bớt những thiệt hại về sinh mạng binh lính và người dân thì đó đã là thành công.

Do vậy, câu hỏi then chốt đặt ra lúc này là mục tiêu của hai bên, Nga và Ukraine, có trùng khít với nhau, hay khoảng cách giữa hai bên còn quá lớn? Liệu những đòi hỏi-bác bỏ về các yếu tố nan giải, khó có thể thỏa hiệp như vấn đề lãnh thổ, có dẫn tới ngõ cụt, không lối thoát?

Còn quá nhiều dấu hỏi cho cuộc xung đột này.

Yên Ba
.
.