Những bước chuyển hướng
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, các nước láng giềng phương Bắc của Nga như Phần Lan và Thụy Điển đã có những bước chuyển rõ rệt về chính sách sau nhiều năm duy trì đường lối trung lập. Sức ép trong nội bộ đòi các nước này phải nhanh chóng gia nhập NATO để đổi lấy đảm bảo an ninh tăng lên rõ rệt...
Khởi sự với Phần Lan
Cuộc chiến ở Ukraine càng kéo dài, những quốc gia châu Âu muốn cố gắng giữ vị thế trung lập sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Các tác động của cuộc chiến này đối với trật tự châu Âu cũng càng hiển hiện rõ ràng với những bước ngoặt khó lường.
Mới nhất, các hãng truyền thông Phần Lan đưa tin ngày 12-5, Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, tổ chức mà việc Kyiv muốn gia nhập đã là một trong những nguyên nhân chính (theo tuyên bố của phía Nga) khiến Tổng thống V.Putin quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Dẫn một nguồn tin giấu tên của chính phủ, tờ báo Iltalehti của Phần Lan cho biết quyết định gia nhập NATO của Chính phủ Phần Lan sẽ diễn ra theo 2 bước. Bước 1, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ thông báo cho nước Nga láng giềng về việc chấp thuận quyết định gia nhập khối liên minh quân sự đối thủ của Moscow; bước 2, Nghị viện Phần Lan cũng thông qua đơn xin gia nhập NATO của nước này.
Sau khi tiến hành các bước này sẽ diễn ra một cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Phần Lan với các bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ và việc gia nhập NATO hay không sẽ được quyết định tại cuộc gặp này. Theo Hiến pháp Phần Lan, tổng thống nắm giữ vai trò đối ngoại và chính sách hợp tác an ninh của quốc gia.
Chưa có khẳng định nào cho thông tin trên tờ báo Iltalehti của Phần Lan nhưng trong một bài trả lời phỏng vấn truyền thông được Reuters dẫn lại, khi được hỏi là liệu Phần Lan có gia nhập NATO hay không, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde đã quả quyết: “Tôi nghĩ chúng ta có thể nói khá chắc chắn về điều đó”.
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, các nước láng giềng phương Bắc của Nga như Phần Lan và Thụy Điển đã có những bước chuyển rõ rệt về chính sách sau nhiều năm duy trì đường lối trung lập. Sức ép trong nội bộ đòi các nước này phải nhanh chóng gia nhập NATO để đổi lấy đảm bảo an ninh tăng lên rõ rệt.
Hàng loạt động thái thể hiện sự ủng hộ đối với các hành động trừng phạt Nga do chiến dịch quân sự diễn ra ở Ukraine đã được thực hiện bởi các thiết chế kinh tế ở các quốc gia Bắc Âu. Mới nhất, Công ty Fennovoima của Phần Lan đã chính thức chấm dứt hợp đồng với tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom, một tập đoàn do nhà nước Nga sở hữu, về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hanhiviki-1 ở Phần Lan.
Mở rộng ra toàn bộ Bắc Âu
Đương nhiên là những động thái như vậy đã gây lo lắng cho Moscow. Phần Lan là nước láng giềng chung đường biên giới kéo dài 1.300km và có một lịch sử xung đột đẫm máu với Liên Xô ngay trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới 2. Nếu nước này gia nhập NATO thì sau 3 nước vùng Baltic, NATO lại có thêm một vùng lãnh thổ sát nước Nga; như vậy, Moscow sẽ có nhiều điều phải lo nghĩ vì khoảng cách tên lửa bay tới Saint Petersburg được rút ngắn một cách đáng kể.
Thế nên Moscow đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở vùng bờ biển tỉnh Kalinigrad của nước này, đối diện với toàn vùng Bắc Âu!
Dĩ nhiên là các nước vùng Bắc Âu cũng lường trước được những khó khăn nếu như quyết định từ bỏ vị thế trung lập bấy lâu nay để chọn đứng về một phía! Vẫn Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, bà Ann Linde, nói với truyền thông: “Ở một mức độ nào đó, chúng tôi biết rằng Phần Lan sẽ đăng ký trở thành thành viên của NATO. Điều đó sẽ làm thay đổi toàn bộ cán cân... Nếu một trong hai nước chúng ta gia nhập, chúng ta biết rằng căng thẳng sẽ gia tăng”.
Ngoài Phần Lan và Thụy Điển, một quốc gia Bắc Âu khác là Đan Mạch cũng đã có những bước chuyển chính sách đáng chú ý. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố: “Trong thời điểm lịch sử sẽ có những quyết định lịch sử”. Nước này tuyên bố sẽ tăng mạnh ngân sách quân sự và một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào ngày 1-6 tới về việc liệu người dân Đan Mạch có muốn nước này tham gia vào chính sách an ninh của EU hay không.
Nếu câu trả lời là “có” thì như vậy là ngoài Na Uy và Iceland vốn là thành viên của NATO, toàn bộ vùng Bắc Âu đã từ bỏ chính sách trung lập kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua để chuyển sang một giai đoạn mới trong cấu trúc an ninh của châu Âu.
Cuộc chiến ở Ukraine, với một trong những mục tiêu là nhằm ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, vô hình trung đã đẩy hầu như toàn bộ các quốc gia Bắc Âu lại gần NATO hơn. Trước khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, thỏa thuận NATO-Nga được ký năm 1997, theo đó có điều khoản liên minh này cam kết không đóng quân thường trực tại các quốc gia đồng minh trước đây của Liên Xô, trên thực tế đã bị NATO vô hiệu hóa với các đơn vị của liên minh này được triển khai ở các quốc gia Đông Âu. Giờ đây, với việc khu vực Bắc Âu dần dần ngả vào vòng tay NATO, liên minh này đang có thêm lợi thế chiến lược so với nước Nga.
Thay đổi bên trong NATO
Không chỉ ảnh hưởng đến hình thế chiến lược ở các quốc gia bên ngoài NATO, cuộc chiến ở Ukraine còn tác động sâu sắc đến thay đổi chính sách của các thành viên bên trong NATO.
Sự thay đổi mạnh mẽ nhất diễn ra ở nước Đức. Chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố Moscow công nhận 2 nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbass, Đức đã quyết định dừng dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỷ USD với Nga.
3 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Thủ tướng Đức Scholz đã có bài phát biểu ở Hạ viện Đức, công bố chi tiêu quốc phòng của Đức sẽ tăng lên mức 2% GDP (đây cũng là yêu cầu mà người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Biden là ông Trump thường xuyên đòi hỏi các đồng minh châu Âu của Mỹ phải thực hiện để đổi lấy sự đảm bảo an ninh). 2 tháng sau khi Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm, quá trình thay đổi chiến lược ở Đức đã bắt đầu diễn ra nhanh chóng.
Ngoài ra, một quỹ trị giá 100 tỷ euro sẽ được phân bổ cho quân đội Đức để tài trợ cho các khoản đầu tư và các dự án trang bị vũ khí, điều chưa từng thấy ở nước Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới 2. Liệu quân đội Đức sẽ làm gì với gói 100 tỷ euro bổ sung này? Không một ai biết.
Tuy nhiên, một bước chuyển quan trọng về chính sách đã diễn ra với việc sau nhiều tuần trì hoãn, cuối cùng thì Đức cũng quyết định chuyển giao các vũ khí hạng nặng cho Kyiv để giúp nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Những nỗ lực gây sức ép của Mỹ, Anh và các đồng minh trong NATO (giúp Ukraine) cuối cùng đã phát huy tác dụng đối với Berlin.
Nhưng, không phải thành viên NATO nào cũng chuyển hướng chính sách theo hướng thù địch với Nga. Trong khi EU chuẩn bị thực hiện gói trừng phạt dự kiến nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, được xem là xương sống của nền kinh tế Nga thì Hungary, quốc gia mà toàn bộ khí đốt nhập khẩu là mua từ Nga, cương quyết chống lại chính sách này.
Không những thế, quan chức Hungary còn tố là có ít nhất 9 nước EU khác “âm thầm” mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble, một điều kiện bắt buộc mà Nga đưa ra với các quốc gia “không thiện chí”. Dù lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine nhưng với các nhà lãnh đạo Hungary, đời sống người dân quan trọng hơn những lợi ích địa chính trị xa xôi của EU hay NATO.
Và, có cả Thổ Nhĩ Kỳ, từng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga bất chấp sức ép ghê gớm từ Mỹ, cũng khéo léo tìm kiếm một vị thế thích hợp để vừa duy trì mối quan hệ năng lượng và kinh tế với Nga, nhưng (công ty tư nhân) vẫn cung cấp loại máy bay không người lái rẻ tiền nhưng đáng sợ Bayrakta TB 2 cho Ukraine để chống lại các lực lượng Nga. Xét theo những gì đã diễn ra trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ là một “kẻ gây rối” trong NATO mà chỉ nhờ vào vị trí chiến lược của mình, NATO đã không thể làm gì được Ankara!
Đến những góc khuất
Vẫn liên quan đến dầu mỏ và khí đốt, cuộc chiến ở Ukraine còn vang vọng đến những góc khuất xa cách châu Âu nhiều ngàn cây số.
Venezuela, quốc gia Nam Mỹ đang phải hứng chịu nhiều đòn trừng phạt của các chính quyền Mỹ nối tiếp nhau, đã đón tiếp một phái đoàn chính thức của Mỹ tới thăm nước này. Cuộc chiến ở Ukraine và lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga do chính quyền Tổng thống Mỹ áp đặt hồi đầu tháng 3-2022 đã khiến Mỹ phải tìm kiếm những nhà cung cấp mới trên thị trường dầu mỏ. Mỹ khó có thể phớt lờ một thực tế rằng Venezuela là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và để có thể sử dụng nguồn năng lượng ở nước này, một số rào cản đang dần dần được gỡ bỏ.
Ở châu Á, Ấn Độ đi theo một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ không dễ dàng để cho bên ngoài chi phối các mối quan hệ truyền thống với Nga, cho dù nước này vẫn nằm trong “Tứ giác kim cương” với Mỹ, Nhật và Australia.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi cán cân năng lượng của Nga đang dịch chuyển về phía châu Á với bạn hàng khổng lồ Trung Quốc. Tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với quan hệ Nga-Trung là giúp cho mối lương duyên này trở nên bền chặt hơn và đượm mùi dầu mỏ-khí đốt. Từ nay đến năm 2025, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ gần bằng sản lượng mà hiện tại Nga đang bán cho Đức!
Cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động, tạo ra sự chuyển hướng chính sách trên hàng loạt các vùng chiến lược như thế.