Nguyễn Tài - Tư Trọng và những bí danh đầy ý nghĩa
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, hầu hết mọi người đều sử dụng một hoặc nhiều tên giả, để giữ bí mật tung tích, gọi là bí danh. Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cũng có khá nhiều bí danh, song cái tên Nguyễn Tài - Tư Trọng sau này được ông sử dụng chính thức… Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và Ngày truyền thống lực lượng CAND, Chuyên đề ANTG Cuối tháng trân trọng giới thiệu bài viết của chị Nguyễn Ngọc Đoan, thứ nữ của đồng chí Nguyễn Tài, với những hồi ức về người cha thân yêu, cũng là một trong những vị lãnh đạo tiền bối của lực lượng CAND.
Đem hết tài năng phụng sự cách mạng
Bố tôi có tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông. Lúc sinh thời, bố tôi lý giải: Nguyễn là họ; Tài là tên đệm được đặt theo quy ước của dòng họ để phân biệt thế hệ; Đông là lấy theo nơi sinh, vì ông được sinh ra ở thị xã Hải Dương, khi đó gọi là phố Đông. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông lấy bí danh là Nguyễn Tài. Sau này ông dùng luôn tên này trong công tác, và dần dần hầu như mọi người quên mất tên thật của ông. Nhiều người còn tự đặt thêm tên đệm cho ông là Công, với lập luận rằng: con cụ Nguyễn Công Hoan thì phải là Nguyễn Công Tài!
Ít ai biết rằng, khoảng năm 1948, ông còn có một cái bí danh nữa là Trần Năng, ông dùng khi đang công tác ở Công an Hà Nội, thời kỳ từ 1947 - 1954, là Trưởng ty Công an Hà Nội, rồi Phó Giám đốc và quyền Giám đốc Công an đặc khu Hà Nội.
Khi đọc bức thư bố gửi cho mẹ năm 1952 mà gia đình còn lưu giữ được, tôi băn khoăn: đây có phải là một trong những bí danh của ông hay không? Ý nghĩa của cái tên này là gì? Đến khi đọc nhật ký của mẹ viết ngày 6/9/1965, khi mẹ nói về bí danh của bố khi mới vào Nam, thì tôi mới khẳng định được Trần Năng là một bí danh của bố tôi khi hoạt động ở Hà Nội thời kỳ chống Pháp. "Anh lấy tên là Trọng à? Em nghe mà sung sướng thật vì tên đó nhiều nghĩa lắm. Anh có nhớ anh giới thiệu kín đáo với em tên Trần Năng hồi năm 1948 không?". Chữ NĂNG có lẽ với ý là tiếp từ chữ TÀI, có nghĩa là TÀI NĂNG. Đem hết nhiệt huyết và tài năng phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân chính là tâm niệm của bố tôi khi sử dụng bí danh đầy ý nghĩa này.
Theo ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) về Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, những năm 1951-1952, bố tôi còn lấy bí danh là T21. Tại sao bố tôi đặt bí danh như vậy? Cứ nhìn các chữ cái trong tên ông thì thấy: chữ T là Tài rồi; chữ a thì gần giống số 2, và cũng có thể vì ông là con thứ hai trong gia đình; chữ i thì gần giống số 1. Vậy là T21 thành bí danh của ông.
Đó là một số cái tên mà bố tôi dùng ở vùng tự do hoặc ở chiến khu. Còn khi vào hoạt động trong thành Hà Nội thì sao? Ông có một cái thẻ căn cước giả, số F-07833, mang tên Nguyễn Hữu Châu.
Để có được tấm thẻ căn cước trên thì phải đóng khoản tiền thuế là 50 đồng. Có giấy tờ hợp pháp là một chuyện, nhưng đi lại giữa vùng tự do và vùng bị tạm chiếm, sử dụng giấy tờ khi hoạt động trong nội thành Hà Nội như thế nào cho an toàn thì phải rất khéo léo, linh hoạt.
Gian nan bao phen vượt "cửa tử"
Bố tôi kể về những chuyến vào ra vùng tạm chiếm như sau:
"Giữa năm 1950, bọn Pháp càn quét mạnh vùng ngoại thành Hà Nội, phong trào kháng chiến ở nội thành có biểu hiện chững lại. Gần Tết, tôi được cử vào nội thành để trực tiếp nắm tình hình, giúp Đặc khu ủy Hà Nội xác định hướng hoạt động phù hợp, đẩy phong trào ở nội thành đi lên.
Hồi đó cán bộ ở căn cứ muốn vào Hà Nội thì phải đi ban đêm. Ở đó có một chỗ thuận tiện nhất, đó là qua khu vực giữa Ngọc Hồi và Văn Điển, nhưng địch nó cũng biết và mai phục, làm rất nhiều người bị chết. Tổ giao thông vẫn quen đưa người đi thì chỉ biết có một con đường mòn đó thôi. Qua nghiên cứu tôi cũng tìm ra kinh nghiệm để đi qua vùng đó. Tôi chọn anh Bùi Đức Việt ở tổ trinh sát dẫn đường và đổi hướng đi. Ban ngày từ căn cứ, chúng tôi đi vào bờ sông Đáy, vượt qua sông là sang Kim Bài thuộc đất Thanh Oai. Băng qua đồng, chúng tôi vượt đường 22 vào ban ngày, đêm thì nghỉ lại ở nhà cơ sở. Ngày hôm sau đi tiếp, trời chưa tối chúng tôi đã đến sát khu vực Văn Điển. Thế là chúng tôi đã vào được thành phố mà không bị rơi vào giờ địch hay bố trí các ổ phục kích.
Vào Hà Nội, tôi đến nhà cơ sở của anh Kim Tấn là ông bác sĩ Nguyễn Bách mở nhà thương tư ở dốc Hàng Kèn (đầu Bà Triệu), ngày xưa gọi là Lê Lợi. Anh Kim Tấn thì mỗi tuần mới đến đó một lần nên tôi tìm cách gặp anh Kim Tấn sớm. Tôi nhớ là anh ấy có cơ sở ở 110 Bovet (tức phố Yết Kiêu). Buổi tối tôi thuê xe đến thẳng đấy, cả nhà đang ăn cơm, thấy người lạ đến thì đã sợ. Anh Kim Tấn nhìn thấy tôi mới bảo cả nhà yên tâm. Sau đó anh dắt tôi đến nhà cơ sở của anh Ngọc Đen là ông Tiếu ở phố Phan Bội Châu. Căn nhà 3,4 tầng, có gác xép ở trên cùng để cho anh Ngọc dùng. Đấy là nơi liên lạc, đặt thư của các anh. Lúc tôi đến thì anh Ngọc Đen cũng ở đấy, lát sau cả anh Phan Khắc Trình cũng đến…
*
Giữa năm 1951, anh Hoàn (đồng chí Trần Quốc Hoàn, sau này là Bộ trưởng Bộ Công an - PV) gọi tôi ra căn cứ gấp để nhận chỉ thị là mình chuẩn bị mở chiến dịch Hà Nam Ninh, đánh ở Ninh Bình nhưng phải đánh lạc hướng địch. Nhiệm vụ của công an nội thành là báo cáo thường xuyên, kịp thời hướng vận chuyển của địch.
Chuyến đi ra tôi dùng cách đi công khai, buổi sáng từ Hà Nội đi theo đường qua bốt Đại Ơn, qua sông Bùi rồi về căn cứ. Chuyến đi trót lọt và tôi đến căn cứ đúng hẹn ngay trong đêm hôm đó.
Sáng hôm sau tôi lại theo đường 21 lên Miếu Môn để trở về nội thành ngay. Lần này tôi phải chọn hướng đi khác, là vượt qua sông Đáy, đoạn chảy qua Đôn Thư là quê ngoại tôi. Đôn Thư và làng Chuông cách nhau khoảng 1 km, chợ Chuông ngày nào cũng họp đông lắm. Bọn địch cũng tính toán kỹ, có một đoạn người ta có thể qua sông được thì nó rải quân, cứ mấy tiếng đồng hồ lại thay một toán phục kích. Đến bờ sông thấy thế chúng tôi mới đợi vài tiếng đồng hồ để xem xét tình hình vì đoán là buổi trưa thì chắc toán lính đang làm sẽ đi ăn cơm. Nằm chờ đến trưa, đợi đúng giờ chưa thấy toán mới đến thay, mà toán cũ đã rút đi, chỉ hở độ mươi phút, thế là lội qua sông sang làng Viên Nội, giống như dân đi chợ Chuông, ra đường 22 lên ô tô đi. Đến gần Ba La, chỗ làng Thạch Bích, thì có một bọn mật thám đứng đấy để xét hỏi. Mấy đứa đứng chống nạnh hỏi giấy người ta. Tôi dùng giấy tờ giả, đeo kính đen. Nhưng tôi không trình giấy mà cũng làm giống tụi nó, đứng cạnh đấy tay chống nạnh xem giấy của khách đi qua, xong rồi ra xe đi, thế là yên ổn. Đến Hà Đông thì đi xe buýt ra Hà Nội. Do bị đánh lạc hướng nên địch cho là mình đánh từ Vân Đình. Khi lên ô tô để về nội thành tôi thấy địch dàn xe tăng ở phía Thanh Oai thì biết chắc là địch nhầm hướng. Sau đó, qua cơ sở chúng tôi đã báo cáo chính xác tình hình cấp phát súng đạn cũng như bố trí lực lượng của địch ở toàn miền Bắc".
Việc ra vào thành phố không phải không có nguy hiểm. Có lần mật thám đã nhìn thấy bố tôi vào thành phố nhưng không kịp bắt. Ít lâu sau thì có người nhà nhắn cho bố tôi phải cẩn thận vì có mật thám nhìn thấy ông vào thành phố. Rồi có lần, bà cô ruột của bố hốt hoảng tìm gặp bà nội tôi, nói: "Chết thật, sao em thấy thằng Đông nó đi nghênh ngang ngoài phố thế, không sợ bị mật thám nó bắt sao?". Cũng có lần ông phát hiện có người đi theo, thế là ông phải tìm cách đánh lừa, làm cho tên mật thám đó gặp mặt ông mà sợ quá đến run cả người.
Năm 1958-1959, trong lần tháp tùng bảo vệ Bác Hồ thăm một số nước như Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia, bố tôi dùng bí danh Nguyễn Đức Hợp, Vụ trưởng Phủ Thủ tướng, tên này in chính thức trên giấy tờ của lễ tân. Sau này, khi bị Mỹ - ngụy bắt giam, ông cũng dùng tên này nhưng đổi một chút, thành Nguyễn Văn Hợp.
Trong cuốn hồi ký “Đối mặt với CIA”, bố tôi kể: Những tên thẩm vấn của CIA đã truy hỏi: "Tại sao ông phải dùng tên giả Nguyễn Đức Hợp, và làm ở Phủ Thủ tướng?". Ông bình tĩnh hỏi lại: "Công an Mỹ đi ra nước ngoài có nói rõ mình là công an không? Đó là chuyện bình thường". Rồi chúng lại hỏi: "Ông đến Rangoon nửa tháng trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến. Ông đến Jakarta trước nửa tháng. Vậy ông trở về Hà Nội bằng máy bay nào mà sổ sách xuất nhập cảnh đều không ghi?". Ông chỉ cười, trả lời: "Tôi đi công khai, có gì phải giấu. Một việc nhỏ, tôi muốn hiểu khả năng các ông tìm hiểu ra sao thôi". Chắc chúng cho rằng ông có tài tàng hình, hay xuất quỷ nhập thần để qua mặt các cơ quan chức năng nước bạn.
Ngày 21/3/1964, bố tôi lên đường vào miền Nam. Hành trang mang theo, ngoài tư trang, máy móc thu được từ những toán biệt kích ta bắt được để trang bị cho chiến trường, còn có những vật phẩm để làm thẻ căn cước giả cho cán bộ chiến sĩ ta hoạt động hợp pháp trong lòng địch.
Để làm được những tấm thẻ căn cước giả là quá trình rất công phu, gian nan. Bộ Công an thời kỳ đó có một bộ phận chuyên nghiên cứu để làm căn cước giả. Phải thu thập thông tin về tên các địa phương, tên người làm căn cước và nhân thân, về kỹ thuật (loại mực, màu mực, loại giấy, loại nhựa ép căn cước, chất liệu keo dán, các đặc điểm quan trọng trên căn cước), máy đánh chữ dùng để đánh máy thẻ căn cước là loại gì... Các thông tin về kỹ thuật có thể thay đổi thường xuyên do địch cũng cảnh giác, sợ bị làm giả.
Địch kiểm tra căn cước bằng nhiều cách. Bố tôi kể rằng có lần cán bộ ta bị kiểm tra bằng cách chúng uốn cong tấm thẻ rồi thả tay ra. Thẻ thật thì lớp nhựa có độ bật rất lớn nên khi thử như thế thì nó văng đi rất xa; nhưng thẻ giả thì không và thế là bị phát hiện. Có lần thì do sơ suất nên tên của người ký trên căn cước bị sai tên đệm, tình cờ bị địch phát hiện. Với những trường hợp như vậy, cán bộ chiến sĩ của ta bị sa vào tay giặc, thật là đau xót.
Với vai trò là Ủy viên ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên thường vụ Thành ủy Sài Gòn và Trưởng ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4), địa bàn hoạt động của bố tôi rất rộng, hầu khắp các tỉnh miền Nam… Vì vậy ông phải chuẩn bị nhiều thẻ căn cước giả.
Trong các kỷ vật còn giữ được, có những tấm căn cước với nhiều cái tên khác nhau được ông dùng trong thời kỳ hoạt động ở miền Nam, từ 1964 - 1970, để đi lại giữa vùng giải phóng với vùng địch tạm chiếm. Những tấm thẻ căn cước này đều là loại cũ, trên bề mặt có in hình "khóm tre". Mỗi tỉnh hay mỗi khu vực lại có những đặc điểm khác nhau về ký hiệu (góc trên bên phải thẻ), loại màng plastic ép thẻ (trơn hoặc có hoa văn). Việc làm giả những tấm thẻ này không khó lắm.
Ông còn "đóng vai" nhân viên Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia với tấm Thẻ nhân viên, ngày cấp 29/8/1967. Lớp màng nhựa bọc tấm thẻ này có hoa văn nổi.
Ông chuẩn bị một vỏ bọc "Cán bộ hoạt động" thuộc Tổ chức mang danh Hội Quân nhân yêu nước, được cấp Chứng minh thư và Ủy nhiệm thư (thuộc loại Sự vụ lệnh, hiểu là công lệnh) với nhiệm vụ "Thiết lập và củng cố hạ tầng cơ sở chống Cộng".
Ông cũng có thêm một vài cái thẻ căn cước với những cái tên khác: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Mùi (ở Sài Gòn); Lê Văn Hùng (ở tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp); Nguyễn Văn Giao (ở tỉnh Kiến Hòa, nay là tỉnh Bến Tre); Lương Văn Bê (ở Tây Ninh).
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tăng cường kiểm tra an ninh bằng cách thay đổi thẻ căn cước từ loại như trên thành loại Rồng xanh, gây khó khăn rất nhiều cho ta trong việc đi lại, liên lạc, vận chuyển vũ khí từ bên ngoài vào Sài Gòn.
Kỹ thuật làm giấy căn cước Rồng xanh rất tinh vi. Trên mặt thẻ căn cước Rồng xanh có 5 con rồng màu xanh nhỏ và hình con "rồng xanh" to ở giữa thay cho hình "khóm tre". Khi cảnh sát đưa vào máy kiểm tra, 5 con rồng nhỏ chuyển thành màu vàng, còn con rồng to không phát quang nên không đổi màu. Thẻ được ép bằng các lớp nhựa có độ dẻo và độ đàn hồi rất tốt, có thể bẻ cong tấm thẻ rồi bỏ ra vẫn trở lại như cũ mà không hề có dấu nhăn, gãy.
Chính các cán bộ của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an, với sự giúp đỡ của các nước bạn, đã nghiên cứu thành công loại thẻ căn cước này để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những khó khăn cho người dùng giấy tờ giả là: phải thuộc lý lịch người có tên trên giấy tờ đó, phải biết rõ về làng xã, dân ở nơi cấp giấy. Nếu chuẩn bị không kỹ, khi bị xét giấy mà lúng túng hoặc không may gặp phải kẻ kiểm tra là người gốc nơi đó thì khả năng bị lộ rất cao. Đây chính là trường hợp mà bố tôi và một số giao liên đi cùng bị địch bắt trên sông Cửu Long, ngày 23/12/1970.
Từ bí danh đến chính danh
Ông kể về việc sử dụng giấy tờ của ông và các đồng chí trong trường hợp trên như sau:
"Gặp chị Năm, đã bàn thống nhất rằng: Chồng chị Năm là người Bắc, Việt kiều ở Campuchia, có họ kêu tôi bằng chú; gia đình Việt kiều bị Lonnol khủng bố về Hồng Ngự (do chị nói có giấy hợp pháp đó).
Riêng tôi, cũng như một số đồng chí khác, nhân lúc địch mở rộng bình định, đã qua cơ sở đút tiền cho bọn làm giấy căn cước Rồng xanh, nên đã được chúng cấp biên lai. Lẽ ra ngày đó phải làm được căn cước mới, nhưng do chúng chậm trễ nên cho gia hạn vào biên lai. Người ở vùng địch kiểm soát khi đổi giấy căn cước, thì có căn cước cũ cắt góc và biên lai mới, đi xa ít bị hạch hỏi. Giấy của tôi còn ở tình trạng biên lai. Cho nên bàn đi tính lại, phải làm một giấy căn cước giả loại cũ, cắt góc kèm cho đảm bảo. Và dùng một giấy đi đường giả mạo (đã dùng biên lai đi xin một giấy đi đường thứ thiệt, nhưng không xin được đường Hồng Ngự). Như vậy giấy tờ của tôi pha lẫn giả và thiệt. Khi làm giấy, để đỡ bị hỏi rầy rà, cho nên cơ sở đã ghi tôi sanh ở Định Thủy, Mỏ Cày; do đó bình phong lý lịch của tôi là bố người Bắc, đi lính sang Pháp lúc chiến tranh 1914-1918, đến lúc trong này hết chiến tranh, ở lại lấy vợ người Nam, sau tôi được gửi về Bắc ăn học, đến 1954 lại di cư vô Nam.
Còn anh Tám (đồng chí Bảy Sết) thì đã thông qua cơ sở lấy được biên lai giấy Rồng xanh ở xã Tam Phước, Châu Thành. Và anh đã xin một giấy đi buôn giữa Bến Tre và Cao Lãnh".
Khi bị tàu tuần của địch bắt giữ trên sông Cửu Long thì gặp rắc rối về lời khai ban đầu:
"Lính xuống ghe xét không có súng đạn gì, người đủ giấy tờ, lý do đi rõ, và ghe thắp đèn đàng hoàng; nó đã định cho đi, thì thằng trung úy đang ngủ ở võng ngồi dậy bắt đưa cả lên tàu để hỏi. Nó xem giấy tôi và hỏi, tôi trả lời như đã chuẩn bị. Nó hỏi anh Tám, cũng xuôi. Đến chị Năm, nói là Việt kiều, đầu tiên đã xuôi vì có con nhỏ; nhưng nó ngứa miệng hỏi quan hệ giữa chị Năm và hai người đàn ông; không hiểu sao, chị lại nhận cả 2 người đều là chú (trái với kế hoạch). Thằng trung úy bắt đầu nghi, bèn hỏi sâu chị Năm. Nó hỏi tên chồng, chị nói đúng; nó hỏi họ gì, chị không biết. Nó hỏi mấy con, chị trả lời 3; nó bảo: 3 mặt con mà không biết họ chồng. Trước đó chúng tôi đã xin chịu phạt, nó có vẻ ưng; nhưng từ đó nó càng xoáy vào. Quay sang hỏi anh Tám về xã Tam Phước; do chuẩn bị không kỹ, anh nói lúng túng. Nó cho tàu ghé chỗ đạo Dừa; cho gọi thằng cảnh sát quen nó mà quê đúng ở Tam Phước xuống tàu. Thằng này hỏi một lô tên người, anh Tám chịu cứng".
Vậy là cả đoàn bị bắt giữ. Lúc ở trại thẩm vấn Bến Tre:
"Quá trưa, chúng gọi tôi đi thẩm vấn.
Thằng hỏi cung này trẻ lắm; chỉ mới hết lớp phổ thông. Nó hỏi tôi, tôi vẫn theo tên Nguyễn Văn Lắm để trả lời. Nó chỉ cười và hỏi tôi:
- Ông Quận phó hành chính tên là gì?
- Tên là Quận, tôi đáp.
- Đúng. Nhưng chữ đệm tên của ông ấy thì các anh làm sai, không phải đệm chữ "Văn". Ở tỉnh khác thì người ta không chú ý, chứ ở đây thì giấu sao nổi.
Nói xong, nó đưa cho tôi xem một bản của nó, và một bản giấy đi đường của tôi do anh Năm Hiếu làm; thì đúng không phải đệm chữ "Văn".
Khi đó, tôi nghĩ do đồng chí Năm Hiếu là người chuyên khắc dấu làm giấy giả, đã làm sai chữ "Văn". Sau này, khi ra tù, tôi hỏi lại, thì ra anh Năm Hiếu hồi đó mang cái kính không đúng số, nhìn giấy đi đường bản gốc bị mờ, không xác định được tên Quận đệm chữ gì, đã tự ý làm giả con dấu chữ đệm tên của nó là "Văn".
Thằng hỏi cung lại nói:
- Biên lai căn cước Rồng xanh thì đúng; nhưng Giấy căn cước cắt góc thì không có ở nơi phòng Căn cước".
Tấm thẻ căn cước giả cùng giấy biên lai làm căn cước Rồng xanh mang tên Nguyễn Văn Lắm, bố tôi dùng trong chuyến đi công tác và bị địch bắt ngày 23/12/1970, đã bị địch thu. Về tấm thẻ căn cước Rồng xanh mà ông kể ở trên, theo một tài liệu, cán bộ kỹ thuật An ninh miền Nam đã phải dùng 80.000 đồng tiền Sài Gòn để mua một tấm thẻ căn cước "Rồng xanh" thật, do một công nhân tại KT địch làm hoàn chỉnh bán cho ta, để bố tôi dùng ở chiến trường (trong khi đó, một xe Honda nữ 50 mới lúc này ở Sài Gòn giá chỉ 60.000 đồng). Tuy nhiên, ông chưa kịp dùng tấm thẻ này.
Khi bố tôi vào Nam năm 1964, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quy định cho bố tôi bí số công tác tình báo, là T.53. Khi đi lại trong vùng giải phóng ở Bến Tre, ông dùng giấy chứng minh và giấy giới thiệu mang tên Ba Sáng. Ngoài ra còn có tên khác là Tư Duy. Nhưng cái tên chính ông dùng khi hoạt động ở miền Nam là Tư Trọng. Ý nghĩa của cái tên Tư Trọng: Tư là vì có 4 đứa con; Trọng là lấy tên ghép với tên bà là Nghiêm (tức là Nghiêm Trọng), vả lại đó cũng là thời kỳ tình hình cách mạng miền Nam đang rất căng thẳng, nhiệm vụ của ông cũng mang trọng trách rất lớn. Cái tên này đã nằm trong hồ sơ truy nã của chính quyền Sài Gòn và CIA thời bấy giờ. Sau này chính nó cũng thể hiện lòng tự trọng của người đảng viên trước kẻ thù và trước sóng gió cuộc đời.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bố tôi đã sử dụng nhiều cái tên - bí danh, nhưng NGUYỄN TÀI - TƯ TRỌNG là hai cái tên đã in sâu vào tâm trí gia đình, đồng chí, đồng đội với một sự kính trọng, tin yêu. Và sau này, khi một số tài liệu chiến tranh được giải mật, ngay cả những người phía bên kia chiến tuyến cũng dành cho NGUYỄN TÀI - TƯ TRỌNG một sự nể phục.
Hà Nội tháng 8/2023