Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng thầy giáo và bạn học

Thứ Năm, 25/07/2024, 05:00

Chiều 19/7/2024, chúng tôi bàng hoàng nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Lặng người trước tin buồn đau đó, thật bùi ngùi và thương tiếc anh, mội vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, một người Cộng sản chân chính và bản lĩnh, người bạn khiêm tốn, thủy chung của chúng tôi...

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nợ anh Trọng một lời cảm ơn

Tôi chưa bao giờ xin ai một cái gì, nhưng vì việc công nên năm ấy tôi đã gõ cửa người bạn đồng môn Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội duyệt cho Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hơn 1.100 m2 đất xây dựng Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong nhiệm kỳ tôi phụ trách, thì chưa xong. Sang nhiệm kỳ sau, công trình hoàn thiện, nhưng chủ tịch mới không biết chuyện này. Giờ đây, bạn tôi đã đi xa, tôi phải giãi bày câu chuyện và nói lời cảm ơn để nhẹ lòng.

3-1.jpg -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Giáo sư Hà Minh Đức trong buổi họp lớp Văn 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội, xuân 2011, tại 58 Quán Sứ, Hà Nội.

Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhiệm kỳ II và III Hoàng Tư Trai có ý tưởng xây dựng Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia từ năm 1992. Địa điểm ở 57C phố Đinh Tiên Hoàng, đề án được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã cấp vốn ban đầu 1 tỷ đồng, nhưng không giải phóng được mặt bằng. Hội phải hoàn vốn cho Bộ Tài chính. Đến nhiệm kỳ IV và V, Tổng Thư ký Lê Phức tiếp tục theo đuổi đề án, địa điểm chuyển sang 63A phố Bà Triệu, Bộ Tài chính cấp vốn 2 tỷ đồng, nhưng cũng mắc kẹt việc giải phóng mặt bằng, vốn cấp lại quay về Bộ Tài chính.

Nhiệm kỳ VI (2006-2009) tôi phụ trách Hội. Khi bàn giao, ông Lê Phức dặn: "Cố gắng xem, bằng cách nào cậu lấy được đất để xây dựng trung tâm, còn tiền Bộ Tài chính vẫn dành cho ta". Lúc đó, tôi nghĩ ngay tới bạn đồng môn Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhờ bạn giúp đỡ. Tối hôm đó, tôi tay không đi cùng Vũ Huyến, Phó Chủ tịch Hội tới nhà số 5 phố Thiền Quang. Căn nhà cũng vừa phải, cùng một mô-típ biệt thự trước ngày tiếp quản Thủ đô 1954. Nó cũng tương tự như nhà của bố mẹ vợ tôi ở phố Nguyễn Khuyến và Hàng Bột. Đây là ngôi biệt thự công vụ, trước đó Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã ở. Phòng khách ở ngay cửa ra vào, rộng vừa phải, bàn ghế tiếp khách đơn giản, cũng na ná như bàn ghế nhà chúng tôi, nó tạo ra một sự gần gũi, quen thuộc. Thăm hỏi nhau một lúc, tôi chủ động vào câu chuyện xin đất của Hội. Ông Trọng cười, nụ cười hiền hậu từ thời sinh viên vẫn tươi tắn như  xưa, mà năm ấy chúng tôi đã ngoài 60 tuổi rồi. Ông nói: "Có được trung tâm ảnh thì tốt lắm. Hội làm tờ trình, chuyển đến văn phòng tôi. Tôi sẽ trao đổi với anh Triệu (Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Khi được, họ sẽ có công văn cho Hội".

Chỉ hơn một tuần sau, Hội đã có quyết định của UBND TP Hà Nội. Tôi định khi khai trương trung tâm sẽ mời ông Trọng đến chia vui với Hội và nói lời cảm ơn chân thành. Nhưng, ý định đó không thực hiện được, vì khóa sau tôi không làm việc ở Hội nữa.

Những buổi họp lớp chúc mừng bạn nhậm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước

Tôi vẫn nhớ, ngày họp lớp đầu Xuân năm 2011 tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ Hà Nội. Ngày ấy hầu hết chúng tôi đã nghỉ hưu, riêng bạn Nguyễn Phú Trọng còn làm việc, lại vừa trúng cử Tổng Bí thư. Như mọi lần họp lớp, hôm ấy tôi cầm máy ảnh theo, chụp vài kiểu kỷ niệm, với ý đồ sẽ làm cuốn sách ảnh cho lớp. Thực lòng, tôi rất yêu mến, trân trọng các bạn mình, một lớp thanh niên trí thức có lý tưởng vì dân, vì nước đầy nhiệt huyết và mang trong tim những hoài bão lớn. Tuổi trẻ chúng tôi đã có những mối tình thơ mộng trong chiến tranh bom đạn, đã ép mình vào cái rổ, cái rá, viên gạch, xếp hàng mua gạo mậu dịch nuôi con. Nên, đến ngày Đổi mới, nhìn thấy nhau là hoan hỉ lắm, hầu hết còn khỏe mạnh và rất lạc quan vào tương lai đất nước. Thế rồi, một ngày, cơ đồ đất nước được trao vào tay người bạn đồng môn của chúng tôi. Mừng vui có, tự hào có nhưng không tránh khỏi lo âu cho bạn - một người nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, có dáng dấp nho nhã của một "ông đồ" nhiều hơn dáng vẻ của nhà chính trị hùng biện.

Tại hội trường, ban liên lạc lớp tặng hoa và bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà nhiếp ảnh Hồng Nghi chụp trên chiến khu Việt Bắc năm 1947 cho  bạn Trọng. Đồng thời, cũng tặng hoa và quà cho thầy chủ nhiệm lớp - Giáo sư Hà Minh Đức.

Cầm bó hoa trên tay, bạn Trọng cảm động nói:

- Thưa thầy Đức! Thưa các bạn! Có được ngày hôm nay là do Đảng rèn luyện, do các thầy, các cô dạy dỗ, do các bạn nêu gương, động viên và cũng do may mắn. Các thầy, các bạn đều biết, trong lớp học, cũng như khi ra công tác, lớp ta có nhiều bạn giỏi hơn tôi, có nhiều bạn đi vào chiến trường B, C, K chịu đựng hy sinh, gian khổ hơn tôi. Nhưng, do sự phân công công tác mà chúng ta có những nhiệm vụ khác nhau. Tôi được làm công tác Đảng, đấy cũng là một duyên phận, Đã là duyên phận rồi thì xin hứa tiếp tục làm tốt công việc của mình trên cương vị mới.

Trong không khí ấm áp tình thầy trò, Giáo sư Hà Minh Đức nói:

- Lớp Văn 8 các anh, các chị là một lớp đặc biệt. Đặc biệt thứ nhất là rất đông, có đến 120 sinh viên gồm 3 khối. Khối nhà trường tuyển sinh có hơn 50 sinh viên. Năm ấy thi cử chất lượng lắm, ra trường lớp có nhiều nhân tài là phải. Khối thứ hai cũng khoảng 30 người từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc về học tiếp. Vì khi đó có vấn đề "xét lại". Các anh chị này chẳng "xét lại" chút nào, mà chỉ hăng hái xin vào Nam chiến đấu. Khối thứ ba cũng khoảng 30 người học thư viện được Bộ Văn hóa gửi sang 2 năm đầu, sau đó các bạn ấy trở về Bộ học nghiệp vụ. Đặc biệt thứ hai, các anh chị phải đi sơ tán lên xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ở nhờ nhà dân, tự tay sinh viên chặt tre nứa, gỗ lạt làm lớp học. Đặc điểm thứ ba, do chiến tranh, một phần ba lớp (không tính khối Thư viện) phải ra trường sớm 1 năm về các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, để chi viện chiến trường miền Nam. Và, đặc biệt thứ tư, bây giờ lại có một Tổng Bí thư.

Một điều đặc biệt nữa mà Giáo sư Hà Minh Đức chưa tổng kết là năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Tại cuộc họp lớp năm ấy, cũng tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Đính đã viết câu đối tặng học trò của mình. Câu đối có hai dòng chữ, nhưng đánh giá trọn vẹn nhân cách, sự nghiệp của Nguyễn Phú Trọng:

TRỌNG CHÍNH TRỌNG LIÊM HƯNG ĐẢNG TIẾT

DƯƠNG TÀI DƯƠNG TRÍ KẾT NHÂN TÂM

Nghĩa là:

Trọng chính nghĩa, trọng liêm khiết, chấn hưng khí tiết Đảng

Nêu cao tài năng, nêu cao trí tuệ, đoàn kết lòng dân.

Văn chương và chính trị

Một cán bộ là đảng viên trong lớp, hơn tuổi chúng tôi, có lần nói: "Anh Trọng đã bộc lộ phẩm chất của một người lãnh đạo ngay khi còn là sinh viên".

Có lẽ do anh Trọng tích cực làm công tác Đoàn Thanh niên, lại được kết nạp Đảng vào năm học cuối nên đã được bậc đàn anh nhận xét như vậy. Còn bọn trẻ chúng tôi thì không nhận ra điều đó, ngay cả Nguyễn Phú Trọng cũng vậy. Vì chúng tôi chưa ai biết được ra trường mình sẽ làm gì, ở đâu. Chúng tôi vô tư bên nhau, coi lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn chỉ là công tác phụ của việc học tập. Cái mà chúng tôi đau đáu quan tâm là tri thức loài người kết tinh trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật đang chồng chất tại thư viện, đang đầy ắp trong đầu các thầy Đinh Gia Khánh, Bạch Năng Thi, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Hữu Yên, Phan Cư Đệ, Hà Minh Đức, Phan Huy Lê v.v..., làm sao chúng tôi tiếp nhận được nhanh nhất, nhiều nhất những tri thức ấy từ các thầy. Làm sao chúng tôi có thể làm thơ, viết văn hay, được bạn đọc công nhận. Và, chúng tôi rất vui chia sẻ với nhau khi bạn mình có điểm cao trong các bài kiểm tra, hoặc có thơ, truyện ngắn đăng báo... Vâng! Sinh viên văn lãng mạn, mơ mộng lắm và họ lại say lý tưởng độc lập - tự do. Và, tuyệt vời làm sao, cái không khí văn chương yêu nước đó, chất nhân văn vĩ đại đó, chỉ riêng lớp chúng tôi đã đào tạo ra gần chục nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, hàng chục nhà báo, nhà nhiếp ảnh tài năng thời chiến tranh chống Mỹ và thời hòa bình xây dựng đất nước. Trong đó có Nguyễn Phú Trọng - một nhà báo trở thành chính trị gia kiệt xuất.

3-2.jpg -0
Lớp Văn 8 chúc mừng bạn học Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Tổng Bí thư trong buổi gặp mặt đầu xuân năm 2011. Ảnh: Chu Chí Thành.

Ông Nguyễn Phú Trọng thành công trên cương vị Tổng Bí thư có nhiều yếu tố hợp thành, nhưng yếu tố căn bản nhất là ông kiên định với tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Nhằm thuyết phục cán bộ, quần chúng nhân dân, trong nhiều văn kiện, bài phát biểu, trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, tiếp xúc với dân chúng, ông hay "lẩy" Kiều, hay vận dụng ca dao, tục ngữ, châm ngôn để truyền đạt ý tưởng của mình.

Ở Nguyễn Phú Trọng, văn chương và chính trị hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau, vừa dân dã, vừa bác học, rất gần dân, được lòng dân. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 21/11/2021, ông đề ra việc chấn hưng văn hóa theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023, ông băn khoăn chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm với sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Ông yêu cầu các Bộ, ngành cần có cơ chế thích hợp khuyến khích văn học nghệ thuật phát triển và ông cũng nhắc nhở các văn nghệ sĩ thực hiện lời khuyên của Bác Hồ "Nay ở trong thơ nên có thép".

Còn "đốt lò" chống tham nhũng là việc khỏa lấp khúc gãy địa chấn toàn cầu từ công hữu tư liệu sản xuất sang tư hữu tư liệu sản xuất. Ý tưởng, lý tưởng và thực tiễn bao giờ cũng có khoảng cách, một đời người không ai có thể làm được tới cùng. Bao công việc ngổn ngang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn đó. Bạn yên tâm đi, thế hệ sau, con em chúng ta sẽ tiếp tục làm được. Yên nghỉ nhé, các trang mạng của dân chúng đều thương tiếc bạn, có rất nhiều câu thơ, bài thơ cảm động về bạn. Vì bạn là người trung thành, nghiêm túc kế tục sự nghiệp cao đẹp của Bác Hồ và các bậc tiền bối.

Hà Nội, ngày 23/7/2024

Chu Chí Thành (Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam)
.
.