Nguồn cảm hứng Điện Biên Phủ

Thứ Ba, 12/03/2024, 09:46

Tròn 70 năm trước, những loạt đại bác từ các triền núi quanh thung lũng Mường Thanh đồng loạt khai hỏa dội bão lửa vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ - một chiến dịch có tính quyết định với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau 56 ngày đêm dũng cảm, kiên cường chiến đấu, chiều tối ngày 7/5/1954, lá cờ chiến thắng của quân và dân Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm tướng de Castries.

Cứ điểm quân sự của Pháp với binh hùng tướng mạnh buộc phải kéo cờ trắng, tất cả Bộ Tham mưu, Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị bắt sống.

1. Đây là thắng lợi quân sự lớn nhất sau 9 năm quân và dân ta bền bỉ chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ giành được từ mùa Thu năm 1945 và gần 8 năm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Chiến thắng Điện Biên Phủ vào thời điểm đó được coi là "chấn động địa cầu", là chiến thắng đầu tiên của một dân tộc thuộc địa trước đội quân đế quốc hùng mạnh từng có lịch sử hàng trăm năm thực hiện chủ nghĩa thực dân ở nhiều nơi trên thế giới. Trước Điện Biên Phủ, đã có những thuộc địa dũng cảm chiến đấu với chủ nghĩa thực dân để giành độc lập, nhưng chưa từng có một chiến thắng lớn nào mang tầm thời đại, tác động sâu sắc đến thế giới như thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Đánh giá về thắng lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người được UNESCO suy tôn là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", nêu rõ: "Ba chữ Điện Biên Phủ đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam ta lừng lẫy khắp năm châu... Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đế quốc hùng mạnh đã bị nhân dân một nước thuộc địa đánh cho tan tành...".

Đó là sự tiếp nối truyền thống lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, như Bác Hồ khẳng định: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn". Và, "Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ vào mùa Hè năm 1954... Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh...”.

Điện Biên Phủ được coi là thắng lợi không chỉ của nhân dân Việt Nam mà là thắng lợi chung, nguồn cảm hứng, thức tỉnh các dân tộc thuộc địa từng hàng trăm năm bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, nhất là các nước ở châu Á, châu Phi. Từ cảm hứng Điện Biên Phủ, các dân tộc bị xếp vào hàng "nô lệ", "thuộc địa" đã thức tỉnh, càng thêm dũng khí và niềm tin vào sức mạnh đoàn kết, sự chính nghĩa trong cuộc tranh đấu giành những quyền dân tộc cơ bản. Nhiều nước thuộc địa đã giành được độc lập từ thực dân Pháp và một số đế quốc, mở ra thời kỳ phát triển mới của chính họ và của thế giới.

001.jpg -0
Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Mitterrand thăm hầm De Castries tại Điện Biên Phủ chiều 10/2/1993.

Tháng 5/2014, vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng thông tấn Pháp AFP khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước đã đem lại độc lập cho đất nước Việt Nam và thổi bùng phong trào độc lập tại nhiều quốc gia thuộc địa trên khắp thế giới. "Điện Biên Phủ là lần đầu tiên một phong trào độc lập ngoài châu Âu - tiến hóa từ lực lượng du kích tới quân đội có tổ chức và vũ trang - đã đánh bại một quốc gia xâm lược châu Âu trong một trận chiến" - AFP dẫn lời sử gia Anh Martin Windrow.

Lịch sử cũng thật khéo sắp đặt khi chính Điện Biên Phủ từ chiến trường trở thành một cây cầu giúp Việt Nam và các nước phương Tây xích lại gần nhau, từng bước bình thường hóa quan hệ. Và, mở đầu tiến trình ấy, lại là nước Pháp. Vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-1993), Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Mitterrand đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Trong chuyến thăm, ngài tổng thống đã có nhiều hoạt động quan trọng và ý nghĩa, đặc biệt là thăm di tích Điện Biên Phủ, hầm de Castries vào buổi chiều ngày 10/2/1993... Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Mitterrand là vị nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên đến thăm chính thức nước Việt Nam thống nhất từ sau năm 1975.

2. Thời gian qua đi, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị đối với lịch sử Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Cũng từ Điện Biên Phủ, lịch sử Việt Nam tiếp tục vận động, phát triển và trải qua không ít thăng trầm; song có thể tự hào khẳng định, chưa bao giờ cơ đồ đất nước được như hôm nay. 

Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Quốc khánh: trở thành nước phát triển, thu nhập cao... thì Việt Nam rất cần những "Điện Biên Phủ" mới trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và nhiều mặt đời sống xã hội.

Chúng ta có đủ quyết tâm, niềm tin và tiềm lực để thực hiện được khát vọng Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc và Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng dồi dào. Từ khi tiến hành sự nghiệp Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, và có thể ví von là chúng ta đã lập nên những "Điện Biên Phủ mới". Đơn cử, trước năm 1988, do nhiều nguyên nhân, đất nước triền miên phải nhập khẩu lương thực; đời sống nhân dân, cán bộ đều vất vả, khó khăn, cái ăn, cái mặc là nỗi lo hằng ngày. Với "Khoán 10", Đảng đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cương quyết khắc phục những bất cập trong quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng, nền  kinh tế nói chung. Và, chỉ sau một năm thực hiện "Khoán 10", từ chỗ phải tốn hàng chục triệu USD nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo; có năm giữ vị trí quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. 

Nguồn cảm hứng Điện Biên Phủ -0
Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Với một số lĩnh vực khác của sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, Việt Nam cũng giành những thành tựu được thế giới ghi nhận. Sản xuất và xuất khẩu rau quả, café, hồ tiêu, cao su, gỗ... đều mang lại giá trị, lợi nhuận cao; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã đánh giá Việt Nam là nước có tốc độ phát triển cao, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, để sớm đạt được mục tiêu đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững, thì sản xuất công nghiệp giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Dịp đầu năm 2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan.

Trao đổi với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Về công nghệ ô tô, Việt Nam tập trung phát triển ô tô điện, sử dụng nguyên liệu sạch, phát thải carbon thấp và đầu tư cho giao thông xanh. Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp... Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định những lĩnh vực ưu tiên trong phát triển sản xuất công nghiệp ở Việt Nam và đó là xu thế, là lĩnh vực cần "đi tắt, đón đầu", cần có những kỳ tích mang tầm "Điện Biên Phủ".

Không thỏa mãn, tự huyễn hoặc nhưng việc Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, là điều khó tin và rất tự hào. Chỉ riêng tháng 1/2024, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng mạnh 50,4% so với tháng trước đó. 

Với niềm cảm hứng Điện Biên Phủ, với sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước; khơi thông và phát huy tiềm năng của người dân, doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào những kỳ tích, thành tựu mới của Việt Nam trong một thế giới hội nhập và phát triển.

Trần Duy Hiển
.
.