Người nữ trong điện ảnh Việt gần đây: “Đả nữ” miền Tây mang hình hài Hollywood

Thứ Sáu, 03/06/2022, 09:06

Nhiều khán giả và cả báo chí tỏ ra rất hứng thú với cách đặt biệt danh "đả nữ" dành cho diễn viên Ngô Thanh Vân, người đóng nhiều vai nữ trong dòng phim hành động mà tiêu biểu nhất gần đây là “Hai Phượng” (2019, Lê Văn Kiệt).

Nhân vật Hai Phượng, quả thật, làm nức lòng và mãn nhãn khán giả với những kĩ năng võ thuật, đánh đấm ở mức thượng thừa. Nhưng để nói rằng kiểu nhân vật này đem đến một hình ảnh mới về người nữ trên phim Việt thì có lẽ, theo tôi, phải liên tưởng đến phiên bản nữ anh hùng Hollywood hắt bóng nơi miền Tây sông nước Việt Nam.

Từng tốt nghiệp Điện ảnh và Truyền hình của Đại học California nên đạo diễn Lê Văn Kiệt đã vận hết các công thức làm phim Hollywood thuộc hàng cơ bản khi thực hiện Hai Phượng. Một câu chuyện kịch tính, một nhân vật nhang nhác người hùng giải cứu thế giới, nhịp điệu phim nhanh và lôi cuốn, kĩ xảo được sử dụng tối đa trong các pha hành động, kết thúc có hậu, thông điệp rõ ràng, chính nghĩa thắng gian ác, những lời thoại ngắn, cộc lốc và đôi khi pha dư vị triết lý,…, tất cả, đều vừa mức hấp dẫn, vừa tầm sảng khoái cho yêu cầu giải trí đối với một bộ phim chú trọng doanh thu phòng vé.

Có thể không cần xét nét tính chất hư thực của câu chuyện nhưng nhìn lại hành trình của Hai Phượng, từ một cô gái giang hồ, bụi đời, một tay đòi nợ máu lạnh, đến người mẹ giỏi võ, không chỉ cứu con gái mà còn cứu cả nhóm trẻ con bị bắt cóc, rõ ràng, là quá hoàn hảo, lý tưởng cho những đòi hỏi về ý chí, niềm tin, sức mạnh và tình yêu thương vốn dĩ là khuôn thước sống muôn đời.

Hai Phượng có thể sa ngã, hút thuốc, đánh người, có thể bất cần đời và vụng về trong quan hệ anh em, cha con máu mủ, nhưng Hai Phượng nhất định phải là mẹ đơn thân tận tụy, nấu cơm tuy không ngon nhưng đúng bữa, cố gắng tâm tình với con nhưng biết cách giấu đi nỗi cô đơn, khổ tâm riêng.

Hai Phượng có thể bỏ nhà đi bụi, từng thuộc lòng chốn ăn chơi Sài thành nhưng cũng sẵn sàng lui về miền quê sông nước để giữ con tránh hệ lụy. Hai Phượng chưa rõ được học hành, đào tạo thế nào ngoài chuyện học võ với cha từ bé, nhưng nhất cử nhất động đều cẩn trọng, mưu trí, chính xác và thậm chí vượt mặt cả công an trong khả năng điều tra, tiếp cận hang ổ nhóm tội phạm bắt cóc trẻ em.

Một Hai Phượng đội nón lá, mặc bà ba nâu bình dị ngoài đời bỗng biến hóa thành Hai Phượng thiện nghệ lái xe máy (chạy đường làng, men theo kênh mương nên không thể ô-tô siêu tốc độ như thường thấy ở Hollywood), thuần thục dùng dao, búa làm vũ khí (dĩ nhiên không dùng súng) và dùng tay không để loại bỏ đối thủ cầm súng! Hai Phượng là ẩn số, tổng số và cũng là đáp số của một "nữ cường nhân" giữa chốn đời thường, một người hùng bất ngờ lập chiến công được biểu dương, ngưỡng mộ và dĩ nhiên được ca ngợi trên ti-vi như Hollywood vẫn hay làm.

Hai Phượng, thật may, vẫn được con gái gọi là "tía" đậm chất phương ngữ, và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên lẫn sinh hoạt phía sau, từ ghe, thuyền, chợ, lò gạch, cho đến lục bình, dừa xanh, đồng lúa, cũng thật may, vẫn nguyên bóng dáng sông nước Cần Thơ, Sa Đéc, Đồng Tháp mà đoàn làm phim đã chọn làm bối cảnh.

1a.jpg -0
Poster phim “Hai Phượng” (Furie) khi công chiếu ở nước ngoài.

Chân dung của Hai Phượng đúng là có đôi chút khác biệt so với kiểu nhân vật nữ phổ biến trong điện ảnh Việt Nam trước đó. Một thời gian khá dài, tính từ cuối thập niên 1990, điện ảnh Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục khuôn mẫu kiến tạo người nữ -"phận đàn bà" nhẫn nhục, tần tảo, nhọc nhằn, đau khổ, chịu nhiều mất mát hạnh phúc riêng tư. Họ là nạn nhân chiến tranh (“Đời cát”, 1999; “Bến không chồng”, 2001; “Người trở về”, 2015), nạn nhân hủ tục (“Chuyện của Pao”, 2005). Họ bị cuốn theo và bị gạt ra rìa đời sống đô thị nhiều cạm bẫy, tha hóa (“Gái nhảy”, 2003; “Lạc lối”, 2013).

Họ chấp nhận hoặc tự mình trói vào những ràng buộc hôn nhân, bổn phận và đạo đức vợ chồng mà không hề oán trách (“Trăng nơi đáy giếng”, 2008). Họ vấp phải những thử thách sinh kế khắc nghiệt (“Tâm hồn mẹ”, 2011). Họ thiếu thốn tình cảm nơi rừng sâu núi thẳm (“Thung lũng hoang vắng”, 2002). Họ là hiện thân của nghèo khó, thất học và lưu dân nay đây mai đó (“Cánh đồng bất tận”, 2010). Họ trải qua nhiều biến cố lịch sử và đóng vai một biểu tượng giữ gìn đức hạnh (“Áo lụa Hà Đông”, 2006). Họ đơn độc và liên tục rơi vào  thảm cảnh bất đắc dĩ (“Đập cánh giữa không trung”, 2014). Họ tiến thoái lưỡng nan khi kết hôn với anh chồng không nhu cầu ân ái (“Chơi vơi”, 2009). Họ cùng đường và chấp nhận cái chết một cách bi thảm (“Miền ký ức”, 2021),…

Những kiểu nhân vật nữ này, nhìn chung, khá khớp nối với các môtíp nhân vật nữ trong văn chương, nghệ thuật, văn hóa truyền thống vốn thiên về chủ nghĩa cảm thương. Tính chất bi kịch hóa và đôi khi trầm trọng hóa những nỗi đau, mất mát, truân chuyên của người nữ trên màn ảnh, trong cái nhìn của khán giả, được cho là gần gũi, xác thực với thực tế đời sống. Khán giả có thể nhìn thấy, bắt gặp đâu đó những cảnh đời, tính cách, tâm lí của số đông phụ nữ ngoài đời thực đã được nhà làm phim chắt lọc, chuyển hóa lên phim.

Ngược lại, dường như các nhà làm phim cũng tin rằng, bằng cách tô đậm kiểu người nữ "lời rằng bạc mệnh" ấy, bộ phim của họ sẽ là sản phẩm nghệ thuật "vị nhân sinh", đánh thức cảm xúc và suy tư của công chúng về những điều bất như ý trong cuộc sống. Nhà làm phim, theo chiều hướng đó, vừa ghi dấu phần nào phong cách điện ảnh của mình, vừa đảm bảo sự điều hướng khán giả chú tâm hơn với dòng phim nghệ thuật vốn không nhiều chiêu trò câu khách. 

3a.jpg -0
Là phim hành động, Hai Phượng buộc phải thuần thục vũ khí và có võ công hơn người.

Trong khi đó, câu chuyện li kì và lẫm liệt của nhân vật Hai Phượng lại cho phép trí tưởng tượng về người hùng hiệp nghĩa trỗi dậy. Thay vì chấp nhận tình thế ngặt nghèo, Hai Phượng kiên quyết hành động và luôn "lì" để đạt mục đích của mình. Không đầu hàng, luôn tiến lên và ngay cả hò hét đánh đấm thì cũng phải át vía đối thủ, Hai Phượng gợi nhắc hình ảnh của những nữ chiến binh trong phim cách mạng trước đây, những người, về cơ bản, được khắc họa nhiều hơn ở phẩm chất gan dạ, dũng cảm, phi thường.

Từ người nữ trong phim cách mạng cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược đến Hai Phượng tay không đả bại kẻ bắt cóc trẻ em, dù không tuyệt đối tái lặp, nhưng ít nhiều tương đồng thủ pháp cường điệu hóa sức mạnh người nữ. Dĩ nhiên, Hai Phượng xuất thân xã hội đen nên khi thoắt biến thành người hùng phò trợ chính nghĩa thì điểm cộng thiện cảm chắc hẳn cao hơn.

So với nhân vật Hương Ga trong bộ phim cùng tên “Hương Ga” (2014, Cường Ngô), Hai Phượng thấm đẫm hành trình từ "tà" sang "chính" hơn. Hương Ga cũng đánh đấm, cũng sa ngã, cũng thoắt ẩn thoắt hiện kì tài trong vai bà trùm bảo kê đất Sài Gòn, cũng hết yêu mỹ nam này sang hảo hán khác, cũng bắt cóc tống tiền và diện thời trang sang chảnh, nhưng Hương Ga tuyệt đối rối rắm và nhàn nhạt mọi mục tiêu, tính cách.

Từ “Hương Ga” đến “Hai Phượng”, thiết nghĩ, là từ cách kể chuyện nhát gừng, rời rạc, lược bỏ và thêm thắt vô cớ đến khả năng tiết chế, mạch lạc và dồn đẩy chi tiết khá hợp lí, lôi cuốn. Chưa kể, Hai Phượng biết xả thân cho tình mẫu tử thiêng liêng còn Hương Ga rốt cuộc phải chết oan khốc vì phe nhóm giang hồ thanh trừng.

Khi Hai Phượng được con gái gọi là "anh hùng" ở phần kết, không ít khán giả phấn khích tin vào tinh thần nữ quyền đã phấp phới ở phim ảnh, nhất là quyền được bảo vệ, được an toàn và hạnh phúc của người nữ. Nhưng tôi không bỏ phiếu nữ quyền chỉ vì Hai Phượng gân guốc, võ công thâm hậu hơn đại đa số những người yếu liễu đào tơ. Tôi cho rằng sự chắc tay về mặt thể loại của phim “Hai Phượng” mới là gợi ý quan trọng cho những đạo diễn thích làm phim hành động.

Tuy nhiên, cần bàn thêm về khả năng phát triển lâu dài của kiểu nhân vật người hùng, bởi khán giả, không phải ở đâu và khi nào cũng sẵn sàng cổ vũ cho người hùng dùng bạo lực giải quyết vấn đề dù trí lực của họ phi phàm đến mấy. Chẳng hạn, ở Pháp, trong tổng số hơn 90 phim về siêu anh hùng ra rạp từ năm 1978 đến 2016 thì chỉ có ba nữ siêu anh hùng giữ vai chính. Và cả ba, “Supergirl” (1984), “Catwoman” (2004) và “Elektra” (2006), đều thất bại về chất lượng lẫn doanh thu. Trong thế giới siêu anh hùng, gần như chỉ còn “Wonder Woman” (2017), một phim về nữ chiến binh người Amazon, là trụ lại với những nam siêu nhân người dơi, người nhện kéo dài nhiều thập kỉ.

"Đả nữ" hẳn nhiên khác lạ hơn so với những danh xưng mà truyền thông quen dùng như hotgirl, chân dài, mỹ nhân, kiều nữ,… Nhưng đả nữ Hai Phượng của miền Tây, bởi được tạo dựng theo hình hài Hollywood, nên chỉ có thể xa lạ trong chốc lát khi mới xem lần đầu ở rạp. Còn với những khán giả xem lại lần hai, Hai Phượng có lẽ chỉ được xuýt xoa vì cách mặc áo bà ba vừa vặn, cặp tóc ba lá bình dân và ngồi xổm thẫn thờ trên hiên nhà dựng chênh vênh bên bờ sông hơn là một người hùng lập công vang dội. 

Mai Anh Tuấn
.
.