Người nổi tiếng và trách nhiệm với cộng đồng

Chủ Nhật, 14/05/2023, 08:51

LTS: Người nổi tiếng luôn có tầm ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, chí ít ra là với cộng đồng hâm mộ mình. Họ nhận được lợi thế từ đó. Vậy, trách nhiệm của họ với cộng đồng sẽ ra sao?

Cần tiêu chuẩn hóa đối với nghệ sĩ “lệch chuẩn”

Cuối tháng Tư, trong một đoạn livestream, diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Lý Á Bằng (vai Quách Tĩnh trong “Anh hùng xạ điêu”) tiết lộ rằng anh không thể mua vé máy bay vì bị hạn chế tiêu dùng do vỡ nợ.

Người nổi tiếng và trách nhiệm với cộng đồng -0
Lý Á Bằng không thể mua vé máy bay vì bị hạn chế tiêu dùng do vỡ nợ.

Lý Á Bằng buộc phải mua vé tàu để di chuyển thay thế. Anh hiện đang nợ 40 triệu NDT do kinh doanh thua lỗ và không có khả năng chi trả. Lý Á Bằng tiết lộ rằng mình đã dàn xếp riêng với chủ nợ và đạt được thỏa thuận với họ, nhưng điều đó không giúp anh thoát khỏi các quy định từ hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc: một khi chưa trả hết các khoản nợ, anh chỉ có thể chi dùng trong giới hạn cụ thể.

Giờ bạn hãy tưởng tượng nếu chuyện nợ nần này diễn ra ở Việt Nam: ca sĩ X (tạm gọi nhân vật ước lệ là vậy) nợ một khoản tiền rất lớn từ lâu và luôn khất lần chuyện trả. Ca sĩ X vẫn thản nhiên chi dùng với mức cao cấp: đi máy bay hạng thương gia, nghỉ dưỡng ở resort 5 sao. Chỉ có nghĩa vụ trả nợ là cứ để đấy đã.

Cho đến một ngày, có người quay được cảnh ca sĩ X đang đi Maldives nghỉ mát. Chủ nợ không thể chịu được nữa, đến tận nhà làm ầm lên “bóc phốt”. Sự việc tạo thành dư luận, và ít lâu sau, có ngay một văn bản mang tính răn đe về chuyện của ca sĩ X, thậm chí phạt luôn anh ta về chuyện cư xử không đúng mực.

Tất nhiên là về mặt luân thường đạo lý, chúng ta dễ dàng đồng tình ngay với một “bản án” từ các cơ quan quản lý ngay thời điểm ấy. Có nợ thì phải trả, huống chi anh còn là nghệ sĩ nổi tiếng, bao người trông vào.

Nhưng có nhiều chuyện đã làm chúng ta thở phào vì không có ai đó đã cụ thể hóa nó thành một “bản án”.

Cách đây hơn 10 năm, truyền thông từng lên tiếng về sự “phản cảm” trong lời bài “Hát với dòng sông”, có đoạn: “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc”. Họ cho rằng bài hát cổ xúy thứ tình yêu dễ dãi, hời hợt, không tốt với nhận thức giới trẻ.

Nếu các cơ quan quản lý cũng nghĩ rằng cần phải ngăn chặn một bài hát như thế, có thể chúng ta đã không có một Mỹ Tâm rực rỡ qua hai thập kỷ như hiện tại. Và chẳng cần một thống kê chính thức, nếu giờ đem lời bài hát này đi khảo sát rằng liệu nó có “phản cảm” hay không, thì có lẽ rất ít người đồng tình.

Vì luân lý là thứ có thể thay đổi theo thời gian và bối cảnh. Những thứ “phản cảm lắm” ngày hôm qua, thậm chí có thể trở thành “bình thường lắm” trong ngày hôm nay.

Quay lại câu chuyện của Lý Á Bằng: nghệ sĩ làm sai pháp luật và phải chịu trách nhiệm, dù chủ nợ thậm chí không yêu cầu điều đó. Chính quyền Trung Quốc đã tạo cho công dân của họ cảm giác rằng họ rất “rắn tay” khi phạt giới nghệ sĩ, được cụ thể hóa thành một từ khá nghiêm trọng là “phong sát”, nhưng khác biệt nằm ở chỗ các nghệ sĩ bị trừng phạt đều dựa trên một quy định cụ thể nào đó, không phải một nhận xét chung chung kiểu “phản cảm”.

Trước khi mở một chiến dịch điều chỉnh hành vi của các nghệ sĩ, Trung Quốc đã xây dựng và thông qua một loạt quy định để mở một hành lang pháp lý chính thức, như là luật kiểm soát vấn nạn ma túy trong ngành giải trí (2021), hay bộ quy tắc ứng xử đối với giới nghệ sĩ. Quyền lực nhà nước không đi thẳng từ Weibo lên văn bản xử phạt, và nó thi hành ngay cả khi dư luận không đòi hỏi.

Phạt một nghệ sĩ là chuyện được chú ý rất nhiều, nhưng sử dụng quyền lực nhà nước đúng chuẩn là một chuyện đáng suy ngẫm. Đấy không phải là một cây roi mà người ta có thể lấy xuống từ trên giá treo và trừng phạt ngay lập tức. Đấy là một bộ máy truyền động bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn, đến xây dựng luật, hành lang pháp lý, cho đến thi hành.

Nếu tình trạng nghệ sĩ “lệch chuẩn” đang tràn lan, điều đầu tiên mà quyền lực nhà nước cần suy nghĩ là tạo ra một bộ tiêu chuẩn để luật có thể điều chỉnh được hành vi của nhóm đối tượng ấy, trước khi nghĩ đến chuyện thi hành. Facebook có thể là một kênh thu thập thông tin thực tiễn pháp luật, nhưng không thể là cơ sở cho một văn bản phạt.

 Phạm An

601 lần cân nhắc

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, ngay cả trong những xã hội tôn vinh quyền tự do cá nhân cao nhất, vấn đề hành xử của các ngôi sao vẫn được đặt lên bàn cân.

Người nổi tiếng và trách nhiệm với cộng đồng -0
Evangelia Lily nói rằng cô đã “cân nhắc 600 lần” trước khi quyết định công khai quan điểm về vaccine COVID-19.

Tại nhiều xã hội phương Tây, quyền tự do cá nhân được tôn vinh tới mức người ta sẵn sàng chấp nhận nhiều mặt trái của các ngôi sao: sử dụng chất kích thích, đời sống tình dục phóng túng, hay hành xử thô bỉ. Một ngôi sao hip-hop có thể tổ chức một buổi tiệc tình dục nếu điều đó không vi phạm pháp luật. Tỷ phú công nghệ có thể hút cần sa trên sóng livestream nếu luật của bang đó cho phép. Và tất nhiên một ngôi sao bóng đá có thể chửi bậy trước ống kính máy quay. Họ vẫn được trọng dụng vì tài năng.

Quan niệm rất đơn giản: Russell Crowe là một thiên tài diễn xuất, việc ông ta thô lỗ với người phục vụ không liên quan đến chất lượng của phim “Gladiator” hay “A Beautiful Mind”. Họ chỉ bị xử lý theo đúng pháp luật, rất ít khi bị “lên án” về mặt đạo đức hay chịu trách nhiệm làm gương.

Nhưng khi đại dịch COVID-19 ập tới, và một số ngôi sao quyết định sử dụng quyền tự do cá nhân để tuyên truyền cho việc không tiêm vaccine, vấn đề đạo đức được đặt ra nghiêm túc.

Ngôi sao quần vợt Novak Djokovic tuyên bố bỏ một giải Grand Slam vì không muốn tiêm vaccine. Minh tinh Evangeline Lily tham gia một cuộc biểu tình chống vaccine. Danh hài Rob Schneider đăng bài tuyên bố “Cơ thể của tôi, quyền của tôi” trên Twitter. Và lần đầu tiên, trước một thảm họa tự nhiên chưa từng có trong lịch sử, các nhà khoa học, xã hội học phương Tây đặt ra vấn đề đạo đức của những ngôi sao này.

Nguyên tắc của triết gia John Stuart Mill được nhắc lại: con người được phép làm bất kỳ điều gì họ muốn trừ trường hợp gây hại cho người khác. Việc không tiêm vaccine, hay tuyên bố “cơ thể của tôi, quyền của tôi” từ những ngôi sao, đã không xem xét đến việc thực thi quyền tự do có thể gây hại cho người khác.

Thực tế, có một bộ phận người dân Mỹ từ lâu hoài nghi việc tiêm vaccine bắt buộc, trước cả đại dịch COVID-19. Danh hài Jim Carrey từ chục năm trước đã bóng gió thuyết âm mưu rằng việc tiêm vaccine chẳng qua là công cụ làm giàu cho các công ty sản xuất vaccine. Nhưng ngày thường, đó không phải là vấn đề lớn ở một xã hội tuyệt đối hóa quyền tự do ngôn luận. Đến khi dịch COVID-19 diễn ra, một phong trào lên án và kêu gọi đạo đức mạnh mẽ xuất hiện, nhắm vào những ngôi sao này.

Đó là lúc mà ranh giới giữa làm hại và không làm hại người khác trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Hàng chục nghìn người chết trên toàn cầu mỗi ngày – và mỗi quyết định cá nhân đều là tính mạng của cộng đồng.

Nguyên tắc “không làm hại người khác” có thể là một hệ quy chiếu quan trọng để chúng ta soi chiếu về môi trường mạng xã hội, hay giới giải trí Việt Nam. Đó là nơi mà những chế tài chưa hoàn thiện, và pháp luật chưa thể điều chỉnh mọi hoạt động của con người trên môi trường mạng. Đó là nơi mà việc làm hại người khác dễ dàng hơn so với nhiều xã hội khác.

Một ngôi sao Mỹ có thể sẽ không gây hại cho ai, có thể thôi, nếu công khai đời sống tình dục phóng túng: mỗi năm chính phủ liên bang và các bang chi gần 500 triệu USD chỉ riêng cho giáo dục giới tính. Đó là chưa kể họ đã trải qua cách mạng tình dục từ cách đây nửa thế kỷ, và đã diễn ra hằng hà sa số các thảo luận về giới tính suốt lịch sử.

Nhưng một ngôi sao Việt Nam thì có thể gây hại cho những đứa trẻ, với những thảo luận bừa bãi về tình dục. Tiếc rằng điều đó vẫn đang diễn ra.

Một ngôi sao Vương quốc Anh có thể sẽ không gây hại cho ai nếu chơi cá độ bóng đá và quảng bá cho cá độ. Họ có vô số cơ quan điều chỉnh hành vi chơi cá cược có trách nhiệm, và riêng Ủy ban Cá cược quốc gia – nơi giáo dục và người dân chơi chừng mực – có ngân sách hoạt động hàng trăm triệu bảng.

Nhưng một ngôi sao Việt Nam tất nhiên có thể gây hại cho xã hội khi quảng bá cho hành vi cá độ bóng đá. Tiếc rằng điều đó vẫn đang diễn ra.

Một ngôi sao Hong Kong có thể cũng sẽ không gây hại (hoặc khó chứng minh việc gây hại) nếu khuyến nghị đầu tư tài chính một cách cảm tính. Đó là trung tâm tài chính của châu Á hơn một thế kỷ nay, và họ đã trả giá bằng không biết bao nhiêu bài học, với một hệ thống luật đồ sộ bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương trên thị trường.

Nhưng tất nhiên, một ngôi sao Việt Nam huyên thuyên về đầu tư tài chính có thể gây hại cho người khác. Tiếc rằng điều đó vẫn đang diễn ra.

Lần sau, khi một ngôi sao nào đó sử dụng một ví dụ về “tự do cá nhân” để nói về hành xử nơi công cộng, và sử dụng ví dụ về những quốc gia tiên tiến – bạn có thể nói với họ lý do tại sao chúng ta chưa “tiên tiến” đến thế.

Chúng ta không có chương trình giáo dục giới tính tỷ đô; không có chương trình kiểm soát đánh bạc tỷ đô; không có những bài học bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trị giá tỷ đô… Trên vai của những người nổi tiếng, là sức nặng của cả một nền kinh tế mới hội nhập và rất nhiều đối tượng dễ bị tổn thương. Quyền tự do của cá nhân phải xếp sau nguyên tắc không làm hại cộng đồng. Ngay cả những xã hội tôn trọng tự do cá nhân nhất, trưởng thành về nhận thức người dân nhất, cũng phải thực thi nguyên tắc đó, và kêu gọi nghĩa vụ bổn phận từ phía các ngôi sao. Việt Nam càng cần ý thức đó hơn.

Không chỉ có các ngôi sao, mà ngay cả chúng ta, trong thời đại của mạng xã hội, cũng có thể làm hại ai đó khi thực thi tự do cá nhân của mình. Hãy nhấc lên đặt xuống một phát biểu trên không gian mạng 601 lần. Minh tinh Evangelia Lily nói rằng cô đã “cân nhắc 600 lần” trước khi quyết định công khai quan điểm về vaccine COVID-19. Thế mà cô vẫn công khai phản đối việc tiêm. Chúng ta cần cân nhắc nhiều hơn thế.

Đức Hoàng

Cái “tôi” trong cái “chúng ta”

Năm 2012, trong chuyến du lịch châu Âu, tôi tranh thủ lên lịch xin làm việc với Liên đoàn Bóng đá Pháp. Và may mắn thay, trong lịch làm việc ấy, tôi được phỏng vấn trực tiếp huấn luyện viên trưởng ĐTQG Pháp - Diddier Deschamps. Khi ấy, ông vừa tiếp quản ghế nóng từ người đồng đội cũ là Laurent Blanc. Đội tuyển Pháp mà ông nhận về đang là một mớ khá lộn xộn, với những chuyển giao thế hệ cùng sự mơ hồ về xác lập giá trị.

Người nổi tiếng và trách nhiệm với cộng đồng -0
Sau khi xảy ra vụ rơi máy bay trực thăng tại Hạ Long, Đen Vâu khóa MV “Trời hôm nay nhiều mây cực” để chia buồn với các nạn nhân.

Trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở FFF kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ mà tôi vẫn còn giữ băng ghi âm, có một câu nói của Deschamps mà tôi nhớ mãi: “Tài năng là quan trọng nhưng tôi muốn xây dựng mội đội tuyển Pháp mới mẻ, với từng thành viên trong đó phải ý thức được rằng mình cần là một tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Pháp”.

Ý tứ của câu nói trên thật ra không xa lạ gì đối với một người tới từ Việt Nam, một quốc gia mà chúng ta quá quen với hai chữ “tấm gương”. Nhưng khi nó được phát ngôn từ một người cầm đầu một tập thể chuyên môn của một quốc gia phương Tây coi trọng tự do cá nhân, luôn đi đầu trong các trào lưu cấp tiến, nó khiến tôi bị bất ngờ. Hóa ra, thể chế chính trị nào cũng vậy, môi trường xã hội nào cũng vậy, dù là văn hóa Á hay Âu; Tây hay Đông, cái nghĩa vụ đối với cộng đồng trong hành vi ứng xử của người nổi tiếng luôn là một mối quan tâm rất lớn.

Có một nghệ sĩ gạo cội từng nói với tôi rằng “công chúng luôn cấp cho nghệ sĩ một biên độ ứng xử rộng hơn các quy ước nghiêm khắc của cộng đồng. Vậy thì nghệ sĩ đừng nên lạm dụng cái quyền mà công chúng đã ưu ái dành cho mình”. Điều đó tuyệt đối đúng. Công chúng tin và yêu mến một thần tượng. Việc lạm dụng cái tin yêu đó chính là lạm dụng công chúng cũng như sự bao dung của công chúng. Nó khiến người nổi tiếng tự cho phép mình được đặt ở vị trí cao hơn cộng đồng nhiều bậc và tách mình khỏi cơ hội được là một người bình thường. Vậy mà nhiều người nổi tiếng lại vẫn luôn tuyên bố rằng “tôi chỉ mong được sống yên bình như những người bình thường”. Thật lạ.

Trong cuộc sống, mỗi người bình thường đều có thể có tác động tới một vài người nào đó xung quanh họ thông qua hành vi, phát ngôn của mình. Cái ảnh hưởng tới số ít ấy cho ta cảm giác tác động xã hội của mình quá nhỏ nhoi, thậm chí là không có bất kỳ hiệu ứng nào. Song, hãy hình dung, ở cương vị của một người có thể tác động được tới vài ngàn, thậm chí là vài triệu người, hệ quả mà ta mang lại cho cộng đồng sẽ như thế nào? Đơn cử, nếu một ca sỹ hạng A, có lượng theo dõi hâm mộ vào khoảng hơn 1 triệu chẳng hạn. Chỉ cần 1% của lượng theo dõi ấy lấy A là hình mẫu để sống và phấn đấu, thậm chí học theo bằng cách sao chép, hành vi hít bóng cười của A trong một quán bar (ví dụ) chắc chắn có thể khiến 10 nghìn người xem đó chỉ là một thú vui giải trí bình thường. Xã hội trở nên bất thường vì chính những cái được xem là bình thường như thế.

Trong câu chuyện vụ tai nạn máy bay trực thăng vừa rồi ở Quảng Ninh, chúng ta có một bài học rất lớn về hình mẫu mà người nổi tiếng tạo dựng. Đó chính là việc rapper Đen Vâu quyết định tạm khóa MV triệu lượt xem của mình có tên “Trời hôm nay nhiều mây cực” vì trong MV đó, chiếc máy bay trực thăng được sử dụng để ghi hình chính là chiếc trực thăng bị nạn sau này. Đồng thời, anh cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Trước đó khoảng hơn 1 năm, Sơn Tùng M-TP cũng bị gỡ bỏ một MV trong đó có hình ảnh tự sát. Thực tế, MV của Sơn Tùng M-TP không có gì sai trái nếu xét toàn bộ bối cảnh câu chuyện theo kịch bản. Song, thời điểm phát hành lại trùng với thời điểm một vụ quyên sinh có thật gây ồn ào trên báo chí.

Giữa cái tự nguyện khóa MV của Đen Vâu với cái “bị gỡ bỏ” của Sơn Tùng M-TP có những điểm khác nhau mà ta không thể lấy nhân cách cá nhân hai con người ra để so sánh. Song, giá như Sơn Tùng M-TP nhạy cảm hơn, để có thời điểm phát hành MV phù hợp hơn, có lẽ anh đã không rơi vào bê bối đến thế. Và cái “nhạy cảm” ấy có phải là điều gì quá mơ hồ hay không? Không. Nó chính là một ý thức về trách nhiệm của mình với cộng đồng. Ở mặt này, xem ra Đen Vâu nhanh nhạy hơn Sơn Tùng M-TP một chút.

Gần đây, trong chiến dịch truyền thông cho việc ra mắt phim “Lật mặt 6”, Lý Hải đã quyết định chiếu chiêu đãi miễn phí cho 2.000 bà con làng dệt chiếu Định Yên - Đồng Tháp để tri ân họ đã cho anh lấy ngôi làng ấy làm bối cảnh quay phim. Vẫn biết đó chỉ là một “chiêu PR” nhưng nó là một cách chơi chiêu đẹp mắt và có văn hóa. Sự biết ơn được thể hiện rõ trong hành vi của Lý Hải và chắc chắn, nó tạo cho những người hâm mộ anh một cảm giác tự hào về thái độ hành xử của thần tượng của mình. Đó cũng có thể coi là một ý thức tích cực của một người nổi tiếng đối với trách nhiệm cộng đồng mà anh ta gánh vác.

Ở nhiều nước trên thế giới, đề tài trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội của những người nổi tiếng ngày càng được bàn đến nhiều hơn khi thời đại mạng xã hội bùng nổ. Rất nhiều nhà phân tích đã mổ xẻ để cho thấy luôn có một mâu thuẫn giữa quyền cá nhân, quyền riêng tư của một con người đối với trách nhiệm cộng đồng này. Nhưng cho dù phân tích theo góc độ nào đi nữa, khá nhiều ý kiến tương đồng nhau ở điểm người nổi tiếng có được danh tiếng là từ sự cổ vũ của cộng đồng và một khi đã chấp nhận đời sống của một người nổi tiếng, họ cũng phải chấp nhận đánh mất đi một phần tự do cá nhân. Nếu một người bình thường làm một việc sai quấy nào đó, hậu quả cùng lắm chỉ giới hạn trong phạm vi người chịu tác động của hành vi và sự trả giá của người gây ra hành vi mà thôi. Còn nếu là một người có tầm ảnh hưởng với một cộng đồng nhất định, hậu quả không còn giới hạn trong khuôn khổ ấy nữa mà có thể tỏa ra nhiều hướng, có thể kéo dài theo thời gian và lan rộng ra một cộng đồng.

Một ví dụ đơn giản nhất là gần đây, diễn viên L.D.B.L đăng tải clip con gái của mình văng tục một cách vô thức. Có những người xem đó là dí dỏm nhưng thực tế, chính L.D.B.L đã để lại một tác động tiêu cực. Thứ nhất, việc cha mẹ đăng tải hình ảnh của con cái lên mạng xã hội, để ở chế độ phổ biến công khai (Public) rất cần sự cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung. Thứ hai, nội dung clip đó, khi được nhìn nhận dễ dãi là “vui mà”, rất dễ được học lại để thực hiện bởi một số phụ huynh khác hoặc trẻ em khác. Tác động nhìn bề ngoài ban đầu có vẻ không lớn nhưng thực sự nó sẽ lớn nếu một ngày nào đó nó thành “trào lưu” (trend) theo đúng kiểu mạng xã hội hôm nay.

Trước đó, cách đây chừng 2 năm, chính Angela Phương Trinh đã từng bị xử phạt và phải chính thức xin lỗi vì tung tin sai sự thật là “giun đất có thể chữa khỏi COVID-19”. Nhưng, án phạt và lời xin lỗi của cô liệu có thể “chữa lành” cho những người cả tin vào cô và sử dụng phương pháp phản khoa học ấy hay không? Đó là còn chưa kể đến tác động tiêu cực tới cộng đồng khiến họ mất niềm tin vào những cá nhân nổi tiếng và có uy tín trên mạng xã hội khác.

Nói chung, người nổi tiếng, đặc biệt là nghệ sĩ, luôn đề cao cái tôi của mình. Nhưng có lẽ, họ cần hiểu rằng cái tôi luôn phải được đặt trong cái “chúng ta”. Để cái tôi của nghệ sĩ có được một vị thế như vậy, ngoài nỗ lực tự thân, tài năng thiên phú, họ luôn cần “chúng ta” hậu thuẫn phía sau. Đặt cái tôi trong cái chúng ta để càng ý thức hơn việc “cái tôi” làm, lời “cái tôi” nói sẽ có những ảnh hưởng xã hội tới mức độ nào và từ đấy, mỗi cá nhân người nổi tiếng phải tự có cách kiểm duyệt chính mình trước khi buông ra một phát ngôn hay khởi phát một hành vi nào đó.

Hà Quang Minh

.
.