Người nổi tiếng - thế lực đáng gờm trong bầu cử?

Thứ Năm, 25/07/2024, 12:06

Người nổi tiếng có thể trở thành thế lực mạnh mẽ trong nền văn hóa hiện đại, có khả năng thu hút sự chú ý rộng rãi những mục tiêu mà họ tán thành. Nhiều ngôi sao trong các lĩnh vực nghệ thuật đã chuyển hướng thành công sang sự nghiệp chính trị, thậm chí thể hiện khả năng tận dụng danh tiếng để thành công trong bầu cử.

Thành công từ danh tiếng sẵn có là điều dễ hiểu song điều gì sẽ xảy ra khi một người nổi tiếng công khai quan điểm hậu thuẫn, hoặc phản đối, một chính trị gia, một xu thế chính trị nào đó?

Xoay chiều dư luận?

Ngôi sao bóng đá Kylian Mbappe có thể đã không đưa đội tuyển quốc gia Pháp đến chiến thắng ở Euro 2024, song liệu quan điểm chính trị cá nhân của tài năng trẻ này có góp phần nào làm chệch hướng con đường thành lập chính phủ của phe cực hữu?

Trước vòng bỏ phiếu đầu tiên cuộc bầu cử quốc hội cuối tháng 6, Mbappe kêu gọi cử tri trẻ Pháp bác bỏ chủ nghĩa cực đoan. Những thông điệp kiểu này không ngăn được đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành được tới 1/3 tổng số phiếu bầu và tiến vào vòng 2 với nhiều kỳ vọng. Kylian Mbappe sau đó lựa chọn lên tiếng trực tiếp bằng phát biểu có phần gay gắt: “Chúng ta không thể để đất nước của mình vào tay những người này, mọi chuyện thật cấp bách... Chúng ta đã thấy kết quả của cuộc bầu cử vòng 1, thật đáng sợ, tôi thực sự hy vọng rằng kết quả này sẽ nói lên nhiều điều và mọi người hãy đi bỏ phiếu và bỏ phiếu cho điều đúng đắn”.

Người nổi tiếng - thế lực đáng gờm trong bầu cử? -0
Cộng đồng “Swifties” có thể lay chuyển cục diện bầu cử Mỹ.

Như đã thấy, RN chỉ về thứ ba, khi cánh tả và trung dung vươn lên đứng trước - dù rằng không khối nào giành được thế đa số, đẩy nước Pháp tới tình thế quốc hội treo chưa từng có trong lịch sử nền Cộng hòa thứ năm.

Tại Mỹ, nơi tiến trình chính trị sôi động thu hút sự quan tâm của dư luận, việc người nổi tiếng ủng hộ các cuộc bầu cử tổng thống không có gì mới, ít nhất đã có từ những năm 1920. Tuy nhiên, vai trò và tác động của họ trở nên nổi bật hơn trong những năm gần đây. Nhiều người cho rằng, việc Oprah Winfrey công khai ủng hộ ông Barack Obama vào năm 2007 đã mang lại cho ông khoảng 1 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Năm 2020, ứng cử viên đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden đã được nhiều người nổi tiếng như Taylor Swift, Cardi B Robert De Niro kêu gọi bầu chọn.

Ngôi sao điện ảnh George Clooney, một nhà gây quỹ nổi tiếng của đảng Dân chủ, gần đây lên tiếng chỉ trích và kêu gọi ông Joe Biden rút khỏi cuộc đua Tổng thống Mỹ. Ngôi sao Hollywood nói rằng Tổng thống Biden đã chiến thắng nhiều cuộc chiến, “nhưng không thể chiến thắng được thời gian”. Theo bài viết trên New York Times ngày 10/7, tài tử này chia sẻ “thật đau lòng” khi phải nói rằng Tổng thống Joe Biden mà ông gặp 3 tuần trước đó trong sự kiện gây quỹ không còn là ông Biden của năm 2010, “thậm chí, không phải là Joe Biden của năm 2020” và sự thực là đúng như những gì người ta đã thấy trong cuộc tranh luận gần đây giữa hai ứng cử viên hàng đầu và rằng “đây là vấn đề tuổi tác. Chỉ vậy thôi, chúng ta sẽ không thể thắng vào tháng 11 với vị tổng thống này. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ không giành được Hạ viện, rồi mất luôn Thượng viện”.

Từ đầu năm nay, khi các cuộc bầu cử sơ bộ bước vào giai đoạn sôi động, trên trang cá nhân có 289 triệu người theo dõi, ca sĩ Taylor Swift kêu gọi người hâm mộ ở bang Tennessee (quê hương cô) và các khu vực khác thể hiện quyền dân chủ bằng cách bỏ phiếu trong Ngày siêu thứ Ba: “Tôi muốn nhắc các bạn hãy bầu chọn cho người đại diện cho chính bạn nhiều nhất lên nắm quyền. Nếu chưa có kế hoạch, hãy thực hiện ngay hôm nay”.

Khi Taylor Swift kêu gọi 272 triệu người theo dõi trên Instagram của cô đăng ký bỏ phiếu vào Ngày đăng ký cử tri quốc gia tháng 9/2023, số lượt đăng ký đã tăng đột biến 23%. Đáng chú ý, số lượng thanh niên 18 tuổi đăng ký đã tăng hơn gấp đôi so với con số từ năm 2022. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Ủy ban châu Âu đã gây chú ý khi Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas thậm chí còn công khai kêu gọi Taylor Swift giúp thúc đẩy tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu vào tháng 1/2024.

Trong cuộc thăm dò mới đây của Newsweek, 29% cử tri sẽ tán thành nếu Taylor Swift tuyên bố ủng hộ một ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi 25% không tán thành; 22% những người có ý định bỏ phiếu cho ông Trump vào tháng 11 cho biết họ sẽ ủng hộ quyết định này của cô. Trước đó, một cuộc thăm dò hồi đầu năm ghi nhận kết quả 18% cử tri cho rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống mà Swift lựa chọn. 17% số người cho rằng không bỏ phiếu giống Swift và 55% còn lại cho rằng kết quả không phụ thuộc vào nữ ca sĩ. Cuộc khảo sát còn cho thấy Taylor Swift có sức hút với cử tri Gen Z và Millennial. Trong số những người tham gia khảo sát, có 37% cử tri dưới 35 tuổi nói họ sẽ bỏ phiếu giống nữ ca sĩ.

Thực tế tỷ lệ 29% người bỏ phiếu giống Taylor Swift là con số khá cao và có khả năng tác động cục diện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Nhìn vào những gì đã diễn ra, có lý do để lo ngại nếu Taylor Swift đưa ra cái tên cụ thể.

Cơ hội song hành rủi ro

Trong nền văn hóa chính trị hiện đại, tiếng nói và sự ủng hộ của những nhân vật nổi tiếng dường như đã trở thành thứ ánh sáng lấp lánh chứng thực tên tuổi của các chính trị gia. Điều này, nói đơn giản là dễ gây ảnh hưởng tới các cử tri là người hâm mộ và tán thành quan điểm mà những người nổi tiếng theo đuổi.

Những người nổi tiếng, “người có ảnh hưởng”, với lượng theo dõi khổng lồ trên mạng xã hội và khả năng tạo ra các xu hướng, cũng có thể mở rộng sức hấp dẫn đối với các chính trị gia đang tham gia chiến dịch tranh cử. Những nhân vật này rõ ràng có thể tiếp cận đối tượng trẻ hơn, những người có thể không theo dõi chính trị. Thói quen phổ biến là khi họ đột nhiên nhìn thấy thứ gì đó trên mạng xã hội hoặc trên TikTok, hay bất cứ nơi nào và thấy người nổi tiếng yêu thích đã thực hiện một cuộc phỏng vấn hoặc trò chuyện với một chính trị gia, thì chính trị gia đó có nhiều khả năng thu hút được sự chú ý hơn.

Tất nhiên, trong chính trị, nhiều thứ là “con dao hai lưỡi”. Không phải tất cả ảnh hưởng từ những người nổi tiếng đều mang lại điều tích cực. Đó không phải là một lựa chọn không có rủi ro. Sự ủng hộ của họ hoàn toàn có thể khiến một số nhóm cử tri xa lánh, nói cách khác là có thể kích động cộng đồng “antifan”, những người thù ghét hoặc không ưa thích những cái tên này. Vài thất bại điển hình có thể kể đến như Brexit và Hugh Grant tại Anh; nỗ lực tranh cử đầy châm biếm của Kanye West hay những bê bối của blogger thời trang Chiara Ferragni đã nhấn chìm những ứng cử viên trung hữu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2022 tại Italy.

Mục tiêu của mọi cuộc đua là giành chiến thắng, vì vậy các nhà hoạt động phải cân bằng giữa khả năng gây ấn tượng mà một người nổi tiếng mang lại, xét đến bối cảnh cụ thể của cuộc bầu cử đó. Việc quảng bá có thể hiệu quả đối với các cuộc bầu cử mang tính địa phương. Song, với những ứng cử viên đã quá nổi bật, việc thu hút sự chú ý từ danh tiếng của một ai đó có thể không mang lại tác dụng tương tự.

Vấn đề nhân khẩu học là thứ người ta cần quan tâm. Việc cử tri đã thể hiện ác cảm rõ rệt với những ứng cử viên được người nổi tiếng ủng hộ, coi đó là sự bảo trợ ngầm, là hoàn toàn có thật. Đầu tháng 2 năm nay, truyền thông Mỹ rộ tin đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thuyết phục Taylor Swift ủng hộ ông trong nỗ lực cạnh tranh với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã công kích dữ dội Taylor Swift, do lo sợ tầm ảnh hưởng của cô với giới trẻ Mỹ có thể tạo lợi thế cho Tổng thống Biden. Thậm chí, có người còn cảnh báo việc Swift tán thành Tổng thống Biden có thể tạo ra một “cơn sóng thần rất khó ngăn chặn”. Người dẫn chương trình Fox News Jeanine Pirro từng thẳng thừng tuyên bố: “Đừng tham gia vào chính trị, chúng tôi không muốn nhìn thấy cô ở đó”.

Tất nhiên, chưa có những nghiên cứu hay bằng chứng cụ thể đo đạc mức độ ảnh hưởng chính trị của các ngôi sao nổi tiếng, song Taylor Swift có thể xem là một ngoại lệ, bởi những thành tựu cô có được là “vô tiền khoáng hậu”, với mối kết nối đặc biệt chặt chẽ với người hâm mộ, các “Swifties”.

Hàng triệu “Swifties” trên toàn thế giới thể hiện tình yêu mãnh liệt của họ đối với nữ ca sĩ lớn đến mức các chương trình lưu diễn của cô đã tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận, cho chính cô và cả nền kinh tế Mỹ cùng những nơi nó diễn ra. Các Swifties được nhìn nhận là “một nhóm nhân khẩu học đông đảo và giàu cảm xúc” và “nếu Taylor thích thứ gì thì họ cũng thích thứ đó”.

Trong phần lớn sự nghiệp, Taylor Swift có xu hướng tránh xa các vấn đề chính trị, tất nhiên có vài ngoại lệ. Năm 2018, trong một bài đăng trên Instagram, nữ ca sĩ thừa nhận cô cảm thấy “mọi thứ đã khác... do một số sự kiện trong cuộc đời và trên thế giới 2 năm qua”. Cô nhấn mạnh: “Tôi luôn luôn và sẽ bỏ phiếu dựa trên việc ứng viên nào bảo vệ và đấu tranh cho nhân quyền mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng có được trên đất nước này”.

Với sức ảnh hưởng sẵn có, sự ủng hộ của người nổi tiếng có thể cộng hưởng với các giá trị của chiến dịch tranh cử, tránh sự bất đồng giữa thứ họ thể hiện với công chúng của họ và thông điệp chính trị mà họ ủng hộ. Những người nổi tiếng cũng có thể là công cụ làm nổi bật các vấn đề quan trọng của chiến dịch, miễn là trọng tâm vẫn là các chính sách này thay vì quyền lực của ngôi sao đó. Tất nhiên, “chơi dao” phải chuẩn bị cho việc “đứt tay”, bản chất phân cực của công chúng đồng nghĩa với việc khi liên quan tới ảnh hưởng của những người nổi tiếng, các chiến dịch tranh cử luôn phải chuẩn bị các kịch bản xử lý khủng hoảng tiềm ẩn.

Thái Hân
.
.