Ngọn đuốc của tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển

Thứ Ba, 01/07/2025, 09:23

Nhắc đến Thụy Điển, người ta thường nghĩ tới những biểu tượng đã làm nên thương hiệu quốc gia này: giải Nobel danh giá, nhóm nhạc ABBA huyền thoại, phong cách sống Lagom cân bằng và cả những danh xưng lớn lao như “quốc gia đổi mới”, “nhà nước phúc lợi kiểu mẫu” hay “ngọn cờ đầu bình đẳng giới”. Với Việt Nam, Thuỵ Điển không chỉ có vậy.

Đó là nơi khởi nguồn của một mối lương duyên đặc biệt, được dệt nên bằng lý tưởng, bản lĩnh và một trái tim bác ái mang tên Olof Palme - chính trị gia phương Tây từng công khai giương cao ngọn đuốc công lý để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ với Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Thuỵ Điển tháng 6/2025 đã bày tỏ: “Sự phát triển của Việt Nam có một phần công sức của cố Thủ tướng Olof Palme”.

“Hiện tượng” Olof Palme

Olof Palme (1927-1986) là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng sâu rộng nhất của Thụy Điển và thế giới vào nửa sau thế kỷ XX. Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu Bắc Âu nhưng khuynh hướng chính trị của ông lại chịu ảnh hưởng bởi lý tưởng dân chủ xã hội. Ông từng phục vụ trong quân đội Thuỵ Điển trước khi lấy bằng cử nhân luật tại Đại học Stockholm.

Theo các nhà nghiên cứu, thời gian trải nghiệm và học tập theo diện học bổng tại Mỹ giai đoạn 1947-1948 đã khiến ông nhận thức rõ sự phân chia giai cấp và chủng tộc trong xã hội Mỹ. Ngoài ra, chuyến đi tới châu Á sau đó đã giúp ông thấy được hậu quả gây ra bởi chủ nghĩa thực dân và tư bản ở những nước thuộc địa. Đây là hai trong số những tiền đề để ông nỗ lực góp tiếng nói và hành động vì nhân quyền, phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phản đối vũ khí hạt nhân và chủ trương đối thoại quốc tế.

Ngọn đuốc của tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển  -0
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Olof Palme tại buổi tiếp thân mật của Vua Carl XVI Gustaf, ngày 11/4/1974, tại Stockholm.

Năm 1953, ông Olof Palme được Thủ tướng Tage Erlander tuyển làm thư ký - bước khởi đầu cho sự nghiệp đầy tiếng vang của ông sau này. Từ năm 1969 đến khi bị ám sát năm 1986, ông là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Thuỵ Điển, đảm nhiệm cương vị Thủ tướng từ tháng 10/1969 - 10/1976 và từ tháng 10/1982  -2/1986.

Trong số những cột mốc làm nên tên tuổi và di sản của ông, phải kể tới sự kiện tuần hành phản chiến tại Thủ đô Thuỵ Điển vào tháng 2/1968. Vào một tối mùa đông, khi còn là Bộ trưởng Giáo dục, ông Olof Palme đã cùng Đại sứ Nguyễn Thọ Chân -đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, dẫn đầu đoàn tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh ấy gây chấn động dư luận lúc bấy giờ, khiến Mỹ triệu hồi Đại sứ khỏi Thụy Điển, nhưng chính sự kiện này đã khắc sâu tên tuổi Olof Palme trong trái tim người Việt.

Nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Olof Palme là ông Pierre Schori, từng chia sẻ trong một lần tới Việt Nam năm 2016: “Chiến tranh Việt Nam đã khiến người Thụy Điển bàng hoàng. Nước Mỹ, đất nước mà Thụy Điển ngưỡng mộ về nhiều mặt, siêu cường thế giới, lại mang súng đạn đến đàn áp một đất nước nông nghiệp nhỏ bé ở châu Á. Thật không thể tin nổi”.

Bất chấp những căng thẳng với Mỹ, vào thời điểm cam go nhất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam, Thụy Điển  là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Thậm chí, năm 1972, nghe tin miền Bắc Việt Nam bị B-52 Mỹ ném bom suốt 12 ngày đêm, ông Olof Palme đã phát biểu trên truyền hình quốc gia, gọi chiến dịch của Mỹ là tội ác lịch sử. Bước đi này một lần nữa khiến quan hệ giữa Stockholm và Washington đóng băng hơn 1 năm. Và tới giai đoạn Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ tái thiết, vẫn là Thuỵ Điển sát cánh với Việt Nam, hỗ trợ và thúc đẩy mối lương duyên giữa hai đất nước bằng cả tinh thần và hành động thiết thực.

Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận định, ông Olof Palme là người đặt nền móng cho mối quan hệ gắn bó kỳ lạ giữa Thụy Điển và Việt Nam, một nước ở tận bờ Baltic và một nước tít bên bờ biển Đông. Tình bạn giữa hai đất nước hoàn toàn khác nhau về lịch sử, văn hóa, theo cố Phó Thủ tướng, chỉ có thể giải thích bằng chính “hiện tượng” Olof Palme, người đại diện những giá trị mà hai dân tộc cùng chia sẻ, đó là tự trọng, tự tôn dân tộc, nhân ái và cảm thông.

Những di sản tiếp nối

Đã 56 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 4/2025, nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thuỵ Điển đã gửi tặng Việt Nam bộ phim tư liệu quý giá “Việt Nam chiến thắng” (Victory Vietnam), tái hiện những khoảnh khắc lịch sử ấy, làm xúc động hàng triệu triệu trái tim người Việt và những người yêu chuộng hòa bình thế giới. Đó như một chỉ dấu của sự thắt chặt và tiếp nối mối quan hệ giữa hai đất nước.

Ngọn đuốc của tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển  -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tặng gia đình cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bức tranh phong cảnh Việt Nam. Nguồn: TTXVN.

Tháng 4/1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên tới Thuỵ Điển theo lời mời của Thủ tướng Olof Palme. Sự kiện này là một dấu mốc đặc biệt, những hình ảnh lịch sử cho thấy Thủ tướng Olof Palme nồng nhiệt đón tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và hàng nghìn người dân Stockholm đã mang cờ hoa chào đón đoàn Việt Nam. Chuyến thăm đã đặt nền móng vững chắc cho việc triển khai hàng loạt dự án viện trợ không hoàn lại trọng điểm, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị hai nước. Trong đó, nhà máy Giấy Bãi Bằng là dự án viện trợ lớn nhất, khởi công năm 1974 và hoàn thành năm 1982. Sự ra đời của Nhà máy Giấy Bãi Bằng đã giúp Việt Nam giải quyết “cơn khát giấy” trong thời kỳ bao cấp, đóng góp quan trọng vào đời sống xã hội và kinh tế.

Bên cạnh đó, dự án Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây là Bệnh viện Nhi Thụy Điển/Bệnh viện Nhi Olof Palme, nhận được viện trợ 25 triệu USD. Bệnh viện đã và đang cứu sống hàng triệu trẻ em Việt Nam, phát triển thành một trong những cơ sở y tế nhi khoa hàng đầu cả nước. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển tại Uông Bí, trước đây là Bệnh viện Đa khoa Uông Bí, cũng là một dự án lớn khác ở lĩnh vực y tế được Thụy Điển tài trợ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân miền Bắc.

Đặc biệt, phía Thuỵ Điển trong suốt những năm qua còn tạo điều kiện để nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo của Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và cử các chuyên gia sang Việt Nam để hợp tác trao đổi lý thuyết và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, hai nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng, bền vững, cùng có lợi và cùng nhau đóng góp vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên toàn thế giới. Di sản của ông Olof Palme đang được kế thừa bằng các hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng xanh và y tế công cộng.

Và lời tri ân từ hiện tại

Dân tộc Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của Thuỵ Điển nói chung và của ông Olof Palme nói riêng. Chiều 12/6/2025 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thuỵ Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã tới thăm gia đình cố Thủ tướng Olof Palme. Trong ngôi nhà giản dị ở Thủ đô Stockholm, 3 người con trai của cố Thủ tướng Thuỵ Điển chào đón các vị khách bằng những cái bắt tay thân tình. Cùng xem lại những hình ảnh, kỷ vật về ông Olof Palme và ôn lại những trang sử tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động bày tỏ sự kính trọng, biết ơn với cố Thủ tướng Olof Palme, gửi lời chào, lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới gia đình ông.

Theo Thủ tướng, ngoài đóng góp với Thụy Điển, cố Thủ tướng Olof Palme còn đóng góp vì hòa bình, hợp tác và phát triển của các dân tộc. “Người dân Việt Nam ai cũng biết đến tên ông, nói đến Thụy Điển là nói tới Olof Palme”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhấn mạnh thêm rằng sự phát triển của Việt Nam như hôm nay có một phần công sức của ông Olof Palme.

Từ “ngọn đuốc công lý” năm 1968 đến những dự án hữu nghị hiện hữu trên đất Việt hôm nay, tình bạn Việt Nam - Thụy Điển là minh chứng sinh động của một mối quan hệ được dệt nên không chỉ bằng lợi ích mà bằng lý tưởng và lòng nhân ái. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam tới thăm gia đình cố Thủ tướng Olof Palme không chỉ là hành động tri ân quá khứ mà còn như lời cam kết tiếp nối một con đường đối thoại, công lý và phát triển bền vững - những điều mà ông Olof Palme đã dành cả cuộc đời mình để theo đuổi. Và hôm nay, trong một thế giới biến động, ánh sáng từ “ngọn đuốc mùa đông” năm ấy vẫn tiếp tục soi rọi, không chỉ với Việt Nam hay Thụy Điển, mà với tất cả những người tin vào lý tưởng, sự chính nghĩa và khát vọng hòa bình.

Kim Khánh
.
.