“Ngoại giao ngũ cốc” - đòn bẩy vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 11/09/2023, 18:19

Ngày 4/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bay tới Sochi, để hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ đề chính trong chương trình nghị sự, không gì khác, vẫn là điều mà giới quan sát quốc tế xem là “một nỗ lực lâu dài nhằm khôi phục thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, để kịp cho vụ thu hoạch mùa thu sắp tới”.

Nhưng, bên cạnh đó, kể cả khi chưa có bước đột phá nào có thể lập tức diễn ra, cũng không thể phủ nhận: Vai trò “ngoại giao con thoi” nhằm kết nối các bên xung quanh vấn đề này cũng chính là cách để Ankara tăng cường vị thế cho chính mình.

“Sứ mệnh” từ Liên hợp quốc

Cơ quan quyền lực lớn nhất toàn cầu, trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực ngày càng gia tăng, không thể “ngồi yên chờ đợi”.

Ngày 1/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo đã gửi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov các đề xuất nhằm khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn qua các cảng ở Biển Đen, vốn đang bị hải quân Nga tuyên bố phong tỏa. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, đây là những giải pháp cụ thể, cho phép các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga đến được với thị trường toàn cầu, với mức giá phù hợp.

“Ngoại giao ngũ cốc”- đòn bẩy vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ -0
Không phải đồng minh nhưng mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tương đối thân thiện và cởi mở.

Vấn đề là, theo hãng tin Anh Reuters, phía Nga đánh giá: Đây chỉ là bản tổng hợp những ý kiến mà Liên hợp quốc đã đưa ra trước đó. Nghĩa là, sức nặng của các đề xuất này đối với Điện Kremlin khó có thể được xem là “cơ sở để khôi phục thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen”, như Tổng thư ký Liên hợp quốc trông đợi.

Phía Nga đã yêu cầu những gì cho việc “ngay lập tức trở lại thực hiện thỏa thuận, nếu các bên còn lại tuân thủ đầy đủ các cam kết với nước Nga”? Ít nhất, đó là những đòi hỏi rất rành mạch: Kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nối lại nguồn cung cấp máy móc nông nghiệp và phụ tùng thay thế, dỡ bỏ lệnh cấm tiếp cận cảng, cùng một số vấn đề khác.

Bản liệt kê những điều kiện này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chuyển đến Liên hợp quốc (cũng như các cường quốc phương Tây) từ ngày 31/8. Một ngày sau, giá lúa mỳ ở Mỹ tăng nhẹ, khi người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhận xét rằng ông “vẫn chẳng thấy dấu hiệu nào về những đảm bảo cần thiết để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc”.

Ở vai trò trung gian, xem như đến hiện tại, Liên hợp quốc vẫn chưa có cách nào khả dĩ thúc đẩy được tiến trình cải thiện tình hình, kể từ sau khi Moscow tuyên bố đình chỉ tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ngày 17/7, sau 3 lần gia hạn. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine - hai quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, những nhà cung cấp chủ chốt lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và nhiều hàng hóa khác cho các quốc gia đang phát triển - mỗi lúc một tô đậm thêm những đường nét ghê rợn của nạn đói toàn cầu.

Và do đó, “sứ mệnh” mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gánh vác thật sự vô cùng quan trọng. Thậm chí, theo hãng thông tấn Pháp AFP, người phát ngôn đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan - ông Omer Celik từng nhận định: Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là để “ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực chuẩn bị diễn ra”.

Từ Ankara đến Moscow

Có thể nói, ngoại trừ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hiện tại, không có nhà lãnh đạo một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nào có khả năng đối thoại gần gũi và thậm chí là “cởi mở” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau những va vấp ban đầu vào năm 2015, khi phía Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay cường kích Su-24 của Nga gần biên giới Syria và đẩy quan hệ giữa hai nước vào tình trạng khủng hoảng, những nỗ lực hòa giải đã nhanh chóng tạo nên những mối liên hệ khăng khít giữa Ankara và Moscow (đặc biệt là sau khi phương Tây chỉ trích các nỗ lực trấn áp phe đối lập của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, sau cuộc đảo chính bất thành nhắm vào ông hồi năm 2016).

“Ngoại giao ngũ cốc”- đòn bẩy vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ -0
Thu hoạch lúa mỳ tại Ukraine.

Vượt qua giai đoạn này, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ “ngang ngạnh” bất chấp sự “khó chịu” của các đồng minh NATO để đặt vấn đề công khai mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga - “đối tượng” mà NATO nhắm tới, mà còn sẵn sàng “nói không” với các yêu cầu tham gia lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt cho Moscow, đồng thời còn trở thành địa điểm quan trọng để Nga tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa, giữa vòng vây cấm vận.

Riêng về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, kể từ sau khi nước Nga đình chỉ tham gia, Tổng thống Erdogan đã nhiều lần cam kết nối lại các sắp xếp giúp tránh khủng hoảng lương thực ở các khu vực tại châu Phi, Trung Đông và châu Á. Ông cũng tỏ ra thông cảm với quan điểm của người đồng cấp ở Điện Kremlin, khi từng cho rằng nhà lãnh đạo Nga có "những kỳ vọng nhất định từ các nước phương Tây" về thỏa thuận này và "điều quan trọng là các quốc gia phương Tây phải hành động".

Cho đến ngày 1/9, khi Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Moscow, phương hướng hành động của Ankara vẫn nhất quán như vậy. Mô tả những nỗ lực "mạnh mẽ" của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục thỏa thuận, ông Hakan Fidan cho biết đây là một "quá trình cố gắng hiểu rõ hơn về lập trường và yêu cầu của Nga, để đáp ứng chúng" và bổ sung: “Có rất nhiều vấn đề, từ giao dịch tài chính đến bảo hiểm”.

Cũng cần nói thêm, như AFP bình luận: Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin giảm giá và trì hoãn các khoản thanh toán của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nhập khẩu khí đốt từ Nga đã giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế - điều gây cản trở khả năng tái đắc cử của ông Erdogan trong tháng 5 vừa qua. Bởi vậy, thật dễ hiểu, không quốc gia nào thích hợp với vai trò “cầu nối” hơn Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh hiện tại.

Tất cả đều vì chính mình

Tuy nhiên, song song với sự tích cực trong chiến lược “ngoại giao ngũ cốc” – đường hướng rõ ràng là mang đến cho Ankara một sự tăng cường vị thế rõ rệt, trên bản đồ địa chính trị quốc tế, thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không hoàn toàn ngả hẳn về phía Đông. Họ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine và cũng (tỏ ra) ủng hộ Kyiv gia nhập NATO trong tương lai. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang lựa chọn một con đường tương đối độc lập, không để mình quá bị ràng buộc hay phụ thuộc vào bất cứ trung tâm quyền lực nào (mà ngược lại, còn có thể cân nhắc những hành động mang lại nhiều lợi ích nhất).

Tham vọng trở thành một cường quốc khu vực hàng đầu đích thực, với tầm ảnh hưởng vượt trội so với chính mình trong quá khứ, đang cùng lúc đặt ra cho Ankara nhiều bài toán hóc búa, bên cạnh các cơ hội. Đơn cử, sẽ là một thất bại thực thụ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thể tận dụng bối cảnh hiện tại để tạo thêm áp lực, hiện thực hóa nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đề đạt đã bị “treo lại” suốt từ năm 2005 (và đến gần đây, Tổng thống Erdogan vẫn nhắc lại: “Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi trước ngưỡng cửa EU hơn 50 năm nay, trong khi gần như tất cả các quốc gia thành viên NATO hiện là thành viên của EU".

Không chỉ vậy, giữa nước Nga với Thổ Nhĩ Kỳ cũng còn tồn tại một vấn đề “tế nhị” nhưng lại là hiện thực lịch sử từ thời Đế chế Ottoman và Nga Sa hoàng: Chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải tìm cách tái cân bằng chiến lược, để Biển Đen không biến thành “một chiếc hồ riêng của nước Nga”.

Vào lúc này, kể cả khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nắm giữ eo biển Bosphorus và eo biển Dardanelles - những huyết mạch nối Biển Đen với Địa Trung Hải - thì những nỗ lực phong tỏa của Nga cũng đang bắt đầu gây tổn hại đến giao thương của Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có các cảnh báo về việc tăng phí bảo hiểm đối với các tàu hoạt động trong khu vực, khiến việc vận chuyển dầu thô và các hàng hóa khác từ các cảng của Nga trở nên tốn kém và nguy hiểm hơn. Đồng thời, nguồn cung ngũ cốc cũng không còn đến được các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Và, về lâu dài, hình thái địa chính trị này cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó tiên liệu, về cạnh tranh chiến lược.

Nhưng, bên cạnh đó, Ankara cũng sẽ chẳng vui vẻ gì nếu tình hình tiến triển xấu đến độ có khả năng: Để mở những hành lang nhân đạo, NATO sẽ phải cử các phi đội hay hạm đội vũ trang hộ tống tàu hàng từ Ukraine - nghĩa là tiến vào “vùng nước” đặc quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi vậy, giữa những mối tơ vò, sự cố gắng chắp nối các mối dây liên lạc để hồi sinh Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, thực ra, cũng có thể phục vụ nhiều “ý tứ” khác. Nếu đưa được nước Nga trở lại với một cơ chế hành động quốc tế được đồng thuận rộng rãi và triển khai một cách hòa bình trên Biển Đen (như đã từng hiện hữu), chẳng những nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi, chẳng những vị thế của họ được nâng cao, mà những thách thức về an ninh - quốc phòng cũng nhiều cơ hội được làm dịu đi hơn.

Thiên Thư
.
.