Nghĩ về những “tư lệnh” nhúng chàm
Những ngày giáp Tết Giáp Thìn, dư luận dõi theo phiên tòa xét xử “đại án Việt Á” với 38 bị cáo bị truy tố về 4 tội danh, trong đó 3 bị cáo vốn là "tư lệnh" lĩnh vực và "tư lệnh" địa phương: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Thật bi đát khi cùng khoảng thời gian này của giai đoạn chống dịch, chính những nhân vật trên là thủ lĩnh đảm nhiệm những trọng trách Nhà nước giao và họ từng được báo chí, dư luận ngợi ca khi tỏ ra là người xông xáo, bản lĩnh...
Thế mà...
Thế mà hôm nay, cả ba lại "đụng mặt nhau" ở nơi không ai mong muốn, ở nơi mà họ đến để khai báo, nơi xét hỏi, luận tội để rồi khép lại với những chế tài hình sự. 3 vị "tư lệnh" nổi nhất, nóng nhất, từng là 3 trong những vị được cho xông xáo nhất, điển hình nhất (Hải Dương cũng là tỉnh phía Bắc từng được cả nước coi như hình mẫu chống dịch) thì nay, khi con virus SARS-CoV-2 nguy hiểm kia đã lùi hình lùi dạng, các vị lại đến đây, đến đây với cáo trạng và những biện minh, những gương mặt buồn, những tiếng thở dài...
Đến đây để ngoái lại những ngày gập ghềnh, những lầm lỗi do chính mình gây nên.
Đến đây để nói những điều mà có thể trước đó, những tháng ngày sống trong trại tạm giam, vốn trăn trở mà chưa thể nói.
Đến đây để rồi ngày mai bịn rịn với cái Tết đến gần. Ừ, với mỗi người Việt, cái Tết xưa nay vốn thiêng liêng, là lúc người ta hướng về tiên tổ để bày tỏ ơn đức, là lúc người ta đầm ấm sum họp với gia đình...
Với "tư lệnh" ngành, địa phương, cái Tết còn rộng nghĩa hơn như thế nhiều, rất nhiều. Nhưng, tất cả đã gác lại phía sau, phiên tòa khép lại với những bản án tù giam, cánh cửa mở ra không phải cổng nhà. Con đường đi vào không phải ngõ nhà. Ô cửa sổ mở ra khoảng trời xanh không có bàn làm việc, không có sự lãng mạn...
Cánh cửa ấy ở trong khuôn trại, con đường ấy cũng ở trong khuôn trại. Và, cả những cành cây, lối mở, những ô cửa thân quen cũng ở trong đó. Giao thừa và Tết, đó là khoảng thời gian thiêng liêng mà mỗi người sẽ nghĩ nhiều, rất nhiều về bản thân, về gia đình, về chặng đường đã qua, về những địa vị mình từng ngồi, về những lầm lỡ mà nay phải đánh đổi bằng những tháng ngày "hơn nghìn thu ở ngoài"...
Tôi nhớ hôm tranh tụng ở tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhìn sang cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long mà có ý trách cứ rằng, ông giúp Việt Á "vì tin Bộ trưởng Long". Ông nói chậm rãi, kể về mình, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từ tháng 10/2020, tròn 2 năm trước khi bị bắt. Khi đó, Hải Dương trải qua nhiều đợt dịch và nặng nề nhất là vào đầu năm 2021, khiến lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành địa phương rất vất vả, căng thẳng chống dịch.
Và, thật trớ trêu, địa phương mà ông Nguyễn Thanh Long cho rằng "ưu tiên chống dịch" chính là Hải Dương. Cái "ưu tiên" đó lại là giới thiệu, đưa Việt Á về bán kit test và địa phương này trở thành một trong những nơi khởi đầu của đại án! Theo đại diện Viện kiểm sát, ngày 22/2/2021, ông Thăng chỉ đạo các đơn vị khác phải dừng xét nghiệm, từ đó giúp Việt Á độc quyền xét nghiệm, bán vật tư, kit test, mở rộng phạm vi bán với giá cao.
Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt thậm chí còn được tham gia các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Nay trước tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy bộc lộ lý do tin tưởng vị "tư lệnh" ngành y: "Thực ra, khi đó, đồng chí Nguyễn Thanh Long là Bộ trưởng Bộ Y tế, lại là Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về chống dịch COVID-19 nên tôi rất tin tưởng sự giới thiệu này (giới thiệu Phan Quốc Việt bán vật tư, kit test)".
Xem sự đối đáp, sự "nghĩ về nhau" giữa cựu Bí thư Tỉnh ủy với cựu Bộ trưởng Y tế, chúng ta hiểu phần nào nguyên do và sự kết nối trong chuỗi hành vi phạm pháp. Có lẽ, trong điều kiện khác, chính ông Long không cho rằng điều đó là ghê gớm, là việc gì đó phải tránh, không làm, nhất là khi vị trí như vậy khiến tư lệnh địa phương "rất tin tưởng" cũng là dễ hiểu. Nhưng, xét về quy trình, về sự minh bạch mà đáng ra những người lãnh đạo như ông Long, ông Thăng phải biết thì họ lại mặc nhiên coi đó là chuyện bình thường, để rồi càng ngày càng lấn sâu vào chuỗi phạm pháp.
Và, dù thanh minh kiểu gì, rằng không có trục lợi, không có tư tưởng cá nhân thì những vị "tư lệnh" này cũng không thể biện minh các khoản tiền mà họ đã nhận của Việt Á. Đặc biệt, nhận hối lộ đến con số khủng 2,25 triệu USD như ông Long trong bối cảnh cả nước oằn mình chống dịch, đó là điều xét cả lý lẫn tình đều không có chỗ bao biện, trái lại, tính chất sai phạm là rất nghiêm trọng.
Với ông Chu Ngọc Anh, dư luận bình xét về cựu Bộ trưởng, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trước tòa không chỉ về hành vi phạm tội mà cả phong thái, thái độ khôi hài của ông. Ngày còn căng thẳng chống dịch, ông có những câu phát ngôn khiến mạng xã hội xem đi xem lại không nhịn được cười và điều lắng lại chính là sự ái ngại của người dân trước một vị "đô trưởng" có phong cách khôi hài như thế. Nay ra tòa, dường như cái khôi hài ấy vẫn khó thể dứt bỏ khi ông khai không biết trong cặp có 200.000 USD, còn sau khi biết khoản tiền đó thì "chờ để trả lại nhưng mãi chưa có dịp, cho đến khi bị bắt"! Ở vị trí "quan to" cả cấp bộ và cấp thành phố, lẽ nào đó là sự hài hước để che đi lòng dối gian!?
Trong 38 bị cáo, có khá nhiều người vốn giữ các cương vị quan trọng tại các Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ. Cũng có ý kiến cho rằng, khi mà "tư lệnh" của ngành như ông Long, ông Ngọc Anh, ông Thăng còn "dính sâu" như thế thì lãnh đạo cấp vụ, cấp cục hay những thư ký của họ liệu có thể tránh? Tuy nhiên, luật pháp xét xử bằng chứng cứ, bằng lý, bằng các quy định và trách nhiệm hình sự xét ở hành vi, động cơ của cá nhân nên "phạm lằn ranh" thì không thể dùng tình để che lý. Đương nhiên, khi lượng hình, các bị cáo đều được hội đồng xét xử đánh giá đúng tính chất, mức độ để tuyên bản án hợp lý, hợp tình.
Khi phiên tòa xử “đại án Việt Á” đang gay cấn ở các phần tranh tụng, khai báo thì ở bên ngoài xã hội, những diễn biến tiếp theo của những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn khác tiếp tục nóng. Đó là việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã khởi tố, bắt giam ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương về tội "Nhận hối lộ", bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng về tội danh "Nhận hối lộ". Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 bị can là cán bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điều tiết điện lực; bắt bị can Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"...
Trong tòa, những cựu quan chức ăn năn với những hành vi phạm tội, ăn năn vì đã trót nhúng chàm, để chủ nghĩa cá nhân điều khiển, tư lợi từ việc công. Bên ngoài xã hội, những "quan tham" tiếp tục sa vòng tố tụng, sa vào vết đường mòn y hệt người đứng trước bục khai báo ở tòa đang mệt mỏi trả lời câu hỏi từ hội đồng xét xử. Chuỗi "bắt sâu cứu cây" vẫn diễn ra liên tiếp và danh sách những cán bộ, đảng viên nhúng chàm ngày một dài ra. "Công cuộc củi lửa" vì thế càng phải quyết tâm, càng phải mạnh mẽ bởi bản án không chỉ là sự trừng trị với cá nhân người đó mà còn là bài học cảnh tỉnh, răn đe chung.
Tiêu cực, tham nhũng do lỗi cơ chế hay con người? Cơ chế là điều kiện cần, song cơ chế dù chặt chẽ đến đâu cũng phụ thuộc người thực hiện, thừa hành cơ chế đó. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn điều này. Tham gia trả lời câu hỏi trong nội dung chất vấn - trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng". Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe cả lĩnh vực.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
"Tôi đã nhiều lần nói rằng, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây", Tổng Bí thư nhấn mạnh.