Nghệ thuật, trong một dạng chiến tranh khác

Chủ Nhật, 27/03/2022, 11:13

Đầu ngày 19-3, trong một clip được đưa lên mạng internet, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi: “Đã đến lúc hai bên (Ukraine và Nga) tiến hành những cuộc đối thoại có ý nghĩa, về hòa bình và an ninh”. Song, chỉ vài giờ sau, tờ New York Times dẫn lời Ibarhim Kalin - cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan: “Zelensky đã sẵn sàng nhưng Vladimir Putin cảm thấy bối cảnh hiện tại chưa thực sự thích hợp cho cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai vị nguyên thủ”.

Điều này, thực tế, chẳng có gì bất ngờ. Đàm phán, trong toàn bộ các khía cạnh của lịch sử nhân loại nói chung và ở những phương diện hẹp chính trị - quân sự - ngoại giao nói riêng, đã luôn luôn là một kiểu chiến tranh không tiếng súng.

1. Ngay trong thời điểm hiện tại này, bị che khuất và bị đẩy bật khỏi tâm điểm chú ý của dư luận thế giới bởi những đợt giao tranh ác liệt tại Ukraine, vẫn có một cuộc đàm phán dằng dai chưa ngã ngũ: Đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa các cường quốc P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) với Iran - thường được gọi tắt là JCPOA.

Ngày 15-3, Bộ trưởng Ngoại giao Iran - ông Hossein Amir Abdollahian khẳng định: “Bóng đã ở bên phần sân của Mỹ” và “Nếu Washington phản hồi một số ít vấn đề quan trọng còn tồn tại và không lãng phí thời gian thêm nữa, các cuộc đàm phán tại Vienna có thể sớm kết thúc".

Nghệ thuật, trong một dạng chiến tranh khác -0
Sau 4 vòng đàm phán, vẫn chưa có bước đột phá nào xuất hiện.

Một ngày sau, 16-3, ông nêu rõ: Mỹ và Iran có 4 vấn đề chưa thể thống nhất. 2 vấn đề gần như đã được giải quyết và còn tồn tại 2 vấn đề khác, trong đó có sự đảm bảo về kinh tế. Song, có lẽ tất cả chúng ta đều biết (hoặc đoán được): Điểm bất đồng mấu chốt tồn tại suốt 8 vòng đàm phán đã kéo dài gần 12 tháng qua vẫn chỉ là: Iran đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ tất cả mọi biện pháp trừng phạt, như yếu tố tiên quyết đưa JCPOA “trở lại nguyên trạng” trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy hoại nó. Tuy nhiên, từ lập trường của mình, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa sẵn sàng làm như thế. 

Một thí dụ khác, gần gũi với nhân dân Việt Nam hơn, liên quan mật thiết đến các hoạt động quân sự hơn và giàu tính biểu trưng hơn: Cuộc đàm phán Paris, kéo dài từ năm 1968 đến năm 1973, kết thúc bằng Hiệp định Paris. Như đánh giá của TS. Tôn Sinh Thành (Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao - Học viện Ngoại giao, tác giả cuốn giáo trình “Đàm phán quốc tế”): “4 năm diễn ra cuộc đàm phán là 4 năm gắn liền với các mặt quân sự - chính trị - ngoại giao, tạo nên chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” và buộc Mỹ phải lùi bước liên tiếp. Từ dừng ném bom, đồng ý cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên trong đàm phán cho đến rút quân vô điều kiện dẫn đến thay đổi tương quan lực lượng ở miền Nam Việt Nam, góp phần tạo nên chiến thắng cuối cùng, giải phóng hoàn toàn đất nước”.

Và theo TS. Tôn Sinh Thành, đàm phán không chỉ là một khoa học. Đó còn là một nghệ thuật - điều mà chính những thành tựu vẻ vang của ngành ngoại giao Việt Nam đã chứng tỏ trong suốt những năm kháng chiến cứu nước lẫn tiến trình mở cửa - xây dựng và phát triển đất nước hiện tại.

2. Cho đến lúc bài viết này lên khuôn, kể từ khi chiến sự bùng nổ, giữa Nga và Ukraine đã diễn ra 4 vòng đàm phán. Giao tranh mỗi ngày một ác liệt và “diện mạo” của những cuộc “thương thảo” ấy cũng đã có những thay đổi. Về hình thức, sau 3 lần gặp mặt trực tiếp, các phái đoàn đã phải chuyển sang thảo luận trực tuyến. Những “sứ giả” đại diện Ukraine cũng đã thay trang phục mang tính “dã chiến” (nhằm truyền đi những thông điệp kín đáo về cảnh ngộ cũng như ý chí của họ đến với thế giới) bằng những bộ complet “đúng quy cách ngoại giao” hơn...

Tuy vậy, ngoài sự thống nhất ít ỏi về việc mở những hành lang nhân đạo để thường dân di tản khỏi các khu vực giao tranh, súng vẫn nổ, bom vẫn rơi, đạn pháo và tiếng gầm rú của xe tăng vẫn đang làm rung chuyển Kharkiv, Kiyv hay Mariupol...

Nói cách khác, 4 vòng đàm phán vừa qua chưa mang lại bước đột phá đích thực nào.Và, có thể dự đoán, điều đó sẽ có thể còn mất cả một tiến trình dài để đạt được.Bởi, cũng như những thí dụ lịch sử ở trên, kết quả của một tiến trình đàm phán phụ thuộc vào không chỉ một yếu tố.Chưa kể, đôi khi những yếu tố ấy lại là điểm “không thể nhân nhượng” với cả hai phía.

Một cách ngắn gọn, phía Ukraine đang tỏ ra (và thực sự) thiết tha với đàm phán hơn, thậm chí là đàm phán thượng đỉnh trực tiếp ở cấp cao nhất.Song, thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Ukraine Zelensky cũng như chính phủ của ông là việc biết rõ đối phương muốn gì.Và, hơn thế, Ukraine có thể đáp ứng những đòi hỏi ấy hay không.

Kể cả khi chiến dịch quân sự này đã bước sang tuần thứ ba, có lẽ cũng chưa ai dám chắc Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đơn thuần là đã tính toán sai về một cuộc chiến tranh chớp nhoáng - như nhận định của không ít dư luận truyền thông phương Tây - hay là còn những tính toán khác, những “quân bài trong tay áo” khác.

Trên bề mặt, sau vòng đàm phán thứ tư (ngày 17-3), phía Nga đã hé lộ cho truyền thông quốc tế rằng họ và phái đoàn Ukraine đã và đang bắt đầu phác thảo một chương trình gồm 15 điểm, dựa trên cơ sở trung lập hóa Ukraine, nhằm hướng đến ngừng bắn và vãn hồi hòa bình. Vấn đề là, cùng lúc vòng đàm phán ấy diễn ra, Tổng thống Ukraine Zelensky liên tiếp có những bài phát biểu online trước Quốc hội Canada và Quốc hội Mỹ. Theo đó, ông cũng như cả Ukraine chắc chắn sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu. Và, ông đề nghị những sự hỗ trợ thiết yếu, từ phương Tây, kể cả việc đòi hỏi thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine - một biện pháp quân sự cực kỳ cứng rắn.

Sau đó, mặc dù ông Mikhialo Podolyak - Cố vấn, Chánh văn phòng tổng thống, Trưởng đoàn đàm phán Ukraine - hé lộ rằng hai bên đã bắt đầu đạt được một vài thỏa hiệp, thì trước đòi hỏi công khai từ Moscow, Kiyv vẫn cự tuyệt một số điểm then chốt trong dự thảo kế hoạch 15 điểm: Công nhận bán đảo Krym là lãnh thổ Nga, công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai ở Donetsk và Lugansk, phi phát-xít hóa Ukraine... Đồng thời, chuyện Kiyv phải cắt giảm Lực lượng Vũ trang Ukraine hay chính thức từ bỏ kế hoạch gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng cần phải được chi tiết hóa.

Do vậy, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho rằng, “còn quá sớm để đề cập đến những triển vọng”.

Nghệ thuật, trong một dạng chiến tranh khác -0
Nếu không kiến tạo được điểm thỏa hiệp cốt lõi, sức chịu đựng tổn thất ở cả hai phía sẽ là yếu tố quyết định kết quả tiến trình đàm phán

3. Điều đó có nghĩa là gì? Là những điểm quan trọng nhất để đối thoại, theo lập trường của Điện Kremlin, vẫn ở nguyên đó, như từ trước khi súng nổ. Và, từ lập trường của Kiyv, dựa trên nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia theo công pháp quốc tế, những điểm đó xem ra vẫn là “không thể chấp nhận”. Bởi vậy, hãng tin DW (Đức) gọi đây là “cuộc đàm phán trên băng mỏng”.

Làm thế nào để khai thông “điểm nghẽn” này? Trong trường hợp không có giao tranh trực tiếp, hầu hết các phía ở thế yếu hơn, nếu không muốn thỏa hiệp và “đầu hàng”, sẽ “nghiến răng” chịu đựng khó khăn để kiên định đến tận cùng như Iran với hòa đàm JCPOA. Ngược lại, phía bên kia sẽ gia tăng sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đến mức cao nhất, như cách cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện.

Còn trong trường hợp chiến sự vẫn đang diễn ra như ở Ukraine, hiển nhiên, cả hai phía sẽ cố gắng gây ra càng nhiều tổn thất càng tốt, đẩy đối phương đến giới hạn chịu đựng cuối cùng. Hình thái “vừa đánh vừa đàm”, nói cách khác, chính là giành thật nhiều ưu thế trên thực địa chiến trường, nhằm biến chúng thành ưu thế xoay chuyển cục diện trên bàn đàm phán.Không chỉ Việt Nam từng giành thắng lợi như thế. Sau 20 năm, tại Afghanistan, việc nước Mỹ hối hả ký hòa ước với Taliban để “rút lui trong danh dự” cũng bắt nguồn từ việc Washington đã quá mệt mỏi với một “vũng lầy”.

Ukraine có thể bắt Nga phải trả những cái giá đắt đến không chịu đựng nổi, thông qua các nỗ lực quân sự không? Trên lý thuyết, họ vẫn có khả năng ấy, cộng thêm các vận động nhằm tạo sức ép từ dư luận quốc tế. Ngược lại, họ cũng có thể bị đánh bại hoàn toàn. Mặc dù vậy, như dự đoán nhuốm màu u ám của Đại tướng Đức Wolf-Dieter Langheld (trả lời phỏng vấn tờ Focus Online): “Không có giải pháp nhanh chóng nào cho cuộc chiến này. Một cuộc chiến đẫm máu, cực kỳ tốn kém mà Putin sẽ không từ bỏ và người Ukraine cũng vậy”.

Nhưng, trên tất cả, có vẻ Ukraine không (hoặc chưa) chuẩn bị một vấn đề cốt lõi trong đàm phán - như các chuyên gia ngành ngoại giao vẫn nhấn mạnh: Khái niệm BATNA (Best alternative to non-agreement), nghĩa là phương án thay thế khi không đạt được thỏa thuận. Nói cách khác là một “phương án B” khả thi, nhằm tìm kiếm và thiết lập điểm thỏa hiệp mang tính đột phá. Thực ra, Kiyv có quá ít lựa chọn.Mà thực ra, ngược lại, khi các hàng rào cấm vận đã nối nhau sập xuống, Moscow cũng chẳng có nhiều hơn được bao nhiêu.

Vì thế, trong trường hợp cả hai bên đều đã kiệt quệ, cuộc chiến này vẫn có thể tạm khép lại mà chẳng có bất cứ thỏa thuận cốt yếu nào.

Đông Phong
.
.