Nền kinh tế xe đạp thời khủng hoảng năng lượng

Thứ Ba, 28/06/2022, 12:22

Xe đạp không chỉ là một "họa tiết" của những đoạn đời thanh xuân hay lão suy, nó cũng không chỉ là con ngựa hoang phiêu lưu hay công cụ tiết kiệm chi phí, bảo vệ thiên nhiên (và qua đó, bảo vệ luôn lương tâm) của chúng ta...

"Ngành kinh doanh xe đạp ở thị trấn ngoại ô dư dả này chính là một ánh chớp giữa mây đen của cuộc khủng hoảng năng lượng", đây là đoạn mở đầu trong một bài báo mang tên "Cho thuê xe đạp trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng" đăng trên Thời báo New York. Không, nó không phải một bài báo được viết mới đây, khi cuộc khủng hoàng năng lượng ùn ùn kéo đến không chỉ trong hình thái của những đám mây đen, mà phải là một cơn lốc xoáy thì đúng hơn. Nó được đăng ngày 16 tháng 12 năm 1973.

Năm 1973, các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Ảrập xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC) quyết định ngưng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong Chiến tranh Tháng 10 như một hành động trả đũa vì Mỹ cung cấp vũ khí cho quốc gia này. Điều đó gây ra một cú sốc dầu mỏ và một cơn sốt xe đạp đã bùng nổ vào thời điểm này. Tạp chí Time nhận định đó là "làn sóng phổ biến lớn nhất của xe đạp trong 154 năm lịch sử".

Giờ đây, thế giới lại một lần nữa đứng trước khủng hoảng năng lượng vì một cuộc chiến tranh. Người ta có thể cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng ấy vào một buổi sáng thật bình thường khi vạch nhiên liệu trong xe sắp cạn và ta hiên ngang bước vào một trạm xăng, để rồi nhận ra số tiền đủ đổ đầy thông thường giờ chỉ đủ cho quá nửa bình xăng. Trong số những bạn bè tôi gặp, có những người tuyên bố từ nay sẽ đi xe đạp.

Nền kinh tế xe đạp thời khủng hoảng năng lượng -0
Giờ cao điểm ở Copenhagen, Hà Lan.

Xe đạp! Chiếc xe mà trong tiểu thuyết “Chiếc xe đạp mất cắp” của Wu Ming-yi có trích lời nhà thiết kế Karl Nicolai rằng "giây phút một người vượt qua một rặng núi trên chiếc xe đạp, anh ta giống như người Mông Cổ đầu tiên nhảy lên lưng con ngựa hoang trên thảo nguyên... Cơ thể của người cưỡi cảm nhận được trái đất dịch chuyển dưới chân, một cảm giác mà trước nay con người chưa hề biết tới và sẽ không bao giờ đo đếm được". Chiếc xe đã từ lâu trở thành một biểu tượng cho hoặc là cuộc sống tuổi trẻ thơ mộng, hoặc là cuộc sống về hưu vô lo nghĩ, tóm lại là những cuộc sống ít sân si, ít chạy đua, giờ đây lại xuất hiện trở lại trong cuộc sống của cả những người đang đi làm, hay nói cách khác, đang phải bon chen đến xây xẩm mặt mày.

Ở châu Âu, hiệp hội ô tô lớn nhất ADAC với khoảng 21 triệu thành viên thậm chí còn kêu gọi các thành viên của mình tiết kiệm năng lượng bằng cách đi xe đạp bất cứ khi nào có thể để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga. Thoạt nhiên, điều này tưởng như chỉ là một phương sách đối phó với chiến tranh, nhưng xa hơn nữa, chuyển sang đi xe đạp có thể là một trong những thay đổi có tính cách mạng với nền kinh tế toàn cầu.

Sự thay đổi đó sau rốt không hề mạo hiểm, người ta đã có một mô hình kiểu mẫu: thành phố Copenhagen, Đan Mạch, thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2021. Cũng giống như Mỹ, năm 1973, Đan Mạch chịu tác động từ khủng hoảng dầu mỏ, chỉ trong vài ngày, giá xăng tăng gấp 4 lần. Vào thời điểm ấy, Đan Mạch vẫn đang học tập quy hoạch thành phố từ Mỹ với trung tâm là những chiếc xe hơi. Nhưng, cuộc khủng hoảng khiến thành phố suy xét lại và đến nay, 2/3 cư dân thành phố vẫn đạp xe, có cả những đường "cao tốc" cho xe đạp và làn xe đạp dài 250 dặm hoàn toàn tách biệt với làn ô tô. Vào giờ cao điểm, đường phố Copenhagen cũng đông đúc như bất cứ đâu, sự khác biệt là, thay vì những hàng ô tô xếp dài như những chiếc lô cốt nhỏ, ta có những đoàn xe đạp nối đuôi nhau.

Theo một nghiên cứu năm 2010 được tài trợ bởi Thị trưởng thành phố Copenhagen, cứ mỗi dặm lái ô tô sẽ tạo ra một khoản lỗ ròng trị giá 0,2 USD. Ngược lại, mỗi dặm chạy xe đạp mang lại 0,35 USD lãi ròng cho toàn bộ nền kinh tế. Điều này có vẻ hơi khác với những gì ta vẫn nghĩ, rằng những người lái xe ô tô mới góp thu nhập vào nền kinh tế thông qua các khoản thuế xăng dầu, thuế đường sá, phí thi lấy bằng, phí đăng ký xe, phí đỗ xe, còn những người đi xe đạp chỉ là "ăn nhờ ở đậu", chẳng phải chi trả bất cứ khoản phí nào để di chuyển. Chẳng phải như vậy đã là hai năm rõ mười, rằng những người đi xe đạp không góp tí tị nào vào việc tu sửa duy trì đường sá hay sao?

Theo tác giả Elly Blue của cuốn sách “Bikenomics: How Bicycling Can Save The Economy” (Kinh tế xe đạp: Đạp xe tiết kiệm cho nền kinh thế thế nào) thì câu trả lời là chưa chắc. "Ô tô cũng không chi trả cho đường sá", cô khẳng định ngay ở chương 1 và nói tiếp: "Nếu tôi bảo với bạn rằng chính việc lái ô tô khiến bạn trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu, rút kiệt nền kinh tế thì sao?".

Để chứng minh cho luận điểm của mình, tác giả chỉ ra rằng, ở Mỹ, chi phí duy trì một con đường trong thành phố trung bình là khoảng 6 cent một dặm cho mỗi chiếc ô tô. Nhưng, những người lái xe chỉ phải trả trung bình 1 penny. Còn người đi xe đạp tuy không trả khoản phí nào nhưng thiệt hại mà xe đạp gây ra cho đường sá chỉ chiếm không tới 1% trong tổng số tiền chi cho hạ tầng giao thông. Trong khi đó, người đi xe đạp vẫn trả các khoản thuế khác và một phần của chúng cũng được chuyển vào ngân sách giao thông. Nếu tính thêm tất cả những thiệt hại về môi trường nữa thì chi phí để duy trì một chiếc xe ô tô chạy trên đường gấp khoảng 30 lần so với một chiếc xe đạp. Và, đề bù trừ cho việc một công dân dùng ô tô làm phương tiện đi lại thì phải có ít nhất một công dân hoàn toàn không liên quan gì tới ô tô, nhưng vì 2/3 người Mỹ lái ô tô và phần còn lại thì thường đi xe bus nên "đó là công thức gây ra nợ nần".

Từ một góc độ khác, nghiên cứu vào năm 2018 của Cục Vận tải London (Anh) cho thấy việc quy hoạch tạo điều kiện hơn cho người đi bộ và người đạp xe giúp các không gian bán lẻ ăn nên làm ra, trực tiếp đóng góp cho nền kinh tế. Đó là bởi những người đi bộ và đạp xe thường dành thời gian trong các cửa hàng kế bên nhiều hơn khoảng 40% so với người lái xe ô tô. Và nếu việc dùng xe đạp chỉ cần gia tăng từ 2% hiện nay lên 10% vào năm 2025 và 25% vào năm 2050, thì nước Anh sẽ thu về 248 tỉ bảng!

Nền kinh tế xe đạp thời khủng hoảng năng lượng -0
Một người Nhật đạp xe thoát khỏi cảnh đổ nát của trận thiên tai.

Và, không chỉ khủng hoảng năng lượng, chiếc xe đạp nhỏ gọn còn là sức mạnh để con người vượt qua đủ kiểu khủng hoảng khác mà trong tương lai, có lẽ sẽ chỉ có nhiều hơn chứ không có ít đi: những đợt thiên tai. Một trong những tấm ảnh tôi từng bắt gặp về trận động đất tại Kobe (Nhật Bản) năm 1995 khiến hơn 6.000 người chết là một người đàn ông dắt xe đạp đi qua đống đổ nát đã từng là một thành phố. Xe đạp cũng trở thành một món đồ cứu hộ với người Nhật trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khi thảm họa sóng thần, động đất Tohoku diễn ra, vì người ta không thể dùng ô tô, mà chỉ có thể dùng xe đạp để thoát thân. Lịch sử chứng minh rằng, ngay cả những thành phố văn minh nhất như New York cũng có thể chao đảo vì thiên tai và trong những biến cố ấy, bao vật chất xa hoa đều thành vô dụng, chỉ còn chiếc xe đạp là đủ sự dẻo dai giúp con người tồn tại.

Tất nhiên, có ai mà không biết lợi ích của xe đạp, nếu không biết nhiều thì cũng biết ít. Nhưng, ngay cả khi biết rất rõ, đôi khi nó cũng là chưa đủ để ta thực sự dẹp chiếc xe ô tô hay xe máy của mình đi mà nhảy lên xe đạp. Cũng giống như lựa chọn ăn chay hay ăn thịt vậy. Ta sẽ luôn có những lý do cấp thiết để chọn cái gì dễ hơn và hấp dẫn hơn. Chính điều này lý giải tại sao nước Mỹ những năm 70, từ "cơn cuồng xe đạp" vì một cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng khi nguồn cung năng lượng đâu lại vào đấy thì cơn sốt cũng hạ nhiệt và người Mỹ lại quay về với ô tô tiện lợi, ô tô mát mẻ, ô tô nhanh chóng. Cần một thứ gì đó nhiều hơn những lợi ích lý tính để những người Đan Mạch vẫn lựa chọn gắn bó với xe đạp, dù khủng hoảng hay không khủng hoảng, mà quan trọng hơn cả, là sự nhúng tay của nhà nước trong việc chính trị hóa xe đạp, ưu tiên xe đạp như một phần của cải cách chứ không chỉ là một sở thích sạch đẹp dễ thương.

Một nhà thiết kế xe đạp từng nói: "Chúng tôi làm ra xe đạp để đưa mọi người đi xa hơn, đến những nơi có nhiều hoa tươi, có những khu rừng được mưa gột rửa và không khí trong lành làm chim chóc cất tiếng ca". Lý tưởng ấy nghe hay nhưng chính nó cũng đóng khung xe đạp trong một hình ảnh lãng mạn bay bổng, mà đáng tiếc thay, ngày nay ai còn thèm muốn sự lãng mạn bay bổng nữa.

Không, xe đạp không chỉ là một "họa tiết" của những đoạn đời thanh xuân hay lão suy, nó cũng không chỉ là con ngựa hoang phiêu lưu hay công cụ tiết kiệm chi phí, bảo vệ thiên nhiên (và qua đó, bảo vệ luôn lương tâm) của chúng ta. Xe đạp không chỉ là xe đạp. Chiếc xe mà ta phải tự làm cho nó chuyển động bằng chính sức lực, cơ bắp, hơi thở và mô hôi của mình ấy cũng là lời nhắc nhở ta về sức mạnh nội tại để vượt qua mọi khủng hoảng và thảm cảnh của con người, xin nhắc lại, của con người chứ không phải bất cứ thứ động cơ hay máy móc tự động nào.

Hiền Trang
.
.