Nạn đói toàn cầu: Liệu có thể thay đổi?

Thứ Ba, 27/12/2022, 11:47

Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong năm qua, nạn đói trên quy mô toàn cầu vẫn không hề suy giảm. Có lẽ, chúng ta cần một cách tiếp cận mới cho vấn đề nghiêm trọng này trong thời gian tới.

Thảm họa chực chờ

Báo cáo mới nhất đến từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy: Năm 2022 chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập niên, khi có tới 1 tỷ người bị đói mỗi ngày. Trong khi đó, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới, từ 135 triệu người lên 345 triệu kể từ năm 2019 tới nay. Đáng sợ hơn là con số gần 50 triệu người đang trên bờ vực chết đói, chủ yếu đến từ châu Phi và khu vực Trung Đông. Con số này đã tăng từ 21 triệu người vào năm 2016.

Thật khó tin, khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên số, nạn đói vẫn có thể hoành hành khủng khiếp đến như vậy.

Nạn đói toàn cầu: Liệu có thể thay đổi? -0
Nạn đói ở vùng Sừng châu Phi đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng của nạn đói hiện nay. Trong đó, có 4 nguyên nhân chính được các tổ chức chuyên nghiên cứu chỉ ra bao gồm: Đại dịch COVID-19, cuộc xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu và suy giảm kinh tế toàn cầu.

Theo ông ông David Beasley, Giám đốc điều hành của WFP, "số người bị nạn đói đe dọa đã tăng vọt, từ khoảng 80 triệu người trước đại dịch COVID-19 thành 135 triệu người. Trước cuộc xung đột Ukraine , thế giới đang đi đến chỗ có khoảng 276 triệu nạn nhân nạn đói. Nhưng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến 323 triệu người trở thành nạn nhân".

Theo một thống kê của 3 tổ chức quốc tế lớn là Oxfam, Save the Children và Plan International, mỗi ngày, thế giới có khoảng 19.700 người chết đói. Đây là những con số được đưa ra trong cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 19/5/2022. Cuộc họp có chủ đề “Các xung đột vũ trang và an ninh lương thực” với sự tham gia của đại diện gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dĩ nhiên, số liệu đã khác đi khá nhiều bởi kể từ tháng 5 tới nay, hàng chục cuộc họp mới đã diễn ra khi tình hình ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Mặc dù ngay từ đầu năm, LHQ đã đưa ra lời cảnh báo cho một "cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu chưa từng có", tuy nhiên, tình hình không hề được cải thiện trong cả năm qua. Và, "năm 2023 còn có thể còn tồi tệ hơn" - trích lời phát biểu của Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres tại một hội nghị.

Sự phụ thuộc vào hệ thống thương mại

Tại phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9/2022, hơn 200 tổ chức quốc tế đã đồng thời gửi thư thỉnh nguyện lên các nhà lãnh đạo thế giới để bày tỏ quan ngại về tình trạng đói nghèo đang tăng nhanh. Các tổ chức này đã hối thúc các nhà lãnh đạo toàn cầu phải hành động kiên quyết hơn để chấm dứt nạn đói tồi tệ.

Những lời cảnh báo kêu gọi cũng đã đến được tai của những nhà lãnh đạo hàng đầu. Chính phủ Mỹ công bố gói cứu trợ khẩn cấp lên đến 1,2 tỷ USD để giúp ngăn chặn nạn đói ở vùng Sừng châu Phi. Nga, nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới cũng đã có những gói hỗ trợ lương thực cho nhiều quốc gia châu Phi nhằm ngăn chặn nạn đói. Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng đã khơi thông được dòng chảy ngũ cốc từ Ukraine. Tuy nhiên, tình hình vẫn không được cải thiện rõ rệt.

Cần phải nhìn nhận: Nguy cơ nạn đói đã gia tăng mạnh mẽ từ trước cả khi đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát. Somalia, quốc gia đang chứng kiến nạn đói khủng khiếp nhất thế giới với hơn một nửa dân số đang ở trong tình trạng thiếu đói, đã hứng chịu 4 năm hạn hán liên tiếp. Những quốc gia lân cận như Djibouti, Ethiopia, Eritrea cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong khi đó Kenya, Ethiopia cũng đang trải qua nhiều năm thiếu mưa đã gây ra đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ.

Những cuộc xung đột nhiều năm ở Yemen, Syria khiến cho mùa màng bị bỏ bê. Đồng thời bão lũ tồi tệ ở Bangladesh, Indonesia và Philippines trong vài năm qua đã làm ảnh hưởng đến mùa vụ ở các quốc gia này. Đây là những quốc gia trước đây có thể chủ động ít nhất một phần lương thực, thậm chí xuất khẩu, nhưng thời gian qua đã phải liên tiếp nhập khẩu lương thực với số lượng lớn. Nhiều quốc gia giàu có trên thế giới cũng không còn tự chủ tình trạng lương thực của mình và phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu. Điều này đã khiến giá lương thực thế giới tăng nhanh trong 2 thập kỷ qua. Và, khi những tai họa như đại dịch COVID-19 hay xung đột Ukraine nổ ra, nó đơn giản là thổi bùng áp lực lên một mức mới.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển tại Đại học Waterloo, Canada cho thấy: Ngày nay, 80% dân số thế giới phụ thuộc ít nhất một phần vào lương thực nhập khẩu. Số tiền chi cho thực phẩm nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua. Khoảng một nửa trong số 50 quốc gia có mức tăng giá lương thực cao nhất thế giới trong thời gian qua cũng nằm trong số các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu lương thực. Phần lớn các quốc gia này nằm ở Bắc bán cầu và họ lại phụ thuộc vào khoảng 3/4 số cây trồng lương thực có nguồn gốc từ Nam bán cầu. Rõ ràng, những thống kê đã cho thấy vấn đề, khi an ninh lương thực thế giới đang bị phụ thuộc vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Trên lý thuyết, với sự thuận lợi của thương mại toàn cầu trong một thế giới rộng mở, hàng hóa có thể đưa đến bất cứ đâu để cung ứng cho người dân. Khi đó, giá cả các mặt hàng lương thực đúng ra sẽ giảm đi, khi nguồn cung dồi dào. Nhưng, khi nhìn vào biểu đồ chỉ số giá lương thực thế giới, chúng ta sẽ thấy ngay một nghịch lý: Giá lương thực đang tăng chóng mặt. Chỉ số giá lương thực (FFPI) được theo dõi bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho thấy giá lương thực thế giới đã tăng gấp 2,5 lần trong 20 năm qua.

Sự phụ thuộc vào hệ thống thương mại toàn cầu - vốn dễ tổn thương bởi thời tiết, dịch bệnh, các cuộc xung đột và lệnh cấm - đã khiến cho giá cả trở nên rất bất ổn. Ví dụ: Đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đã đẩy giá lương thực lên 40% trong vòng một năm. Nhưng, chỉ một cuộc xung đột ở Ukraine đóng lại thị trường xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới đã kéo giá tăng 20% chỉ trong vài tuần. Cũng chỉ cần một thỏa thuận ngũ cốc Ukraine hồi tháng 8 đã giúp hạ nhiệt thị trường tới 10% chỉ trong vài ngày. Rõ ràng, hệ thống thương mại này không đáng tin cậy như người ta vẫn tưởng. Chính sự phức tạp của hệ thống thương mại, cùng việc phụ thuộc vào các nhà sản xuất lớn, đã khiến cho thị trường dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Nạn đói toàn cầu: Liệu có thể thay đổi? -0
Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng phi mã trong 20 năm qua cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu.

Thay đổi hay là chết

Theo thống kê, 4 công ty ngũ cốc lớn nhất thế giới gồm Archer-Daniels-Midland Company, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus kiểm soát khoảng 70-90% thương mại ngũ cốc toàn cầu. Thay vì lo lắng cho tình trạng đói kém của hàng trăm triệu người thì trong những năm qua, 4 công ty này đều ghi nhận doanh thu kỷ lục do mức giá tăng cao. Đó cũng là khi chúng ta thấy những người nghèo nhất thế giới rơi vào tình trạng túng quẫn vì không thể chi trả cho hóa đơn lương thực của mình. Chính hiện tượng này đã khiến cho giới chuyên gia đưa ra khuyến nghị: "Phải thay đổi cách tiếp cận!".

Thông thường, khi thảm họa nhân đạo xảy ra, các tổ chức quốc tế sẽ họp lại để kêu gọi các nhà tài trợ gia tăng đóng góp. Nhưng, với mức độ lạm phát hiện nay, những khoản tài trợ mới cũng trở nên ít ỏi. Trong khi đó, chính việc gia tăng thu mua từ khắp nơi trên thế giới để cứu trợ càng đẩy giá lương thực lên cao hơn.

Chính vì thế, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã đề xuất cách tiếp cận mới: “Sử dụng kiến thức chuyên môn kết hợp về phát triển bền vững, xây dựng hòa bình và giảm thiểu xung đột, cũng như các lĩnh vực viện trợ nhân đạo để vượt qua các thách thức tập thể”. Yếu tố phát triển bền vững được đề cao, trong đó nhấn mạnh việc hạn chế phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài, tức là hướng tới việc tự chủ.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu năm nay (COP27) cũng đặt ra chiến dịch tẩy xanh môi trường mới, được đặt tên là “nông nghiệp thông minh với khí hậu” để giúp đỡ các nước nghèo thích nghi với những biến đổi của thời tiết nhằm tự đảm bảo sản xuất. Tất nhiên, để thực hiện những dự án này, một lần nữa chúng ta cần phải thấy sự hợp tác lớn hơn và toàn diện hơn để "cùng sửa chữa thế giới" như mong muốn của Tổng thư ký LHQ. Đã đến lúc không ai được phép đứng ngoài.

Tử Uyên
.
.