Năm 2022: Những điều gì còn lại?

Thứ Tư, 28/12/2022, 09:57

Khi những giờ cuối cùng của năm 2022 sắp sửa trôi qua, chúng ta cần nhìn lại một năm qua, xem có những gì đáng nhớ? Mỗi người sẽ có lựa chọn riêng cho mình một vài sự kiện, nhân vật tạo cho họ ấn tượng nhất. Và chuyên đề cuối cùng của năm 2022 của ANTG cũng lựa chọn những sự kiện đáng nhớ theo nhận định của từng cây bút góp mặt thân quen.

Câu trả lời sau đại dịch

Cuối năm, tôi đem câu hỏi “điều gì đọng lại sau đại dịch” hỏi một vài người bạn của mình, 9 tháng sau thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa cho hoạt động du lịch, một tín hiệu gián tiếp đưa chúng ta trở lại với cuộc sống bình thường. Một bình thường mới.

Năm 2022: Những điều gì còn lại? -0
Ảnh: ST

Một người bạn vừa phải đóng cửa hàng loạt trung tâm tiếng Anh vì dịch COVID-19 trong hai năm qua ước gì anh chấp nhận cắt lỗ sớm hơn. Anh không thể tưởng tượng nổi rằng dịch kéo dài lâu đến thế. Từ chủ một chuỗi giáo dục triệu đô, anh phải bán cả nhà, xe và cầm cố tài sản để trả nợ ngân hàng. Hiện tại, anh đã đi xin việc và chấp nhận một cuộc sống làm công ăn lương bình thường trước khi cơ hội mới tới.

Một người bạn khác, ngược lại, nói rằng đại dịch đã cho anh cơ hội. Anh bị sa thải trong một chiến dịch cắt giảm quy mô của một tập đoàn lớn vào thời điểm dịch bắt đầu diễn ra. Trong khi còn mông lung, anh và vợ thử bán hàng trên mạng, ai dè mọi chuyện suôn sẻ không ngờ. Đến giờ, khi việc bán online đã ổn định, anh bắt đầu mở các cửa hàng thực sự để khách hàng có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm.

Một người khác thì nói về cảm giác mất mát, và nuối tiếc vì không được gặp người thân lần cuối. Anh mất hai người thân trong gia đình vì chính virus SARS-CoV-2, và tang sự diễn ra rất chóng vánh. Anh không được ở bên họ trước lúc họ qua đời, và điều này khiến đến giờ anh vẫn ân hận.

Khi chính phủ quyết định mở cửa hoạt động du lịch cùng với đà mở cửa của thế giới vào đầu năm nay, kèm theo đó là dỡ bỏ các biện pháp chống dịch ngặt nghèo, chúng ta đã được trả lại về với thế giới trước đây. Bạn trở lại đi học, đi làm, đến các nhà hàng, nhà hát, chơi thể thao, tham gia các hoạt động cộng đồng. Cho đến giờ, khi đọc bài viết này, có lẽ các ký ức bi thảm về đại dịch đã dần mờ đi bên trong bạn. Trong guồng quay hiện tại của cuộc sống, chúng ta đã có thể cảm nhận mọi thứ trở lại bình thường.

Nhưng điểm chung của cả ba người bạn kể trên của tôi là sự thừa nhận rằng quãng thời gian vừa qua đã thay đổi họ vĩnh viễn.

Người bạn doanh nhân đầu tiên từng không tiếc tiền mở rộng hệ thống, lúc nào cũng muốn tiên phong, nay cú sốc phá sản đã khiến anh trở nên dè dặt, an toàn. Sự túng thiếu cũng làm anh nhận ra rằng hóa ra mình không hướng ngoại và nhiều tham vọng đến thế. Chỉ là thời điểm ấy, anh được ca tụng nhiều đến mức nghĩ rằng mình có thể thịnh vượng mãi mãi.

Người thứ hai từ một người ưa thích sự ổn định, nay thừa nhận rằng anh sẽ không bao giờ quay lại quãng đời làm thuê nữa, dù có khổ cực đến đâu. Anh cũng nhận ra rằng quãng thời gian đi làm công ăn lương là quãng thời gian buồn tẻ nhất mà anh từng biết. Thật ra khi mới bán hàng online, anh cũng đã mất khá nhiều tiền, nhưng việc xoay sở ấy làm anh hứng thú hơn một công việc văn phòng.

Người thứ ba bị chấn động đến mức nói với tôi rằng từ giờ, anh sẽ không bỏ một bữa cơm gia đình nào, vì anh vẫn còn một người mẹ già. Quãng thời gian ở nhà cũng làm anh nhận ra rằng mình không hứng thú với các bữa bù khú quán xá nhiều như mình tưởng. Chỉ là vì chơi với một hội bạn thân rất thích nhậu làm bạn cũng cảm thấy mình thích nhậu.

Tôi nhận ra một điều rằng dù mọi người thường nghĩ rằng các biến cố làm thay đổi bản chất con người, nhưng đúng hơn thì nó kéo gần chúng ta lại với bản chất của mình. Bạn được tách khỏi môi trường đã tác động vào các quyết định thường ngày của mình, và được độc lập nhìn nhận lại thế giới quan cá nhân.

Ai sống hướng nội sẽ quay về với sự dè dặt của mình. Ai thực sự muốn trải nghiệm với làm việc tự do sẽ nhận ra họ đã từng sống không đúng với bản chất của mình như thế nào. Ai sống thiên về gia đình sẽ không mất nhiều thời gian để nhận thấy giá trị của những khoảnh khắc ở bên người thân.

Những gì xảy ra sau đại dịch cũng vậy. Bạn có thể thấy các “con sâu” tồn tại khắp nơi, từ những “chuyến bay giải cứu”, rồi bộ kit xét nghiệm của công ty Việt Á v.v... Họ trục lợi trên xương máu đồng bào, từ trước, và trong đại dịch. Họ sống đúng với bản chất tham lam của mình từ đầu, và khó khăn của người khác chỉ làm họ trở nên tham lam hơn.

Đấy có lẽ là một phép thử khắc nghiệt với tất cả chúng ta. Tôi chọn việc mở cửa lại với thế giới là sự kiện quan trọng nhất trong một năm qua không chỉ vì thông điệp nó mang theo là trả lại cho tất cả chúng ta cuộc sống bình thường trước đại dịch, mà còn vì nó đã trả lời được một câu hỏi rất chung cho mọi người: rốt cục, chúng ta thật sự là ai?

Phạm An

Trong lòng biến động

Sự kiện nào được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2022 này? Đây là một câu trả lời không khó. Khác hẳn những năm về trước, 2022 (cũng giống như 2020, 2021) có một sự kiện có tính tác động toàn cầu đủ lớn để che lấp mọi sự kiện nào khác. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ nói về 2022 bằng cuộc chiến ở Ukraine.

Năm 2022: Những điều gì còn lại? -0
Ảnh: ST

Sẽ không bao giờ đủ giấy mực để bàn về một sự kiện ở tầm mức ấy trong khuôn khổ của một tờ báo in hữu hạn về số lượng trang và chữ. Nhưng nhắc tới nó, coi nó là một biến động lớn nhất có tác động lên một chuỗi các sự kiện khác, chúng ta đủ để nhận diện được những gì đáng nhớ nhất ở Việt Nam 2022. Chiến tranh ở Ukraine dẫn tới các trừng phạt kinh tế lẫn nhau; sự leo thang của giá nhiên liệu; lạm phát kỷ lục ở nhiều quốc gia và thêm vào đó là cộng hưởng từ chính sách zero covid của Trung Quốc đã tác động mạnh gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ chừng đó thôi, đủ để chúng ta nhận thấy Việt Nam sau đại dịch như một con thuyền nhỏ bé giữa một bối cảnh đại dương dữ dội sóng vì bão tố.

Các tác động mạnh mẽ của khách quan đã khiến thị trường trong nước nhận về các hệ quả khó lường. Điển hình như thị trường chứng khoán. Việc các chỉ số chạm đáy và nhiều mã chứng khoán giảm điểm tệ hại đã tác động quá mạnh lên lực lượng những người “chơi chứng khoán” cả nước. Đặc biệt, số lượng những “tay chơi margin” bị dính đòn nặng nề là rất lớn. Cháy tài khoản, lâm vào cảnh nợ nần, không ít các tay chơi đã ngậm ngùi rời cuộc chơi với hai bàn tay trắng. Bi đát hơn, có người còn tìm đến những giải pháp quẫn bách cuối cùng.

Sự suy thoái của thị trường chứng khoán trong nước còn nhận thêm tác động mạnh từ các động thái làm sạch thị trường, đặc biệt là ở lĩnh vực phát hành trái phiếu. Song, trong cái suy thoái thoạt nhiên nghe thì đáng sợ bên ngoài ấy, đã bắt đầu định hình ở bên trong những tín hiệu tích cực khác, mà như lời của những nhà đầu tư chứng khoán lão luyện vẫn nói là “ngay cả khi thị trường suy thoái, cơ hội vẫn tồn tại”.

Thực chất, ngay từ đoạn mở nói về thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi đã cố ý không dùng từ nhà đầu tư mà thay vào đó là “tay chơi”. Đúng, nhiều năm qua, trong xã hội Việt Nam đã hình thành một lực lượng không nhỏ các tay chơi tài chính mà việc tham gia các thị trường của họ (Chứng khoán, tiền ảo v.v và v.v) đều chỉ căn cứ trên mục tiêu (kiếm lời) chứ không căn cứ trên kỹ năng, kiến thức. Họ như những tay chơi trong các chiếu bạc nhiều hơn. Và ở kỳ suy thoái nặng nề năm 2022 này, chính thức thị trường đã bật bộ lọc để giữ chân những nhà đầu tư đúng nghĩa và đánh bật những tay chơi say máu. Những nhà đầu tư sở dĩ tồn tại lại được trong bối cảnh suy thoái là bởi họ có am hiểu nhất định và cơ bản nhất, họ có kỷ luật đủ để lòng tham không thể lấn át các nguyên tắc tài chính, kinh doanh.

Sự thanh lọc thị trường cũng song song với sự thanh lọc các hạng mục, nói rõ ràng hơn là các doanh nghiệp niêm yết. Các bóng ma lộ diện dần và những mã chứng khoán tốt cũng từ đó càng khẳng định được độ tin cậy của mình để thị trường chứng khoán là điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư có nguồn vốn.

Một nét trên thị trường chứng khoán thôi cũng đủ để chúng ta nhận thấy con thuyền nhỏ Việt Nam xoay sở tốt ra sao trong bối cảnh quốc tế biến động bão táp khó lường như vậy. Và một điểm nhấn khác cũng cần phải nhắc tới là nỗ lực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu công dân số hóa trong năm qua. Khi mọi mối quan tâm của dư luận đổ dồn vào quá nhiều những điều lớn lao, to tát như câu chuyện chiến tranh và hòa bình; phe tả hay phe hữu; dân chủ hay cộng hòa thì những động thái lặng lẽ trong nước lại dần đặt các nấc thang cơ bản nhất và quan trọng nhất cho tiến trình chuyển đổi số, thống nhất và quản trị, bảo vệ an toàn dữ liệu công dân. Việc ứng ụng VNeID ra mắt với các xác thực ở mức độ 2 cho thấy nỗ lực đẩy nhanh tốc độ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia vào dự án đồ sộ này. Kể từ 01/01/2023, sổ hộ khẩu bản in (thể lý) cơ bản sẽ bị thay thế bởi chính VNeID và cũng sẽ có gần 10 tích hợp để thống nhất tốt hơn dữ liệu công dân, nhằm tiết kiệm hơn nữa thời gian tránh các thủ tục hành chính nhiêu khê cổ điển. Ít ai chú ý tới thành tựu lớn này và thậm chí vẫn có những người còn chưa đăng ký ứng dụng nhưng chắc chắn, sẽ chỉ trong thời gian ngắn thôi, VNeID sẽ phổ cập rất rộng nhờ vào sức mạnh tuyên truyền cũng như các lợi ích có thực mà nó mang lại. Hơn nữa, với sự hỗ trợ rất mạnh từ căn cước công dân gắn chip, VNeID sẽ tạo lập vị thế mạnh mẽ của mình rất sớm, thậm chí có thể còn sớm hơn cả tiến độ dự kiến của những người xây dựng dự án này.

Kể từ 2023, sẽ còn nhiều thay đổi tích cực khác nữa, với nhiều tiện ích số hóa khác nữa. Sẽ đến lúc, có thể ở năm 2025 chẳng hạn, chúng ta sẽ giật mình khi so sánh lại với vài năm trước đó về tốc độ cũng như độ tiện lợi khi tiến hành các dịch vụ công. Và nếu khi ấy cần chọn một dấu mốc để ghi nhận, hãy nhớ tới năm 2022 này, năm mà giữa một bối cảnh không hề trời yên biển lặng, Việt Nam đã vượt qua được khó khăn bằng từng động thái tưởng như là nhỏ nhưng hóa ra lại có tác động lớn vô cùng.

Hà Quang Minh

Những lời hứa lợi nhuận

Tôi bước ra đời mưu sinh năm 2006. Ấn tượng đầu tiên về nền kinh tế đập vào cậu trai ngoại tỉnh, là một cuộc tăng trưởng phi mã của thị trường chứng khoán.

Năm 2022: Những điều gì còn lại? -0
Ảnh: ST

Nhiều người đứng tuổi vẫn còn nguyên ấn tượng về cái giai đoạn năm 2006-2007 đó, đến cả con số lẻ. Có những mã hôm trước phát hành giá 26, hôm sau đã sang tay với giá 150. Tài sản tích lũy của bạn có thể tăng gấp 4 lần chỉ sau một đêm.

Nhưng làn sóng đó không đủ để tạo ra một cuộc “say máu” ở quy mô toàn xã hội. Năm đó, tôi chưa tròn 20, đi làm thuê và bắt đầu gặp các anh lớn hơn – những người đang đến tuổi phải quyết định mình là ai trong cuộc đời. Họ vẫn thường tìm đáp số cho bài toán đó bằng câu hỏi “Xem có gì làm kiếm tiền”. Họ vẫn nghĩ đến “làm”, nghĩ đến việc tạo ra mô hình kinh doanh, mở công ty tư nhân, quán cà phê hay quán ăn.

Họ chưa ám ảnh bởi mấy chữ “đầu tư tài chính” như bây giờ.

Không khí khởi nghiệp trong thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21, khi dòng vốn dồi dào, các doanh nghiệp FDI đổ xô đến Việt Nam, đã tạo ra một lớp doanh nhân và một lớp doanh nghiệp làm giàu cho nền kinh tế. Làm giàu khi đó vẫn bao gồm chữ “làm” – tức là thiết lập các cơ sở kinh doanh, tức là trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, cho dù là sản xuất, dịch vụ hay thương mại. Hoặc làm thuê với giá cao. Cứ mấy ngày tôi lại được nghe ai đó, cùng thế hệ mình, khởi lên một ý tưởng làm ăn. Chính bản thân tôi, đến những năm 2011, cũng ba bảy hăm mốt ngày lại nghĩ đến một ý tưởng làm ăn.

Nhưng bây giờ, cứ mấy ngày tôi lại phải nghe ai đó nói về việc “đầu tư”. Đặc biệt ở lớp trung niên thành thị.

Trên khắp các mặt báo, trong khắp các hội thảo, chủ đề được nói nhiều nhất về tài chính cá nhân chính là “đầu tư” – theo nghĩa đầu tư tài chính, tìm cửa nhét đồng tiền đang có vào để nó tự sinh sôi. Vợ tôi bắt đầu nghe bạn bè rủ rê tự lập tài khoản chứng khoán. Những người bạn lo lắng cho nhau bằng việc tư vấn mở danh mục. “Mình tìm được công ty tư vấn đầu tư này uy tín lắm”, bạn nói. Một người bạn khác, ngày nào cũng vào nói về việc mua tiền mã hóa. “Em nghiên cứu kỹ lắm rồi, giờ anh chỉ cần theo em”. Ở công ty, mọi người nói chuyện đầu tư bất động sản.

Thứ được ước vọng nhiều nhất xung quanh tôi, bạn có thể mở báo ra và nhìn thấy ngay, là tự do tài chính khi tuổi còn rất trẻ. Những truyền thuyết được reo rắc khắp các hạ tầng xuất bản, về cá nhân này, ở Mỹ hay ở Việt Nam, đã đầu tư thành công và giờ đang tận hưởng cuộc sống không lo nghĩ ở tuổi 35 ra sao.

Đó là một ước vọng chính đáng. Nhưng nó được nói nhiều đến mức tôi tự hỏi rằng có sự mất cân bằng nào đó đang diễn ra. Tôi tự hỏi rằng liệu có đang hình thành một ám ảnh về việc đầu tư – rằng chỉ cần mình tìm được đúng cửa, thì với số tiền tích lũy hiện có, mình có thể gieo nó xuống và nó sẽ mọc thành cây cứ thế hái lá mà tiêu.

Khi những lời hứa lãi suất, lời hứa lợi nhuận bị phá vỡ, tôi nhìn thấy cả một đám đông suy sụp. Các nhà đầu tư tài chính bỗng đau đớn nhận ra rằng mình đã bị hứa lèo. Đó là một trong những hình ảnh đáng chú ý nhất trong năm 2022 này.

Tôi có thể nói - bằng kinh nghiệm của một người đã nhiều năm làm truyền thông doanh nghiệp, trong đó có cả truyền thông cho việc huy động vốn – rằng có một cỗ máy khổng lồ để tạo ra những lời hứa lèo.

Chỉ mấy năm trước, các doanh nghiệp huy động tiền, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng cam kết mức lợi nhuận bằng con số. Mười phần trăm, mười hai phần trăm một năm, tỷ lệ trên suất đầu tư. Họ làm điều đó bằng những phép tính giả định đôi khi rất cẩu thả (tôi đã kiểm chứng với những doanh nghiệp lớn nhất nước, vẫn thấy sự cẩu thả). Giờ thì thời gian đã trả lời rằng những lời hứa cụ thể về lợi nhuận trên suất đầu tư không quá đáng tin. Ít ai dám hứa kiểu đó nữa.

Nhưng người ta chuyển sang dùng uyển ngữ, sáo ngữ, dùng các kênh truyền thông khách quan như báo chí hay truyền khẩu, để đưa ra lời hứa theo những hình thức khác. Cái gì cũng có thể được mô tả đầy triển vọng – thậm chí cả những thứ không có khả năng tạo dòng tiền – như đất nền ở tỉnh xa, giữa rừng hoang núi thẳm. Đó cũng là những lời hứa. Và vẫn có những người tin vào lời hứa đó.

Không có gì sai khi một con người, sau những tích lũy vất vả, nuôi ước vọng rằng họ có thể tìm thấy một nơi xứng đáng để đầu tư tài chính. Việc đưa tiền cho người khác làm ăn nghiêm túc, rồi mình cùng hưởng lãi, là một nguyện vọng chính đáng.

Nhưng liệu chúng ta có đang quá sa đà vào lối suy nghĩ đó? Chúng ta có đang nuôi dưỡng một cỗ máy khổng lồ của những lời hứa lèo về lợi tức? Liệu những biến động của thị trường tài chính và thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022 này, có làm cán cân thay đổi?

Liệu sau giai đoạn trầm lắng này, không gian quanh tôi có quay về được với ngày xưa, bạn bè lại hẹn nhau, rồi bàn kế làm ăn. Và lúc đó, bên cạnh những mách nước nhau về cửa đầu tư, chúng tôi lại nói về những mô hình kinh doanh. Những cách làm ăn mà trong đó vẫn còn nghĩa đen của chữ “làm”.

Đức Hoàng

.
.