Năm 2022: Cuộc chơi của những “tay to”!

Thứ Hai, 17/01/2022, 11:49

Dự báo diễn biến tình hình của đời sống chính trị quốc tế luôn chứa đựng yếu tố rủi ro nhất định. Năm 2022 mở ra với vô vàn bất trắc chờ đón nhân loại ở phía trước. Những diễn biến kịch tính trong năm 2021 liệu có hé lộ chút manh mối nào cho thấy những gì sẽ diễn ra trong năm 2022?

Ukraine tiếp tục là “điểm va chạm” Nga-Mỹ

Trong những ngày cuối năm 2021, người ta đặc biệt chú ý đến cuộc họp báo thường niên cuối năm của Tổng thống Nga V.Putin vì chắc chắn ít nhiều gì nó cũng cung cấp cho thế giới những nét chính sách (đối ngoại) cơ bản của nước Nga. Vì Nga là một siêu cường, những chính sách này sẽ có tác động không nhỏ đến tính hình thế giới trong năm tiếp theo.

Như có thể dự đoán trước, trong cuộc họp báo kéo dài 3 giờ 55 phút, câu hỏi đầu tiên liên quan đến chính sách đối ngoại của Nga là tình hình Ukraine.

Tháng 4-2021, Nga bất ngờ tập trung 100.000 quân tại biên giới với Ukraine. Sau đó, số binh lính này từ từ rút đi nhưng đến cuối năm đã quay trở lại với mức độ ghê gớm hơn, 140.000 binh sĩ cùng khoảng 500 xe tăng chưa kể 1 sư đoàn bộ binh cơ giới hóa. Nếu như cuộc triển khai quân hồi tháng 4 được Nga tổ chức rầm rộ, cố ý để phương Tây có thể phát hiện thì cuộc triển khai quân vào dịp cuối năm lại được tiến hành một cách âm thầm, với nhiều đơn vị cơ động hơn.

Nói cách khác, theo đánh giá của nhiều chuyên gia phương Tây, nguy cơ một cuộc xung đột quân sự hiển hiện rõ đến mức nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây la hoảng lên là châu Âu đang bên bờ vực chiến tranh.

Năm 2022: Cuộc chơi của những “tay to”! -0
Binh sĩ Nga tại một trạm kiểm soát ở biên giới gần khu vực Donbass của Ukraine hồi tháng 8-2019. Ảnh: S.t

Lời giải thích của Moscow khá đơn giản: Nga cảm thấy bị đe dọa bởi các kế hoạch được cho là của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm đưa Ukraine trở thành một thành viên của NATO, động thái mà Nga khẳng định sẽ đe dọa trực tiếp an ninh của chính mình khi phương Tây có khả năng đưa quân đội đến gần các thành phố chính của Nga.

Cũng trong cuộc họp báo cuối năm 2021 vừa qua, ông Putin, với giọng điệu cứng rắn, tiếp tục đưa ra “giới hạn đỏ” của Nga trong vấn đề Ukraine: “Chúng tôi đặt vấn đề rằng NATO không nên có động thái hướng về phía Đông” và rằng, các đối tác phương Tây phải “đưa ra những lời đảm bảo ngay lập tức!”.

Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Putin hồi đầu tháng 12, ông Biden, ngoài đe dọa về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga đưa quân vào Ukraine, cũng không đưa ra cam kết hay nhượng bộ nào về việc “không kết nạp Ukraine vào NATO”. Đối với Mỹ và phương Tây, việc đưa ra một đảm bảo rõ ràng về việc Ukraine không được phép gia nhập NATO cũng như EU là điều khó xảy ra bởi vì như thế là chấp nhận thua cuộc trong tranh giành ảnh hưởng với nước Nga ở châu Âu.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thì tình trạng đối đầu Nga-Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine trong năm 2021 là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Trong năm 2022, vấn đề Ukraine chắc chắn tiếp tục chi phối quan hệ Nga-Mỹ,  không loại trừ khả năng bị đẩy đến bờ vực xung đột. Điều này tùy thuộc vào phản ứng của Mỹ trước những động thái quân sự hay ngoại giao của Moscow đối với Kiev.

Tiếp tục những liên minh kiềm chế Trung Quốc

Có một nước đang theo dõi sát sao những diễn biến quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là những cam kết an ninh mà Mỹ đưa ra xung quanh vấn đề Ukraine: đấy là Trung Quốc. Bởi vì cho dù sự so sánh là khập khiễng, Trung Quốc hết sức quan tâm đến giá trị những cam kết an ninh mơ hồ của Mỹ đối với Đài Loan.

Trong năm 2021, Mỹ đã nhiều lần điều hạm đội tàu tác chiến đi qua eo biển Đài Loan trong các chuyến đi thường lệ, động thái thường xuyên dẫn tới phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc.

Nhưng, sự căng thẳng trong đối đầu Trung-Mỹ trong năm vừa qua không giới hạn trong vấn đề Đài Loan.

Năm 2021 đã chứng kiến chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục triển khai một chiến lược nhất quán là tái lập các thiết chế liên minh đã bị tổn hại dưới thời cựu Tổng thống Trump, đồng thời phục hồi và tăng cường năng lực của những cơ chế có thể đóng vai trò kiềm chế Trung Quốc như Bộ Tứ kim cương Mỹ-Nhật-Australia-Ấn Độ.

Một bước tiến dài trên con đường tạo lập liên minh do Mỹ cầm đầu để tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc là sự ra đời thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS gồm Mỹ-Anh-Australia, theo đó lần đầu tiên sau 53 năm, Mỹ lại chia sẻ công nghệ hạt nhân cho một đối tác không có vũ khí hạt nhân là Australia. Thỏa thuận này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, mở ra khả năng phổ biến công nghệ hạt nhân rộng rãi, phá vỡ những nguyên tắc đã giúp cho thế giới tương đối ổn định trong suốt mấy chục năm qua.

Trong năm 2022, xu hướng tập hợp liên minh để kiềm chế Trung Quốc này của Mỹ còn tiếp tục, trong đó vai trò của NATO sẽ lớn dần lên khi Mỹ luôn mong muốn tổ chức này có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg không chỉ một lần tuyên bố sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành “thách thức” đối với NATO.

Tuy nhiên, do hầu hết các nước thành viên NATO cũng đồng thời là thành viên của EU, vốn có mối quan hệ với Trung Quốc nên khả năng NATO có những bước đi mạnh bạo theo chiều hướng chống Trung Quốc trực diện là điều khó xảy ra.

Mất đi đối thủ chính trong Chiến tranh Lạnh là Liên Xô, trong khi mối đe dọa khủng bố không thể xảy ra đồng thời ở tất cả 29 thành viên, lại mang tính nhỏ lẻ, linh hoạt nên NATO không thể hành động tập thể để chống lại mối nguy này.

Do vậy, thổi phồng nguy cơ Trung Quốc để hợp lý hóa sự tồn tại của NATO vẫn là khuynh hướng chủ yếu trong hoạt động của tổ chức này năm 2022.

Một thiết chế khác nhiều khả năng cũng sẽ được Mỹ huy động để sử dụng trong năm 2022 với mục tiêu cao nhất là gây thêm sức ép với Trung Quốc là Liên minh Ngũ nhãn, gồm Mỹ, Anh, New Zealand, Australia và Canada, một liên minh chia sẻ thông tin tình báo được coi là mạnh nhất thế giới hiện nay. Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng liên minh này không chỉ giới hạn trong địa hạt thông tin tình báo mà mở rộng, phối hợp trong các vấn đề công nghệ cao, ý thức hệ và an ninh, hình thành sức ép chiến lược trên nhiều phương diện chống Trung Quốc.

Washington đẩy Moscow và Bắc Kinh lại gần nhau

Rõ ràng, quá trình cạnh tranh mang tính đối kháng trong quan hệ giữa Mỹ với Nga, giữa Mỹ với Trung Quốc trong năm 2021 sẽ định hình những gì sẽ diễn ra trong năm 2022.

Việc Mỹ chú trọng vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, trong khi về cơ bản không điều chỉnh các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc được thực hiện từ thời ông Trump, đương nhiên buộc Nga và Trung Quốc tìm kiếm đồng minh ở nhau, ngõ hầu có thể hạn chế được những sức ép ghê gớm từ Washington.

Trong cuộc họp báo cuối năm 2021, Tổng thống Nga Putin cũng nhiều lần nhắc đến Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối tác ưu tiên, nhấn mạnh Moscow mong muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc nhằm ổn định tình hình khu vực. Có điều, ông Putin không nói thẳng ra là mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc phát triển theo chiều hướng nào tùy thuộc khá nhiều vào... Mỹ, hay nói đúng hơn là phụ thuộc vào những nỗ lực chống cả Nga và Trung Quốc của Mỹ.

Về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc từng tồn tại tâm lý cảnh giác lẫn nhau, xuất phát từ những bất đồng trong quá khứ, kể cả sự cạnh tranh giữa hai bên ở khu vực Trung Á. Tuy nhiên, sức ép từ Washington đã đẩy Moscow và Bắc Kinh lại gần nhau hơn bao giờ hết kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15-12-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả mối quan hệ song phương giữa hai bên là “một mô hình hợp tác thực sự trong thế kỷ XXI”.

Cả Nga và Trung Quốc đều có lập trường tương tự nhau đối với chính quyền Taliban ở Afghanistan sau khi Mỹ vội vã rút quân khỏi nước này trong năm 2021. Nhưng, sự hợp tác giữa Bắc Kinh với Moscow trong năm 2022 sẽ không giới hạn ở một quốc gia như Afghanistan mà mang tầm chiến lược hơn, trên tất cả các lĩnh vực thương mại, dầu mỏ và khí đốt, tài chính, hàng không, vũ trụ, cũng như những dự án chiến lược lớn khác.

Không loại trừ khả năng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Trong 3 năm liên tiếp, quân đội Trung Quốc đều tham gia các cuộc tập trận quân sự cấp chiến lược hằng năm của Nga, như Vostok-2018, Tsentr-2019 và Kazkaz-2020. Tháng 8-2021, hơn 10.000 binh sĩ của Nga và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung tại căn cứ huấn luyện chiến thuật phối hợp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc trong một động thái mà Bắc Kinh cho là thể hiện sự hợp tác sâu sắc giữa quân đội hai nước.

Đến tháng 10 cùng năm, hải quân 2 nước tiếp tục tiến hành tập trận ở vùng biển Nhật Bản. Trong năm 2022, những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng của hai nước chắc chắn sẽ còn tiếp tục, gửi đi một thông điệp không thể nhầm lẫn: hai nước sẽ tăng cường hợp tác để ứng phó với những sức ép của Mỹ và phương Tây.

Cuộc chơi của những “tay to” - các siêu cường như Mỹ, Nga, Trung Quốc - sẽ luôn định hình cơ bản diện mạo đời sống chính trị thế giới và điều đó không là ngoại lệ trong năm 2022.

Yên Ba
.
.