Mỹ - Nhật - Hàn: Tam giác chiến lược Đông Bắc Á

Thứ Hai, 28/02/2022, 09:18

Trong nỗ lực làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đồng minh, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã có những cách tiếp cận mới đầy nỗ lực trong thời gian qua, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc Á.

Ưu tiên mới

Cuộc gặp tại Hawaii từ 12 đến 13-2 vừa qua giữa ngoại trưởng 3 nước Mỹ - Nhật - Hàn không phải là lần đầu tiên các nhà ngoại giao hàng đầu của 3 nước gặp nhau kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền tháng 1-2021. Bản tuyên bố chung được công bố sau đó không đưa ra thêm những thông tin mới đáng chú ý nào nhưng nếu nhìn vào thời điểm diễn ra cuộc gặp này, chúng ta sẽ thấy nó rất đặc biệt.

Từ đầu năm 2022 tới nay, không hề thấy bóng dáng của những nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ tại Ukraine, nơi mà người Mỹ liên tục đưa ra những cảnh báo về một cuộc chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Những thông tin được đưa ra chỉ đến từ Nhà Trắng, nơi cách xa "khu vực nguy hiểm" hàng chục ngàn km. Những động thái ngoại giao đáng chú ý nhất của chính quyền Mỹ trên thực địa lại là rút các nhân viên của mình về nước. Rõ ràng, bằng cả lời nói lẫn hành động, người Mỹ đang không dành sự lưu tâm cho vấn đề ở Ukraine hơn một khu vực khác. Cụ thể ở đây là Đông Bắc Á.

Mỹ - Nhật - Hàn: Tam giác chiến lược Đông Bắc Á -0
Cuộc gặp ngoại trưởng 3 nước tại Hawaii diễn ra trong bối cảnh đặc biệt.

Khu vực Đông Bắc Á quan trọng với Mỹ như thế nào?Hãy nhìn vào hai đồng minh của họ trong khu vực này, đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù là hai cường quốc hàng đầu thế giới nhưng trong 70 năm qua, hai quốc gia này luôn sống dưới cái ô bảo vệ của quân đội Mỹ. Sự "bảo vệ" đó giúp hai quốc gia này tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, đồng thời cũng biến hai quốc gia này trở thành "căn cứ" quan trọng giúp Mỹ gây ảnh hưởng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ càng trở nên quan trọng hơn nữa khi Nhật Bản và Hàn Quốc nằm ngay cạnh đối thủ chiến lược của nước Mỹ trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc.

Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, song song với việc chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt kể từ khi chính quyền ông Biden khẳng định Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, cũng là lúc Mỹ định vị lại vai trò của các đồng minh Đông Bắc Á với mình. Chính vì vậy, kể cả khi châu Âu đang "đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh" thì ưu tiên của nước Mỹ vẫn là củng cố quan hệ đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á, nơi giữ vị trí "mũi nhọn chiến lược" nhắm vào đối thủ Trung Quốc.

Tam giác chiến lược

Nếu so với các đồng minh khác trong khu vực thì Nhật Bản, Hàn Quốc coi trọng mối quan hệ với Mỹ hơn nhiều. Việc tồn tại, phát triển lâu dài dưới sự "bảo đảm an ninh" của quân đội Mỹ là một tiền đề hết sức quan trọng đối với họ.

Ngược lại, Mỹ cũng coi trọng hai đồng minh vì sức mạnh mà họ sở hữu. Là hai quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt trội trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đương đầu tốt với những sức ép kinh tế, chính trị từ mọi đối thủ. Năng lực phát triển nền công nghiệp quốc phòng của cả hai nước cũng ở trình độ rất cao.Trong những năm gần đây, cả hai nước đều gia tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt là Nhật Bản - với mục tiêu tái lập Bộ Quốc phòng. Trong khi đó Hàn Quốc đang có những bước phát triển vượt trội về công nghệ quốc phòng, vươn lên thành một trong 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong 5 năm qua. Năng lực kinh tế quốc phòng này chính là nguồn lực lớn nhất trong khu vực có thể bổ sung cho người Mỹ trong trường hợp họ cần sự hỗ trợ.

Một trong những lý do quan trọng để Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng đứng bên cạnh Mỹ trong những diễn biến căng thẳng của khu vực chính là vị trí độc lập của hai quốc gia trong khu vực. Nằm tách biệt ở Đông Bắc Á, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những khúc mắc trong quan hệ với các quốc gia lân cận là Nga, Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc hay tiến trình phục hồi ảnh hưởng của nước Nga đã khơi lại những tranh chấp có tính lịch sử với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nước Mỹ gần như là chỗ dựa duy nhất trong trường hợp tình hình khu vực trở nên căng thẳng gây bất lợi cho họ. Ngược lại, chính vị trí địa lý của Nhật Bản, Hàn Quốc gần với cả Trung Quốc và Nga đã giúp cho nước Mỹ có được ưu thế lớn, khi có thể duy trì lực lượng quân đội thường trực đóng trên lãnh thổ các đồng minh này.

Vị trí địa lý, mối quan hệ lịch sử cũng như hoàn cảnh hiện tại kéo Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc ngày càng xích lại gần nhau hơn.Đây là mối quan hệ có tính chiến lược quan trọng đối với cả 3 bên, rộng khắp ở các mặt kinh tế - chính trị - quốc phòng.

Mỹ - Nhật - Hàn: Tam giác chiến lược Đông Bắc Á -0
Hợp tác quân sự là một phần quan trọng trong chiến lược phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh Đông Bắc Á.

Siết chặt các mối dây

Dù vậy, cũng không phải là không có những vấn đề nảy sinh tranh cãi trong quá khứ.

Nhiệm kỳ 4 năm của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm sứt mẻ mối quan hệ đồng minh - đối tác trên toàn thế giới nói chung và khu vực Đông Bắc Á nói riêng. Trong nỗ lực tái kết nối với các đồng minh, chính quyền của ông Biden hiện tại phải xoa dịu được những bất an này, để đảm bảo Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn luôn tin tưởng vào sự "hỗ trợ" của Mỹ khi cần thiết. Không những thế, trong một chiến lược lớn hơn, nước Mỹ sẽ cần Nhật Bản, Hàn Quốc ở những vai trò đầu tàu. Mỹ đang muốn gia tăng cả vai trò cũng như trách nhiệm của Nhật - Hàn trong những vấn đề khu vực. Chính vì thế, chỉ một ngày sau khi công bố "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa" ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ lập tức bay tới Hawaii để gặp hai người đồng cấp của mình, đồng thời đưa ra bản tuyên bố chung thể hiện sự thống nhất của cả 3 bên.

Bên cạnh đó, trong mối quan hệ song phương giữa các nước cũng tồn tại những khúc mắc. Nhật Bản với Hàn Quốc trong một thời gian đã khá căng thẳng vì cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thường xuyên ghé thăm đền Yasukuni, nơi thờ những sĩ quan Nhật bị từ hình vì tội ác trong Thế chiến 2. Hiện nay chính quyền mới của Thủ tướng Kishida Fumio đã giảm bớt mức độ của những lần thăm viếng này giúp cho tình hình được xoa dịu. Những tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản với Hàn Quốc được khơi mào từ năm 2019 cũng đang được giải quyết, với Mỹ đứng ra làm trọng tài. Dù vẫn vướng phải những vấn đề để lại từ lịch sử nhưng mối quan hệ Nhật - Hàn khó có thể căng thẳng hơn nữa.

Ở chiều ngược lại, Mỹ và Nhật đang có những động thái ủng hộ Hàn Quốc mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Mới đây, chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ vô điều kiện Triều Tiên trong khó khăn. Trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp tại Hawaii đã lắng nghe những đề xuất mới của Hàn Quốc để thúc đẩy lại tiến trình đàm phán giữa các bên.Đây là những bước đi rất cụ thể của cả 3 nước nhằm thắt chặt lại quan hệ.

Nước Mỹ đang dành nhiều ưu tiên hơn cho những đồng minh ở châu Á trong thời gian gần đây. Đặc biệt, khác với chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump chỉ nhắm tới những cuộc đối thoại song phương và bỏ qua sự phối hợp đồng minh thì ông Biden khuyến khích những cuộc đối thoại 3 bên để tăng cường kết nối như hiện nay. Đây là điểm mới trong cách tiếp cận vấn đề của nước Mỹ.

Sau cuộc gặp 2 ngày tại Hawaii, bản tuyên bố chung do ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước trong việc tìm hướng giải quyết những "thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI". Những thách thức đó là gì, theo lập trường của Mỹ, có lẽ cũng không quá khó hình dung.

Tử Uyên
.
.