Muộn, còn hơn không
Ngày 18/8, Tập đoàn Thông tin năng lượng (Energy Intelligence Group) bình luận: Nước Mỹ đang tìm cách giành lại ảnh hưởng và quyền kiểm soát ở Trung Đông, sau một quãng thời gian hạ cấp sự ưu tiên dành cho khu vực này, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Đó là một động thái tất yếu. Tuy nhiên, dường như đến thời điểm hiện tại, Washington có lẽ đã khá “chậm chân”, so với các “kình địch” của mình, như Bắc Kinh hay Moscow.
1. Ngày 9/8, tờ Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal/WSJ) đưa tin: Saudi Arabia và Israel đã nhất trí được “các điều khoản khái lược” cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương, với vai trò trung gian của nước Mỹ và hy vọng sẽ có thể tiến tới ký kết trong vòng một năm.
Dẫn lời một số quan chức Mỹ không nêu tên, WSJ cho biết mặc dù danh sách các vấn đề chưa nhất trí vẫn còn dài, nhưng việc đạt được “các chi tiết cụ thể hơn” cho thỏa thuận này là khả thi.
Vấn đề là, cũng trong bài báo ấy, một thực tế được nhấn mạnh: Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (người từng bị Mỹ và phương Tây công kích dữ dội, liên quan đến vụ nhà báo đối lập cấp tiến Jamal Khasoggi bị sát hại hồi năm 2018) tái khẳng định: Cường quốc lãnh đạo khối Arab Hồi giáo chưa vội ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Chính phủ Israel hiện tại.
Trong khi đó, thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Israel cũng trở nên căng thẳng, sau việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái, cũng như chuyện Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Mới nhất, ngày 19/8, chính quyền Palestine vừa lên tiếng phản đối kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, nhằm hợp pháp hóa các tiền đồn định cư của Israel, tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Diễn biến này vừa đẩy tình trạng căng thẳng Israel - Palestine gia tăng, vừa “làm khó” cho mọi nỗ lực hòa giải, theo cách tiếp cận của Washington, nhằm bảo toàn vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của mình ở “rốn dầu của thế giới”.
Một cách ngắn gọn, cách tiếp cận ấy cũng như chiến lược ấy được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thông qua Kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông và được cụ thể hóa bằng hệ thống Hiệp định Abraham (mà theo đó, các quốc gia Arab Hồi giáo sẽ lần lượt bình thường hóa quan hệ với Israel, thúc đẩy hợp tác phát triển, đánh đổi bằng sự phớt lờ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhân dân Palestine).
Cho đến nay, đã có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), Morroco, Bahrain và Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel, theo Hiệp định Abraham. Tuy nhiên, Saudi Arabia - “anh cả” thế giới Arab Hồi giáo - vẫn còn chưa thể hoàn toàn bị thuyết phục. Bởi vậy, tầm ảnh hưởng của nước Mỹ ở Trung Đông cũng vẫn còn chưa thể được tái củng cố một cách vững chắc tương đối.
Điều đáng lo ngại nữa, như tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) chỉ ra ngày 9/8: Saudi Arabia và Israel chỉ còn khoảng 6-9 tháng nữa để thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận, trước khi Mỹ bước vào giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2024.
Nghĩa là, nói cách khác, đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ còn chừng ấy thời gian, nhằm tạo nên một thành tựu đối ngoại nữa, như “dấu ấn nhiệm kỳ” - vốn liếng quan trọng để chuẩn bị cho cuộc so kè mới với đảng Cộng hòa.
2. Saudi Arabia là một “đột phá khẩu” mà Washington bắt buộc phải chinh phục.
Như chuyên gia Kristian Coates Ulrichsen (Viện Baker thuộc Đại học Rice) đánh giá: Việc tái thiết lập mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia có thể giúp "kìm hãm" mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Trung Quốc đang ngày càng phát triển, trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn, với việc nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran do Bắc Kinh làm trung gian hồi đầu năm (mà nước Mỹ chỉ còn là “kẻ ngoài rìa”).
Ông cũng nhận xét: Toan tính của Washington dường như xoay quanh việc làm thế nào để "lôi kéo" Saudi Arabia trở lại với "trật tự thế giới cũ" do Mỹ lãnh đạo, sau khi Saudi Arabia đưa ra quan điểm không liên kết hơn, hợp tác với cả Nga, Trung Quốc và Mỹ trong một thế giới ngày càng đa cực. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố sự hiện diện an ninh của Mỹ xung quanh các điểm trung chuyển dầu mỏ và tuyến đường thương mại quan trọng.
Minh chứng cho luận điểm này, trong thực tế, kể từ hồi tháng 5/2023, nước Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Saudi Arabia, Ấn Độ và U.A.E về một dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn. Dự án sẽ bao gồm một mạng lưới đường sắt giữa các quốc gia Vùng Vịnh và Arab, được kết nối với Ấn Độ thông qua các tuyến đường vận chuyển từ các cảng trong khu vực, nhằm "thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Trung Đông an toàn và thịnh vượng hơn kết nối với Ấn Độ và thế giới", như Nhà Trắng hứa hẹn. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, như vậy, là một công cụ hiện thực hóa chiến lược của Washington đối với Trung Đông, bên cạnh các chính sách ngoại giao cũng như đầu tư kinh tế.
Song, những sóng gió trong dòng chảy thời sự quốc tế thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền Đông Ukraine bùng nổ, song song với sự trỗi dậy mãnh liệt của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong xu thế đa cực hóa - toàn cầu hóa đang khiến các “ý tứ” mà Washington “để ngỏ” với Riyadh càng lúc càng mang nhiều dáng dấp của một dạng “nhiệm vụ bất khả thi”.
3. Vào lúc này, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang cố gắng làm mọi cách để chứng tỏ với Saudi Arabia nói riêng và khối Arab Hồi giáo nói chung, rằng không một đối tác nào có thể so sánh, đáng tin cậy và thay thế được họ, dù là Moscow hay Bắc Kinh.
Thậm chí, trước những lo ngại từ thông tin tình báo của Riyadh (về mối đe dọa mang tên Iran đối với Saudi Arabia) vào mùa thu năm ngoái, Mỹ đã triển khai các máy bay F-22 đến khu vực. Gần đây hơn, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện hải quân ở Vùng Vịnh, đồng thời cân nhắc đưa lực lượng thủy quân lục chiến có vũ trang lên tàu thương mại để đề phòng việc bị Tehran bắt giữ. Đó cũng là một nước cờ “vạch ranh giới” khéo léo, bởi ai cũng biết, Iran chính là đồng minh truyền thống và khăng khít của nước Nga tại Trung Đông.
Tuy nhiên, những động thái này không (hoặc chưa) thể lập tức xóa nhòa được những vết rạn trong quá khứ gần, kể từ năm 2018. Không chỉ sự vụ Khasoggi, mà trước đó, có lẽ do quá tự tin vào khả năng sản xuất dầu đá phiến, Nhà Trắng đã tỏ ra tương đối “hờ hững” với “các bằng hữu” Trung Đông để tập trung nguồn lực “xoay trục” sang các khu vực khác trên thế giới, từ đó tạo nên những sức phản chấn tiêu cực.
Trung Quốc đã rất nhanh chóng tận dụng tình hình lạnh nhạt này. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Saudi Arabia đạt 45 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch COVID-19. Ngược lại, xuất khẩu của Mỹ sang quốc gia này giảm từ 19 tỷ USD năm 2015 xuống 11,5 tỷ USD năm 2022. Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư chủ chốt về cơ sở hạ tầng viễn thông, năng lượng mặt trời và công nghệ cao cho Saudi Arabia.
Bên cạnh Bắc Kinh, Moscow cũng không ngừng khuếch trương tầm ảnh hưởng, siết chặt mối quan hệ với Riyadh, thông qua công cụ tối thượng: Lợi ích kinh tế.
Tất cả chúng ta đều đã thấy, và chưa ai quên, cách Saudi Arabia, trong vai trò lãnh đạo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), kiên quyết nói không với mọi lời đề nghị tăng sản lượng khai thác từ Mỹ và phương Tây (nhằm hủy hoại và triệt tiêu quốc lực của nước Nga - vốn dựa rất nhiều trên lĩnh vực xuất khẩu dầu khí; cũng như nhằm giảm thiểu các tác động ghê gớm của cuộc khủng hoảng năng lượng khiến phương Tây chao đảo). Lý do, thật đơn giản: Cùng Nga và các đối tác của OPEC (được gọi là OPEC+), khi cắt giảm sản lượng và thu hẹp nguồn cung, Saudi Arabia nắm trong tay quyền giữ giá dầu ở mức cao - điều tỷ lệ thuận với cả lợi nhuận lẫn “trọng lượng của lời nói” ở bất cứ diễn đàn nào.
Muốn thuyết phục Riyadh “mặn nồng” trở lại, qua đó duy trì tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích cốt lõi của mình tại Trung Đông, Nhà Trắng có lẽ cần phải đưa ra được những sự “mời gọi” hấp dẫn hơn thế.
Song, hiện tại, ngay cả những gì mà Saudi Arabia đòi hỏi như: Một đề nghị từ Israel thúc đẩy các kế hoạch thành lập nhà nước Palestine độc lập đúng nghĩa; một hiệp ước an ninh vững chắc với Mỹ, đi kèm khả năng tiếp cận các loại vũ khí tiên tiến hơn; đồng thời, Saudi Arabia muốn nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong chương trình hạt nhân dân sự, theo các điều khoản của Riyadh, đồng nghĩa quyền tự chủ của Saudi Arabia đối với toàn bộ chu trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân, điều mà từ lâu cả Mỹ lẫn Israel phản đối - cũng đã cực kỳ khó đáp ứng, từ phía Nhà Trắng.
Có thể nói, việc phung phí quá nhiều thời gian cũng như cơ hội trong quá khứ gần, để hàn gắn những mối dây liên hệ với Saudi Arabia và khối Arab Hồi giáo, đang khiến nước Mỹ cũng như phương Tây bắt đầu phải trả giá. Năm ngoái, họ không thể ép Riyadh quay lưng với Moscow để tăng sản lượng khai thác dầu thô. Năm nay, Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Iran, với dấu ấn trung gian đậm nét từ Bắc Kinh. Gần đây, Saudi Arabia ngỏ ý gia nhập BRICS, tổ chức đang trên đường trở thành BRICS+ và trở thành đối trọng với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), về cả kinh tế lẫn địa chính trị. Trung tuần tháng 8/2023, Saudi Arabia cũng đã bổ nhiệm đại sứ không thường trú tại Palestine.
Như chuyên gia Ulrichsen nhận định, Riyadh không chấp nhận “chọn phe”. “Họ sẽ không đưa ra lựa chọn đó. Họ đã nói rất rõ ràng, bao gồm cả việc xác định lập trường trong cuộc xung đột ở Ukraine. Thay vào đó, trong trật tự thế giới mới đa cực, các quốc gia như Saudi Arabia sẽ tìm cách duy trì các mối quan hệ song song - với Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác. Washington sẽ cần phải nỗ lực để giành ảnh hưởng”, ông nhấn mạnh.
Đã khá “trễ tràng” nhưng nước Mỹ cũng không được phép lựa chọn buông tay...