Mục tiêu nước phát triển

Thứ Ba, 10/01/2023, 07:41

Đến năm 2030, nhân 100 năm thành lập Đảng, nền kinh tế nước ta sẽ thế nào? Và, năm 2045, nhân 100 năm thành lập nước, quy mô, diện mạo đất nước ta khi đó ra sao, đã có thể “sánh vai” cùng các nước phát triển trong khu vực và châu lục hay không? Những mục tiêu tổng quát và cụ thể về hai mốc hướng đến nói trên đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đánh giá, CNH, HĐH là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011-2020), CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

2.jpg -0
Một khu đô thị mới ở Hà Nội với quy mô hiện đại, tiện ích. Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm, có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện. Năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài...

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại chủ yếu là do: Nhận thức, lý luận, mô hình, mục tiêu, tiêu chí về CNH, HĐH còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa sát thực tiễn, còn chủ quan, duy ý chí; chưa có nghị quyết chuyên đề của Ðảng về CNH, HĐH đất nước. Chưa xác định rõ trọng tâm ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả...

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước... Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng CNH và đẩy mạnh HĐH toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Thực tế, kể từ sau đổi mới, chúng ta cũng từng đặt ra mục tiêu phát triển với tầm nhìn trên 20 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: Thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn CNH, HĐH. Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”.

Mô hình nước công nghiệp được vạch ra là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay.

Nhìn lại chặng đường kể từ sau Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, CNH, HĐH vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn trở thành nước công nghiệp được nhìn nhận lại. Từ năm 1996 tới trước Đại hội XII, qua 4 kỳ Đại hội Đảng, mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chiến lược xuyên suốt, nhất quán. Thế nhưng, đến 2016 thì mục tiêu đã có sự điều chỉnh. Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được sử dụng nhằm điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian. Và, thực tế, mốc 2020 chúng ta đã chưa đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nay, theo Nghị quyết 12, có thể thấy mục tiêu 2020 được lùi đến 2030 “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp”, đồng thời bổ sung thêm những tiêu chí cụ thể.

Với mục tiêu 2030 cũng chỉ còn 8 năm. Đó là khoảng thời gian chúng ta có thể tính toán được với tốc độ tăng trưởng như dự báo và theo chu kỳ. Do đó, những chỉ tiêu cụ thể đến 2030 đã được đưa ra rất rõ. Với nền kinh tế hiện tại và những nội lực nếu được khai thông, những “nút thắt” nếu được tháo gỡ thì những chỉ tiêu đề ra đến 2030 là khả thi. Tuy nhiên, với tầm nhìn đến 2045, từ nay tới mốc đó còn 23 năm, Nghị quyết chưa đưa ra những chỉ tiêu cụ thể mà khái quát ở cụm từ “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”.

Tuy nhiên, từ “cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp” đến “nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp hàng đầu châu Á” là một khoảng cách lớn, trong khi quỹ thời gian cho tiến trình đó là 15 năm. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, bứt phá mạnh mẽ cùng những yếu tố thuận lợi từ môi trường ổn định, phát triển trong khu vực và thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP danh nghĩa năm 2021 của Indonesia dẫn đầu trong nhóm các nước thuộc khối ASEAN, đạt khoảng 1.150 tỷ USD. Xếp thứ 2 là Thái Lan với GDP đạt khoảng 546 tỷ USD. Philippines đứng thứ 3 với GDP khoảng 386 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ 4 là Singapore với GDP khoảng 379 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 368 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực. Malaysia giữ vị trí thứ 6 với GDP khoảng 358 tỷ USD. Nhìn khoảng cách giữa Philippines, Singapore với Việt Nam là không quá xa, do đó trong những năm tới, Việt Nam có thể vượt lên hai quốc gia này để đứng thứ 3 trong khu vực.

Căn cứ theo cơ sở dữ liệu của IMF, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 dự báo có thể đạt 4.160 USD, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN-5 bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia. Tuy nhiên, việc nâng GDP bình quân đầu người vẫn là thách thức lớn. Việt Nam từ năm 2008 đã đạt ngưỡng 1.000 USD/người/năm, đến nay tăng đều hằng năm nhưng luôn nằm trong giới hạn thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, nếu đạt thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD thì vẫn nằm trong “bẫy thu nhập trung bình”. Liệu nước ta có thể vượt qua để đạt khoảng 13.000 USD/người vào năm 2040 và cao hơn nữa vào 2045?

Một ví dụ cho thấy, để từ nước có thu nhập trung bình thành nước thu nhập cao, tăng trưởng GDP bình quân của Hàn Quốc trong vòng 20 năm liền đều đạt 9%/năm. Với Việt Nam, giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,56%/năm; giai đoạn 2001-2010, đạt 7,26%/năm và giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 5,95%/năm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu CNH. Nếu không cải cách, tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, nguy cơ Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về năng suất so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” là khá lớn.

Tuy nhiên, lẽ nào vì đường dài sợ khó mà chùn chân? Việc đặt ra những chỉ tiêu, mục tiêu nêu trên vừa để phấn đấu đạt tới, vừa thể hiện khát vọng vươn lên, đòi hỏi có các bước đột phá để tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển. Muốn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao đòi hỏi phải dựa vào khả năng tự lực, tự cường của các doanh nghiệp trong nước, làm chủ nền kinh tế và có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài.

Đăng Trường
.
.