Mục tiêu GDP bình quân đầu người 7.500 USD

Thứ Hai, 12/12/2022, 13:05

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 29, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2030, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn...

Về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; đạt khoảng 260 sinh viên trên một vạn dân. Phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%. Xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Mục tiêu GDP bình quân đầu người 7.500 USD -0
Thu nhập bình quân của người lao động nước ta tiếp tục tăng. Đồ họa: Tổng cục Thống kê

Một trong những chỉ số quan trọng là phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so hiện nay. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 là 3.694 USD/người. Ước tính GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 là 3.869 USD/người. Biểu đồ GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 1985-2021 cho thấy, chỉ số GDP bình quân đầu người đạt đỉnh cao nhất vào năm 2022 là 3.869 USD/người (ước tính) và năm có giá trị thấp nhất là 1989, chỉ 94,5 USD/người. Năm 1989, GDP bình quân đầu người thấp kỷ lục, kém xa chỉ số năm 1985 - thời điểm trước đổi mới. Trong giai đoạn 2006-2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo USD giá hiện hành đã tăng gần 371% (tăng gần 5 lần). 

Trong năm 2021, theo dữ liệu IMF, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có quy mô GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới với 22.940 tỷ USD, GDP bình quân đầu người của Mỹ đạt 69.375 USD, xếp thứ 5 thế giới. Xếp ngay sau Mỹ về quy mô GDP là Trung Quốc với GDP danh nghĩa đạt khoảng 16.863 tỷ USD, còn GDP bình quân đầu người đạt khoảng 11.891 USD, xếp thứ 64 trên thế giới. Năm 2021, GDP Việt Nam đạt khoảng 368 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực và thứ 41 trên thế giới. Xét về GDP bình quân đầu người, Singapore là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 66.263 USD, xếp thứ 8 thế giới. Xếp sau Singapore về GDP bình quân đầu người là Brunei (xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và xếp thứ 31 thế giới với GDP bình quân khoảng 33.979 USD). Xếp thứ 3 là Malaysia với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 11.125 USD, xếp thứ 69 thế giới. Thái Lan đứng thứ 4 với GDP bình quân đạt khoảng 7.809 USD, xếp thứ 85 thế giới. Đứng ở vị trí thứ 5 là Indonesia với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.225 USD, xếp thứ 117 thế giới. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 3.743 USD, đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 124 thế giới. Kế đó là Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa GDP bình quân đầu người với thu nhập bình quân đầu người, trong khi hai khái niệm này là khác nhau. Thu nhập bình quân đầu người một tháng bằng tổng thu nhập trong năm của một hộ chia cho số nhân khẩu bình quân năm của hộ và chia cho 12 (tháng). Còn GDP bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia trong năm chia cho dân số trung bình trong năm tương ứng. Trên thực tế, mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với GDP bình quân. Thu nhập bình quân đầu người là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất thể hiện rõ thành tựu về kinh tế của bất cứ địa phương hay quốc gia nào trên thế giới. Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người cả nước năm 2020 đạt khoảng 4,25 triệu đồng/người/tháng, trong đó Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất cả nước (với hơn 7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương cao gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước). Xếp ở vị trí thứ 2 là TP. Hồ Chí Minh với 6,54 triệu đồng/người/tháng và Hà Nội ở vị trí thứ 3 với 6,2 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở các tỉnh miền núi phía Bắc rất thấp, trong đó Điện Biên là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước với 1,821 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 5,388 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (3,486 triệu đồng). So với năm 2020, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ở khu vực thành thị giảm 3,6%, trong khi ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể. Trong khi đó, thị trường lao động quý 3 năm 2022 đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực, thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.

Với sự hồi phục tốt sau COVID-19, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với các dự báo khả quan. Theo phương án 1, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế khoảng 6,34%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030. Nếu nền kinh tế duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm. Phương án 2, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,05%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030. Trong giai đoạn 2031-2050, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nền kinh tế đạt 7,3%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD. Cả hai kịch bản tăng trưởng nêu trên đều đưa kết quả đến năm 2040, Việt Nam sẽ vào nhóm các nước có thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Thu nhập bình quân đầu người cao, tương ứng quy mô kinh tế tăng trưởng tương xứng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á vào năm 2025 với GDP 571,1 tỉ USD, xếp sau Indonesia (1.628,9 tỉ USD) và Thái Lan (632,4 tỉ USD). Khi đó, quy mô kinh tế của Việt Nam vượt qua Malaysia (556,2 tỉ USD), Philippines (523,5 tỉ USD) và Singapore (496,8 tỉ USD). Vào giữa năm 2019, tờ Nikkei Asia Review dẫn báo cáo của DBS Bank (Ngân hàng Phát triển Singapore) nhận định, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong 10 năm tới và vượt qua Singapore về quy mô vào năm 2029.

Cần thấy rằng, thu nhập bình quân đầu người nói trên chỉ là tỷ lệ trung bình, trên thực tế lại phụ thuộc số người lao động và người phụ thuộc trong mỗi hộ gia đình. Lấy mức 6,5 triệu đồng/tháng hiện nay, nếu một gia đình hai vợ chồng đều đi làm thì thu nhập bình quân mỗi tháng là 13 triệu. Nếu gia đình đó nuôi 2 con thì thu nhập thực tế phải chia cho 4, như vậy bình quân đầu người chỉ đạt 3,25 triệu đồng/tháng. Con số này càng nhỏ đi nếu có thêm người phụ thuộc. Trong khi đó, sự chênh lệch giàu nghèo, mức thu nhập giữa các thành phần dân cư ngày càng tăng mạnh. Trên thực tế, nhóm 20% hộ giàu nhất có thu nhập bình quân 9,2 triệu đồng/người/tháng và cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% hộ nghèo nhất). Theo bảng xếp hạng top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại, 10 tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán đang sở hữu lượng vốn hóa khoảng 377.913 tỉ đồng. Không có tính toán cụ thể mức thu nhập hằng tháng của những người này nhưng với số tài chính khổng lồ của từng cá nhân đã cho thấy sự chênh lệch vô cùng lớn nếu biết rằng, tổng nguồn thu ngân sách mỗi năm của một tỉnh phía Bắc như Bắc Kạn chưa đạt 1.000 tỉ đồng!

Để đạt mục tiêu đề ra, Nghị quyết 29 nêu rõ việc đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, các nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước. Và, đương nhiên, để đạt được mục tiêu còn phụ thuộc tác động của các yếu tố khách quan. Tác động suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu hay đại dịch COVID-19 và thiên tai trong thời gian qua là những yếu tố không thể lường, khiến các mục tiêu đề ra trong trung và dài hạn chỉ có tính tương đối.

An Nhi
.
.