Mùa Xuân, hoa Tử Huyền và một tiếng nói mới

Thứ Ba, 25/01/2022, 16:10

Trong thiên truyện “Muối của rừng”, tác phẩm giờ đây đã được đưa vào chương trình Ngữ văn phổ thông mới, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để nhân vật chính, ông Diểu, gã thợ săn "trần truồng" vừa đi vừa khóc giữa đại ngàn lấm tấm mưa xuân.

Thất bại thảm hại khi tấn công bầy khỉ nhưng bù lại, lần đầu tiên, ông Diểu gặp loài hoa tử huyền, "ba chục năm mới nở một lần". Niềm may mắn, duyên hạnh ngộ loài hoa báo hiệu sung túc, thanh bình này chỉ thực có được khi ông Diểu buông bỏ khẩu súng, buông bỏ hoàn toàn mưu đồ chiếm đoạt vẻ đẹp tuyệt mĩ của núi rừng.

1. Truyện ngắn “Muối của rừng” đăng lần đầu trên báo Văn nghệ (số 38, ra ngày 19/9/1987) với minh họa của họa sĩ Thành Chương. Muối của rừng nằm trong mạch chủ đề lớn mà Nguyễn Huy Thiệp từng theo đuổi khi hãy còn là anh giáo vùng cao: viết về núi rừng, hay rộng hơn, về thiên nhiên. Nhưng khác với “Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát” (về sau đổi thành “Những ngọn gió Hua Tát” với chuỗi mười truyện liên hoàn) mang phong vị chuyện cổ dân gian pha lẫn ghi chép dân tộc chí, “Muối của rừng” được chủ ý dàn dựng như một vở kịch gay cấn, giàu cảm xúc mà ở đó hai vai diễn chính bao gồm con người (ông Diểu) và thiên nhiên (bầy khỉ) lần lượt tráo cho nhau tình thế, tính cách, số phận và kết cục.

chang hoang da.jpg -0
Chang hoang dã - Gấu (2020), cuốn sách đạt giải A Giải sách Quốc gia 2021.

Tính chất kịch hóa câu chuyện trên nền khung cảnh núi rừng đang vào độ xuân ấy, có thể nói, là một thủ pháp cao tay của Nguyễn Huy Thiệp để làm mờ đi những lớp nghĩa mà ông tinh tế gài cắm: toàn bộ tổ chức xã hội, nhân tính hay văn hóa, văn minh đều lép vế trước thiên nhiên, bị thiên nhiên bóc mẽ, trừng phạt và xóa vỡ ảo tưởng quyền uy, sức mạnh.

Ông Diểu chọn săn khỉ bởi "loài thú này khôn tựa người". Bắn trúng con khỉ đực, nó "ngã nhào xuống đất nặng nề", ông Diểu "sợ hãi run lên" vì "vừa làm điều ác". Nhưng khi thấy con khỉ cái "hy sinh thân mình" để cứu con khỉ đực, ông Diểu lập tức thấy "căm ghét" bởi đó là thứ hành động "chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả!". Những phức cảm tâm lí, suy nghĩ chồng chéo bắt đầu đẩy ông Diểu vào trạng thái giằng co, nước đôi giữa ham muốn truy sát và tình thương buông bỏ gia đình con khỉ tinh quái. Chẳng đặng đừng, ông Diểu đã chọn cách băng bó, cứu thương cho con khỉ đực, cái cách mà ông tự nhận do người già "dễ mủi lòng". Sau hết, ông dùng nốt "chiếc quần lót" để cầm máu cho con khỉ, và cứ thế, ông "nồng nỗng" vác con vật đi xuyên rừng. Tình thế ông Diểu bị gia đình đàn khỉ dẫn dắt, tước bỏ gần hết những vật dụng vật chất (quần áo, vũ khí) không những bi hài mà còn cho thấy sự thất bại ê chề của con người khi tấn công thiên nhiên. Trước thiên nhiên, ông muốn dạy cho con khỉ một bài học sống mái nhưng rút cuộc, con khỉ, với tất cả những nỗ lực và chiêu trò của nó, đã đáp trả ông đích đáng. Thiên nhiên không dễ dàng khoác chiến công lên ông vai Diểu mà dần rút tỉa sức lực, ý chí lẫn ham muốn thắng đoạt của ông. Thiên nhiên cũng để ông quay lại điểm xuất phát vốn dĩ từng thuộc về con người trước khi sinh vật này tạo dựng xã hội của mình. Ông Diểu "cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi" là hình ảnh sau chót của ông Diểu nhưng cũng có thể hiểu là hình ảnh đầu tiên, khởi nguyên của con người. Hình dáng con người "trần truồng" không mang ý niệm giễu nhại bản chất phi nhân mà chủ yếu nhắm vào việc thừa nhận trong con người, các trạng thái thiên nhiên/tự nhiên vẫn lấp lửng hiện hữu như một dấu nối khó đứt gãy. Chúng cho phép con người, trong nhiều tình huống được hòa mình, thậm chí, được trở thành mình khi trung thực tận đáy với thiên nhiên.

Bản thân sự từ giã thế giới tự nhiên/thiên nhiên của con người thường hàm chứa một vị thế chiến thắng nhưng với nhãn quan lấy thiên nhiên làm trung tâm, Nguyễn Huy Thiệp chất vấn sự tự tin, sức mạnh và hiểu biết của con người. Những gì tạo nên vốn xã hội ở con người thực chất không lý giải hết, không trùng khít với tính cách của tự nhiên. Điều duy nhất ông Diểu giành được ở cuộc đi săn tưởng mĩ mãn ấy là nỗi buồn "tê tái đến tận đáy lòng". Ông buồn vì hiểu rằng "trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề". Hóa ra, con người đã quá ảo tưởng khi nhấc mình khỏi muôn loài, khi đứng trong danh xưng nhân tính để phủ nhận, loại bỏ cầm thú hoang dã. Nhưng nếu đủ tỉnh táo thức nhận về mình, con người xét đến cùng cũng là một sinh thể nhỏ bé, yếu ớt. Con người cần đến và nên thấu hiểu cả sự bất lực, cảm giác thua cuộc, mùi vị của đau đớn như số phận của muôn vật từng chịu đựng thì mới đủ năng lượng bước đến thanh bình, phong túc. Nguyễn Huy Thiệp không xây dựng ông Diểu thành người hùng đánh thắng quái vật (như dân gian đã mơ mộng thêu dệt trong Thạch Sanh chém mãng xà, giết đại bàng), cũng không cho ông cơ hộ trổ tài "bàn tay ta làm nên tất cả" khi đối mặt thiên nhiên khắc nghiệt. Nhà văn đã dừng lại ngay khi con người và thiên nhiên đều cùng bao dung, tha thứ, hài hòa. Đó là một triết lí thâm sâu cho thời chúng ta đang sống.

2. Những năm qua, vấn đề sinh thái môi trường đang dần trở thành tâm điểm trong hiểu biết của giới nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn chương ở Việt Nam. Trong sáng tác, một số tác phẩm có chủ ý hoặc ngẫu nhiên lấy môi trường, thiên nhiên làm đề tài chính để tạo nên dòng mạch văn chương sinh thái (ecoliterature). Trong nghiên cứu, phê bình, có hẳn một "phong trào" vận dụng phê bình sinh thái (Ecocriticism) ngõ hầu xác thực rõ hơn các đóng góp của văn chương khi đối diện các vấn đề gai góc, thời sự của thiên nhiên, môi trường sống. Dẫu hơi muộn màng nhưng văn đàn Việt hôm nay đã không thể cho phép mình đứng ngoài công cuộc rung lên hồi chuông cứu lấy trái đất, thiên nhiên đang dần kiệt quệ.

Tại Giải Sách Quốc gia 2021, có một cuốn sách gây tiếng vang nhưng không hẳn được nhiều người quan tâm văn chương biết đến: “Chang hoang dã-Gấu” (2020) của Trang Nguyễn và Jeet Zdung. Cuốn sách dạng artbook dành cho thiếu nhi này đã đạt giải A, giải cao nhất. Đây là cuốn sách thứ hai của Trang Nguyễn sau “Trở về nơi hoang dã” (2016). Nhiều độc giả yêu thích thứ văn chương "thuần túy" có thể không biết đến hai cuốn sách này bởi chúng, về cơ bản, không hướng đến một kiểu văn chương thêu hoa dệt gấm ngôn từ hay bày biện những câu chuyện ưu thời mẫn thế. Nhưng chính thế giới hoang dã được mô tả, kể lại chân thực, đầy sinh động trong cuốn sách, theo tôi, mới đem đến cho chúng ta một cách nghĩ khác, tiếp cận khác với văn chương hiện giờ.              

Cặp nhân vật chính trong câu chuyện là Chang, một nhà bảo tồn động vật hoang dã và Sorya, con gấu chó bé nhỏ. Chang gặp Sorya ở trung tâm cứu hộ gấu của tổ chức Free The Bears. Lúc đó, Sorya mới được hai tuần tuổi, vừa được giải cứu từ một trại nuôi gấu để lấy mật. Vì còn quá bé và không có mẹ, Sorya không biết cách sinh tồn ở trong rừng. Cô bé gấu này chẳng thể tự tìm thức ăn, nguồn nước và nơi ngủ an toàn. Quyết tâm đưa Sorya trở về với thiên nhiên hoang dã, Chang bắt đầu hành trình làm bạn, làm người đồng hành, người chỉ dẫn Sorya từng bước hồi sinh tập tính giống loài, một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và hiểu biết kĩ càng của nhà bảo tồn. Chang phải trải qua nhiều bước, từ tìm kiếm khu rừng an toàn và nguyên sinh cho đến những ngày tháng dõi theo mỗi bước chân của Sorya rụt rè đặt lên nơi chốn đáng lẽ mình thuộc về từ lâu. Cuối cùng, sau "những tháng mưa tầm tã, những ngày nắng chói chang", lang thang cùng nhau, ngủ cùng nhau, Chang quyết định chia tay Sorya, trả người bạn bé nhỏ về với không gian rộng lớn, bình yên giờ đây mở ra trước mắt. Khoảnh khắc rời xa Sorya khiến Chang rơi nước mắt hạnh phúc, bởi hơn ai hết, Chang hiểu rằng Sorya đang trở lại thiên đường của mình. Động vật hoang dã vốn dĩ thuộc về tự nhiên, tự do và chỉ trong tự do, chúng mới tuyệt đối đẹp và hạnh phúc.  

 Hành trình trở về thế giới hoang dã và tự do của Sorya, tự nó, đối lập hoàn toàn với nạn buôn bán, săn bắt và nuôi nhốt gấu để lấy mật. Hành trình đó cũng phơi bày thực trạng đau lòng về nạn phá rừng, hủy hoại môi trường tự nhiên, những cánh rừng "bị người dân đốt để làm nơi trồng lúa và ngô", làm thủy điện, lâm tặc chặt phá hoặc bị "san trụi, trở thành công trường để xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, sân golf, sở thú và khu giải trí cho con người". Trong khi động vật quí hiếm ngày càng ít đi hoặc tuyệt chủng, hành trình thành công của Sorya tựa như phép màu, không chỉ vì một con gấu chó được sống lại tập tính, mà quan trọng hơn, nó tạo nên cảm hứng, niềm tin lớn về một kết thúc có hậu trong mối quan hệ giữa con người và động vật. Đã đến lúc con người, mà Chang trong cuốn sách là gương mặt tiên phong, cần biết cách ứng xử bằng hữu hơn với loài vật, với thế giới tự nhiên, nơi sự hiện hữu của mỗi loài nói lên phần nào chất lượng nhận thức và hành động của chính con người. Càng thể hiện tình yêu thương và lối sống tôn trọng thế giới hoang dã, con người mới không rơi vào bi kịch đơn độc mãi mãi, nếu một khi hành tinh mất dần đa dạng giống loài.

3. Dĩ nhiên, mọi phép màu chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng giữa con người và thiên nhiên không nằm trong trí tưởng tượng mà thuộc về những hành động cụ thể. Điều đó càng thúc đẩy văn chương hôm nay bớt đi sự vội vàng, lãng mạn thêu dệt tình yêu môi trường. Nó cần nỗi lòng hi vọng, đồng thời cũng cần những đề đạt, bàn luận có tầm viễn kiến của nhà văn để gợi mở cách con người, thiên nhiên cùng bao dung, thông hiểu và cộng sinh.

Con người sẽ vơi bớt cảm giác dằn vặt, day dứt khi chú gấu Sorya về được nơi cội nguồn rừng xanh núi thẳm của mình, và ngược lại, những bước chân hoang dã sẽ vẫn tự do, bình yên nếu con người vẫn được bảo bọc, chở che dưới mái nhà mẹ Thiên nhiên vĩ đại.

Mai Anh Tuấn
.
.