MSC 2024: Xác lập một trật tự mới

Thứ Ba, 27/02/2024, 15:20

“Thế giới của chúng ta đang phải đối diện rất nhiều thách thức hiện hữu và phát sinh, nhưng cộng đồng toàn cầu lại đang bị chia rẽ sâu sắc hơn bất cứ lúc nào, trong suốt 75 năm qua”, đó là phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 tại Đức (MSC), ngày 16/2.

Do đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của “một trật tự toàn cầu phù hợp với lợi ích của tất cả mọi người”. Song, trên thực tế, không đợi đến tận lúc này, lộ trình tái định hình và xác lập trật tự toàn cầu mới đó đã bắt đầu diễn ra, từ cả một thập kỷ.

“Cùng thua”

“Cùng thua” (Lose-lose), trái ngược với khái niệm “Cùng thắng” (Win-Win) vẫn luôn được nhắc đến trước đây, là chủ đề của MSC năm nay.

Đó cũng là tiêu đề Báo cáo an ninh thường niên 2024 của MSC. Trong đó, hằn sâu những quan ngại về việc căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, trong khi nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Thay vào đó, theo quan điểm của nhóm tác giả, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.

MSC 2024: Xác lập một trật tự mới -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề MSC 2024, ngày 16/2.

Đến ngày 18/2, khi MSC 2024 bế mạc, sau 3 ngày hội nghị với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, hơn 900 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, hơn 100 bộ trưởng cũng như đại diện của các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, tình trạng chia rẽ vẫn cứ được thể hiện vô cùng đậm nét.

Đơn cử, tại MSC 2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và đảm bảo viện trợ cho Ukraine. Song song, ở một sự kiện liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy dự án xây dựng một nền quốc phòng chung. Bà cho biết: “Sáng kiến lập một bộ phận chuyên trách quốc phòng của EC đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Bản thân bà cũng muốn thúc đẩy những thay đổi mang tính thực chất trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tại châu Âu, đồng thời đưa ra các chương trình sản xuất vũ khí mới”.

Rõ ràng, những động thái sặc mùi khói súng này càng lúc càng làm rõ hơn những mảng màu tương phản, trên bức tranh toàn cảnh an ninh toàn cầu. Bởi, ai cũng hiểu, những động thái ấy nhắm tới các “địch thủ” nào - những trung tâm quyền lực đang quật khởi mạnh mẽ và không còn chấp nhận trật tự thế giới đơn cực cũ (do Mỹ và phương Tây nắm quyền lãnh đạo) nữa.

Thay đổi - một nhu cầu tất yếu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định:  “Nếu mọi quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả người dân trên thế giới đều sẽ được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này và hàng triệu dân thường đang phải trả những cái giá khủng khiếp, số người phải chạy nạn trên thế giới hiện đã tăng cao kỷ lục”.

Ông nhấn mạnh: “Các điểm nóng xung đột cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu. Đơn cử, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại Gaza thật sự gây choáng váng và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Đề cập tới xung đột giữa Nga và Ukraine, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng cho rằng cần một nền hòa bình bền vững và công bằng cho cả Ukraine lẫn nước Nga và thế giới. Song, để đạt được những điều đó, một trật tự thế giới mới, với những cam kết và các cơ chế ràng buộc mới, là điều bắt buộc phải được xây dựng”.

Do đó, Tổng Thư ký Antonio Guterres đề cập tới Chương trình nghị sự mới vì hòa bình, ý tưởng được Liên hợp quốc công bố tháng 7/2023 nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu. Ông kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tái cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời đề cao vai trò của phát triển bền vững và hành động khí hậu trong ngăn ngừa xung đột. Chương trình nghị sự mới này dự kiến sẽ được thảo luận chi tiết tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai dự kiến diễn ra tháng 9/2024 tới, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời cảnh báo sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, tình trạng bạo lực do hận thù tôn giáo và phân biệt chủng tộc trên thế giới. Ông kêu gọi các công ty công nghệ nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm soát các nội dung thù hận trên không gian mạng và chấm dứt việc thu lợi nhuận từ những nội dung này.

Đáp lại những lời kêu gọi của Tổng Thư ký Antonio Guterres, bước đầu, Ngoại trưởng Israel Katz cam kết hợp tác với Ai Cập để đối phó với làn sóng người tị nạn Palestine tại thành phố Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở phía Nam Dải Gaza giáp với Ai Cập. Ông đề xuất di dời người Palestine đang lánh nạn ở Rafah đến Khan Younis, thành phố lớn thứ hai ở Dải Gaza, đồng thời khẳng định Israel sẽ đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các lợi ích của quốc gia Bắc Phi.

MSC 2024: Xác lập một trật tự mới -0
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: “Thế giới đang bị chia rẽ sâu sắc”.

Cùng lúc, 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Meta, X, Google, OpenAI, Microsoft, TikTok, Snap, Adobe, LinkedIn, Amazon, IBM... cũng đã ký kết một hiệp định nhằm ngăn chặn các nội dung giả mạo về chính trị do AI tạo ra, trên mạng internet toàn cầu. Theo thỏa thuận, các bên liên quan sẽ đưa ra giải pháp để phát hiện, gắn nhãn, kiểm soát hình ảnh, video và âm thanh do AI tạo ra nhằm đánh lừa cử tri. Nội dung do AI tạo ra có thể được chèn watermark hoặc gắn thẻ ngay từ dữ liệu nguồn, mặc dù các công ty công nghệ thừa nhận rằng "tất cả các giải pháp như vậy đều có những hạn chế".

Không chỉ vậy, bên lề MSC 2024, cũng đã có những hoạt động ngoại giao nhằm cải thiện hoặc vãn hồi những mối quan hệ song phương, như cuộc gặp của người đứng đầu ngành ngoại giao các nước Trung Quốc và Anh, hay những tiếp xúc Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, xét cho cùng, đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, vụn vặt và rời rạc, khi đặt trước thách thức khổng lồ về sự chia rẽ trong thế giới hiện đại.

Hy vọng từ phương Nam

Một điểm tích cực rất đáng chú ý, đó là MSC 2024 đã trở nên đa dạng hơn bao giờ hết, với nhiều tiếng nói hơn từ các nước Nam bán cầu - vốn là các nước thuộc địa cũ và đang phát triển, bên cạnh các đại biểu truyền thống từ các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây. Những đại diện của châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ đều tham gia thảo luận và có tiếng nói của mình, khiến hội nghị năm nay trở thành một diễn đàn đa sắc và công bằng hơn, thể hiện đầy đủ các khía cạnh về an ninh toàn cầu hơn.

Thí dụ, tại MSC 2024, cho dù trọng tâm vẫn là các cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông và Ukraine, nhưng hội nghị cũng thảo luận cả vấn đề các quốc gia ở Nam bán cầu đang quay lưng lại với phương Tây. Thực chất, hiện trạng này đã manh nha được phác thảo ngay từ đầu thập niên trước, khi chính phương Tây cũng quay cuồng với những giới hạn cũng như những cuộc khủng hoảng (tài chính, nợ công, khủng bố, người nhập cư trái phép, cân bằng địa chiến lược, bất bình đẳng xã hội...) của mình, trong khói lửa điêu tàn của Mùa xuân Arab hay sự trỗi dậy đẫm máu của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà tiêu biểu là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cơ cấu trật tự thế giới cũ, từ khi ấy, đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và cũng không ít chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế đã dự báo những biến động (mà nói ngắn gọn là sự hình thành trật tự thế giới mới đa cực, đa phương hóa).

Bà Ambika Vishwanath, đồng sáng lập và Chủ tịch của Sáng kiến Kubernein, một công ty tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ, phát biểu: "An ninh không còn mang ý nghĩa giống như trước đây là chỉ về quốc phòng và quân sự nữa. Nó còn là về nước, thực phẩm, sức khỏe con người và tất cả những thứ đó đều có mối liên hệ với nhau”. Bởi vậy, ở MSC 2024, các vấn đề biến đổi khí hậu và di cư do môi trường bị hủy hoại cũng là những mối đe dọa toàn cầu được thảo luận tại hội nghị, khi chúng tác động nặng nề đến cuộc sống của người dân ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất, hầu hết là tại Nam bán cầu.

Tựu trung, với việc Nam bán cầu tiến lên phía trước, góp nhiều tiếng nói hơn và sẵn sàng đảm nhiệm thêm các trọng trách, cuộc khủng hoảng niềm tin về trật tự cũ mà thế giới đang trải qua hứa hẹn sẽ có nhiều phương thức được giải tỏa, cũng như nhiều phương án kiến tạo một tương lai bền vững hơn, giữa cạm bẫy và hiểm họa của những cuộc “tranh bá đồ vương” chưa hồi kết...

Đông Phong
.
.