Một phút trước nửa đêm

Chủ Nhật, 14/11/2021, 14:48

Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson khi đăng đàn ở Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, cảnh báo rằng chỉ còn “một phút trước nửa đêm” - nói về thời gian còn lại để có thể đi tới những quyết định tối hậu cứu thế giới.

Đấy là một lời cảnh báo lạc quan hay bi quan? Tùy theo cách hiểu của mỗi người, hay nói cho đúng hơn, tùy vào ý chí chính trị của mỗi nước, mỗi quốc gia trước cơn hồng thủy biến đổi khí hậu đang tới gần.

Câu trả lời nằm ở chính sách tổng thể của các quốc gia, mà nhiều quốc gia thường xuyên phải đứng trước một lựa chọn khắc nghiệt: chọn phát triển (đi kèm với hủy hoại môi trường, trong đó có hiệu ứng phát thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên), hay chọn giảm tốc độ phát triển kinh tế để giữ cho khí hậu Trái đất không tăng thêm, dẫu chỉ 1-2 độ C nhỏ nhoi?

Đáng buồn là nhiều quốc gia đã lựa chọn phát triển kinh tế, có thể bằng mọi giá, bất chấp những hệ lụy kinh khủng có thể dẫn tới sự hủy diệt tương lai loài người.

Biến đổi khí hậu đã gây ra những hiện tượng bất thường trong thiên nhiên, tạo ra những thảm họa thiên nhiên mà con người chưa từng chứng kiến. Trong vài năm qua, nhân loại đã hơn một lần tự mình kiểm nghiệm những thảm kịch này.

Còn đáng buồn hơn là nhiều khi, không phải chỉ có các nước nghèo, kém phát triển mới lựa chọn con đường đưa cả Trái đất đến một kết cục bi thảm như vậy!

Một phút trước nửa đêm -0
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: S.t

Cuộc so kè Mỹ -Trung

Những con số không biết nói dối! Trong nhiều năm qua, Mỹ và Trung Quốc luôn là hai quốc gia đứng hàng đầu thế giới trong việc phát thải khí carbon, loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính của Trái đất.

Với đà phát triển kinh tế mạnh đầu những năm 2000, Trung Quốc bắt đầu dần trở thành một trong những nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới và kể từ năm 2006, Trung Quốc bắt đầu vượt Mỹ về khoản này. Một báo cáo mới đây cho thấy hai nước vẫn đứng đầu trong việc phát thải khí carbon, thải ra gần 45% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đang làm tăng nhiệt độ của khí quyển Trái đất. Lượng khí thải của Trung Quốc cao gần gấp đôi Mỹ (do dân số 1,4 tỷ người), mặc dù khi tính theo đầu người, trung bình một người Mỹ thải ra lượng carbon nhiều hơn so với một người Trung Quốc. Năm 2019, lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc là 10,1 tấn, trong khi Mỹ đạt 17,6 tấn.

Nhưng, như vậy không có nghĩa là Trung Quốc không cần phải cắt giảm khí thải. Lượng khí thải carbon bình quân đầu người của Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp với các quốc gia giàu có hơn. Trong 20 năm qua, con số đã tăng gần gấp 3 lần.

So kè nhau về mức độ khí thải phát vào bầu khí quyển như vậy nên không có gì ngạc nhiên nếu như ở COP26, kế hoạch hành động của Trung Quốc và Mỹ trong việc chống lại biến đổi khí hậu chắc chắn được chú ý hơn cả. Mọi nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đều cần bắt nguồn từ hai cường quốc này.

Đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm

Quan trọng hơn cả là chính sách của Mỹ liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Một trong những nguyên nhân căn bản khiến quá trình đối phó với tình trạng nóng lên của Trái đất không thu được kết quả như kỳ vọng chính là việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ chính sách đa phương về môi trường. Với tôn chỉ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump đã chỉ đơn giản xóa bỏ những cam kết quốc tế mà Mỹ đã tham gia mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được 197 nước ký năm 2015 (COP21) là một trong số đó.

Từ khi vào Nhà Trắng, ông Biden bắt đầu tái gia nhập các nỗ lực đa phương quốc tế nhằm chống biến đổi khí hậu. Bất chấp những căng thẳng và bất đồng trên mọi mặt, từ thương mại cho đến công nghệ, quốc phòng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị quyết liệt kéo dài nhiều năm qua, có một lĩnh vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn hợp tác, thậm chí giữ vai trò dẫn dắt,  chính là chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ đã đạt được thỏa thuận với nước khác để chấm dứt tài trợ của chính phủ cho các nhà máy nhiệt điện than mới, vốn là nguồn gốc căn bản của hiện tượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Với những nỗ lực theo hướng hợp tác đa phương, kể cả với đối thủ Trung Quốc, ông Biden muốn giành lại vị trí lãnh đạo quốc tế về chủ đề biến đổi khí hậu mà ông Trump từng cố tránh né.

Sau những năm dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump với phương châm “nước Mỹ trên hết” dẫn tới khuynh hướng đơn phương mang tính biệt lập trong xử lý các vấn đề toàn cầu, Mỹ đang quay lại chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết vẫn đề chống biến đổi khí hậu.

Vấn đề nằm ở chỗ phải duy trì chính sách đa phương này một cách ổn định, ngay cả khi có những sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo của nước Mỹ. Muốn đảm bảo để khuynh hướng này là không thể đảo ngược, cần phải đạt được càng nhiều tiến bộ càng tốt trong khi có một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương như ông Biden đang ở trong Nhà Trắng.

Công bằng, công lý về biến đổi khí hậu

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, trong phát biểu tại COP26, khẳng định dù là nước đang phát triển mới bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập niên, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phối hợp với các nước để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Phát thải ròng bằng "0" nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được rừng và đại dương hấp thụ.

Một phút trước nửa đêm -0
Nếu các chính phủ trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm cắt giảm mức khí thải ngay lập tức, phần lớn Trái đất sẽ hứng chịu thảm họa khí hậu trong tương lai không xa. Ảnh: S.t

Nhà lãnh đạo Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời "phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu".

Điều này có nghĩa là xem xét các chỉ số phát thải của một quốc gia và căn cứ vào đó để xác định các mục tiêu ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà còn phải căn cứ vào những gì đã diễn ra trong quá khứ, bởi lượng khí thải từ hàng trăm năm trước đã góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu ngày nay.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề biến đổi khí hậu ở COP26 đã nhận được sự chú ý rộng rãi của công luận quốc tế, cho thấy Việt Nam thực sự đi đầu về hành động chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hãng thông tấn Reuters đã đăng tiêu đề nổi bật về cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam trong một bài viết đăng cùng ngày. "Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050, gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác đã cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu", bài viết có đoạn.

Theo cảnh báo của Liên Hiệp Quốc và giới khoa học, nếu các chính phủ trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm cắt giảm mức khí thải ngay lập tức, phần lớn Trái đất sẽ hứng chịu thảm họa khí hậu trong tương lai không xa. Tình trạng nước biển dâng, sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng, ngày càng nhiều giống loài tuyệt chủng là hậu quả rõ rệt vài năm qua.

Hiệp định Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới. Thế giới đã nóng lên 1,1 độ C và tiến nhanh đến giới hạn báo động đỏ. Đánh giá vừa qua của Liên Hiệp Quốc dự đoán mức tăng nhiệt độ sẽ vượt mốc 1,5 độ C trong 2 thập niên tới.

Thủ tướng Anh đánh giá rằng nếu COP26 thất bại thì nền văn minh (thế giới) sẽ sụp đổ như đế chế La Mã! Chỉ còn một phút nữa là đến nửa đêm! Loài người phải nhanh tay hành động để cứu chính mình, trước khi quá muộn!

Chính vì thế, không ít người cho rằng COP26 chính là cơ hội cuối cùng và tốt nhất của nhân loại nhằm cứu Trái đất trước khi nó bị "đốt nóng" đến mức không thể cứu vãn.

Yên Ba
.
.