MINUSMA – Lời tạ từ cay đắng

Thứ Tư, 12/07/2023, 08:07

Chóng vánh đến ngỡ ngàng, những tấm màn nhung khép lại. Sau tròn 10 năm hiện hữu, sứ mệnh của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã chính thức kết thúc, trong khi mọi nền tảng của hòa bình và ổn định ở mảnh đất này dường như còn quá mong manh.

Đoạn kết là một dấu lặng

Ngày 30/6/2023, hai tuần sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mali - ông Abdoulaye Diop lên tiếng khẳng định sứ mệnh của các lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Liên hợp quốc tại Mali là "một thất bại", đồng thời yêu cầu những đơn vị Mũ nồi xanh "rời đi không chậm trễ", Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua việc chấm dứt sứ mệnh này.

Với sự nhất trí tuyệt đối, dựa trên căn bản thông lệ của Liên hợp quốc - bất cứ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nào cũng cần có sự chấp thuận của nước sở tại, một nghị quyết nhằm ngay lập tức kết thúc sứ mệnh của MINUSMA đã được xác nhận, theo đó cho phép khoảng 13.000 binh sĩ Mũ nồi xanh triệt thoái khỏi miền đất này trong vòng 6 tháng.

MINUSMA – Lời tạ từ cay đắng -0
MINUSMA gặp khó khăn trong việc bảo vệ sự an toàn cho chính nhân viên của mình.

Theo văn bản dự thảo được đưa ra từ ngày 27/6, MINUSMA sẽ có thời hạn đến ngày 31/12 để thực hiện một cuộc rút quân "có trật tự và an toàn", mà Hội đồng Bảo an sẽ xem xét trước ngày 30/10. Sau đó, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể "xem xét một mốc thời gian sửa đổi trong cuộc thảo luận với Mali".

Các hoạt động của phái bộ sẽ được tiết giảm dần, để có thể bảo đảm duy trì an ninh cho nhân viên, cơ sở và những đoàn xe của Liên hợp quốc. MINUSMA cũng sẽ nhận trách nhiệm cung cấp dịch vụ sơ tán y tế cho nhân viên Liên hợp quốc.

Dự thảo cũng cho phép MINUSMA tồn tại cho đến thời điểm cuối năm nay, với sự tham vấn của chính quyền Mali, nhằm "đối phó với các mối đe dọa bạo lực có nguy cơ xảy ra đối với dân thường, cũng như góp phần vào việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn trong vùng lân cận".

Tuy vậy, cái gì phải đến, xét cho cùng, cũng đã đến. Trên thực tế, điểm khởi đầu của sự kết thúc đã hiện hữu từ khá lâu và tất cả những gì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang cố gắng thực hiện có lẽ chỉ là việc ngăn chặn sự xảy đến của những cuộc tháo chạy hỗn loạn, như cách mà các đơn vị quân đội phương Tây đã rời khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021.

Bởi lẽ, trên thực địa, Mali cũng đang trở thành một "bãi mìn". Ngay trong ngày 27/6, giới chức địa phương ở miền Bắc Mali thông báo ít nhất 13 người đã bị các phần tử nghi thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát hại. Hàng chục người khác bị thương và hàng trăm người buộc phải rời bỏ nơi cư trú (ở khu vực Gabero, thuộc vùng Gao). Mới chỉ ngày 6/5 vừa qua, ít nhất 7 nhân viên MINUSMA bị thương bởi một vụ đánh bom, chưa kể hàng loạt những sự vụ tấn công khủng bố khác trong thời gian qua.

Các khu vực Gao và Ménaka là nơi diễn ra các cuộc tấn công quy mô lớn của tổ chức IS thuộc chi nhánh Đại sa mạc Sahara (EIGS), kể từ đầu năm 2022 đến nay. Bạo lực đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng. Hệ quả của thực trạng ấy là ngày càng xuất hiện thêm nhiều dòng người ly hương. Họ chạy trốn chiến tranh, đi về phía các thành phố lớn còn nằm dưới sự bảo vệ của chính phủ. Hoặc là, họ vượt biên giới, sơ tán sang nước láng giềng Niger.

Không có gì ngạc nhiên, khi một số nhà phân tích quốc tế lo ngại: Tình hình an ninh có thể trở nên tồi tệ hơn khi MINUSMA rời đi, khiến lực lượng quân đội được trang bị không đầy đủ của Mali (được hỗ trợ bởi khoảng 1.000 lính đánh thuê thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner) phải chiến đấu với các nhóm phiến quân hiện đang kiểm soát các vùng lãnh thổ ở khu vực sa mạc phía Bắc và miền Trung Mali.

Theo Reuters, một nhà ngoại giao yêu cầu được giấu tên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Đây là quyết định của Mali và chúng tôi cần tìm ra cách thức ít tệ hại nhất để thực hiện nó".

Cuộc khủng hoảng niềm tin

"Khủng hoảng niềm tin" là cụm từ Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop khắc họa thực trạng ở Mali với Liên hợp quốc vào hồi đầu tháng 6 vừa qua. Đặt những tuyên bố đầy gay gắt ấy của ông, đại diện cho lập trường của Chính phủ Mali, vào cả một chuỗi những diễn biến nối nhau xuất hiện suốt 12 tháng qua, có lẽ sẽ là cách nhìn nhận câu chuyện này rõ ràng hơn, so với việc chấp nhận một cách dễ dàng rằng "đây là quyết định của Mali".

MINUSMA – Lời tạ từ cay đắng -0
Sự mất niềm tin của người dân Mali.

Tháng 2/2022, khi thế giới đang chấn động bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền Đông Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Mali (chính xác là rút khỏi chiến dịch chống khủng bố mang tên Barkhane, thực hiện tại 5 quốc gia thuộc vùng Sahel của châu Phi, đã kéo dài từ năm 2013). Lý do được đưa ra tại Điện Elysee là việc trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không có đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động.

Cũng cần phải nói thêm, Pháp lần đầu triển khai quân đội tới Mali vào năm 2013, với mục tiêu đẩy lùi các chiến binh thánh chiến ở miền Bắc quốc gia châu Phi này. Song, sau 9 năm, mục tiêu ấy vẫn chưa đạt được. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ nhánh phiến quân Hồi giáo từ Vịnh Guinea đang dần lớn mạnh và đe dọa khu vực.

Không chỉ vậy, sau hai cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021, mối quan hệ giữa nước Pháp với Mali lại ngày càng trở nên xấu đi, đến độ vào thời điểm gần đây, mọi liên hệ hợp tác quốc phòng đều bị cắt đứt.

Không chỉ vậy, vào đầu năm ngoái, ông Richard Moncrieff, Giám đốc phụ trách khu vực Sahel của tổ chức International Crisis Group từng chỉ ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo L'Express: Nhiều người (Mali) cho rằng Pháp đang lợi dụng bất ổn ở Mali để kéo dài sự hiện diện, với mong muốn tăng cường vị thế và ảnh hưởng ở khu vực châu Phi.

Làn sóng phản đối càng gia tăng mạnh tại Mali, sau khi quốc gia này phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính khắc nghiệt từ Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), vốn được cho là có sự "chống lưng" của Pháp.

Nói cách khác, sau gần 10 năm binh sĩ Pháp có mặt, Mali vẫn không thể kiến thiết được nền tảng phát triển. Về phần mình, ông chủ Điện Elysee khẳng định: "Chúng tôi không thể làm thay việc của các ngài (tức là các lực lượng chính trị Mali)". Nhưng, ngược lại, thậm chí đã có lúc chính quyền Mali thẳng thừng cáo buộc Pháp cố tình chia rẽ đất nước Tây Phi ấy, qua đó cho phép các phần tử khủng bố có thời gian tập hợp lại lực lượng, để tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công.

Đến ngày 15/8/2022, Paris tuyên bố, những người lính Pháp cuối cùng đã rời khỏi Mali. Tiếp nối sự ra đi của quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ấy, đương nhiên là những hiệu ứng dây chuyền, trong bối cảnh niềm tin bị sứt mẻ nghiêm trọng. Đơn cử, quân đội Đức vốn dự tính sẽ còn hiện diện ở Mali đến tận tháng 5/2024, nay cũng đã sẵn sàng "đẩy nhanh tiến độ" triệt thoái.

Và MINUSMA cũng không còn lý do gì để ở lại với sự bất lực của mình. Từ tháng 1/2023, Hội đồng Bảo an cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng phái bộ sẽ không thể đứng vững nếu tiếp tục duy trì ở hình thức hiện tại. Do đó, đề xuất rút quân nếu các điều kiện then chốt không được đáp ứng (mà quan trọng hàng đầu là quyền tự do đi lại của các nhân viên MINUSMA) đã được đề cập.

Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop tuyên bố rằng những đề xuất đó "không tính đến những kỳ vọng chính đáng của người dân Mali, những người đứng trước các lựa chọn về an ninh".

Có lẽ, chúng ta nên đặt tuyên bố này cạnh một cáo buộc mới được người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby công bố ngày 30/6/2023, rằng Washington lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga ở châu Phi và cáo buộc lãnh đạo của lực lượng lính đánh thuê này đã giúp dàn dựng việc buộc các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc rút khỏi Mali. Theo John Kirby, Mỹ có thông tin cho thấy chính phủ chuyển tiếp của Mali đã trả hơn 200 triệu USD cho Wagner, kể từ cuối năm 2021.

Nghĩa là, kể từ thời điểm đó, vì "những lựa chọn an ninh", chính quyền Mali đã lạnh nhạt dần với các binh sĩ Pháp cũng như lực lượng Mũ nồi xanh, để tìm kiếm những phương thức tự vệ khác. Đó có thể là một lựa chọn đúng hoặc sai, tùy thuộc vào lập trường (và lợi ích cốt lõi) của từng phía. Song, điều thực sự cốt yếu có lẽ đơn giản và dễ nắm bắt hơn: Sự dịch chuyển của các vùng ảnh hưởng, trên bản đồ địa chính trị tại khu vực này, trong tiến trình tái định hình trật tự thế giới.

Nhưng, trước khi mọi chuyện ngã ngũ, trong cơn khủng hoảng niềm tin, vẫn luôn còn đó những bóng đen mâu thuẫn, xung đột, thù hận, đói nghèo, khủng bố... đè nặng trĩu trên từng phận người ở quốc gia Tây Phi này.

Đông Phong
.
.