Mệnh lệnh từ cuộc sống

Thứ Tư, 26/04/2023, 12:31

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 280/CĐ_TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Đây là sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc xóa bỏ tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua mà nguyên nhân là do cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.

Cán bộ sợ sai, công việc đình trệ

Hàng chục năm qua, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương có đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố thông tin gây sốc khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành.

Năm 2022, chỉ số PCI của TP Hồ Chí Minh giảm 13 bậc. Trong đó chỉ số gia nhập thị trường của thành phố xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54; chi phí không chính thức xếp thứ 60; tính năng động của chính quyền tỉnh là 62 đã chứng minh cho tình trạng cán bộ không dám làm, dám quyết.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sáng 16/4/2023, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lo ngại khi thực hiện công vụ.

Mệnh lệnh từ cuộc sống -0
Để đất nước phát triển, rất cần đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không": Không nói, Không tham mưu đề xuất và Không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, TP Hồ Chí Minh có tới 584 văn bản hỏi ý kiến. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.

"Đây là điều rất vô lý, thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận những năm qua thành phố "mất đà" trong tăng trưởng kinh tế. Một trong những bất cập lớn nhất mà thành phố nhận thấy là chất lượng nguồn nhân lực "rất đáng lo ngại". Hệ thống chính trị quá tải, thậm chí một số nơi không đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó là tư tưởng e dè, thiếu tính chiến đấu. Tuy nhiên, chuyện ở TP Hồ Chí Minh không phải là cá biệt.

Thời gian gần đây, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Thậm chí, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương... Việc này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tháng 10/2022, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) cho biết nỗi sợ rủi ro đang đè rất nặng lên đội ngũ cán bộ. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự trì trệ, tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhất là ở những đầu tàu kinh tế của cả nước và ở những nơi “dính” nhiều đến các vụ án, vụ việc.

Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ còn do công tác thực hiện, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị, trong đó có tình trạng cán bộ không có năng lực, sợ không dám làm; cán bộ có năng lực nhưng tinh thần cũng hạn chế, né tránh. Trách nhiệm công vụ đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng cho đến khi có kết quả. Vì vậy, cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, công việc của người dân, doanh nghiệp, khiến công việc chậm chạp, đình trệ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc không được giải quyết kịp thời, nhiều cơ hội tăng trưởng không tận dụng được, nhiều công trình, dự án trọng điểm không triển khai đúng tiến độ kế hoạch. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp là một ví dụ.

Năm 2022, Chính phủ đốc thúc quyết liệt, quy định thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% bị xét không hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc giải ngân từ 30% đến 50% thì thủ trưởng đơn vị cũng không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ sợ sai.

Còn tại cuộc làm việc của Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công đối với 17 bộ, ngành, địa phương cho thấy kết quả hết sức lo ngại, khi trong quý I có đến 13/17 đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.

Điều chuyển cán bộ thiếu năng lực; có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nhận diện và chỉ rõ bệnh sợ trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân tại các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng đã đưa ra hàng loạt yêu cầu.

Theo đó, đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng quán triệt không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác. Đồng thời, trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.

Nhấn mạnh công tác phối hợp, Thủ tướng yêu cầu không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Các bộ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng, không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.

“Trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng. Đối với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng nhắc nhở không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, cơ quan Trung ương.

“Không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm” - Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các địa phương tập trung rà soát, bổ sung ngay quy trình phân công và tổ chức công việc tại cơ quan, đơn vị, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết. Đặc biệt cần cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu, tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Trong công điện, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc.

“Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng nêu rõ và lưu ý có biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương cụ thể quy trình, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ bảo đảm không để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, báo cáo đề xuất Thủ tướng trong tháng 5/2023.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2023. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tinh thần “6 dám” là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Đặc biệt, ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14- KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” nhằm từng bước khắc phục triệt để căn bệnh này. Nghị quyết của Đảng chính là cụ thể hoá những yêu cầu cấp bách của đời sống xã hội. Vì vậy, với quyết tâm của Thủ tướng, nhân dân, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá để xây dựng, khích lệ đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có tầm, dám nghĩ, dám làm, đưa đất nước phát triển.

Nguyễn Thiêm
.
.