Mặt trận không tiếng súng

Thứ Sáu, 10/05/2024, 11:06

Trên bản đồ thực địa, có thể nói Israel tương đối may mắn khi không có chung đường biên giới trên bộ với không ít cường quốc khu vực xem họ là “kình địch”, như Saudi Arabia, Iran, Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là những kình địch đó không có cách gì để uy hiếp Tel Aviv.

Trong một diễn biến mới nhất vừa xảy ra đầu tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ thái độ của mình đối với chiến dịch quân sự mà Israel đang tiến hành trên Dải Gaza, theo cách quyết liệt hơn nữa, trên mặt trận ngoại giao và cả kinh tế.

1. Theo hãng tin Reuters, ngày 2/5, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat tuyên bố: "Thái độ không khoan nhượng" của Israel, cũng như “thảm kịch nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn” ở khu vực Rafah tại Dải Gaza đã khiến Ankara quyết định dừng mọi hoạt động xuất - nhập khẩu với Tel Aviv.

Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tất cả các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến Israel đã bị dừng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát biện pháp mới này, cho đến khi Chính phủ Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguồn viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Dải Gaza".

Mặt trận không tiếng súng -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra rất cứng rắn với Israel.

Đây là nấc thang tiếp nối, đưa căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang, mà không cần đến cuộc đụng độ quân sự trực tiếp nào. Tháng 4/2024, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa áp đặt các hạn chế thương mại đối với Israel, xuất phát từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất, Israel từ chối cho phép Ankara tham gia các hoạt động thả dù hàng viện trợ xuống Gaza. Thứ hai, quân đội Israel ngày càng leo thang các hoạt động quân sự ở Gaza.

Tất nhiên, phía Israel phản ứng gay gắt với quyết định cắt đứt hợp tác thương mại của Ankara - điều hoàn toàn có thể đoán trước. Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã vi phạm các thỏa thuận. Ông nhấn mạnh trên trang mạng xã hội X cá nhân của mình: “Đây là cách hành xử của một nhà độc tài, coi thường lợi ích của người dân và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phớt lờ các hiệp định thương mại quốc tế".

Chưa hết, song song với việc chặn các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Israel, phía Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố: Họ sẽ tham gia cùng Nam Phi, kiện Israel phạm tội ác diệt chủng lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).  Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, sau khi hoàn tất việc chuẩn bị các văn bản pháp lý, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đệ trình tuyên bố của nước này về việc chính thức tham gia phiên tòa, lên ICJ. Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời khẳng định: Ankara sẽ tiếp tục ủng hộ người Palestine trong mọi hoàn cảnh.

2. Xung quanh câu chuyện, còn có những diễn biến liên quan rất đáng chú ý.

Ngày 5/5, theo trang tin Axios, phía Mỹ đột ngột dừng lô hàng đạn dược dự kiến chuyển tới Israel theo kế hoạch. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và Văn phòng Thủ tướng Israel đều từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến thông tin trên. Song, giới quan sát quốc tế vẫn nhớ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo: Việc tấn công thành phố Rafah - nơi trú ẩn của hơn 1 triệu người tị nạn Palestine - sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Washington. Ông cũng từng công khai chỉ trích việc quân đội của Thủ tướng Netanyahu ném bom bừa bãi vào Gaza.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã trừng phạt những người Israel định cư ở Bờ Tây, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 3, để cho phép thông qua biện pháp yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas. Đó đều là những biểu hiện cho thấy đến cả đồng minh khăng khít như Mỹ cũng không thể tiếp tục hoàn toàn bất chấp dư luận để ủng hộ Tel Aviv hết mình được nữa, do tính chất quá mức tàn khốc của các hoạt động quân sự trên Dải Gaza.

Mặt trận không tiếng súng -0
Thảm kịch nhân đạo trên Dải Gaza khiến toàn thế giới đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, từ ngày 3/5, Qatar cảnh báo: Họ có thể đóng cửa văn phòng chính trị của lực lượng Hamas ở Doha, sau khi đánh giá rộng hơn về vai trò trung gian hòa giải của mình trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Riêng việc đánh giá lại vai trò trung gian, từ ngày 17/4, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã cho biết: Ông cảm thấy có dấu hiệu lợi dụng hoạt động hòa giải này vì lợi ích chính trị và điều này buộc Doha phải đánh giá đầy đủ vai trò trung gian của mình. Song, dù thế nào, khi Qatar lùi lại, thì hệ quả tất yếu sẽ là cơ hội khuếch trương ảnh hưởng và vị thế của những nhà trung gian khác, như Thổ Nhĩ Kỳ. Và, chúng ta có thể thấy, Ankara đã không bỏ lỡ cơ hội.

Với việc Hamas (theo một số nguồn tin ngày 4/5) có khả năng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trên Dải Gaza theo từng giai đoạn, nếu như có những bảo đảm quốc tế rõ ràng, tình thế đã trở nên tương đối khả quan.

Thêm vào đó, ngày 5/5, Israel quyết định tạm thời đóng cửa Văn phòng đại diện tại nước này của kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar) - một trong những hãng thông tấn uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới Arab Hồi giáo, lại càng thôi thúc những cường quốc hàng đầu của thế giới ấy lên tiếng. Chính phủ Israel yêu cầu đóng cửa toàn bộ văn phòng đại diện của Al Jazeera tại Israel, tịch thu thiết bị phát sóng, cắt kênh ra khỏi danh sách phát sóng của các công ty truyền hình cáp và vệ tinh, cũng như chặn các trang web của Al Jazeera.

Và, Thổ Nhĩ Kỳ lại càng phải/nên nắm lấy ngọn cờ tiên phong.

3. Một cách ngắn gọn, khi cắt đứt giao thương với Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chấp nhận hy sinh một mối “quan hệ làm ăn” lớn, với kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt mức 6,8 tỷ USD trong năm 2023, cũng như không ít tiềm năng trong tương lai.

Nếu thật sự cùng Nam Phi khởi kiện Israel lên ICJ với tội danh “diệt chủng”, xem như Ankara một lần nữa khơi sâu lại những hiềm khích trong quá khứ với Tel Aviv, để đứng hẳn về phía bên kia của một hố chia cắt hun hút.

Điều họ nhận được, rõ ràng, đầu tiên sẽ là sự gia tăng vị thế trong cộng đồng Hồi giáo toàn cầu, như cách Hamas ca ngợi:  Quyết định của Ankara là "dũng cảm" và thể hiện "sự ủng hộ quyền của người Palestine".

Cũng không thể không nhắc lại, kể từ khi chiến sự bùng nổ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã luôn phải đối mặt những lời kêu gọi ngày càng tăng từ chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ngoài biên giới về việc phải thực hiện các hành động cụ thể hơn nhằm ngăn chặn các thảm họa từ cuộc xung đột Israel - Hamas. Do đó, ngày 3/5, ông “lập ngôn”: "Thổ Nhĩ Kỳ không thể ngồi yên trước cuộc bắn phá của Israel vào những người Palestine không có khả năng tự vệ", như cách xác lập vị thế “người bảo vệ chính nghĩa” cho quốc gia mà ông lãnh đạo.

Mặt trận không tiếng súng -0
Sự rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu việc Israel sắp phải đối đầu với không ít thách thức trên mặt trận ngoại giao.

Không chỉ vậy, những động thái mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lựa chọn còn bảo đảm cho ông tiếp tục kiểm soát được cân bằng chiến lược, khi đứng giữa các trung tâm quyền lực toàn cầu, như phương Tây và nhóm BRICS đang trỗi dậy đòi hỏi xây dựng một trật tự thế giới mới (mà Nam Phi là một trong 5 thành viên sáng lập).

Song, có lẽ, vẫn còn một mục tiêu nữa, được thực hiện thông qua các diễn biến này: Thổ Nhĩ Kỳ có thể góp phần kiềm chế, cô lập và làm suy yếu Israel mà không nhất thiết phải đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp trên lĩnh vực quân sự. Cũng như Iran chú trọng vào hậu thuẫn cho các lực lượng ủy nhiệm và chỉ đáp trả có chừng mực, Thổ Nhĩ Kỳ không dại gì “quyết chiến” với một địch thủ sở hữu quân đội mạnh và được trang bị tốt như Israel.

Ankara sở hữu những thứ “vũ khí” khác để mở mặt trận không tiếng súng nhằm đẩy lùi tham vọng của Tel Aviv, bảo vệ “giải pháp hai nhà nước” cho người Palestine, đồng thời cũng bảo toàn quốc lực của mình. Lựa chọn này hoàn toàn có thể trở thành một tấm gương, một lời hiệu triệu cho những  quốc gia vốn cũng không cảm thấy thoải mái với tình hình hiện tại ở Gaza...

Đông Phong
.
.