Mạng lưới buôn lậu súng Mỹ cho Cartel Mexico
Thành viên các Cartel Mexico không hề giấu giếm mức độ trang bị hàng "nóng" của chúng. Bất kỳ ai cũng có thể lên Instagram hay Facebook để ngắm nhìn những bức ảnh selfie của tội phạm ma túy bên cạnh đủ mọi loại súng ống.
Đa phần số súng đạn này có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng làm thế nào mà bọn buôn lậu tuồn vũ khí qua một trong những đường biên giới được canh phòng cẩn thận nhất trên thế giới? Câu trả lời có thể tìm thấy tại thành phố Racine, bang Wisconsin của Mỹ.
Mạng lưới ngầm
Racine là một thành phố nhỏ với chỉ hơn 77.000 dân. Đa phần cư dân Racine làm ở các nhà máy công nghiệp nặng đặt ngay trong thành phố. Ngắm nhìn khu đô thị bên bờ hồ Michigan yên ả, không ai nghĩ rằng có một mạng lưới buôn lậu súng xuyên biên giới đang hoạt động ở ngay nơi đây. Chưa hết, khách hàng chính của mạng lưới này là Cartel Jalisco Nueva Generacion (CJNG), tổ chức tội phạm lớn thứ hai Mexico và đặc biệt nổi tiếng về sự tàn bạo của mình.
Cục Rượu, bia, súng và thuốc lá Hoa Kỳ (ATF) đã tiết lộ về cuộc điều tra của họ về mạng lưới buôn lậu súng của Racine. Theo đặc vụ ATF Chris Demlein, người tham gia cuộc điều tra, thì: "Một gia đình người Mỹ đã cấu kết với họ hàng của họ tại Mexico để tuồn qua biên giới vũ khí được mua hợp pháp ở Mỹ. Vũ khí sau khi sang đến Mexico sẽ được chuyển tới các tay súng Delta, tức lực lượng ám sát và khủng bố của CJNG. Người duy nhất có quyền ra lệnh cho Delta trong CJNG là "ông trùm cả" Nemesio Oseguera".
Theo số liệu được ATF công bố, những kẻ buôn lậu đã mua thành công số vũ khí trị giá hơn 600.000 USD trong chưa đầy một năm. Chúng đặc biệt quan tâm tới những loại vũ khí hạng nặng như súng bắn tỉa công phá. Hiện vẫn chưa rõ bọn buôn lậu đã tuồn được bao nhiêu vũ khí qua biên giới, nhưng chắc chắn rằng số súng đạn này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hai nước Mỹ - Mexico.
Đặc vụ ATF Tim Sloan là người đầu tiên phát hiện ra đường dây buôn lậu vũ khí sau khi nhận thấy một số đối tượng lùng sục tìm mua súng trường FN SCAR và súng bắn tỉa công phá Barrett tại nhiều bang khác nhau. ATF lần ngược những tờ hóa đơn mà đến được bọn buôn lậu. Racine chỉ là một mắt xích trong mạng lưới của chúng. Những kẻ buôn lậu có mặt tại khắp các thành phố kéo dài từ bang North Carolina ở bờ Đông đến bang Oregon ở bờ Tây. Bọn buôn lậu nhận ra rằng chúng càng mua súng ở nơi cách xa biên giới Mỹ - Mexico thì càng bị ít người nghi ngờ.
Kẻ cầm đầu mạng lưới buôn lậu là Jesus Cisneros, một công dân Mexico từng bị kết án nhiều lần vì các tội buôn lậu và sử dụng súng trái phép. Mạng lưới do hắn điều khiển có khoảng 250 thành viên, trong đó có nhiều đối tượng là họ hàng của Cisneros. Tháng 2/2023, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm vận và phong tỏa mọi tài khoản ngân hàng tại Mỹ của Cisneros. Vào ngày 6/5/2024, Cisneros và 7 đồng phạm sẽ được đưa ra tòa án Mexico xét xử.
Tiền và súng
Từ hơn 10 năm trở lại đây, các cartel Mexico càng ngày mua sắm nhiều loại vũ khí hạng nặng nhằm đối phó với quân đội nước này. Mặt khác các loại súng như súng bắn tỉa công phá hay RPG-7 cũng là một thứ "vũ khí tâm lý" thể hiện sự manh động và giàu có của cartel.
Ngày 21/5/2018, những tay súng Delta thuộc CJNG suýt chút nữa đã ám sát được nguyên Tổng chưởng lý bang Jalisco Luis Carlos Nájera và các cận vệ của ông khi họ đang qua đường. Không lâu sau đó Delta lại tìm cách sát hại Omar García Harfuch, Cục trưởng Cục An ninh trật tự thủ đô Mexico. Chúng không giết được ông Omar Harfuch nhưng đã bắn hạ một trực thăng của cảnh sát khiến 13 sỹ quan thiệt mạng.
Một điểm chung giữa hai vụ ám sát kể trên là Delta đều sử dụng một khẩu súng bắn tỉa công phá 50 ly hiệu Barrett. Loại súng này đang được quân đội nhiều nước tin dùng nhờ vào khả năng chọc thủng giáp sắt của xe bọc thép trong bán kính 1,6 km. Ở Mỹ bất kỳ công dân nào cũng có thể mua một khẩu Barrett nếu như có khoảng 9.000 USD cùng với giấy phép sử dụng súng, đồng thời không có tiền án tiền sự nào.
Ngày 9/6/2018, một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm tại thành phố Guadalajara, bang Jalisco tiến hành đột kích vào căn cứ của Delta và tịch thu được khẩu súng bắn tỉa công phá Barrett được dùng để thực hiện hai vụ ám sát hụt trên. Ngoài ra cảnh sát còn tìm thấy 36 các loại súng trường, súng phóng lựu khác cùng 8.000 viên đạn. Phải mãi về sau này phía Mexico mới biết rằng số súng đạn trên được buôn lậu từ Racine. Riêng khẩu Barrett được mua bởi một người Mỹ tên Elias Cobian từ cửa hàng súng Shooters' Sports Center tại Racine. Chỉ hai ngày sau, anh trai Oswaldo Cobian của hắn cũng mua một khẩu Barrett nữa từ chính cửa hàng đó.
Cảnh sát bắt đầu lắp camera theo dõi và nghe lén điện thoại của gia đình Cobian. Sau hơn 4 tháng theo dõi họ mới bắt được các đối tượng. Oswaldo và Elias bị bắt khi đang đem hai khẩu súng trường FN SCAR từ cốp xe vào trong gara nhà mình. Cảnh sát cũng đồng thời đột kích vào nhà của các đối tượng đồng phạm khác, thu giữ được 52 khẩu súng cùng một số bộ thiết bị chuyển đổi súng từ chế độ bắn một viên sang bắn liên thanh. Điều đáng chú ý là trong số súng này có hai khẩu súng lục Colt 1911 với báng súng bọc vàng và khắc logo của CJNG.
Elias và Oswaldo Cobian là họ hàng của Victor Cobian, "cánh tay phải" của Jesus Cisneros. Victor Cobian đã kêu gọi họ hàng mình đang sống ở Mỹ đi mua súng hộ rồi chuyển cho đối tượng tuồn sang Mexico. Những đầu mối Mỹ này cũng lại lôi kéo bạn bè, đồng nghiệp tham gia vào đường dây để được hưởng hoa hồng không khác gì bán hàng đa cấp. Nhờ nguồn vũ khí và đạn dược dồi dào từ Mỹ mà CNJG mới có thể tiếp tục cuộc chiến với các lực lượng quân đội ở vùng núi Jalisco.
Vụ án Racine còn bộc lộ một yếu điểm nữa trong việc quản lý súng đạn tại Mỹ: Luật pháp đã quy định rằng ông chủ các cửa hàng buôn bán súng đạn phải cảnh báo nhà chức trách nếu như có dấu hiệu khách hàng của họ là tội phạm. Nhưng trên thực tế có rất ít người làm như vậy. Những kẻ buôn lậu có thể mua ba, bốn khẩu súng có sức sát thương cao tại cùng một cửa hàng chỉ trong vòng vài ngày mà không bị báo cáo. Hiện nay ATF đang điều tra ông chủ của Shooters' Sports Center và một số cửa hàng bán súng khác xem liệu họ có tiếp tay cho những kẻ buôn lậu không.
Loay hoay tìm kiếm giải pháp
Theo nghiên cứu của Đại học San Diego (Mỹ) thì mỗi năm có khoảng 250.000 khẩu súng các loại được tuồn qua biên giới Mỹ - Mexico. Những kẻ buôn lậu có thể kiếm lời từ 300- 600% trên mỗi khẩu súng. Một khẩu Barrett có giá bán lẻ khoảng 9.000 USD ở Mỹ, nhưng khi sang đến Mexico thì giá là 30.000- 50.0000 USD.
Luật pháp quản lý súng đạn ở Mexico rất chặt chẽ. Cả đất nước 127 triệu dân này chỉ có đúng một cửa hàng súng do quân đội quản lý và được đặt tại căn cứ quân sự ở thủ đô Mexico City. Một người Mexico có nhân thân tốt cũng phải chờ đến mấy tháng mới xin được giấy phép mua một khẩu súng lục.
Trái lại ở Mỹ có gần 78.000 cửa hàng bán súng, nhiều hơn tổng số nhà hàng McDonald's, Burger King, Subway và Wendy's cộng lại. Việc mua bán súng cũng diễn ra rất nhanh chóng. Các chủ cửa hàng chỉ xem xét sơ sài nhân thân và giấy phép sở hữu súng của người mua trước khi giao dịch. Không có gì khó hiểu khi súng đạn Mỹ đang tràn sang Mexico.
Kể từ khi Chính phủ Mexico tuyên chiến với các cartel, tỷ lệ ngộ sát ở nước này đã tăng lên gấp ba, trong đó có nhiều trường hợp bị giết vì súng. Nhà nghiên cứu tội phạm Romain Le Cour tại trường Đại học Ibero (Mexico) nhận xét: "Các tay súng cartel hiện đang được trang bị không thua kém gì binh lính... Đã đến lúc chính phủ cần phải nghiêm túc xem xét việc tổ chức chiến dịch tước súng khỏi tay dân thường, đồng thời diệt trừ tận gốc thị trường chợ đen".
Chính phủ Mexico liên tục phàn nàn việc Washington không có bất kỳ chính sách đáng kể nào để ngăn chặn súng được tuồn qua biên giới phía Nam. Chính phủ Mexico đệ đơn kiện 9 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn, trong đó có Barrett, về việc lơi lỏng quản lý mạng lưới phân phối sản phẩm của mình, từ đó tiếp tay cho bạo lực ở nước láng giềng. Đơn kiện sau đó đã bị tòa án Mỹ phủ quyết trên cơ sở nhà sản xuất súng không có trách nhiệm gì với hành vi sử dụng súng của khách hàng.
Sau phán quyết trên, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador lại tuyên bố mở cuộc điều tra chiến dịch tối mật "Fast and Furious" của các cơ quan hành pháp Mỹ như FBI. Trong khuôn khổ chiến dịch này, các sỹ quan hành pháp Mỹ được phép đóng giả làm kẻ buôn lậu súng rồi trực tiếp bán súng cho cartel Mexico. Phía Mỹ mong rằng nhờ vào những con chip theo dõi họ gắn vào trong súng, họ sẽ lần ra được các lãnh đạo cartel. Hiện vẫn chưa có công bố chính thức nào về kết quả của "Fast and Furious".
Tuy Tổng thống Joe Biden đã thắt chặt được phần nào việc mua bán súng ở Mỹ, ông đang gặp sự phản đối kịch liệt của đảng Cộng hòa tại lưỡng viện. Mới đây một dự luật mới tăng tính trách nhiệm của chủ các cửa hàng súng đã được thông qua tại Hạ viện sau một cuộc bỏ phiếu kịch tính. Có 193 hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống, và chỉ nhờ 14 hạ nghị sỹ cùng đảng bỏ phiếu ủng hộ thì dự luật mới được thông qua.
Nhưng không có nghĩa là đảng Cộng hòa không nhận ra rằng Mỹ đang chịu ảnh hưởng vì bất ổn ở Mexico. Các lãnh đạo chính trị của đảng, trong đó có cựu Tổng thống Donald Trump, liên tục kêu gọi Lầu Năm Góc đưa quân sang Mexico để trực tiếp tấn công các cartel. Nhà phân tích chính trị Miles Thompson viết trên tờ Los Angeles Times: "Đảng Cộng hòa sẽ tìm mọi cách để không phải thắt chặt luật sở hữu súng đạn. Cả cử tri lẫn các nhà tài trợ của họ đều không muốn vậy. Việc đòi đưa quân sang Mexico chỉ là một cách đánh lạc hướng... Từ giờ cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, khó có khả năng hai đảng sẽ đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với luật sở hữu súng. Hiện chưa có ứng cử viên nào thực sự tỏ ra nổi trội trong cuộc đua vào Nhà Trắng, vậy nên họ không muốn làm mất lòng bất kỳ cử tri nào".