Lưỡng bại câu thương

Thứ Năm, 14/07/2022, 10:34

Tác động hiển hiện rõ nét nhất của những lệnh trừng phạt này ở thời điểm hiện tại, là chúng đưa cả hai phía vào tình thế “lưỡng bại câu thương”, cả hai bên đều tổn thất mà không có bên nào được lợi cả...

Châu Âu hứng chịu hậu quả

Sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga chiếm kỷ lục vô tiền khoáng hậu là quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trong lịch sử các chiến dịch trừng phạt trên thế giới. Hiện tại Nga đã vượt qua Iran, ước tính chịu khoảng 5.500 biện pháp trừng phạt và con số này còn tiếp tục tăng lên với các gói trừng phạt khác đang được phương Tây cân nhắc áp dụng.

Giới chức Nga luôn khẳng định rằng những đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại, không những thế phương Tây còn tự “cuốc vào chân mình” bởi những lệnh trừng phạt đó đã gây hại trực tiếp cho chính các nền kinh tế của phương Tây.

Tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg mới đây, Tổng thống Nga V.Putin dành phần lớn nội dung bài phát biểu của mình để nói về vấn đề này.

Theo ông, cuộc đọ sức kinh tế chống Nga của phương Tây ngay từ đầu đã không có cơ hội thành công bởi vũ khí trừng phạt là con dao hai lưỡi: Gây thiệt hại cho đối thủ và cả những người đã thiết kế ra chúng. Ông V.Putin dẫn tính toán của các chuyên gia rằng trong năm tới, chỉ riêng những thiệt hại có thể tính toán được của Liên minh châu Âu (EU) do hậu quả của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể vượt quá 400 tỷ USD. Chính người dân và các công ty của EU phải trực tiếp gánh chịu những thiệt hại này.

Tỷ lệ lạm phát tại một số nước thuộc khu vực đồng Euro đã vượt quá 20%. Tình trạng lạm phát gia tăng trực tiếp khiến thu nhập thực tế của người dân các nước này giảm mạnh, đặc biệt là gánh nặng đối với những đối tượng có thu nhập thấp. Cuộc khảo sát mới nhất của S&P Global cho thấy, tăng trưởng kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) giảm mạnh vào tháng 6, do giá cả hàng hóa quá cao đã thổi bay sự phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp sâu sau đại dịch COVID-19.

Lưỡng bại câu thương -0
Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu thô từ Nga. Ảnh: S.t

Những biện pháp trừng phạt Nga về dầu mỏ và khí đốt của EU cuối cùng cũng đã tác động đến chính nền kinh tế các thành viên của nó. Hoạt động ngoại thương của Eurozone lâm vào tình trạng “báo động đỏ” mà nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng năng lượng khiến tình trạng thâm hụt thương mại liên tục tăng trong một năm trở lại đây. Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự và thị trường giá cả được cho là sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trong một thời gian dài nữa vì Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU.

Việc các công ty châu Âu phải chịu chi phí ngày càng tăng và mất đi thị trường Nga cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn, khiến khả năng cạnh tranh suy giảm trên toàn cầu, đồng thời kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng chậm một cách có hệ thống trong nhiều năm trước mắt.

Sự suy giảm mức thu nhập, kinh tế tăng trưởng chậm khiến tình trạng bất bình đẳng ở các nước châu Âu thêm trầm trọng, dẫn tới chia rẽ xã hội. Điều không tránh khỏi là sẽ là sự phát triển của chủ nghĩa dân túy, các phong trào cực đoan, cấp tiến, dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, tình trạng suy thoái của tầng lớp tinh hoa trong xã hội.

Nước Nga cũng oằn lưng chịu trận

Châu Âu phải gánh chịu những hệ quả từ chính các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nhưng liệu có đúng là nền kinh tế Nga không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt này như một số quan chức Nga vẫn tuyên bố hay không?

Khi cuộc chiến càng kéo dài, cùng với thời gian, điều không tránh khỏi là những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây bắt đầu tác động đến mọi mặt của nền kinh tế Nga.

Lý do rất đơn giản: Thực ra, nền kinh tế của Nga hội nhập chặt chẽ, có mối liên kết mật thiết với nền kinh tế toàn cầu chứ không phải dễ dàng cách ly để có thể giảm chấn, làm nhẹ những tác động của các lệnh trừng phạt.

Theo một báo cáo, các ngành công nghiệp chủ chốt của Nga phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu từ EU và Mỹ. Chẳng hạn, tỷ trọng linh kiện nhập khẩu trong ngành sản xuất đạt tới 46%, thậm chí trong một số ngành, tỷ lệ này vượt quá một nửa. Các lĩnh vực chính của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào các sản phẩm của phương Tây, bao gồm cả thiết bị cho ngành dầu khí.

Trong ngành dược phẩm, tỷ trọng nhập khẩu thuốc năm 2021 là 67%. Ngay cả đối với sản phẩm dược phẩm chủ chốt của Nga, các thành phần và thiết bị sản xuất hầu hết đều được mua ở nước ngoài. Theo một nguồn tin, 80-85% nguyên liệu sản xuất thuốc của Nga được nhập khẩu.

Điều này cũng đúng trong các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Nga. Nhập khẩu từ thị trường phụ tùng ô tô chiếm tới 95%, trò chơi và đồ chơi là 92%, giày dép 87%, thiết bị viễn thông 86%, quần áo 82%, nước hoa, mỹ phẩm và chất tẩy rửa 57%...

Trong tháng 6 vừa qua, tờ báo về kinh doanh Vzglyad thừa nhận rằng thị trường ô tô Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng với “sự sụt giảm doanh số bán ô tô mới chưa từng xảy ra trước đây, kể cả trong năm khủng hoảng 1998”. Một phần ba số đại lý dự kiến sẽ đóng cửa.

Sự phụ thuộc vào nhập khẩu của kinh tế Nga sâu sắc đến mức do lệnh trừng phạt của phương Tây, khách hàng ở các tiệm làm tóc ở Nga giờ đây cũng không còn được tự do lựa chọn màu nhuộm mà mình ưa thích nữa vì những sản phẩm nhập khẩu đã bị chặn hầu như toàn bộ.

Kể từ khi xảy ra vụ sát nhập Crimea năm 2014, Nga từng phải đối phó với những lệnh trừng phạt cấp thấp bằng cách thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nỗ lực sản xuất nội địa hướng tới thay thế cho nhập khẩu từ nước ngoài. Sau 8 năm, chương trình này dường như đã không thu được kết quả nào khả quan.

Người đứng đầu Trung tâm phân tích Politgen, Yaroslav Ignatovsky, thừa nhận rằng không có hoạt động thay thế nhập khẩu nào được thực hiện hiệu quả trong 8 năm qua, còn Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko thậm chí đã rất ngạc nhiên khi phát hiện Nga không sản xuất được nhiều loại hàng hóa rất nhỏ bé...

Trong lĩnh vực công nghệ sản xuất vi mạch và phần mềm, các chuyên gia nhận định, nước Nga đang tụt hậu từ 10-15 năm so với phương Tây. Với những điều kiện như hiện tại, một số nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Nga có thể sẽ suy giảm 20% hoặc hơn nữa trong vài năm tới.

Những “lỗ hổng” trong bức màn phong tỏa

Vậy nền kinh tế Nga có thể bị tổn hại đến mức không chịu đựng nổi trước những tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt từ phương Tây hay không và như thế, có thể tác động trực tiếp đến (rút ngắn) cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine?

Câu trả lời là bất chấp những lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, cho đến lúc này, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng là cựu Tổng thống nước này - ông Dmitry Medvedev cho rằng, phương Tây "đánh giá thấp Moscow như thường lệ", đồng thời khẳng định, quốc gia này vẫn có thể tạo ra những "lỗ hổng" đáng kể trong "bức màn" phong tỏa trừng phạt.

Một trong những “lỗ hổng” đó là năng lượng. Về lâu dài, các biện pháp trừng phạt có thể tác động đến kinh tế Nga nhưng bằng cách vẫn tiếp tục mua năng lượng xuất khẩu của Nga, một số quốc gia áp dụng những biện pháp trừng phạt lại làm suy yếu chính các nỗ lực đó. Theo Edward Fishman, cựu chuyên gia về châu Âu trong Bộ Ngoại giao Mỹ thì các quốc gia châu Âu riêng lẻ đang hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng sự trợ giúp này không thể sánh được với các khoản thanh toán mà họ chuyển cho Nga để mua dầu và khí đốt.

Các chuyến vận chuyển dầu của Nga từ tháng 4 đến nay được tiến hành với tốc độ kỷ lục. Ngay cả tính đến chiết khấu lớn đối với dầu thô của Nga so với tiêu chuẩn toàn cầu, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt thậm chí còn khó hơn cắt giảm nhập khẩu dầu. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức đã ngừng hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga nhưng phần lớn khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu như trước đây. Việc vận chuyển bằng đường biển khí tự nhiên hóa lỏng để thay thế còn rất hạn chế trong khi việc chuyển sang các nhà sản xuất thay thế như Mỹ, Qatar hay Canada phải mất nhiều năm trời.

Nga cũng có thể đột phá vào một “lỗ hổng” khác: Tìm khách hàng mới. Xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng vọt trong tháng 4, với Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ và Italy mua nhiều nhất, phần còn lại của EU tiếp tục mua với số lượng ổn định. Sự gia tăng lớn nhất đến từ Ấn Độ, quốc gia đã tận dụng đợt giảm giá lớn của Nga để nhập 17 triệu thùng dầu thô Ural cao cấp chỉ trong 2 tháng vừa qua so với mức 12 triệu thùng của cả năm 2021. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Italy đều tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga...

Nền kinh tế Nga có thể phải chịu những thiệt hại thảm khốc do các lệnh trừng phạt hiện nay của phương Tây, thế nhưng đó là về lâu dài chứ không phải bây giờ. Câu hỏi lớn nhất là nền kinh tế Nga sẽ thích ứng được với tình trạng cô lập trong thời gian dài hay không? Đã rõ là những lệnh trừng phạt của phương Tây không đồng nghĩa với việc sẽ buộc được Nga ngay lập tức chấm dứt các hoạt động quân sự của mình tại Ukraine.

Tác động hiển hiện rõ nét nhất của những lệnh trừng phạt này ở thời điểm hiện tại, là chúng đưa cả hai phía vào tình thế “lưỡng bại câu thương”, cả hai bên đều tổn thất mà không có bên nào được lợi cả.

Yên Ba
.
.