“Lục địa đen” dưới những lời nguyện cầu

Thứ Ba, 25/10/2022, 19:02

Điều đáng sợ sẽ không chỉ là những ngọn lửa xung đột chưa bao giờ hoàn toàn được dập tắt trên vùng đất này. Điều đáng sợ hơn nữa còn là những cạm bẫy của lợi ích trong các viễn cảnh ngập tràn tươi sáng, nhưng lại ẩn chứa các nguy cơ làm hằn sâu thêm mâu thuẫn, hiềm khích hay thù hận ở “Lục địa đen”.

1. “Mất kiểm soát”, “hành động khẩn cấp” hay “lên án mạnh mẽ”... là những cụm từ mà Liên hợp quốc liên tục phải đưa ra trong những ngày gần đây về các biến động mới nhất đang thiêu cháy châu Phi.

Ngày 17/10, Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) thông báo: 2 binh sĩ thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình (Mũ nồi xanh) đã thiệt mạng, cùng 4 người khác trọng thương, sau khi chiếc xe chở họ cán phải thiết bị nổ tự chế ở miền Bắc Mali - nơi các phần tử Hồi giáo cực đoan, trong đó có một số có quan hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tiến hành những cuộc nổi dậy suốt cả thập kỷ qua.

MINUSMA là phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hứng chịu nhiều thương vong nhất trên thế giới. Hơn 175 thành viên của phái bộ này đã thiệt mạng do những hành động thù địch tại Mali. Ngày 18/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lên án mạnh mẽ những hành vi thù địch như thế, đồng thời nhấn mạnh: Theo luật pháp quốc tế, các cuộc tấn công nhằm vào Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có thể cấu thành tội phạm chiến tranh.

“Lục địa đen” dưới những lời nguyện cầu -0
Trữ lượng tài nguyên - bệ phóng hay cạm bẫy cho châu Phi?

Cùng ngày 17/10, ngài Antonio Guterres một lần nữa phải lên tiếng, để làm rõ rằng tình hình tại Ethiopia đang trở nên "mất kiểm soát", trong bối cảnh chính phủ nước này tuyên bố vẫn muốn tiếp tục triển khai các hoạt động ở khu vực phía Bắc Tigray, mặc dù trước đó Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi ngừng bắn.

Từ cuối năm 2020 tới nay, các cuộc giao tranh dai dẳng giữa quân đội Ethiopia (cùng đồng minh là các lực lượng vũ trang nước láng giềng Eritrea) với quân nổi dậy thuộc lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân (TPLF) ở Tigray đã khiến hơn 2 triệu người phải di tản và đẩy hàng trăm nghìn người Ethiopia rơi vào nguy cơ bị đói - một thảm họa nhân đạo thực thụ.

Đến ngày 19/10, Liên hợp quốc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tuyệt vọng: Cuộc xung đột tại Nam Sudan đang ngày càng trở nên phức tạp, cuộc sống của hàng triệu dân thường ngày càng khốn khổ hơn và rất cần những hành động khẩn cấp nhằm cứu vãn hòa bình cho quốc gia châu Phi này.

Như Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc tại Nam Sudan – ông Barney Afako cho biết: Hằng tháng, Liên hợp quốc chứng kiến hàng nghìn người dân vượt biên giới, chạy vào khu vực do Liên hợp quốc bảo hộ, hoặc chạy trốn khắp nơi nhằm trốn tránh tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng.

“Lục địa đen” dưới những lời nguyện cầu -0
MINUSMA - phái bộ gìn giữ hòa bình phải chịu nhiều tổn thất nhất.

2. Hiện trạng đau thương ấy, không phải ai khác, mọi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan đều có thể xác nhận.

Như Nguyễn Ngọc Trung, một người lính Mũ nồi xanh Việt Nam từng chia sẻ: “Mỗi chuyến thực hiện nhiệm vụ ở đây đều cực kỳ nguy hiểm. Có lần, đoàn xe tuần tra của Liên hợp quốc (bao gồm sự tham gia của các sĩ quan Việt Nam) bị tới 200 tay súng vây kín. Khi ấy, chỉ cần một phản ứng mất bình tĩnh, chỉ cần một sự kích động dù là nhỏ nhất, cũng khó có thể tưởng tượng hậu quả sẽ tồi tệ đến mức độ nào”. Anh cho biết thêm: “Hầu hết người dân Nam Sudan sống trong nghèo khó. 90% dân số thu nhập dưới 1 USD/ngày và có tới hơn 50% trẻ em không được đến trường”.

Nam Sudan, từ nhiều khía cạnh, có thể xem là một thí dụ tiêu biểu về sự khốn cùng đang đè nặng xuống không ít quốc gia châu Phi - những đất nước thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. “Lập quốc” sau một cuộc trưng cầu dân ý nhằm tách khỏi Sudan tháng 1/2011 và rồi chính thức tuyên bố độc lập tháng 7 cùng năm, vào thời ấy, hẳn đã có không ít công dân của đất nước non trẻ này mơ tới tương lai thịnh vượng. Trên lý thuyết, Nam Sudan là một quốc gia rất giàu tài nguyên. Họ là đất nước xuất khẩu gỗ tự nhiên có tiếng trên thị trường quốc tế. Họ nắm giữ 85% sản lượng dầu mỏ của toàn Sudan - một “túi dầu” đáng kể - trước đó. Họ còn sở hữu những mỏ quặng sắt, đồng, crôm, kẽm, wolfram, mica, bạc, vàng...

Song, dường như đó cũng chính là lý do để giấc mơ phồn vinh chưa thể trở thành hiện thực. Tách khỏi Sudan, Nam Sudan chưa hội tụ đủ cả những kỹ năng quản trị quốc gia, lẫn những kỹ thuật khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhất. Do đó, việc chào mời các tập đoàn xuyên quốc gia (đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí) trở thành tất yếu. Từ đó, lợi nhuận phần lớn thuộc về các tập đoàn ấy cũng là điều khó tránh khỏi. Và, cảnh sống cơ cực của người dân vẫn tiếp diễn, khoét sâu thêm những sự chia rẽ trong xã hội, cũng là điều không mấy bất ngờ (đặc biệt là trong bối cảnh còn tồn tại quá nhiều khoảng trống quyền lực).

“Lục địa đen” dưới những lời nguyện cầu -0
Việt Nam nỗ lực góp sức cùng Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, với đại diện là các chiến sĩ tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình

Như nhận xét của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Barney Afako, việc thực thi thỏa thuận hòa bình được khôi phục năm 2018 của Nam Sudan hết sức chậm chạp, do những mâu thuẫn dai dẳng giữa các bên liên quan về tỷ lệ phân bổ đại diện cũng như phân chia các nguồn tài nguyên.

Lộ trình hòa giải dân tộc (với một cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 2/2023) vẫn chỉ là kế hoạch trên giấy. Trong khi đó, chính phủ chuyển tiếp hiện tại tuyên bố hồi tháng 8/2022 rằng họ sẽ nắm quyền thêm 2 năm nữa.

Thực tế thì, theo đánh giá của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo hồi tháng 3, hơn 70% trong số 11 triệu dân Nam Sudan sẽ phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong năm nay, vì thiên tai và bạo lực.

Điều duy nhất Liên hợp quốc có thể cố gắng làm, đến lúc này, là vật lộn để có đủ nguồn tài chính cung cấp lương thực cho những người dân ấy, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng khác xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Hoặc là những vận động hay nỗ lực riêng lẻ, đơn cử như của các chiến sĩ Mũ nồi xanh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam - những người không mang theo đến Nam Sudan vũ khí, mà là những kiến thức canh tác lúa và rau màu, cố gắng đẩy lùi cái đói.

3. Vấn đề là, hiện tại, châu Phi có quá nhiều Nam Sudan. Xung đột hiện hữu khắp lục địa này và những “điểm nóng” mới cũng vẫn sẵn sàng tiếp tục xuất hiện.

Ở Bắc Phi, dự án đập thủy điện Đại Phục Hưng - mà qua đó, Ethiopia hy vọng sẽ đưa nền kinh tế của họ cất cánh với bệ phóng xuất khẩu điện - đang khiến cả hai nước láng giềng sông Nile là Ai Cập lẫn Sudan cực kỳ lo lắng, thậm chí đe dọa “sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết” về nguy cơ khan hiếm nước sạch mà đập Đại Phục Hưng mang tới. Trong khi đó, hàng loạt quốc gia Bắc Phi khác vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục sau những cơn bão tố mang tên “Mùa xuân Arab” 10 năm trước.

Còn ở Tây Phi, nơi mà phương Tây đang nhìn về với kỳ vọng sẽ thiết lập những mỏ cung cấp khí đốt mới thay thế nguồn cung truyền thống từ nước Nga, mọi chuyện còn mờ mịt hơn. Đơn cử, Mozambique dự kiến sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn, sau khi nhiều mỏ khai thác quan trọng được tìm thấy dọc theo bờ biển Ấn Ðộ Dương vào năm 2010.

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Pháp Total S.A đã đầu tư 20 tỷ USD vào đây. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đã buộc Total S.A phải hủy bỏ dự án vô thời hạn vào năm ngoái. Trong khi đó, Niegria - quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi – cũng mới chỉ xuất khẩu được lượng tài nguyên cực kỳ hạn chế, do hệ thống đường ống dẫn liên tục bị tấn công bởi các lực lượng vũ trang cực đoan.

Có một cái vòng luẩn quẩn ở đây: Trạng thái mất ổn định chính trị ngăn cản tiến trình phát triển kinh tế; tiến trình phát triển kinh tế trì trệ khiến đời sống của thường dân trở nên cực kỳ chật vật; đời sống chật vật khiến các xung đột và mâu thuẫn càng dễ dàng bùng phát; xung đột và mâu thuẫn bùng phát đương nhiên lại dẫn tới mất ổn định chính trị.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc chắc chắn nhìn thấy những nghịch lý ấy. Song, có lẽ là bởi quá nhiều rào cản chồng chéo từ những xung đột lợi ích phức tạp (từ chính các thiết chế quyền lực quốc tế), rất khó để làm được gì nhiều hơn ngoài việc thốt ra những lời kêu gọi mang bóng dáng của tiếng kinh cầu..

Đông Phong
.
.